Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Bài phát biểu của thầy Phạm Đình Trọng trong lễ giới thiệu sách "Minh chứng..." tại TPHCM

Kính thưa quí vị đại biểu
Các em học sinh thân mến.

Khoảng gần 20 năm trở lại đây, thày cô giáo và học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thuộc Tổng cục Chính trị QĐND VN đã dồn sức tổ chức thành công 4 quyển sách truyền thống, tổng cộng hơn 3000 trang, mang tựa đề “SINH RA TRONG KHÓI LỬA”. Trong quá trình làm sách, càng ngày, thày trò chúng tôi càng có một nguyện vọng lớn và tha thiết là sách của mình đến được với bạn đọc TQ, nhất là đến được tay nhân dân hai thành phố Quế Lâm-Nam Ninh, mà ở đó có những người cha người mẹ, người bạn thân thiết của chúng tôi; bởi họ là những người cách đây nửa thế kỉ từng thắt lưng buộc bụng nhường cơm xẻ áo cho thày trò trường Nguyễn Văn Trỗi nói riêng, trường VN tá túc ở Quảng Tây nói chung, trong lúc VN tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ.
Giờ đây, với cuốn sách quí báu “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt”, ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực.



Tháng 5 năm 2010, có một đoàn đại biểu của trường Nguyễn Văn Trỗi  sang Quảng Tây thăm lại cảnh cũ người xưa. Tại Nam Ninh, đoàn đã được GS Hoàng Tranh, GS Nông Lập Phu và các nhà trí thức nổi tiếng khác của TQ tiếp thân mật. Trong buổi giao lưu ấy, các vị học giả TQ cho biết các bạn đang có ý định ra cuốn sách thứ 3 nói về tình hữu nghị Trung –Việt, trong đó sẽ tuyển chọn nhiều bài trong các tập SRTKL của trường Nguyễn Văn Trỗi. Đây thực sự là một ý tưởng hay, là một tin  vui lớn với chúng tôi. Nhưng quả thật, làm sách vừa đúng vừa hay đã khó; cuốn sách ấy dính đến hai nước, hai dân tộc thì lại càng khó hơn!
Về nước không lâu, chúng tôi nhận được tin các bạn TQ đã xin được phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thành lập xong một Ban biên tập đồ sộ gồm những nhà trí thức uy tín của TQ, không chỉ có tâm huyết vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta mà còn có trí tuệ mẫn tiệp, khả năng tổ chức cao và kinh nghiệm phong phú để biến ý tướng thành kết quả cụ thể. Một lộ trình khoa học, chặt chẽ được vạch ra và hành động triển khai rất khẩn trương; một đường dây liên lạc giữa Ban Biên tập và Ban Liên lạc trường Nguyễn Văn Trỗi được gắn kết. Năm 2013, một tổ công tác do Ban Biên tập phái sang VN, đi từ Hà Nội tới Tp HCM để sưu tầm hiện vật, hình ảnh lịch sử và lấy tài liệu bổ sung cho cuốn sách.
Và bây giờ, trước mắt quí vị là cuốn sách nói về tình hữu nghị giữa hai nước, nội dung phong phú-hấp dẫn và hình thức sang trọng.
Đây là đứa con tinh thần rất quí của chúng ta. Nó cho người đọc một góc nhìn mới, sáng tạo và độc đáo về tình hữu nghị Trung-Việt – Việt-Trung. Tôi nói “góc nhìn mới” là bởi vì bài ca về tình hữu nghị đó cất lên chủ yếu là từ miệng các em học sinh Việt-Trung, giữ nguyên giọng điệu của lứa tuổi tuổi từ 13 đến 16, tức là ở miệng những “Thiên thần”. Đúng như anh Cao Cẩm Quì viết trong bài “Tôi với trường Nguyễn Văn Trỗi”: Học sinh Trường Y-trung và học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi cùng trang lứa. Lúc ấy, họ chưa được hướng dẫn gì về ứng xử đối ngoại mang tính bang giao. Các em sống hồn nhiên, vô tư, trong veo và khoáng đạt, chẳng phân biệt quốc tịch gì. Lính Trỗi coi thày cô Y-trung như thày cô của trường nhà, kết bạn với chi em họ Mã, chị em họ Thịnh, với  Cao Cẩm Quì bằng tất cả sự chân thành, trong sáng tuổi ấu thơ, ăn cơm, xin quà bà mẹ TQ như với mẹ ruột mình... Khi viết cho sách SRTKL, các em học sinh Trỗi xưa, nay dù đã là ông nội, ông ngoại thì vẫn đắm mình trong kỉ niệm măng tơ thuở nào và ngòi bút cũng mang sức trẻ, tính thơ ngây thuở ấy. Ban Biên tập đã chọn những bài giàu chất “hữu nghị-trẻ thơ” cho cuốn sách “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt”.  Chính điều này tạo nên cái hay, cái lạ của cuốn sách.  Có thể nói: “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt” với sự độc đáo riêng, là một đóng góp không nhỏ vun đắp mối quan hệ tột đẹp giữa hai nước chúng ta.
Với ý nghĩa đó, thay mặt giáo viên, công nhân viên và học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi, tôi xin cảm ơn lãnh đạo cơ quan chức năng của Nhà nước TQ và VN đã cho phép và tạo thuận lợi trong quá trình làm sách. Đặc biệt cảm ơn Ban Biên tập đã công phu làm nên cuốn sách vừa đúng vừa hay nói về tình hữu nghị Trung Việt.

