Nếu ai đó trong cuộc đời mình hay có những chuyến đi
xa, nhất là những chuyến đi sang các châu lục khác mà ở đó những tập tục, nếp
sống, quan niệm đều khác lạ thì chắc rằng bên cạnh sự quan sát thưởng thức tìm
hiểu những cái mới này để làm phong phú thêm vốn sống của mình sẽ luôn luôn
xuất hiện sự liên tưởng và so sánh với những biểu hiện tương tự ở quê hương xa
xôi, có những cái làm ta bật cười và cũng có những điều mang lại nỗi buồn man
mác. Ta hãy cùng trao đổi những khía cạnh về xã hội của nước Anh trong giai
đoạn này.
1. Vể chủng tộc: Tôi muốn bắt đầu từ con người trong
xã hội. Nếu ai đã sang các nước Đông Âu thì ít có cảm giác về mặt chủng tộc, ở
Nga mọi người đều nói tiếng Nga kể cả những người từ Ukraina, Be-la-rút hay các
nước Trung Á, ở Tiệp khắc họ cũng nói một ngôn ngư như vậy trong sinh hoạt hàng
ngày, tức là bên cạnh ngoại hình về nòi giống con người nhìn giống nhau hay có
khác biệt đôi chút nhưng nói một ngôn ngữ sẽ làm cho chúng ta ít để ý đến sự
khác biệt.
Nhưng ở Luân Đôn, thủ đô Vương Quốc Anh thì rất khác.
Lần đầu khi đặt chân lên chuyến tàu Underground (hay tube) tôi để ý một nhóm
thanh niên da màu nói chuyện, tuy ngoảnh mặt đi nơi khác để giữ ý nhưng tôi vẫn
cố lắng nghe câu chuyện họ trao đổi, sau khoảng 4 bến tàu thì họ xuống hết và
tôi không hiểu một chút gì về câu chuyện của họ! Tiếng Anh của tôi cũng tàm
tạm, học khoa phiên dịch, phụ trách đối ngoại (mảng tư bản) của một Công ty
trong một thời gian dài, làm việc trực tiếp với khách hàng Canada suốt thời
gian 20 năm... thế mà không thể hiểu được thì quả là hoang mang! Tôi quay sang
hỏi anh bạn thân người ngoại quốc đi cùng về thắc mắc đó thì được trả lời là họ
nói tiếng Ả - rập của Bắc phi. Sau đó một ngày, vào buổi chiều tà (bên Anh cũng
giống như các nước lục địa châu Âu, ngày hè rất dài 5 giờ trời đã sáng bạch mà
mãi đến 21 giờ mới sẩm tối chứ không giống ở Việt nam), tôi và anh bạn người
Anh vào một Pub uống bia, ngồi gần chúng tôi là một nhóm thanh niên tóc vàng - da trắng - mắt xanh, họ cũng nói chuyện cười đùa thoải mái mà tôi chẳng hiểu được
họ đang vui vì chuyện gì! Tôi hỏi nhỏ bạn tôi thì hóa ra anh bạn người Anh của
tôi cũng không hiểu nhóm thanh niên nói gì, rõ ràng đây là một ngôn ngữ không
phải tiếng Anh. Và rồi liên tiếp những ngày sau đó tôi bắt đầu rút ra một nhận
xét sau mỗi lần nghe những ngôn ngữ lạ ở Luân đôn - không phải mọi người ở Anh
đều nói tiếng Anh!
Lắng lại mà ngẫm nghĩ tôi chợt hiểu rằng: Bồ Đào Nha,
Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan là những nước phát triển rất sớm, họ đã vươn dài
sức mạnh sang các châu lục lạc hậu (ta cứ quen gọi họ là Đế quốc nhưng xem ra
từ Đế quốc trong tiếng Việt làm cho tối nghĩa đến mức khó hiểu! hay có thể đùa
vui là nói một đằng hiểu một nẻo), đương nhiên bên cạnh chính sách khai thác
thuộc địa là mục đích chính của quá trình xâm chiếm diễn ra từ thế kỷ 17 đến
giữa thế kỷ 20 sau Công nguyên này còn diễn ra một qúa trình nhập cư ngược lại
vào chính quốc. Những cư dân nhập cư này được tiếp nhận và đối xử bình đẳng ở
chính quốc, được hưởng các chế độ như công dân bình thường. Nếu ta nhớ lại ở
miền Bắc sau năm 1954 các công chức người Việt cũ đã làm việc trong guồng máy
phục vụ xã hội như Bưu điện, hỏa xa, thuế vụ, giáo dục, y tế... trước năm 1945
trong thời kỳ đô hộ của Pháp nếu còn giữ giấy tờ và gửi sang Pháp thì đều được
chính phủ Pháp cấp tiền trợ cấp hoặc hưu trí (lúc đó không được nhập cư theo
quy định của nhà nước mình), còn ở miền Nam thì quá trình này diễn ra bình
thường. Đó chính là chính sách của các nước có thuộc địa đối với dân nhập cư
vào chính quốc.
