Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012
Chuyện tắm tiên (Trần Đình Ngân, Berlin)
Người ta bàn tán nhiều về chuyện một nhóm người xin thànhlập CLB Tắm tiên tại bãi giữa sông Hồng (Hà Nội). Báo chí, dư luận ồn ào… Kể cũng khó phân định lý lẽ của từng bên, kẻ bảo tắm tiên là truyền thống từ xa xưa thời các cụ, là sức khỏe và môi trường. Cũng có người gay gắt cho là đám người tồng ngồng ngoài bãi giữa là kích dục, phản cảm, là thiếu thuần phong mỹ tục…!
Theo tôi, có thể là do cách quan niệm và cảm nhận của từngngười thôi!
Xin kể với bạn đọc chuyện tắm tiên, câu chuyện thật 100% và lại là chuyện về một người đáng kính, người mà tên tuổi người ta phải viết chữ HOA to kia.
Người kể chuyện này chẳng là cái thớ gì để phân định cái đám ở bãi giữa kia là đúng hay sai, phải hay trái nhưng xin bảo đảm chuyện kể ra đây là thật và có "garantie". Hỏi, sao lâu nay chẳng nghe thấy ai nói chuyện tày trời này? Thưa: lâu nay chuyện thâm cung nào mà chẳng là bí sử, cấm kỵ. Người đã được viết hoa mà gợi chuyện đời thường là phạm thượng. Đám đệ tử biến họ thành thánh. Kẻ tò mò, người làm văn báo chạm đến chuyện húy là bị ngăn cản. Mặc dầu, đời thường của vĩ nhân giá được nói tới có khi lại làm cho họ được ái mộ, vị nể hơn.
Quây quần trong đám bạn bè hay bị gọi là 4C, một ông cao hứng kể chuyện khi đi công tác Cộng hòa Liên bang Đức được bạn bè rủ ra bãi tắm FKK ("Frei-Koeper-Kultur" với nghĩa Tự do-Văn hóa- Thân thể). Hàng nghìn người già trẻ trai gái, có cả con trẻ được cha mẹ dắt theo trần như nhộng. Kẻ nằm người ngồi, kẻ bơi, người lặn, nhiều đám các ông lủng lẳng dưới, các bà lủng lẳng trên đánh bóng chuyền trên bãi cát… ai cũng vô tư, tự tin. Riêng ông bạn ( người đang thao thao bất tận kia) thì ngại từ mắt đến ngượng ở giữa, đứng im, lom khom quay mặt giả vờ nhìn vào bờ cát...
Kể ra, cái tình cảnh của ông bạn thì thật sự là trớ trêu, phản cảm, nhưng nhìn những người tắm truồng, thấy họ sinh động, thanh thản tự nhiên và xem ra rất thoải mái.
Còn dưới đây là chuyện có thật ở ta. (Xin được giữ nguyên văn).
*****
… Dịp Hè 1958-59, tao học xong lớp 6 thì ông già gửi cho đi chơi hè ở Sầm Sơn. Cụ Vương ở QK Hữu ngạn hẹn xuống Nam Định chơi hè với thằng Căng con trai (cũng vừa học xong lớp 5). Y hẹn, trung đoàn trưởng E154 cho xe từ Sầm Sơn về Nam Định đón hai „ông tướng con“.
Là trung đoàn pháo binh 122mm (nòng dài) phòng thủ biển, E154 đóng quân và lập trận địa ngay gần mép nước. Thời đó, doanh trại đâu có nhà cao, tường kín, cổng xây, trận địa đâu có beton cốt thép như bây giờ.
Nhà BCH trung đoàn là nhà cấp 4, dựng trên nền cát, vừa là nơi hội họp, tiếp khách. Gian cuối là buồng ngủ của chỉ huy. Qua một sân rộng giáp với bãi cát thoải, sóng biển vỗ dào dạt, ngoài xa 30-50m, nước sâu ngập đến nửa người. Chiều chiều, cả chỉ huy lẫn chiến sỹ, cởi quần áo vứt ở bờ cát tràn xuống tắm biển vui như hội.
Vì là khách „con em“ của chỉ huy trung đoàn nên chỉ sau một ngày, hai thằng đã được cả đơn vị biết mặt, các chú vệ binh thấy qua cổng là không cần hỏi giấy. Bọn tao ở chơi, tắm biển, nhặt vỏ ốc. Đến ngày thứ 4 thì thấy có chuyện lạ. Hôm ấy trời đẹp và biển lặng. Ngay từ sáng, cổng gác thêm người, lại có thêm cả vọng gác ở hai đầu mép nước. Kẻng cơm trưa gõ trước hai tiếng. Mọi người ăn xong, có lệnh phải ngủ trưa, nằm im trong nhà đến tận chiều!
Bãi biển vắng ngắt, (ngoài hai thằng nhóc không có thói quen ngủ trưa đang hý húi đuổi còng còng trên bãi cát ). Khoảng hơn 11h, Trung đoàn trưởng ăn mặc chỉnh tề nghiêm trang đi ra cổng gác. Một đoàn ba chiếc xe từ từ chạy vào cổng doanh trại. Xe đi đầu là một chiếc Pobeda (Liên xô) kính mờ, màu ghi bạc (loại này thời đó là quý hiếm và cũng phải thế nào mới biết mà đọc đúng tên ấy chứ!). Xe sau là Commăngca còn mới và sau nữa là chiếc xe „Jeep“ nhà binh Pháp cũ mà Trung đoàn trưởng đã đón khách hôm nào.
Xe dừng trước nhà khách trung đoàn bộ. Bốn năm người của xe thứ hai nhảy ra, nhòm ngó quan sát chung quanh, chỉ tay về phía hai tên nhóc tỏ vẻ khó chịu. Họ gọi Trung đoàn trưởng lại to nhỏ. Ông Trung đoàn giải thích sao đó, bọn họ gay gắt vài câu rồi phẩy tay tản ra xung quanh, nhòm ngó sau nhà, vào cả phòng ngủ của Trung đoàn trưởng rồi đi lại quanh quẩn.
Một người từ trong xe đầu mở cửa xe, bước thẳng ra mép nước. Anh ta xem xét bờ cát, vớt tay xuống nước đưa lên miệng nhấm nháp, tỏ thái độ hài lòng nói vọng vào xe: "Thưa! Nước hôm nay rất sạch và trong! Bãi cát nông thoải đã kiềm tra trước: xa gần trăm mét, nước chỉ sâu khoảng 1m50".
Hai xe lùi tiến ra gần mép nước làm thành một rào chắn. Nhóm cảnh giới đã yên vị thì từ cửa sau của Pobeda, một ông cụ đẩy cửa bước xuống bãi cát. Cụ để đầu trần, áo may ô trắng, quần nâu lá tọa, chân đất, đứng nhìn ra biển. Người vươn vai cử động hai tay, xoay sườn qua lại và hỏi vọng vào xe: "Các chú không có ai muốn tắm cùng bác à?". Cụ già đột ngột cởi áo may ô, rồi tụt quần dài (mà bên trong không có quần đùi, quần sịp gì cả). Cụ đặt quần áo xuống bờ cát. Từ trên xe một chú cảnh vệ cầm chiếc khăn bông lớn vội chạy lại đưa vào tay ông cụ. Cụ già không quay lại, tiếng cụ nghe rất rõ: "Chú cứ vẽ! Tắm thế này là được rồi, mang ra ngoài kia vướng!".
Thấy hai tay cụ ôm lấy hạ bộ, đoàng hoàng đi thẳng ra hướng biển. Xa bờ khoảng 30-40m, nước ngập quá thắt lưng, cụ dừng lại ngụp gội đầu, kỳ cọ quanh cơ thể. Cao hứng, cụ sải tay bơi vài ba chục mét một cách rất khoan khoái và điêu luyện.
15-20 phút qua đi, cụ vuốt nước trên tóc rồi từ từ đi vào bờ. Hai tay bịt hạ bộ, dáng đi của cụ khoan thai, gương mặt mãn nguyện sau những phút thư giãn mát mẻ. Tắm nước ngọt từ một vòi cao su nhỏ tự tạo của xe Commăngca kéo ra, cụ vừa lau người, mặc quần áo vừa vui vẻ chuyện trò với các chiến sỹ.
Các thành viên của hai xe đầu tụ lại, lên xe tự lúc nào. Chờ cho một người trong số họ nán lại chuyện trò với Trung đoàn trưởng vài câu gì đó rồi thứ tự hai xe quay đầu ra cổng và chạy thẳng hướng thị xã Thanh Hóa.
Trung đoàn trưởng mọi ngày nghiêm nghị là vậy mà giờ ông đứng giữa sân thẫn thờ, chính ông cũng hoàn toàn không biết gì về chuyện hôm ấy được nhìn thấy "thượng cấp", ngoài một lệnh ngắn gọn của cấp trên là "đích danh ông phải tổ chức đơn vị bảo đảm an toàn bãi biển lúc giữa trưa". Sau lưng ông, từ các lán bộ đội, hàng trăm chiến sỹ ùa ra chạy đuổi theo đoàn xe tới tận cổng gác, mồm hô vang: "Bác! Bác! Bác!"…
Vương Thiết Căng vốn rất hiếu động và thích ồn ào. Gần 30 phút vừa qua nó như bất động. Đám còng còng bắt được nắm trong tay, nó để sổng ra tự lúc nào. Mồm há rộng, mắt không chớp, tai căng ra, nó như nghe, như nuốt tất cả mọi diễn biến của sự kiện.
Tư lự, thằng Căng thì thầm nói với tao: "Ông Tiên đáp từ trên trời xuống, tắm mát xong rồi lại vui vẻ về trời, giống như chuyện cổ tích mà khi bé ở quê tao được nghe bà ngoại kể". Hôm nay được tận mắt thấy Ông Tiên tắm, nó nói đã hiểu ra, tại sao người đời lại gọi cách các cụ xưa tắm không vướng quần áo là TẮM TIÊN.
Giờ sinh hoạt chính trị buổi tối, cả trung đoàn tập hợp ở bãi cát trước nhà Ban chỉ huy. Chính ủy Trung đoàn quán triệt lệnh của trên là "nghiêm cấm việc bàn tán, cấm kể chuyện thấy một cụ già đến tắm tiên tại bãi tắm trung đoàn, phải coi đây là một bí mật quân sự!". Riêng việc Trung đoàn trưởng có hai cháu là khách đến thăm cũng phải được dặn dò quán triệt nghiêm túc!
… Gần hết cuộc đời, bây giờ tao mới dám bép xép chuyện này. Riêng với thằng Căng, tao có thể cam đoan, chắc nó cũng giữ miệng không kể với ai, vì cho đến 1970, khi biết tin nó bị thương trong lúc đang là Trung đoàn phó một trung đoàn phòng không của F367, tao có hỏi trong đám bạn bè quen, không thấy thằng nào nói có được nghe thằng Căng kể lại chuyện ấy.
(Viết tại Berlin ngày 19-06-2012)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Đời thường mới thật là đời của lãnh tụ. Bài viết thật, giản dị, hay. Mà anh Vương Thiết Căng về sau hình như hy sinh? Nhà cụ Vũ có mấy con đều chết cho đất nước. Kính nể!
Chuyện thế mới là chuyện!Bác lúc nào cũng bình dân,chỉ có đám thân cận mới làm Bác trở thành không bình dân mà thôi.
Kể về tấm gương đời thường đẹp và cao cả đáng khâm phục thế này, bài viết quá hay! Đề nghị TBT Báo BT5 giúp đăng ký dự thi viết vế "Cuộc vận đông học tập và làm việc theo gương" Cụ già" ." đang được rầm rộ phát đông hiện nay.
Đăng nhận xét