Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Học nghề khoan cọc nhồi 1 (KQ)

Mũi khoan đầu tiên.

Ở nhà “có việc”, đang “rách việc” (do đã nghỉ hưu) nên nhận làm chân “thư kí công trình”, còn “Tổng công trình sư” là Trần Hữu Nghị, giám sát là kĩ sư XD Trần Hải (hàng xóm 97 Trần Hưng Đạo). 
Có thiết kế rồi nhưng phải mất thêm 1 tháng để chọn phương ép cọc hay khoan cọc nhồi cho phần móng. Cuối cùng quyết định xử lí khoan cọc nhồi. Đơn vị khoan là DNTN Ba Tỷ trên Bình Dương. (Nghe cái tên đã thấy “gặt hái”). Nhưng sau vài lần ráp nối, trao đổi, bàn bạc và kí hợp đồng thi công thì hiểu, cái tay Ba Tỷ này quả là chân chất, vốn là nông dân, theo thầy Đạt (chuyên gia cao cấp về nền móng của Bách khoa Tp) đi khoan địa chất và học được nghề khoan cọc nhồi chục năm nay, rồi đầu tư mua máy móc, tuyển thợ, dạy thợ và đi thi công các công trình trong nội thành và nền đất yếu.


Cử đến công trường là 5 cháu, “già” nhất 31 (theo Ba Tỷ đã 14 năm) – tên Tám, toán trưởng. Tám kể “từng đến đào giếng khoan cho nhà chú cao cao, đầu hơi hói, dáng trí thức, trông quen quen. Hóa ra là chú Bộ trưởng GD&ĐT hay thấy trên TV”. Còn thợ trẻ nhất 21 tuổi: “Con theo chú Ba được 7 năm rồi”. Đuà với cháu: “Ông Ba Tỷ đúng ra bị ra tòa vị thuê trẻ vị thành niên làm thợ”.
Các cháu làm việc rất chuyên nghiệp và trách nhiệm. Ai việc nấy chả phải hò hét. Trần Hải bảo, điểm này khác với thợ ngoài Bắc, bọn nó toàn đứng nhìn nhau, rồi thằng nọ hô thằng kia mà chả thằng nào làm. Còn đây cứ băng băng.
Thi công rất khoa học.

Trưa qua quãng 11g, nắng chang chang. Bác Ba Hưng tạt qua thấy chúng nó chẳng đứa nào mũ mão, có thắng chân xỏ dép lê, có thằng đi chân đất, ở trần, vậy mà làm quần quật. Thằng bô sắt, làm cốt bê tông; thằng phụ máy khoan, thằng xúc đá, cát vào bao. Lúc đổ bê tông thì cứ như máy. Nóng quá, chạy ra lấy vòi nước rửa mặt, xối vào mình ướt nhèm quần áo rồi lại chạy ra làm. Bác Ba nhìn mà lắc đầu: “Mẹ, đứng dưới nắng có mũ rồi mà còn nhức đầu; mình mà như nó đứng được 15’ là toi. Làm việc tự giác thế mới xứng đáng 2-300k/ngày công. Còn thợ nhà nước thì cứ lừ đà lừ đừ, nhất là công chức, được chăng hay chớ”.
Riêng toán trưởng sáng nào cũng thấy dậy sớm, lo tra dầu mỡ cho máy nổ, dàn khoan, đôn đốc công việc. Mà cái tay này cái quái gì cũng làm được, chỉnh máy nổ, chữa dàn khoan, đấu nối điện, sửa máy bơm… Ba Tỷ có được tay thợ cả thế bằng 10 kĩ sư chỉ chạy long nhong.

Nhìn bố trí trên công trường thấy rất khoa học, chuyên nghiệp. Tỷ như khi chuẩn bị đổ bê tông thì từng bao cát, bao đá, ba xi được đong đầy vào từng nửa vỏ bao xi măng, xếp gọn thành từng khối. Khi đổ thì cứ 2 xi, 4 cát, 6 đá cho vào máy trộn. Làm xong công đoạn nào là lính tráng lại tự giác rửa ráy, xếp gọn ống khoan, ống bơm bê tông gọn gàng 1 chỗ, chuẩn bị cho lần sau. Nghĩ bụng, tư nhân đào tạo có khác, có khi còn hơn cả công nhân học trường công ra.
Sáng làm từ 7g30 tới 12g thì nghỉ; chiều chạy máy từ 13g30 tới 18g. Tắm rửa, ăn xong là lăn ra ngủ. Đứa nào cũng cái võng treo lủng lẳng. Qua đêm là hồi sức, mai lại như hôm trước. Mỗi ngày khoan, đổ bê tông được 2 tim. Cả hợp đồng 30 tim thì hơn 2 tuần là xong.

Có nhiều chuyện hay. Thấy dây điện bọc đầu nối lằng nhằng, cầu dao điện hở cả dao. Ghê quá, nhắc Tám thì nó bảo: “Điện này nhẹ, không như điện mạng, chú ạ. Bị giật là máy nổ xỉu xuống, tắt ngay”. Đúng là theo chúng nó mà học được bao nhiêu điều.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ở đô thị, cấm đóng cọc, còn ép cọc phải thận trọng vì dễ chèn lấn sang nhà lân cận (nhất là nhà cũ, móng yếu). Ép có nhiều loại: cọc vuông, cọc li tâm... và với các phương pháp khác nhau để đủ tải.
Khoan cọc nhồi hơi tốn nhưng an toàn nhất.

Nặc danh nói...

Với cách quan sát cách làm ăn rất giỏi của người viết-nếu còn trẻ- rất có thể anh ta sẽ trở thành một nhà tư bản?
N.TV

Nặc danh nói...

Đọc chuyện kể của bài này nhưng đầu lại nghĩ chuyện khác. Chuyện mà mình đang nghỉ đây là chuyện vế cái cha viết bài này. Cha này quả nó tài. Tema nào nó viết cũng tự nhiên mà hay! Kể mồm là một chuyện ,viết ra được là tài. Mà sao nó lắm thời gian thế? việc gì cũa anh em ,bè bạn, việc bản thân ,gia đình đều chu đáo thấu tình, có mặt ở mọi nơi khi cần và đều hết mình,vui thả cửa! Chợt nhớ ra một câu nói của anh bạn rất thân với nó : Cha này sẽ phải qui cuối cùng để ở lại mà lo cho tất cả anh em bạn bè rồi mới thỉnh TRÊN, tính đến lượt nó. ( TĐ)

Nặc danh nói...

N.TV ơi, còn nhiều chuyện nữa, thực (không phải hay!) không kém!
Nó toàn làm thực thôi!