Rồi đến hôm nay nước Anh vẫn mở cửa theo quy định nhất
định để dân từ Đông Âu, Tây Âu sang Anh lao động hoặc làm việc. Tôi hỏi một cô
gái người Tây Ban Nha, một thanh niên người Ba Lan và một thanh niên người Nam
Phi trong một bữa cơm ở nhà bạn tôi về sự phân biệt nào đó, họ đều trả lời là
không có sự phân biệt chủng tộc ở nước Anh.
Rõ ràng một quá trình phát triển đã làm cho các chính
sách của nước Anh tôn trọng mọi công dân thuộc mọi chủng tộc, hay nhìn từ góc
khác thì các chính sách đó đã tạo ra và gìn giữ sự đa dạng về chủng tộc trong
xã hội Anh cũng tức là giữ được đa văn hóa trong nước Anh.
Tôi thử hình dung ở xã hội Việt nam ngày nay, nếu có
một nhóm nào đó dù hai nước cùng bán đảo Đông Dương với chúng ta mà ngồi gần ta
nói chuyện thì có lẽ ta nhìn họ hơi khác chăng! Một nhóm thanh niên da màu hoặc
da trắng có thể sinh hoạt thoải mái bình dị mà không bị người Việt nhìn không?
Rõ ràng chúng ta còn rất nhiều vấn đề nhận thức và ứng xử về mặt chủng tộc,
chúng ta chưa tự tin, chưa độ lượng, chưa mạnh dạn vì chúng ta chưa trải qua
một quá trình mở cửa về mặt xã hội đủ để có một quan niệm thanh thản như những
người dân ở Singapo, Thái Lan ... về mặt chủng tộc.
2. Về văn hóa và kiến trúc:
Khi bước chân vào Bảo tàng Anh (British Museum) tôi
được tận mắt nhìn thấy những di vật cổ đại mà nếu thuần túy đọc hay nghe nói
thì ta chỉ hình dung được chứ không có cảm xúc. Tôi là người rất yêu văn hóa
của đất nước mình nên đã giành nhiều thời gian để đến bảo tàng Lịch sử, bảo
tàng Cách mạng, bảo tàng Quân đội, bảo tàng Mỹ thuật... ở đó tôi cũng có cảm
xúc về từng chặng đường, từng lĩnh vực của đất nước chúng ta. Nhưng ở Anh khi
vào bảo tàng lại khác hơn nhiều, các di vật rất phong phú, đa dạng và chính xác
đến mức nó tái hiện trình độ phát triển xã hội rất xa xôi trước công nguyên,
người Anh không coi truyền thuyết là sự thật, điều họ nói là có cứ liệu lịch sử
và được khẳng định.
Tôi thực sự ngạc nhiên đến mức trân trọng khi bước vào
các khu vực trưng bày cổ vật của các nền văn minh thế giới đặtt trong bảo tàng
Anh. Ngoài khẳng định lịch sử phát triển của đất nước họ thông qua bảo tồn
những hiện vật đa dạng phong phú một cách có hệ thống, người Anh còn tham gia
bảo tồn những di vật văn hóa của nhân loại! Ta có thể bắt gặp các bức tường
Mo-zaic dài 5m đến 10m của IRAN từ thế kỷ thứ 7, những bức tường cổng to lớn
của Hy lạp thể kỷ thứ 2 trước công nguyên hay các dấu tích chạm khắc bằng ngôn
ngữ cổ của Ai cập, I - rắc với các niên đại chính xác như 648BC, 357BC... ở đây
tôi được nhìn rất rõ nhiều xác ướp Ai cập cổ đại gồm đàn ông, đàn bà, trẻ con.
Có những xác vẫn nằm trong quan tài, ta chỉ nhìn thấy tấm phim chụp X-quang, có
những xác khô sát nhìn được toàn bộ thân thể, có những xác rã rời từng đoạn
nhưng vẫn được xếp sắp rất cẩn thận...và còn nhiều, rất nhiều những di vật của
văn minh La Mã, văn minh Ấn độ, văn minh Trung Hoa. Việc lưu giữ, trưng bày để
khắc họa và tái hiện lại lịch sử phát triển của ngành bảo tàng học quả là to
lớn và hữu ích.
Đã một công đi xa nên cố gắng bổ sung sự hiểu biết
càng nhiều càng tốt. Một địa điểm về văn hóa tồi giành thời gian cả một buổi
chiều (vẫn thấy quá ít) là phòng trưng bày tranh National Galery. Xem tranh
không thể xem nhanh, huống hồ các bức nguyên tác được sáng tác từ 40 năm đến
500 năm về trước cứ hút hồn và níu chân mê khách.
