Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

TƯ LIỆU LỊCH SỬ THAM KHẢO VỀ BÁC HỐ


Ông Hoàng Tùng (1920-2010) là một đảng viên CS lão thành, đã từng tham gia CM rất sớm và từng bị thực dân Pháp cầm tù. Sau thắng lợi của CM tháng Tám (1945), ông được TW Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách quan trọng như: Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Th.ủy Hà Nội, Bí thư Hải Phòng. . . rồi Chánh VPTW Đảng, TBT báo Nhân Dân. 

Với những cương vị công tác của mình, ông Hoàng Tùng có may mắn được dự hầu hết các phiên họp Bộ Chính trị hay Ban Bí thư, nên được biết nhiều thông tin và tham dự nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và đất nước trong những giai đoạn Lịch sử quan trọng. Ông có để lại những trang viết mang tính cá nhân về Bác Hồ, vị lãnh tụ mà ông hết sức kính trọng và may mắn có thời gian gần gũi bên Người. Qua những trang viết của ông (dù chưa được kiểm chứng về độ xác thực), hậu thế có thêm một kênh thông tin lịch sử rất thú vị về nhiều sự kiện đã xảy ra trong quá trình từ khi nước Việt Nam DCCH được thành lập, đến sau những năm 1950, 1954. Tác giả đã nhấn mạnh ”đây là chứng từ của một người trong cuộc, cấp cao, bước vào tuổi gần đất xa trời, muốn chia sẻ một số thông tin hay suy nghĩ không nằm trong những văn kiện chính thức, về mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc.
I-Tiểu sử: Ông Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14 tháng 1 năm 1920; quê quán xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Năm 1935, ông tham gia phong trào công nhân chống Pháp ở Cẩm Phả, bị bắt tù và được đ/c Lê Ðức Thọ giới thiệu giúp việc cho Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Nam Ðịnh.
Từ năm 1937, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Ðoàn Thanh niên Dân chủ và sau đó là Ðoàn Thanh niên phản đế; phụ trách tổ chức đoàn thanh niên tại thành phố Nam Ðịnh.
Tháng 6 năm 1940, ông bị bắt, bị tòa án chính quyền đương thời kết án 5 năm tù khổ sai và giam giữ tại nhà tù Sơn La.
Tháng 11 năm 1943, ông gia nhập vào Ðảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ nhà tù Sơn La.
Sau cuộc đảo chính của Nhật, ông tham gia lãnh đạo những người tù chính trị phá bỏ nhà tù, vượt ngục về địa phương hoạt động.
Tháng 4 năm 1945, trở về Bắc Ninh hoạt động, đã tích cực mở rộng phong trào quần chúng lao động và xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuẩn bị khởi nghĩa và được chỉ định tham gia vào Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 5 năm 1945, ông được phân công về tham gia Ban Chỉ đạo khu an toàn của Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, sau đó làm Bí thư Đảng của Ban Chỉ đạo khu an toàn của Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam.
2-Công tác Đảng và chính quyền.
Tháng 8 năm 1945, ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội và được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng khi mới 25 tuổi. Trong những ngày đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác của Đảng.
Tháng 10 năm 1945, ông làm Ủy viên Xử ủy Bắc kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay ông Trần Danh Tuyên.
Tháng 4 năm 1946, ông làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng thay ông Lê Quang Đạo về làm Bí thư Thành úy Hà Nội.
Tháng 8 năm 1946, ông làm Xử ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 2 năm 1947, ông làm Phó Bí thư Khu ủy III (Khu Tả ngạn Sông Hồng).
Tháng 1 năm 1948, ông làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Thư ký Tạp chí "Sinh hoạt nội bộ" của Ðảng.
Tháng 6 năm 1948, ông làm Phó Trưởng ban Thi đua Trung ương.
Tháng 1 năm 1950, ông làm Chủ nhiệm Báo "Sự thật" của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Ðầu năm 1951, ông phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh.
Từ tháng 8 năm 1951 đến tháng 3 năm 1953, ông đi học lý luận ở Trung Quốc cùng ông Nguyễn Duy Thân (tức Thân “Mỡ”-người tham gia chỉ đạo khởi nghĩa trong CM-8-1945 ở Hà Nội).
Tháng 4 năm 1953, ông làm Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng.
Từ tháng 2 năm 1954 đến năm 1982, ông làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, là Tổng biên tập báo Đảng lâu nhất; từ năm 1968 ông kiêm chức Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương.
Tại Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam III, ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Khóa III (1960-1976).
Tại Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam IV, ông tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa IV (1976 – 1982).
Năm 1980, ông làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương.
Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ V của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa V (1982-1986), được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Ban Bí thư và được phân công phụ trách công tác tư tưởng, thôi giữ chức vụ Tổng biên tập báo Nhân dân.
Tháng 4 năm 1987 đến năm 1989, làm Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật.
Ông là đại biểu Quốc hội các khóa III (1964-1971), IV (1971-1975), V (1975-1976), VI (1976-1981), VII (1981-1987).
Ông về nghỉ hưu, sống tại số nhà 6B Ðường Thành, phường Cửa Ðông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010 (tức ngày 18-5 năm Canh Dần), ông mất (15 giờ 20 phút) tại Hà Nội; hưởng thọ 91 tuổi. An táng ngày 2 tháng 7 năm 2010 tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.


II- NHỮNG KỶ NIỆM VỚI BÁC HỒ.1-Những ngày đầu thành lập nước Việt Nam DCCH và mối quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc.
-Vì quan hệ của ta với Trung Quốc và Liên Xô không được thuận tiện, cho nên khi chính quyền của ta được thành lập (1945), thì hai nước đều không công nhận. Trung Quốc thì quan hệ không chính thức. Hai người sang ta đầu tiên nhân danh Đảng mà cũng là Đảng địa phương thôi, đó là Chu Nam và Trang Điền. Một người là chính uỷ, một người là tư lệnh quân khu Hoa Nam sang nhờ ta giúp họ tiễu phỉ ở Thập Đại Vạn Sơn. Sau đó ta có cử một trung đoàn do Lê Quảng Ba phụ trách sang Trung Quốc. Các đồng chí Việt Nam ở Diên An và Trung Quốc sau khi thấy cách mạng Việt Nam thắng lợi thì xin về. Lúc đầu là Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Sơn, Lý Ban, Trương Ái Dân, Cao Tử Kiến. Trương Ái Dân trong thời gian kháng chiến chống Pháp làm công tác công vận ở Liên khu III do tôi phụ trách. Đồng chí ấy nói với tôi rằng, sau cuộc khủng bố của Pháp năm 1930-31, đồng chí ấy sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, được đi Diên An. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được về nước cùng với một số người nói ở trên. Cao Tử Kiến công tác ở Yên Bái trong thời gian kháng chiến chống Pháp.
Sau khởi nghĩa (tháng 8/1945), ta mở một lớp huấn luyện ở Vạn Phúc (Hà Đông) cho cán bộ học. Nghe anh Lê Đức Thọ nói lại là trong số cán bộ giảng bài có có Hồng Lĩnh (tức Nguyễn Khánh Toàn) nói chẳng ai hiểu gì cả. Sau tôi nghe mấy người khác nói ông ta là một giáo sư giỏi lắm. Cả Bùi Công Trừng đi học ở Liên Xô về nói cũng thế cả.
-Về quan hệ với Liên Xô, tôi biết Liên Xô, nhất là Stalin coi Bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương từ năm 1928. Sau lại thêm việc Bác bị bắt ở Hồng Kông rồi lại được thả, khiến Liên Xô nghi ngờ. Stalin không hiểu được lại có những người như luật sư Loseby đã vì tình mà vận động cứu Bác. Lại thêm việc Hà Huy Tập báo cáo. Anh Lê Duẩn có nói với tôi là Hà Huy Tập báo cáo với BCH Quốc tế Cộng sản về việc mật thám đưa bà Thanh đi Trung Quốc tìm Nguyễn Ái Quốc và ra nghị quyết phê phán sai lầm dân tộc chủ nghĩa cải lương của Nguyễn Ái Quốc.
-Bác đến Liên Xô năm 1934-38 chỉ làm công tác ở Ban thuộc địa của Quốc tế cộng sản, không được giao nhiệm vụ cụ thể. Người được giao nghiên cứu làm luận án phó tiến sĩ về vấn đề thuộc địa. Bác xin được làm nhưng không được trả lời. Người xin về nước. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người không tham gia đoàn đại biểu Đảng ta, chỉ là đại biểu dự thính. Liên Xô vẫn cho rằng Việt Minh là một thế lực dân tộc chủ nghĩa. Họ không thấy Đảng Cộng sản đâu, và vì sao Đảng Cộng sản giải tán.
Năm 1948, cả hai nước Liên Xô và Trung Quốc đều tìm hiểu xem bản chất chính trị của chính thể Việt Nam DCCH là gì. Đảng ta cử Nguyễn Chương (cùng ở Xứ uỷ với tôi) làm phó cho Lê Đức Thọ sang Xiêm (Thái Lan) củng cố lại tổ chức bí mật của ta ở đó. Nội tình trong Khu uỷ của Khu bốn, mọi người mâu thuẫn với nhau, mà toàn những lão thành cả như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Dực. Ông Hoàng Văn Hoan thì nổi tiếng về những chuyện kèn cựa ngay từ đầu. Ta cử Hoàng Văn Hoan bàn với Nguyễn Chương (có thể là do gợi ý của Trung Quốc) là cử Nguyễn Chương sang Trung Quốc để nghiên cứu. Nhưng thực tế Trung Quốc muốn qua Nguyễn Chương để tìm hiểu tình hình Việt Nam. Nguyễn Chương đến Trung Quốc báo cáo tình hình. Phương hướng báo cáo cũng hữu khuynh đúng như họ đánh giá, nói là ta dân tộc chủ nghĩa, đề cao địa chủ quan lại, không nêu cao vai trò của Đảng và liên minh công nông.
-Đại diện của Liên Xô ở Praha (Tiệp Khắc) gặp hai đại diện của ta là Trần Văn Danh (em ruột đ/c Trần Phú) và Lê Hy hỏi tình hình. Hai người này nói cũng khớp với Nguyễn Chương nói. Nói khớp như nhau bởi vì chúng tôi lúc đầu nghiên cứu theo cương lĩnh của đồng chí Trần Phú, nghĩa là cương lĩnh thứ hai của Quốc tế Cộng sản, tức là làm cách mạng tư sản dân quyền, lấy công nông làm trụ cột, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lập chính quyền xô viết…
-Chỉ đến khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi (1949), Bác trực tiếp sang mới trình bày rõ vấn đề. Việc này tôi không được nghe trực tiếp, nghe anh Lê Văn Lương nói lại. Khi gặp Bác, Lưu Thiếu Kỳ nói ngay rằng: “Các đồng chí giải tán Đảng, các đồng chí tưởng lừa được địch, nhưng địch không lừa được mà lại lừa chính chúng tôi, vì chúng tôi hiểu rằng các đồng chí giải tán Đảng thật. Còn địch nó thừa hiểu các đồng chí không giải tán Đảng”.
Hôm tuyên bố giải tán Đảng tôi không được dự, nhưng nghe nói lại rằng, quyết định này của Bác thật là táo bạo. Lúc đó không làm thế cũng nguy, vì âm mưu của Tưởng là đánh đổ Cộng sản. Với bọn Lư Hán, Tiêu Văn, Đảng Cộng sản tồn tại là nó chết, vì sẽ bị Tưởng trị. Nên ta mới lập mẹo tuyên bố giải tán Đảng, chỉ tuyên bố về danh nghĩa mà thôi, còn trên thực tế Đảng vẫn tồn tại. Khi đưa ra bản tuyên bố giải tán Đảng ở Thường vụ, người không tán thành nhất là đồng chí Trường Chinh. Sau đó bọn Tưởng không có lí do gì thúc ép ta nữa, khi Đảng đã tuyên bố giải tán.
-Sang Trung Quốc, Mao đưa Bác vào quỹ đạo của Mao. Sang tới Liên Xô, Stalin lại đưa Bác vào quỹ đạo của Stalin. Chuyến đi Trung quốc và Liên xô năm 1950 của Bác là chuyến đi gian khổ. Khi đó Stalin nói: “Bây giờ cách mạng Trung quốc thành công rồi, Trung quốc có trách nhiệm giúp đỡ các nước phương Đông, cũng như Liên xô có trách nhiệm giúp đỡ các nước châu Âu và châu Mỹ”. LÃNH ĐẠO ĐCS Trung Quốc CHO NHƯ THẾ LÀ Quốc tế cộng sản đã phân công Trung quốc phụ trách châu Á. Bám vào ý kiến ấy, sau này Trung Quốc coi như là người đỡ đầu ta. Tôi cho rằng vì lý do đó như thế mà mấy lần Bác từ chối làm Tổng Bí thư. Ngoài việc Ban chấp hành Trung ương trong nước chỉ định đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, có lẽ Bác cho rằng nếu Bác nhận làm Tổng Bí thư thì Liên xô sẽ gây chuyện.
-Ngay từ năm 1932, ở Đại hội Đảng ta lần thứ nhất ở Macao, Hà Huy Tập đã phê phán Bác như Quốc tế Cộng sản đã phê. Bác không nhận là chủ tịch nước cũng là thật lòng chứ không khách khí. Sau này anh Lê Đức Thọ nói với tôi rằng khi đề nghị Bác làm Chủ tịch nước Bác từ chối mãi, Bác nói: “Mình là Chủ tịch nước à? mình chỉ đứng đằng sau thôi, còn tìm người khác làm. Bác thực sự vì cách mạng chứ không vì mình.
-(Còn nữa)

Không có nhận xét nào: