Người Việt Nam biết rất ít về ông Trump nhưng biết khá nhiều về bà Clinton. Họ biết vì bà đến đất nước này nhiều lần trên những cương vị khác nhau. Họ biết vì tính cách mạnh mẽ mà bà thể hiện khi đứng trước những vấn đề nan giải toàn cầu cũng như của riêng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao của một nước lớn có trách nhiệm. Họ biết vì bà thân thiện với Việt Nam.
Bởi vậy, nếu cuộc bầu cử vừa rồi được thực hiện ở Việt Nam, bà sẽ lấy được tuyệt đại đa số phiếu bầu. Tôi dám chắc.
Phát biểu thừa nhận thất bại sau cuộc bầu cử, bà Clinton nói rằng nỗi đau này sẽ còn kéo dài. Tôi tin. Bao nhiêu dự kiến với nước Mỹ và với cả thế giới phút chốc đổ sụp. Người thắng trong cuộc tranh cử với bà chắc chắn có một chương trình khác, chưa biết sẽ ra sao. Mong bà hãy giữ gìn sức khỏe và xin được gửi lại bà câu nói của Tổng thống Obama đêm trước cuộc bỏ phiếu: “Bất luận điều gì xảy ra thì mặt trời vẫn mọc vào buổi sớm” (No matter what happens, the sun wil rise in the morning).
Nước Mỹ đã có một Tổng thống mới, thứ 45. Nhưng nền chính trị nước này sẽ còn lâu dài lật đi lật lại nhiều câu hỏi, và lại có nhiều người sẽ lấy được học vị tiến sĩ xung quanh cuộc bầu cử “khốc liệt và gây chia rẽ nhất” đất nước. Quá nhiều vấn đề phải nói là thú vị cho các nhà nghiên cứu.
Với tôi, có hai nguyên nhân chưa được bàn nhiều xung quanh sự thắng lợi của ông Trump.
Thứ nhất, có phải sau một chu kỳ toàn cầu hóa, thế giới và nước Mỹ đang dịch chuyển về phía chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc, được khích lệ bằng tư tưởng dân túy? Thứ này vốn vẫn sẵn ở Nga và Trung Quốc, bây giờ trở thành trào lưu ở phương tây. Ông Trump đã không ngần ngại tuyên bố: “Đây không phải là một cuộc vận động bầu cử mà là một phong trào”. Và kết quả của phong trào ấy được thể hiện không chỉ qua cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ (và Philippines), mà trước đó còn là “Brexit” ở Anh. Nó cũng lan nhanh đến Đức và Pháp… Le Pen đã chẳng phải là người đầu tiền chúc mừng ông Trump đó sao?
Thứ hai, để tư tưởng này được truyền bá và truyền bá nhanh và rộng, người ta dùng mạng thay vì các phương tiện truyền thông đại chúng kinh điển, điều có lẽ gây bất ngờ cho “bộ chỉ huy” vận động tranh cử của Clinton, mặc dù họ đã từng biết vai trò rất tích cực của nó qua các cuộc Mùa xuân Ả Rập, cách mạng hoa và ngay trong lòng nước Mỹ ở “Occupy Wall street” hồi nào?
Tôi phải cộng thêm vào đây một điều mà có lẽ ít ai để ý. Ông Trump luôn tỏ ra ngờ vực có sự gian lận trong quá trình bầu cử và kiểm phiếu (điều có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong nền dân chủ minh bạch Mỹ). Vào cuối cuộc bầu cử ông lại còn ca cẩm về sự hoài phí tiền của nếu không đắc cử? Phải chăng ông muốn nghi binh đánh lạc hướng khi ông và đội ngũ giỏi giang của mình (phải thừa nhận điều này) đã đọc được những tín hiệu và bằng chứng khá chắc chắn của thắng lợi? Tôi nghĩ vậy.