Khi xem các bức tranh của các họa sỹ Ý, Tây Ban Nha,
Pháp, Hà Lan, Anh thuộc thời kỳ phục hưng (không biết dùng đã đúng danh từ
chuyên môn chưa) tôi như được đặt vào thời gian và không gian của châu Âu từ
thế kỷ 13 đến thế kỷ 18 về trước. Những bức tranh tả thực hoàn hảo đến từng chi
tiết nhỏ tuy đứng đó yên lặng mà làm tôi thấy rõ sự chuyển động rất sống của
một bến cảng, một quảng trường, một khu phố, một phiên chợ náo nhiệt hay một
khu rững tĩnh lặng trong nắng hoàng hôn. Tôi đã bị lẫn lộn khi lặng nhìn các
bức tranh to lớn hay nhỏ xíu đó, đây là ảnh hay tranh? Các họa sỹ trong thời kỳ
hội họa phục hưng (hay tả thực) đã dùng ngôn ngữ của hội họa ở mức kỹ xảo hoàn
hảo để lưu lại các nguyên tác của cuộc sống. Khi ở Việt Nam, có những lúc vào
nhà thờ ở quê Bình Lục hay úc đi thăm các linh mục thân tình tôi hay ngắm nhìn
các bức tranh vẽ trên kính hay trần của giáo đường. Quá đẹp! các tiểu phẩm cực
ngắn của tôn giáo thông qua cuộc sống được hội họa lột tả, tuy thế, tôi tự thấy
mình là đứa trẻ thơ khi nhận xét như vậy. Đứa trẻ chỉ biết tiếp nhận, nói hay
và không hay, thích và không thích chứ không hiểu được để có cái nó thích, nó
thấy hay thì cuộc đời này đã chứng kiến sự lao động cật lực của thế hệ trước nó
thế nào! Các họa sỹ thời phục hưng khi vẽ tranh về Thiên chúa giáo (tôn giáo
ngự trị ở châu Âu giai đoạn đó) đã đọc rất kỹ các mẩu chuyện trong kinh thánh
(the Bible) nắm vững phẩm chất của nhân vật chính và các nhân vật phụ cùng với
bối cảnh của câu chuyện rồi họ tìm trong cuộc sống những nhân vật có ngoại hình
được liên tưởng là giống với điển tích, rồi họ phác thảo, rồi họ nhờ, thuê,
xin... các cá nhân đó đến xưởng vẽ để họ lần lượt thể hiện từng nhân vật trong
toàn thể bức tranh theo chủ đề đã định. Nhanh thì cũng vài tháng mà cẩn thận
thì cũng vài năm một kiệt tác như vậy mới được ra đời.
Độc giả có biết, các họa tác về thành phố Venice, Roma
hay Luân đôn thời phục hưng so với ngày nay khác nhau thế nào không? Không! Các
con phố lưu giữ kiến trúc cũ ở Luân Đôn vẫn thuộc về thời kỳ phục hưng. Tôi đã
nhìn những bức tranh đó, liên tưởng đến các con phố cổ của Luân đôn, ta chỉ cần
bỏ đi đèn tín hiệu giao thông, các biển quảng cáo mới và thay đổi y phục của
hành giả (pedestrian: người đi bộ), không có taxi và bus thế là ta đã có một
con phố, một quảng trường, một khung cảnh của thời phục hưng. Người Anh (hay cả
người tây Âu) đã biết giữ gìn văn hóa của giai đoạn lịch sử trước (mà người
Việt hay nói là của ông cha). Trong tâm tưởng tôi lúc đó trỗi dậy một nguyện
ước: giá mà ta giữ được thành Đại La, Thành Thăng Long, thành Hà nội một cách
nguyên vẹn thì ngày hôm nay chúng ta không cần làm đại lễ cũng đủ sự linh
thiêng hiển hiện thay cho những ánh sáng hào nhoáng và những biểu tượng tĩnh
vật.
Ở Luân đôn và thành phố Surrey tôi qua có rất nhiều nhà
thờ, đó là nơi các tín đồ cần phải đến. Ở nhà có thể làm dấu thánh trước mỗi
bữa ăn, cầu nguyện khi thức dậy hay vào lúc tịch dương nhưng không thể thay thế
được giáo đường của nhà thờ nơi các giáo dân sẽ tìm được sự thanh thản, yên
bình khi được chia xẻ, chỉ dẫn ở đó về những khúc mắc từ cuộc sống hiện đại
chóng mặt. Các nhà thờ đều mang tên các thánh khác nhau và ở mỗi địa phận đều
có một nhà thờ được gọi là Cathedral (nhà thờ lớn). Tôi cũng đã đứng ngắm rất
lâu nhà thờ St.Paul nơi Nữ hoàng Anh tiến hành các nghi lễ về tôn giáo theo
đúng nghi thức: hùng vĩ, thanh cao, vững chãi, quyền lực là những gì tôi cảm
nhận.
