Xin gửi anh em một ý kiến tham khảo của một người lính QK2 (bao gồm cả Hà Giang và Lao Cai), đồng thời cũng là ý kiến của một tay "lãng du chuyên nghiệp".
Cao nguyên đá Đồng Văn, như quảng cáo rùm beng, nhưng lên đến nơi mới thấy chán ngắt! Cũng thời gian như thế - tiền ít hơn, chỉ khoảng 3T - anh em có thể đi theo tuyến: Hà Nội - Phú Thọ - Đoan Hùng - Ngã 3 Làng Đát - Phố Ràng - Ngã 3 biên giới Bắc Ngườn - Bắc Hà. Chỉ nghe địa danh những nơi tuyến đi qua đã thấy có cái hay rồi.
Hành trình như sau:
Khoảng 6h sáng thứ sáu đi từ Hà Nội theo QL32 lên thành phố Sơn Tây, nhớ vào đây ăn sáng có món cháo lòng khá "được". (Nhớ rẽ vào hàng nước anh quen ở ngay ngã 4 đầu TP mua một ít bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng).
Đi tiếp, qua cầu Trung Hà, rẽ phải đi dọc theo bờ đê rồi qua cầu Phong Châu vào Thị xã Phú Thọ cổ kính. Thêm vài chục Km nữa là đến Ngã 3 Đoan Hùng, cũng đồng thời là Thị trấn Đoan Hùng, mùa này đến đây đã có "bưởi Đoan" thơm ngon. Nếu thích có thể đến thăm tượng đài "Chiến Sĩ Sông Lô", nghỉ ngơi, vào quán sang trọng ngay cạnh sông đặt cơm với những món cá sông hấp dẫn. Uống cốc cafe cho tỉnh táo rồi tiếp tục hành trình theo QL70 lên Ngã 3 Làng Đát, rẽ phải lên Phố Ràng nơi có trận đánh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp, nghỉ lại đây uồng một ly cafe miền núi.
Đi tiếp độ 40Km thì tới Ngã 3 Bắc Ngườn (mọi người hay gọi sai là Ngã 3 Bắc Ngầm) , qua cầu Bắc Ngườn rẽ phải, đi độ 40Km thì thị trấn Bắc Hà hiện ngay ra trước mắt (bây giờ khoảng 17h). Ở đây có khá nhiều loại khách sạn để lựa chọn, nhưng nói chung là giá "mềm" và mộc mạc. Thị trấn Bắc Hà về tối tuy vắng vẻ nhưng cũng có đủ quán bar, cafe, quán nhậu vui vẻ (đặc biệt là Tây khá đông). Sáng thứ bẩy, sau khi ăn sáng xong, đi chợ vùng Xín Chéng - chợ to nhưng rất hoang dã, nguyên sơ - cách thị trấn Bắc Hà 7Km. Khi lên đến đầu chợ có thể đã thấy mấy bác H'Mông say mềm, dựa lưng vào cột mốc cây số gật gù.
Ở chợ này có thể mua được rất nhiều vị thuốc hay mà người dân tộc họ lấy được từ núi cao, vực sâu mang ra bán. Cũng có thể mua được những chiếc khèn H'Mông xịn với giá phải chăng. (Khèn mua ở chợ Bắc Hà hoặc ở nhà Hoàng A Tưởng là khèn đểu!). Sau khi lượn lờ , mua bán, nhặt nhạnh khắp chợ xong, hãy rẽ vào quán "Thắng Cố" trong chợ - vẫn chỉ là nồi Thắng Cố dân giã như thuở xưa, quán lá lụp sụp, nhưng ngon và vui vì ở quán không thấy ai là tỉnh táo cả! Rượu Bắc Hà nhậu với Thắng Cố thật hợp vị. Sau đó phải mua một gói nếp nương để chén cho chắc dạ.
Tối thứ bảy, nếu đúng dịp có thể được xem biểu diễn văn nghệ H'Mông ở quảng trường thi trấn, nhậu thịt ngựa khô, gà H'Mông... Sáng hôm sau - chủ nhật - lại đi chợ Bắc Hà ngay tại thị trấn. Có nhiều cái hay nhưng chợ đã bị "bê tông hóa" nên sự hoang sơ không còn!
Có thể "mã hồi" lúc nào tùy thích. Nếu "máu" thì rẽ phải lên Thành phố Lao Cai, "máu nữa" thì lại rẽ trái lên SaPa ngay đó.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Anh Chu Thành: "Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc lần đầu đến thăm nhà"
- Nghề lạ 5: "Nghề" nhổ tóc bạc (ST)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Gặp lại nhau
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Bác "Tiến gù" chắc có nhiều "cơ sở cách mạng" ở vùng này?
Đăng nhận xét