Thứ hai, “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt” là cuốn song ngữ tiếng Trung và tiếng Việt. Do đó, thành công của cuốn sách phải kể tới sự đóng góp to lớn của các nhà chuyển ngữ.
Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, đặc biệt là họ có những từ ngữ thuần khiết, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn chương càng hay thì càng khó dịch. Bác Hồ viết “Nhật ký trong tù” bằng chữ Hán. VN đã chọn người giỏi Hán-Nôm nhất dịch “Ngục trung nhật ký” nhưng vẫn có câu, có từ chưa đạt. Chẳng hạn, bài “Giải đi sớm” (Tảo giải), có câu “Nghinh diện thu phong trận trận hàn” dịch thành “Rát mặt đêm thu trận gió hàn”. “Nghinh diện” dịch thành “Rát mặt”, “trận trận hàn” dịch thành “trận gió hàn”, theo tôi, chưa sát và chưa hay.
Thày trò trường Nguyễn Văn Trỗi cũng như các bạn TQ viết hồi ức không chú ý lắm đến văn chương chữ nghĩa nhưng do tâm huyết mà có những chữ nhưng câu, những ý hay, không dễ chuyển ngữ. Chẳng hạn câu thơ sau đây trong bài Về lại Quế Lâm của Trần Chí Thọ:
Nắng cuối mùa hao hanh đồng cỏ úa
Hương thạch thảo lùa trong đêm trở gió
Vầng trăng lên ngầu đỏ cả chân trời…
Một ví dụ khác, bài Hai lần tiếp Hồng vệ binh, bản thảo lần 1, từ tiếp được chuyển ngữ là đối diện. Trong tiếng Việt, từ đối diện, diện đối diện có ý “găng”, khác với từ tiếp nhiều. Tôi khoanh tròn, suy nghĩ rồi đề nghị dịch giả nghiên cứu lại, có thể dùng từ tiếp hay tiếp xúc không? Nhưng từ tiếp đặt trong câu “Dữ Hồng vệ binh nhị thứ tiếp” thì nó cụt cụt thế nào ấy. Đến bản thảo 2, thấy dịch gỉa chấp nhận từ tiếp xúc. Thực ra trong ngôn ngữ Việt, từ tiếp và tiếp xúc, nội hàm không thật giống nhau. Cũng trong bài này, cuối bài có từ “bá cháy”. Bá cháy là từ mới, là tiếng lóng; nó lại đặt trong văn cảnh bác nông dân TQ chơi chữ, nên càng khó dịch. Ấy là khi anh bạn trẻ TQ yêu cầu các em VN tuổi 13-14 “Treo cao chính trị”, thì bác nông dân TQ can thiệp bằng một câu bá cháy-quá tuyệt: “Con nít làm sao treo cao!”.
Tôi lấy vài ví dụ như thế để muốn nhấn mạnh sự vất vả của các nhà chuyển ngữ đã tham gia dịch các bài trong cuốn sách này, từ Việt sang Trung và từ Trung sang Việt.
Tôi trân trọng nhờ chị Tần Hiểu Khiết chuyển lời cảm ơn tới các anh chị đã tham gia dịch các bài và chú thích ảnh, đóng góp công sức cho sự thành công của cuốn sách “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt”.

Thứ 3, cuốn sách “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt” đạt tới mức  hoàn hảo phải kể tới sự lao động vất vả của các nhà kỹ thuật chế bản và công nhân in ấn. Tôi xin thay mặt cho thày và trò trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi gửi lời cảm ơn tới các anh chị em làm nhiệm vụ in ấn, xuất bản, phát hành TQ. Các anh các chị, với tình cảm thắm thiết Trung Việt, với nhiệt tình bền vững lâu đời, đã làm thật tốt công tác kỹ thuật để quyển sách đạt chất lượng tốt nhất và tới tay bạn đọc nhanh nhất.
Cuối cùng, chúng ta cùng cảm ơn nền công nghiệp kỹ thuật số hiện đại đã góp phần quan trọng cho thành công của cuốn sách. Nếu không có “thế giới phẳng” co ngắn không gian và thời gian, chắc chắn chúng ta không thể tiến hành công việc vừa nhanh vừa chính xác được. Các bạn thử tưởng tượng, nếu chúng ta phải đóng chồng bản thảo giấy dầy cả ngàn trang cùng với ảnh gốc, rồi nhờ bưu điện hai nước chuyển thì mấy tháng, thậm chí cả mấy năm mới có bản thảo cuối cùng? Bây giờ, nhờ đường chuyền kỹ thuật số, các bạn TQ và VN chỉ cần “nháy chuột” là trước mặt đã có thư, bài. Rất nhiều bức thư của GS Hoàng Tranh, GS Nông Lập Phu, của anh Đỗ Kiếm Tuyên, anh Lưu Đào hay chị Lư Mỹ Niệm…, rất ngắn gọn, thống kê toàn công việc mà như ẩn chứa tình cảm sâu nặng, đến với chúng tôi rất nhanh và động viên rất nhiều. Nhiều lần nửa đêm mở máy, thấy anh Trần Kiến Quốc chuyển thư của các anh chị TQ, tôi ngồi rất lâu để nhâm nhi thưởng thức và bồi hồi với kỉ niệm xưa…

***
Kính thưa quí vị đại biều,
Các em học sinh thân mến.
Một lần nữa xin được cảm ơn các vị lãnh đạo TQ và VN, đặc biệt cảm ơn Ban Biên tập, các dịch giả và anh chị em công nhân TQ đã tổ chức thành công quyển “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung Việt”. Đứa con tinh thần quí giá này góp phần tô thắm cho câu nói đã đi vào tâm khảm nhân dân hai nước: “Tình hữu nghị Việt Trung mãi mãi xanh tươi”.
Xin cảm ơn!

Tp Hồ Chí Minh, ngày 31-10-2016

Không có nhận xét nào: