Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

KỂ CHUYỆN HÀ NỘI: Làng tôi (Tiến "gù")

Quê tôi là làng Hòe Thị ( tên tục là Làng Canh , có Chợ Canh thuộc vào loại chợ huyện ) , ngày xưa là Tổng Phương Canh ( nay là Xã Xuân Phương ) , Huyện Từ Liêm , Phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông , từ năm 1956 thì thuộc về Hà nội . Từ Hà nội về làng tôi phải đi qua làng Thị Cấm , tên của hai làng này có sự tích từ thời Hùng Vương và liên quan đến Thành Hoàng làng của hai làng .
Chuyện cổ kể lại rằng :

Ngày xưa , thời Hùng Vương , có một vị tướng là Phan Tây Nhạc đánh giặc bị thương rất nặng , rút quân về qua làng , người vị tướng đầy máu me , ông vào một quán hàng ven đường nghỉ tạm , người đàn bà bán hàng trông thấy thế sợ quá bị cấm khẩu , ai hỏi gì cũng không nói được , vị tướng thấy thế bèn gọi làng này là “Thị Câm” sau dân gian đổi ra thành “Thị Cấm” . Vị tướng đi tiếp lên làng tôi , vì vết thương quá nặng không đi được nữa , thấy một người đàn bà đứng ở gốc cây hòe , quan binh vào hỏi cho vị tướng nghỉ nhờ , người đàn bà vội thu xếp chỗ nghỉ cho Ngài , nhưng vì vết thương quá nặng , Ngài đã hy sinh tại làng tôi , để nhớ người đàn bà hảo tâm đó , quan binh gọi làng tôi là làng Hòe Thị . Ông Phan Tây Nhạc được dân làng tôi và làng Thị Cấm thờ làm Thành Hoàng làng .

Nấu cơm thi
Đến Tết vào ngày 08/01 âm lịch bao giờ cũng có rước từ Thị Cấm lên làng tôi làm lễ Thành Hoàng sau lại rước về và có hội “Nấu cơm thi” ( diễn lại cảnh dân làng nấu cơm cung cấp cho quan binh thời xưa ).
Khoảng gần chục năm trở lại đây quê tôi có khôi phục lại lễ này nhưng “tam sao thất bổn” nhiều , không thú vị như ngày xưa . Do đó tiện đây tôi xin kể “chuyện thổi cơm thi ngày xưa”.
Thổi cơm thi ngày xưa
Người tham gia : Một người một bếp , người dự thi là phụ nữ đã có con , khỏe mạnh , nhanh nhen .
Dụng cụ và nguyên vật liệu được phát :
-          Một nồi đồng điếu nhỏ đủ thổi cơm cho 3 người ăn .
-          Một bó lúa chin còn nguyên bông .
-          Một cối đá , một chầy giã tay .
-          Hai cây mía .
-          Một đôi đũa nhỏ , một đôi đũa cả .
-          Một nắm bùi nhùi đã có lửa .
-          Quan trọng nhất : Một đứa trẻ con lạ ( không phải con cháu của người dự thi ) chừng 2-3 tuổi
Nhiệm vụ người dự thi là : Vừa dỗ đứa trẻ con ( gặp đứa trẻ hư có khi còn phải bế èo ẽo ), vừa tuốt lúa , vừa giã gạo , lại vừa phải ăn mía rít thật kiệt nước mía sao cho bã mía khô dùng bã mía cộng với rơm của bó lúa vừa tuốt làm củi đun , sau đó bế con chạy ra giếng làng cách đấy chừng 100m lấy nước vào nồi , thổi cơm . Ai thổi cơm được nhanh nhất , chin đều ngon nhất , đứa bé khóc ít nhất là thắng cuộc .
Giải thưởng là : Một vuông lụa của làng dệt .
Ngày nay người ta bớt sén công việc đi nhiều : mỗi bếp bây giờ hai , ba người , rơm có sẵn , bật lửa ga , gạo có sẵn , không có trẻ con kẹp nách . Thế mà cãi nhau ỏm củ tỏi , thua thua , thắng thắng mất vui .
Làng tôi và làng Thị Cấm cách nhau vài trăm mét đường nhưng rất khác nhau về nhiều mặt . Làng Thị Cấm không có nghề , chỉ chuyên cầy sâu cuốc bẫm .

Nghề Rèn
Làng tôi là làng nghề truyền thống rất lâu đời - Nghề Rèn . Từ thời các vua chúa , dân làng tôi đã ra kinh thành làm nghề , rèn binh khí cho quan binh , rèn nông cụ cho nhiều vùng quê khác . Cho đến khi Hà nội hình thành vào thời Pháp thuộc thì dân làng tôi độc chiếm “Phố Lò Rèn” và “Phố Kim Mã” , cho đến tận bây giờ nếu cứ đến phố Lò Rèn hỏi những người làm nghề rèn chắc chắn là “dân Làng Canh” .
Trong Làng Canh của tôi bây giờ cũng còn khá nhiều nhà vẫn làm nghề , thằng cháu họ của tôi khoe với tôi: “ Các loại cần khởi động của các loại xe máy toàn từ lò của cháu ra cả đấy ông ạ “ , bây giờ khác xưa là phần lớn các lò không dùng búa tạ tay nữa mà chuyển sang dùng búa máy đập thình thịch rung hết cả nhà hàng xóm . Thiếu vắng chiếc đe thủ công , chiếc búa cái , búa con ngày xưa cũng mất đi nhiều cái hay , đó là âm thanh đặc trưng ! Khi chiếc búa cái đánh xuống vật rèn đang đỏ ở trên đe sẽ phát ra âm thanh “ cục” , sau đó người thợ cả cầm búa con gõ vào nơi lấn đánh sau cần đánh búa to vào , tiếng búa con gõ vào vật rèn phát ra tiếng “cặc” .
Nếu bạn vào làng tôi chỉ cần chớm đến đầu làng thôi , bạn đã nghe thấy hai tiếng “cục cặc” vang lên khắp xóm thôn !!!. Vui tai ! ! ! Ôi Nhưng nay đâu còn !!!

Nguyễn-Viết-Tiến ( Tiến “gù” )



3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Bác Tiến và Đơ-rê-nan Chiểu (bộ môn Thông tin K3) cùng Xuân Canh đấy. Không biết ngày ở trường có biết nhau. Vợ Chiểu dạy ở trường Cấp 2 ngay Canh.

Tiến "gù" nói...

Không biết bạn Chiểu ở xóm nào . Nhà ông nội mình ở "xóm Trong" bây giờ gọi là xóm mấy mình không để ý , nhà ông ngoại mình và cũng là nhà mình bây giờ ở "xóm Chùa" ( nay là xóm 6 ). Mình thuộc họ "Nguyễn Viết" gốc ở trên Sơn Đồng ( Hậu duệ cụ Nguyễn-Viết-Thứ - Tiến sĩ đời Lê ), di xuống dưới này từ vài trăn năm trước ."Đồng Làng" với mình có Trần-thắng-Lợi ( K1 ĐHKTQS ) con bác Trần-duy-Hưng , nhà ở "xóm Chợ" ( tên cũ ) ngay cạnh chợ Canh . Còn bạn nào "đồng hương" với mình thì cho biết nhé .

TranKienQuoc nói...

Chiểu là Trần Ngọc Chiểu. Ở xóm mấy thì để em hỏi lại. Đã về nhà Chiểu chơi mấy bận rồi, chỗ trường cấp 2 rẽ trái vào làng.