Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

NƠI ẤY CUỐI TRỜI (Đàm Thị Ngọc Thơ)

BT5: Cô giáo Đàm Thị Ngọc Thơ, là học sinh miền Nam tập kết 1954, sau đó học Sư phạm và hành nghề giáo ở miền Bắc, rồi sau 1975 về dạy học ở Cà Mau. Cô là cộng tác viên thân thiết của "Bantruongbe". Xin giới thiệu bài viết của cô về Đất Mũi và cũng là lời mời, có bạn Trỗi nào đến đây thì tạt thăm nhà. Cô xung phong làm hướng dẫn viên du lịch. (ĐT cô Thơ: 0917809905).
---
        Không phải bây giờ mà kể từ hồi còn rất nhỏ, tôi cũng đã là người của Đất Mũi, Cà Mau.
Mũi tầu cứ vươn mãi ra biển Đông.


Tp bên dòng sông xanh.

Biểu tượng Đất Mũi - con thuyền lao ra biển.

Trung tâm mới của Tp Cà Mau.


       Bà ngoại mất sớm, ông ngoại tôi rầu, bỏ quê cũ Sóc Trăng, ông ngoại tôi về tuốt vàm Cả Cám định cư làm ăn, sinh sống. Mới chín, mười tuổi, tôi đã biết lần theo dân buôn, tìm đến nơi ngoại và cậu ở. Tôi đã từng theo mợ len vào các vạt mắm ven biển bắt ốc len, sò, vọp… ngồi trên xuồng theo cậu ra biển xem đẩy xịp bắt cá, tôm… Quá giang ghe đò, tôi cũng đã chở về được cho má tảng mắm ruốc, khạp mắm cá cơm, giỏ ốc len, bọc vọp… Với tôi, những ngày đó như được sống trong truyện cổ tích thần kì. Những năm xa ngoại, xa quê tôi vẫn mang theo lòng mình tình yêu sâu lắng nơi vạt biển cuối trời. Ở đó có ngoại tôi.


       Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, về lại chốn xưa, tôi mới hay gia đình tôi đã chuyển cả về xứ biển. Ba tôi buộc phải chuyển vùng để tránh luật 10/59. Bỏ lại sau lưng những cám dỗ của Sài Thành, tôi tình nguyện về sống và làm việc tại Cà Mau từ năm 1975. Nhờ vậy suốt trên 30 năm qua, tôi có nhiều cơ hội đưa quý thầy cô giáo cũ, các đoàn làm phim, người thân và bè bạn về thăm mảnh đất cuối trời – nơi chót mũi Cà Mau.

       Tôi đã đến nơi ấy không biết bao nhiêu lần. Nhưng hễ có dịp là tôi lại đi. Không biết mệt mỏi. Không biết nhàm chán. Dẫu ở đó chưa có nhiều những gì để thực hiện một chuyến du lịch. Bởi trong tôi sẵn có một tình yêu Đất Mũi. Đất Mũi bao giờ cũng mới mẽ, đầy sức quyến rũ, cuốn hút bước chân tôi. Tôi muốn khoe với mọi người cái nơi tận cùng đó, cái nơi còn thật nhiều điều mới mẻ, hoang sơ, chân thật, trong tình đất, tình người.

       Cột mốc số 0 chính là đích của điểm đến. “Đến Cà Mau rồi không xuống cột mốc số 0 coi như chưa đến được Cà Mau”. Tôi vẫn nói với bạn bè như thế. Và mọi người đều nghĩ vậy. Nhất là những ai đã đến Ải Nam Quan (giờ là Hữu Nghị Quan) sẽ vô cùng hãnh diện vì đã đi được suốt chiều dài đất nước: từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

       Ban đầu cột mốc chỉ là cái trụ xi măng có ghi tọa độ, chôn dưới hố vuông nhỏ. Dần dần nó được tôn tạo nằm vào giữa ngôi sao năm cánh đắp xi măng. Các đầu cánh sao nhô cao, trên đó có ghi chữ nổi: Nơi đây cột mốc tọa độ số 0 . Sau một thời gian nữa, nó được cho vào tủ kính, khóa kĩ ,  ít khi có người mở tủ cho khách tham quan nhìn ngắm.. Cho dẫu vậy mọi người vẫn thõa mãn là đã đến được vùng đất cuối trời , được nhìn ngắm cột mốc số 0, được nhúng chân vào bùn nơi cuối Việt. Có người còn bẻ vài trái đước , vài quả mắm để về khoe là mình đã đến mũi Cà Mau. Lý thú nhất là từ ngày Tỉnh cho xây chiếc tháp cao để mọi người lên đó nhìn xuống chót Mũi. Trên đó khách du lịch giơ tay về cuối đất, máy ảnh đánh “cách” thế là có bức ảnh tay chạm Mũi về khoe với bạn bè, người thân.

       Những năm 80, người ta về Đất Mũi trên những chiếc tàu đò máy dầu chạy xập xình đến năm sáu tiếng đồng hồ. Du lịch Đất Mũi mất cả ngày trời . Sau đó nhờ những chiếc bo bo, đi chơi Đất Mũi chỉ mất một buổi . Với những người chưa quen sóng nước ngồi bo bo nhiều phen thót tim. Đó là lúc bo bo khởi động hoặc nhảy sóng. Có lần tôi đưa ba đồng nghiệp nữ và hai học sinh nam trên chiếc bo bo bảy chỗ về thăm Đất Mũi. Đến cửa sông Năm Căn, đoạn từ chợ Năm Căn qua rạch Ông Trang trời bỗng đổ cơn mưa và gió cũng khá to. Bo bo nhảy sóng dập dờn, chồng chềnh, chao đảo. Tôi không biết bạn mình đã rất sợ. Qua được khúc sông ấy rồi, mọi người thở phào nhẹ nhõm, tôi mới hay mình đã vô tình. Về lại Thành phố Hồ Chí Minh bạn tôi kể chuyện, có người đòi xuống Cà Mau coi cái gan của tôi bao lớn mà dám đưa các bạn về Đất Mũi trong thời tiết  ấy. Bạn đầu biết rằng trời Cà Mau chợt nắng, chợt mưa. Mưa Cà Mau ngộ lắm. Hạt mưa thường rất to, quất vào mặt đau điếng. Cái kiểu mưa cũng rất lạ: xào một cái rồi nắng hửng lên ngay. Nó như một đứa trẻ con, tính khí thất thường , hay hờn dỗi, bỗng khóc, bỗng cười.

       Sau khi quốc lộ 1 làm xong, khách du lịch có xe bốn bánh thường chạy thẳng xuống Năm Căn, bao cao tốc chạy ra thăm Mũi. Cũng khá lâu sau Cà Mau có tàu khách cao tốc chạy thẳng từ Cà Mau xuống Đất Mũi. Tôi thường chọn phương tiện này đưa bạn đi chơi để được nhìn ngắm sông nước , rừng cây và cuộc sống của người dân trên suốt dọc đường về với Đất Mũi.

       Từ Cà Mau về Đất Mũi phải qua rất nhiều khúc sông. Nhưng rộng lớn, mênh mông là khúc sông Năm Căn. Trong một bài hát về Cà Mau có câu: “Dòng sông Tam Giang nắng trãi đưa người, về thăm quê em Đất Mũi xa xôi…” Thật ra khúc sông Tam Giang nằm ở phía trên xa cửa biển hơn. Ở đó có những ngã sông nước xoáy rất nguy hiểm.

       Nét hoang sơ của những dòng sông Cà Mau là những vạc rừng nối tiếp nhau từ bờ sông kéo đến tận chân trời. Ra khỏi thành phố Cà Mau chúng ta được tắm mình trên sông nước và rừng thâm u. Xa xa mới có nhà. Càng về Mũi nhà càng thưa thớt, trừ những xóm chợ, xóm chài cửa ngư dân miệt biển. Nếu xuống được chuyến tàu sớm, hoặc về lại chuyến tàu cuối ta sẽ cảm nhận được cái mùi ngai ngái trong khói cây củi mắm. Cái mùi cây đã theo tôi suốt 21 năm trời nơi miền Bắc.

       Rừng Cà Mau về hướng Mũi là rừng đước, rừng mắm. Khác với miệt U Minh “bốn bề là tràm” (lời một bài hát). Tôi thích ngắm những chú cò trắng muốt nhởn nhơ kiếm cá nơi triền sông hoặc lã lướt trên cánh rừng chớp nắng hoặc giỡn mưa rồi sà xuống một khóm cây nào đó tỉa tót bộ lông dính nước. Dưới chân rừng đước, trên những thân cây, đeo bám dày đặc những chú ốc len hoặc ba khía. Ba khía Rạnh Gốc nổi tiếng nhất xứ miền Tây bởi chắc thịt, đặc gạch và thơm ngon. Thường các em bé và phụ nữ thu gom những của trời cho đó. Còn đàn ông ở những khúc sông này thường trầm mình dưới nước đóng đáy kiếm tôm ,cá nuôi sống gia đình. Họ vất vả hơn phụ nữ nhiều. Da thịt họ cháy đen, khét mùi nắng gió nhưng trên gương mặt họ luôn nở nụ cười tươi,cởi mở, chan hòa. Cuộc sống của người dân cuối trời này còn nhiều lam lũ. Nhưng họ sống hồn nhiên, chân thành và hiếu khách. Bạn muốn biết điều gì họ chỉ dẫn hết sức tận tường.

        Nếu chưa một lần về Cà Mau, nếu chưa một lần về thăm Đất Mũi thì bạn ơi hãy cố gắng đi về. Vì nơi ấy đất đang lấn dần ra biển. Và cũng vì nơi ấy biển đang mang đất ra đi. Ở nơi ấy, những dòng sông đang hát ru dỗ giấc những cánh rừng. Những cánh rừng vẫn miệt mài lấn dần ra biển như những chiến sĩ biên phòng luôn bám trụ giữ lấy đất quê hương . Và con người đang trồng cây, đóng cộc bảo vệ Đất Mũi thân yêu. Để Mũi Cà Mau vẫn mãi như mũi con tàu vươn dài ra biển lớn ,bồi đắp nên những phồn vinh cho đất nước này. Và bạn ơi! Xin hãy một lần về lại với Cà Mau.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đúng là bài viết của người sở tại nên hay quá! Hy vọng có dịp xuống thăm cô.
AT

Tualinh nói...

"Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau"

( Xuân Diệu )