Đã đến Luân đôn mà không nói đến đồng hồ Big Ben và
Cầu Tháp thì ta đã bỏ qua biểu tượng chính của thủ đô. Tháp đồng hồ Big Ben là
một tòa nhà nhọn chọc trời hình tháp, bốn mặt đều có đồng hồ. Tôi không hỏi độ
cao của tháp là bao nhiêu nhưng khi ở gần chân tháp thì ước lượng cũng phải cao
như nhà 30 tầng ở Hà Nội. Nó không đứng một mình phía dưới tháp là hai dãy
tường chạy vuông góc với nhau chiều cao khoảng 10m, một phía chạy dọc theo phố,
một phía chạy dọc theo bờ sông. Điều khâm phục về kiến trúc là ở chỗ: trên các
dãy tường này có rất nhiều tháp vừa và nhỏ mọc lên một cách mỹ thuật, tôi cũng
không biết có bao nhiêu ngọn tháp như thế này trong khuôn khổ công trình kiến
trúc mà Big Ben là biểu tượng. Bạn hãy hình dung trong ánh nắng chiều vàng
trong, bầu trời Luân đôn xanh thẳm, dòng sông Thêm uốn lượn dịu dàng dưới chân,
nguyên công trình Big Ben với dãy tường thành đầy tháp cổ in sừng sững trong
một nền sâu thẳm, con người và trời đất tạo nên một kiệt tác tuyệt mỹ.
Đôi bờ sông Thêm ở thủ đô Luân Đôn được nối bằng những
chiếc cầu khác nhau. Cây cầu trẻ nhất được mang tên cầu Thiên niên kỷ xây dựng
và khánh thành vào năm 2000 để người Luân đôn và du khách chào đón một thiên
niên kỷ mới. Cây cầu chỉ dành cho người đi bộ và có cấu trúc cáp treo thanh
nhã, nhìn từ xa như một dải bạc thanh mảnh kéo đôi bờ sông lại gần. Nằm trong
những chiếc cầu cổ kính nhất chính là Cầu tháp (Bridge of Towers). Hai ngọn
tháp với kiến trúc tường cổ được xây cấp theo tầng chạy cao đến đỉnh đứng sừng
sững hai bên bờ sông. Tầng trên cao là một kiến trúc dằng ngang đúng bằng chiều
rộng của dòng sông để nối phía dưới của đỉnh hai tháp. Đứng xa tôi đã nhìn rõ
biểu tượng 5 vòng tròn Olympic treo thả vào khối kiến trúc này. Tầng dưới của
cầu tháp mới là không gian dành cho giao thông. Bên cạnh sự nổi tiếng về vẻ đẹp
kiến trúc độc đáo, chiếc Cầu Tháp Luân Đôn còn có một đặc điểm mà vào thời điểm
đó thu hút hiều du khách nhất, đó là những thời gian đã được ấn định đoạn cầu ở
chính giữa dòng sông bắt đầu tách ra rồi từ từ dựng dần lên cao. Toàn bộ giao
thông trên bộ đều dừng lại nhường thời gian cho những chiếc tàu, thuyền có cột
buồm cao nghễu nghện đi dọc theo dòng sông Thêm chạy qua. Giao thông thủy được
ưu tiên.
Một buổi tối, chúng tôi dành thời gian đến nhà hát lớn
của thành phố xem nhạc kịch. Vì ở trong nước từ lâu rồi ta cứ bị ám ảnh bởi sự
thay đổi về nhu cầu văn hóa của dân Việt mình, khán giả quay lưng lại với sân
khẩu thế nên tôi cũng muốn xem dân Luân đôn trong cuộc sống hiện đại với nhịp
sống hừng hực còn nhanh hơn nhiều lần ở Hà nội họ có quay lưng lại với thể loại
văn hóa cũ này không? Vở nhạc kịch có tên Singing in the rain (hát trong mưa)
bắt đầu vào lúc 19 giờ 30 phút, nội dung chính dựa theo câu chuyện có thật xảy
ra ở một đoàn làm phim tại Holywood (Mỹ) vào năm 1927, các diễn viên Mỹ đóng
phim thì có kỹ thuật diễn xuất hàng đầu rồi, nhưng diễn viên chính lại có giọng
nói và hát bị "phá" eo éo. Vậy là một cuộc "cách mạng" về
lồng tiếng người khác bắt đầu diễn ra, đây cũng là sự kiện lồng tiếng đầu tiên
trong lịch sử điện ảnh thế giới. 19 giờ 25' khán phòng cao 4 tầng (rộng hơn nhà
hát lớn thành phố hà nội) đã dần lấp đầy khán giả. Người xem là các cụ già lụ
khụ, là những gia đình có cha mẹ và các con, là những đôi thanh niên và rất
nhiều thiếu niên. Vở nhạc kịch gồm khoảng 9 hay 10 màn gì đó, cứ hết một màn
khi ánh đèn sân khấu tắt đi để chuyển cảnh là những tràng vỗ tay nồng nhiệt
không muốn dừng! Đỉnh điểm là cảnh thành công của việc lồng tiếng, các diễn
viên chính thể hiện niềm hạnh phúc tột bậc chỉ bằng các vũ điệu trong mưa, trên
sân khấu họ tạo ra cơn mưa thật, những bước múa làm tung tóe nước, bắn cả xuống
những hàng ghế đầu tiên (ta quen gọi là hàng Vip) thế mà các khán giả ở đó cũng
thấy rất vui, diễn viên và khán giả đang cùng sống trong một niềm hân hoan của
tác phẩm. Khi màn cuối cùng vừa kết thúc cũng là lúc những tiếng vỗ tay dậy
lên, kéo dài mãi không ngừng, toàn thể diễn viên ra chào và cám ơn 3 lần.
Không, dân Anh và cả ở các nước Tây Âu và Đông Âu họ vẫn sống với sân khấu như
một phần của tinh thần, họ biết hưởng thụ và thưởng thức, họ có một nền giáo
dục rất căn bản, lâu đời và hơn thế chính là họ biết yêu quý văn hóa của mình.
3. Giáo dục - giao thông - đời sống sinh hoạt:
Nền giáo dục phổ thông, đại học và trên đại học của
các nước Anh, Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan...được xếp vào hàng đầu thế giới, cái đó
ai cũng thấy rõ. Con người qua hệ thống đào tạo này được trang bị những kiến
thức rất cần thiết, rất kịp thời của thực tiễn, để họ có thể bắt tay ngay vào
cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập một khía cạnh nhỏ mình
được chứng kiến là thái độ của thầy cô giáo đối với học trò trong một dịp đặc
biệt.
Tôi đến Anh lần này để dự một Lễ tốt nghiệp phát bằng
cho học sinh tại trường đại học Surrey (University of Surrey) cách thủ đô Luân
đôn 80 dặm. Trường được xây dựng trên những đồi đất thoai thoải rộng chừng 4-5
hecta. Ngoài các tòa nhà của khu quản lý, các giảng đường có các đường nhựa
sạch sẽ nối liền và nối thẳng với giao thông của thành phố, là những khu vườn,
hồ đầy hoa và chim tự nhiên, là khu thể thao cho rất nhiều loại hình, là khu ký
túc xá mà mỗi ngôi nhà hai tầng có mái dành cho khoảng 10 sinh viên, môi trường
sống rất gần với gia đình.
Lễ tốt nghiệp phát bằng cho sinh viên không tổ chức ở
trường đại học, họ thuê và tổ chức ở nhà thờ, rất trịnh trọng vì đó lại là nhà
thờ lớn (Cathedral). Ban trị sự của trường giành cả một tuần lễ từ 16 đến
20/7/2012 để tổ chức. Mỗi ngày một khoa và có những ngày tổ chức hai hoặc ba
buổi để cho hai hoặc 3 khoa tức là sinh viên của mỗi khoa đều được tổ chức
riêng một buổi (chứ không trộn lẫn, tổ chức cho xong). Thành phần của nhà
trường trong mỗi buổi lễ gồm: thầy hiệu trưởng (hiệu phó), giáo sư đứng đầu
khoa, các giáo sư giảng dạy, các giao viên trợ giảng; đây là danh sách lập ra
trước và mọi người đều phải có mặt. Ngoài thầy giáo và sinh viên tốt nghiệp,
các khách dự đều phải mua vé trước và họ cũng giới hạn một sinh viên chỉ được
đăng ký tối đa 3 khách. Đến giờ, người dẫn chương trình mời khách an tọa, chúng
tôi đều ngồi trong giáo đường rộng lớn, trang trọng. Nhạc thánh ca nổi lên, ở
hành lang bên phải một người đàn ông mặc sắc phục của nhà thờ tay cầm cây chùy
thẳng đứng đi trước, sau ông ta là vị hiệu trưởng. Sau chừng hai phút một đoạn
nhạc khác cất lên lại một người mặc sắc phục tay cầm chùy đi trước tiếp theo là
5 người có phẩm hàm cao nhất của khoa rồi tiếp đó sau chừng hai phút là một
đoàn ước chừng hai mươi người họ là các giáo sư, giáo viên trực tiếp giảng dạy
đi theo một người của nhà Thờ trong tiếng nhạc. Cả thánh đường đều rất yên
lặng. Đến khi đoàn người đi đến lối chính giữa dẫn lên gian hành lễ thì tất cả
khách mời hầu hết là phụ huynh, bạn hữu của sinh viên đều vỗ tay biểu lộ sự
kính trọng đối với những người thày. Khi đến gần, tôi mới nhận thấy mỗi vị đều
có một lễ phục riêng của ngành giáo dục thể hiện vị trí và phẩm cấp của mình
trong trường và trong ngành, vậy là họ vẫn giữ được một truyền thống về y phục
của một lĩnh vực! Khi các thày cô giáo đã an tọa, một vị là lãnh đạo của khoa
đọc một bài phát biểu khoảng 5 phút rồi lần lượt hơn 200 sinh viên tốt nghiệp
có mặt từng người một được đọc tên đi lên bắt tay chủ nhiệm khoa, hiệu trưởng
trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của tất cả mọi người. Phần này kéo dài khoảng gần
1 giờ. Cuối cùng vị hiệu trưởng phát biểu cũng là những lời nhắn nhủ, khuyên
bảo, nhắc nhở về cột mốc của một đời người trên con đường học hành nhưng tôi
thấy rất chân thành. Quả thực từ âm thanh, lời nói đến vẻ mặt của vị hiệu
trưởng tôi thấy toàn thể nhà trường và sinh viên đều thấy tự hào về kết quả họ
cùng nhau làm việc. Kêt thúc buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, mọi người tràn ra
phía sân trước nhà thờ chụp ảnh, sinh viên thì tung mũ lên trời, thầy cô giáo
thì tươi cười thoải mái, cũng một vài chỗ khi sinh viên chia tay thày cô mắt
rơm rớm. Tôi rút ra một điều: con người ta sống nghiêm túc, làm việc học hành
nghiêm túc chân thực là một quá trình và đến phút cuối cùng của một giai đoạn
cũng đều rất nghiêm túc trang trọng. Đó là thái độ của nền giáo dục của Anh.
Tôi cũng để ý xem vấn đề của cả xã hội Việt Nam đang
nổi cộm thì ở Anh họ xử lý thế nào? Đó là giao thông, tôi chỉ quan sát giao
thông trên bộ. Ngay từ năm 1890 ở Luân đôn người ta đã khởi công xây dựng tàu
điện ngầm (underground), họ đã biết được mặt đất là có giới hạn khi lưu lượng
người di chuyển tăng lên mà mật độ di chuyển càng tăng thì càng tốt vì đó là
nhịp sống và phát triển của kinh tế và xã hội. Phương tiện công cộng được sử
dụng nhiều nhất là tàu điện ngầm, tàu hỏa, xe bus rồi mới đến taxi. Trong một
ngày hệ thống tàu điện ngầm chuyên chở vài triệu lượt người đông nhất là vào
giờ cao điểm, vé có thể mua ở bất kỳ bến nào, thời gian chạy rất chính xác,
không bị tắc đường. Tàu hỏa cũng vậy. Họ đi làm một quãng đường 100km cũng chỉ
mất 45 phút tàu hỏa. Để tiết kiệm diện tích lưu thông, xe bus của Anh đều cao
hai tầng sạch sẽ, động cơ vừa chạy điện, vừa chạy xăng hạn chế tiếng ồn và khí
thải. Taxi thì khá đắt tiền nên cũng không thấy nhiều trên đường. Do phương
tiện công cộng sẵn sàng và tiện lợi nên không "tội gì" người ta phải
xử dụng ô tô cá nhân vừa tốn tiền vừa không giữ đúng thời gian và tìm nơi gửi
xe cũng rắc rối. Ở Luân đôn không bị tắc cứng như Hà Nội, giờ tan tầm xe chạy
tốc độ chậm thôi. Họ không cấm như ở ta.
Ngoài ra trong muôn mặt cuộc sống thấy được điểm nào
thú vị là tôi quan sát. Uống bia là một thú vui mà người Luân đôn rất thích ở
đó rất nhiều loại bia để thưởng thức ngoài các hãng bia của Anh, Scotlen,
Ailen, lâu đời nhất là bia Pháp, bia Đức, bia Bỉ và bia Tiệp. Anh bạn người Anh
của tôi nói, uống bia chỉ có buổi chiều sau giờ làm việc và buổi chiều thứ 6
cuối tuần nếu không say thì không phải người Luân đôn. Ghê thật, nghe thế đã
hiểu họ mê bia đến mức nào. Khách đến uống bia tại các Pub rất ít khi ngồi, họ
không gọi nhiều món nhậu như ở ta, chỉ 2 hay 3 cốc hạt quả chiên tẩm mặn là đủ
cho một nhóm uống độ 1 giờ. Tôi thấy rất lạ, có lẽ khách uống bia quá nửa là
phụ nữ, rất nhiều đấng mày râu còn trong bộ comple - cavat với chiếc cặp làm
việc còn để ở giữa chân, họ đứng uống bia, trời càng sâm sẩm lượng người uống
càng tăng, trong quán trống trơn trừ bộ phận bán hàng, mọi người đứng hết ở vỉa
hè, cười đùa râm ran, hể hả.
Ngoài hệ thống siêu thị rất thuận lợi cho từng khu vực
mà cái gì cũng có sẵn, Luân đôn vẫn giữ nếp sinh hoạt của các chợ cổ. Ở đó,
cũng có từng ki ốt, từng sạp hàng và cả hàng ăn uống. Tôi đến chợ Bo-rát
(Borough) và Can-đâm (Candom) với rất nhiều mặt hàng tươi và hàng ăn mà chợ lại
rất sạch sẽ, những thanh niên bán hàng luôn mời chào, họ mời khách ăn miễn phí;
họ chỉ muốn mọi người "ăn hộ" để thưởng thức còn nếu thích thì mới
mua. Trong một thành phố hiện đại, những nếp sinh hoạt cổ điển vẫn tồn tại ,
các sản vật của những trang trại như cà chua, khoai tây, cải bắp, phomat,
xucxic, bánh mỳ... vẫn được mua bán như mấy trăm năm trước. Thật quý giá.
Trước khi kết thúc bài viết tản mạn về thủ đô Luân đôn
vào dịp này ở những bến tàu điện ngầm và các quảng trường đều có biểu tượng của
Olympic, họ cũng dự trù chi phí cho lễ khai mạc là hơn 40 triệu bảng Anh và cả
đợt đại hội số tiền khoảng 9.2 tỉ bảng. Tôi nghĩ không biết họ sẽ thu về thế
nào với món khổng lồ này? Lại còn nghe có thể nhân viên phục vụ ở sân bay
Heathrow sẽ đình công vào ngày khai mạc. Nhưng tôi biết người Anh sẽ biết cách
để vượt qua tất cả, với những điểm yếu kém thì họ thẳng thắn quyết liệt chỉ
trích, nhưng quan trọng nhất là họ luôn tìm được giải pháp để thành công. Một
vị quan chức cao cấp có nói với tôi: để Việt Nam phát triển được như nước Anh
hiện nay thì phải mất khoảng 80 năm nữa. Tôi biết đó là lời nói nghiêm túc
nhưng vẫn hy vọng rằng thực tiễn với tinh thần, nghị lực và cách đi đúng chúng
ta sẽ rút ngắn nhiều khoảng thời gian ấn định này.
Hà nội, tháng 7 năm 2012
Thanh Trần
10 nhận xét:
Bài viết hay phết! Thanh Trần là ai vậy?
phot
Bạn ND viết gì? Còn PChiến viết "phot" là sao?
Trung 99 đấy!
Đọc xong bài của Trần Thanh thì tôi muốn góp ý về hai điểm sau:
1. Khi đến các nước Đông Âu thì T.T ít thấy cảm giác về mặt chủng tộc vì ngoài xã hội giao tiếp với nhau chủ yếu bằng tiếng địa phương nhưng khi qua các nước Tấy Âu thì cảm giác này không còn nữa. Tại sao vậy? Trước trước đến giờ chúng ta luôn được tuyên truyền rằng ở thế giới tư bản thì nạn phân biệt chủng tộc rất phổ biến nhưng trong thực tế thì chính ở các nước Đông Âu tệ nạn này nặng nề hơn nhiều chỉ mỗi điều là báo chí không đề cập đến trong thời kỳ còn là các nước XHCN. Người dân địa phương không thiện cảm lắm với người nước ngoài, nhất là từ Châu Phi, Châu Á đến. Đừng nghĩ rằng rằng anh có vài bạn bè thân quen là người địa phương có nghĩa là anh đã xâm nhập được cuộc sống của họ. Đẫ rất nhiều lần trên các tờ báo lớn tại Đông Âu làm cuộc trưng cầu dân ý để xác định xem dân địa phương thích ai là làng giềng của mình. Nếu loại trừ dân Di gan ra thì dân di cư Châu Phi, Châu Á ít được dân địa phương ưa chuộng nhất. Tôi nhớ đến mùa hè 1990, khi gia đình tôi đi đến đảo Mallorca thuộc Tây Ban Nha để nghỉ theo tour của một công ty du lịch. Vì hồi đó hàng không Czech chưa có tuyến bay thẳng từ Praha đến đảo này nên chúng tôi phải qua sân bay Viena. Cho đến giờ tôi vẫn không quên được những ánh mắt ngạc nhiên nếu không nói là khinh bỉ của các ông, bà người Czech khi thấy không ít nhân viên làm việc ở sân bay là người da đen, từ chỗ check-in, soát vé lên máy bay, tiếp đãi viên hàng không trong máy bay, ... hoặc những thanh niên da đen ôm eo người tình da trắng của mình. Họ ngạc nhiên cũng phải bởi vì điều này, cho đến thời điểm này vẫn không thể có tại các nước Đông Âu cũ được (trừ Đức).
Trước đây các nước XHCN sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài theo dạng “nội bất xuất – ngoại bất nhập” thì 20 năm sau, kể từ khi thay đổi chế độ vẫn còn là thời gian quá ngắn để có thể hòa đồng với thế giới. Ở các nước tư bản thì những dòng người di cư đã có hàng trăm năm nay và càng ngày càng nhiều thì tình trạng đa văn hóa, đa ngôn ngữ là điều dễ hiểu. Gần 100% số người di cư là vì hoàn cảnh kinh tế vì vậy lẽ tất nhiên là họ sẽ tìm đến những nơi có cuộc sống cao hơn, dễ thâm nhập hơn và vì vậy các nước Đông Âu hiện tại không thể là cái đích cuối cùng của họ.