Thế giới và nước Mỹ từng quản ngại và cũng không tin ông Trump sẽ đắc cử nên có vẻ đã không sẵn sàng cho sự kiện này. Bây giờ họ phải thích ứng và ông Tổng thống cũng vậy. Các động thái đầu tiên cho thấy những dấu hiệu tích cực. Đã nắm chắc cương vị Tổng thống, ông Trump cũng không còn phải tìm mọi cách lấy lòng cử tri nhưng với ông, chắc chắn sẽ là một nước Mỹ rất khác. Dù là một nước Mỹ như thế nào thì đó vẫn phải là một quốc gia vĩ đại như khẩu hiệu tranh cử của ông. Tôi xin gửi đến ông mệnh đề thứ hai trong câu nói của Tổng thống Obama đêm trước ngày bầu cử: “Và nước Mỹ vẫn sẽ là dân tộc vĩ đại nhất trên trái đất này” ( And the America wil still be the greatest nation on earth). Xin chúc điều này cho nước Mỹ.
Trong quá trình tranh cử, ông tân Tổng thống đề cập rất ít đến Việt Nam. Cũng không hẳn là tiêu cực khi ông cho rằng Việt Nam ( cùng một vài nước khác) đã lấy bớt đi công ăn việc làm của người Mỹ. Ông sẽ có điều kiện để xem ý kiến đó của mình có đúng không. Hi vọng ông sớm có chuyến thăm đất nước này.
Khi lần đầu tiên theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ qua truyền hình trực tiếp,ấn tượng nhất đối với người Việt ở trong nước Việt là được biết thế nào là dân chủ.
Tôi vốn không hứng thú lắm với chế độ hai đảng thay nhau cầm quyền. Các nước Anh, Úc, Ấn, Đức, Pháp… đều cũng như vậy. Nhưng các nước này theo chế độ đại nghị ( Pháp có phiên bản riêng), người dân không trực tiếp bầu ra nguyên thủ quốc gia. Mỹ thì khác, mỗi người một lá phiếu đi tìm Tổng thống, và tôi đã thay đổi ý nghĩ khi theo dõi cuộc bầu cử này. Sự cạnh tranh quyết liệt, sự so kè một chín một mười giữa các ứng cử viên đã khiến lá phiếu của mỗi công dân đều được tôn trọng, được đề cao, được cầu cạnh và họ tự thấy mình có trách nhiệm, có vị trí trong sơ đồ quyền lực. Họ không cho rằng mình bị chìm lấp trong triệu triệu cử tri và chẳng có nghĩa lý gì như khi sử dụng lá phiếu ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, người ta đi bầu cho xong, cho mục đích địa phương mình được tuyên dương có 99,99% công dân đã đến phòng bỏ phiếu, như trong mỗi kỳ bầu cử quốc hội. Tổng bí thư Đảng Cộng sản trên thực tế là nguyên thủ quốc gia, thậm chí còn cao hơn nguyên thủ khi ông thích tham gia Đảng ủy nào thì cứ việc vào ( mà ở Việt Nam, Đảng quyết định tất cả). Trong khi đó, chức “nguyên thủ” này không những không do người dân quyết định mà chỉ do vài người– thậm chí một người – lựa chọn, kín kín hở hở. Và người sẽ trở thành “nguyên thủ” lại phải cùng dòng tuyên huấn xây dựng đảng mới là. Tài giỏi thế nào không ai biết, chỉ biết có khi viết một bài báo còn đổ cả văn phạm lẫn chính tả. Buồn và nản cho dân tộc./.
2 nhận xét:
Hay!
Rất thú vỵ khi đọc bài này.
Người dân Mỹ dược quyền lưạ chọn Tổng thống của mình ,đó là biểu hiện cao nhất của nền dân làm chủ.
Người Mỹ rất thực dụng và họ biết chon người "họ cần" chứ không phải người "họ thích". Lột bỏ lớp áo ngôn ngữ, loại bỏ các tấm phông ngợi ca hay chưởi bới của giới truyền thông, đọc kỹ các chủ trương cơ bản nhất của cả 2 ứng viên ta sẽ hiểu vì sao Trump được chọn. Cuộc vận động thực hiện trong một thời gian khá dài, công khai minh bạch đủ để người dân "nghe, suy nghĩ và lựa chon". Các trò moi móc chưởi bới nhau làm hình ảnh cuộc vận động bầu cử không đẹp nhưng lại giúp người dân hiểu đúng về ứng viên.
Đăng nhận xét