Chẳng nói đâu xa mà chỉ ngay ở Việt Nam mình cũng có sự cách biệt tương tự như vậy. Ở Hà Nội mà ta nghe thấy giọng miền Nam trên đường phố, trong các công sở là điều hãn hữu mặc dù Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan TW, các cơ quan đầu não của cả nước. Ngược lại khi vào đến Sài Gòn, trong 10 người anh gặp thì đảm bảo có quá nửa nói giọng Bắc. Đó là kết quả di dân mà các Cụ thường gọi là “Đất lành chim đậu”.
Phải vài thế hệ nữa thì tình trạng đa văn hóa, đa dân tộc mới có thể được phát triển rộng rãi tại các nước Đông Âu và lúc đó sự kỳ thị chủng tộc cũng sẽ được giảm dần.
2. Về văn hóa, nghệ thuật: Hoàn toàn chính xác khi chúng ta thừa nhận rằng các nước tư bản biết tôn trọng và có truyền thống giữ gìn sản phẩm nghệ thuật tốt hơn nhiều so với các nước XHCN bởi một điều đơn giản là chúng không hề phục vụ mục đích chính trị. Các nhà bảo tàng của các nước Phương Tây, chủ yếu là ở những nước thực dân cũ có rất nhiều đồ vật từ khắp thế giới bởi vì chúng đã được mang về sau những cuộc xâm lược nhưng có lẽ nhờ vậy mà chúng vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay để cả thế giới có điều kiện chiêm ngưỡng.
Tôi sợ rằng chỉ một thời ngắn nữa thôi thì Hà Nội sẽ bị biến đổi hoàn toàn và những nép đẹp của khu phố cổ sẽ bị những người câm cương nẩy mực làm cho méo mó theo đầu óc của họ. Để bảo vệ được những kỷ vật vô giá này thì chỉ có ai có tâm và có tầm mới có thể làm được. Dù sao thì tôi vẫn mong rằng Hà Nội của chúng ta vẫn giữ được những nét đẹp của ngày xưa.
Tôi có xuy nghĩ gần với Phú Hòa.Con gái tôi sinh ra và lớn lên ở Đức, nó học cùng lớp, giao tiếp, chơi thân với các bạn da den rất tự nhiên: gặp gỡ, chia tay nhau,chúng ôm vai,chạm má rất thoải mái. Mình được lớn lên, giáo dục ở một nước XHCN, leo lẻo bình đẳng ,bình quyền nhưng khi học cùng mấy bạn Cuba da đen,gần gũi,chạm tay vẫn thấy ngài ngại,gờn gợn...thấy da trắng, mũi cao thì mặc cảm về mình(ông Tây), thấy da den,tóc xoăn thì kỳ thị về bạn( thằng mọi)...xem ra giả dối, không thực lòng. Đạo đức XHCN là thứ không có thật! (TĐ)
Chả thế có tấm ảnh hôm cháu Long (con chú Nghị em tôi) dự lễ trao bằng Master gửi về, Long ôm vai anh bạn da đen. Vì không có chú thích ảnh nên khi post lên, tôi đã đề "Long và bạn nhọ". Em gái nó đang học ở New Zealand đã comment "đấy là anh bạn người Phi, bác Q racist (kì thị) quá!". Phải sửa ngay, đó cũng là 1 bài học. Đi học xa, các cháu cũng thấm vào cái văn hóa ứng xử thực sự hòa nhập.
Biết các bạn nhiều khi vẫn tự hỏi tại sao mình không viết về nước Anh? vì khi mình sống và nói tiếng Anh thì mình hoàn toàn suy nghĩ khác (theo suy nghĩ Anh), còn khi mình nói tiêng Việt thì suy nghĩ Việt, nên nhiều khi không biết viết cho các bạn như thế nào? nên sẽ cố gắng 1 hôm nào đó viết tặng các bạn.
Còn người Anh trân trọng đồ cổ và lịch sử vì đó là những thứ không bao giờ có nữa, (không phải là những đồ thuộc về "văn hóa" cũ phải đi đập phá để xây dựng "đại cách mạng văn hóa" để bây giờ phải chạy sang đây để tỉm mua về), hay là những thứ "cổ lỗ sĩ", vứt đi rồi bây giờ thấy có giá ở Anh thì tìm cách đòi lại!!!!!!!!!!!.
CB
cam on nhung chia xe va trao doi cua cac anh .Trung co viet lai nhung suy nghi khi o London (duoc co 10 ngay) ,tom lai voi 2 trang thai la bat cuoi va buon man mac !do cung la tam trang ma cac anh da phan tich khi neu nhung nhan xet .
tac gia THANH TRAN
Đăng nhận xét