Ải Nam Quan có từ
thời nhà Hán, thời đó gọi là Úng Kê Quan. Đến đời vua Gia Tĩnh nhà Minh (cai
trị Trung Quốc từ năm 1521 đến năm 1566) đổi tên là Trấn Nam Quan, ở đó có một
công trình xây dựng gọi là Đài Ngưỡng Đức hai bên tả hữu lợp bằng cỏ. Năm 1774
quan Đốc trấn Lạng Sơn là Nguyễn Trọng Đang cho tu sửa, xây lại Ải Nam Quan
bằng gạch, lợp ngói. Đời nhà Thanh đến năm Ung Chính thứ ba (1725) án sát tỉnh
Quảng Tây tu bổ lần nữa, các công trình xây gạch dựa theo chân núi, cửa quan ở
quảng giữa có biển đề “Trấn Nam Quan”. Cửa này có khóa, chỉ khi nào có công
việc giao dịch giữa sứ bộ hai nước mới mở. Bên trên cửa quan có trùng đài, treo
biển đề bốn chữ “Trung ngoại nhất gia”. Phía bắc cửa quan có “Chiêu đức đài”,
phía nam cửa quan có “Ngưỡng đức đài” dành cho sứ bộ nước Nam làm chỗ nghỉ
chân.
Năm 1407 Nguyễn
Phi Khanh bị tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc. Nguyễn
Trãi vừa đi theo cha vừa khóc đến Ải Nam Quan. Đây là nơi hai cha con phải chia
tay nhau. Năm 1937 nhà thơ Hoàng Cầm-lúc ấy mới mười sáu tuổi viết vở kịch thơ
“Hận Nam Quan” mô tả cảnh chia tay đẫm nước mắt của hai cha con Nguyễn Trãi.
Tôi xin trích sau đây một đoạn:
- Nghe cha nói tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê,
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan theo gió con bay về.
- Ôi! Sung sướng trời cao chưa nỡ tắt
Về ngay đi nhớ hận Nam Quan,
Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.
“Không được đụng
tới Việt Nam” là tuyển tập 24 truyện ngắn và bút ký kể về những chiến công của
quân và dân ta trong cuộc chiến tranh ở biên giới phía bắc bắt đầu từ ngày
17/2/1979 được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 1979. Tôi xin tóm
tắt sau đây những gì viết trong bút ký “Hữu Nghị Quan”. Cuối những năm thập
niên 1950 sang đến đầu thập niên 1960 Trung Quốc trồng cây dọc theo biên giới
hai nước. Thông, phi lao, bạch đàn, cao su tạo nên một bức tường xanh. Bức
tường xanh nó có chân, nó biết đi do người trồng cố ý trồng lấn sang phía Việt
Nam hoặc do gió mang hạt giống bay về phía nam. Cây xanh mọc đến đâu là biên
giới Trung Quốc đến đó. Bằng biện pháp này họ đã xâm lấn đến hàng trăm hecta.
Mờ sáng ngày 17/2/1979 hàng trung đoàn quân Trung Quốc không đi qua Hữu Nghị
Quan mà chọc thủng bức tường xanh rồi từ các cao điểm đánh xuống các bản Cò
Luống, Nà Pàn. Các chiến sĩ ta ở Hữu
Nghị Quan luôn luôn cảnh giác, không bị bất ngờ, vào trận đĩnh đạc, quả cảm và
thông minh. Các cụm xe tăng, nơi tập trung bộ binh, các trận địa pháo, cối và
ĐKZ của địch bố trí ở các cao điểm ẩn trong rừng thông bị ta ghìm đầu ngay từ
khi khởi chiến. Trận đánh ở chốt Nà Pàn diễn ra ác liệt. Anh Mươi, đồn trưởng ở
chốt kể lại: “Chúng tôi chẳng dại gì co cụm ở đồn mà bung ra khắp địa bàn, vì
vậy hỏa lực phủ đầu của chúng không có tác dụng. Đến lúc xe tăng và bộ binh
địch ào lên, anh em mình chững chạc đánh trả. Trận ấy chúng chết 400 tên, một
xe tăng và hai xe quân sự bị bắn cháy, năm con ngựa bị giết. Ta thu 1 trung
liên, 5 AK, 3 CKC, 1 ống nhòm và 1200
viên đạn”. Trên đồi 371 ta có một tiểu đội giữ chốt. Sau 30 phút hỏa lực bắn
thẳng của những khẩu ĐKZ của địch đặt sát Hữu Nghị Quan, hai đại đội địch hùng
hổ xông lên. Trận đánh không cân sức kéo dài bốn tiếng đồng hồ mà chốt vẫn được
giữ vững.
Ngày 30/12/1999
tại Hà Nội hai ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch của Việt Nam và Đường Gia Triền của
Trung Quốc chính thức ký “Hiệp ước biên giới trên đất liền”. Bản Hiệp ước này
được Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 29/4/2000, Quốc hội Việt Nam thông qua
ngày 9/6/2000 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7/2000. Nội dung của Hiệp ước
này gồm hơn 30 trang A4 với cỡ chữ bình thường do Ủy ban Biên giới Quốc gia
công bố, có thể truy cập dễ dàng trên
trang biengioilanhtho.gov.vn. Khổ một nỗi tôi là người dốt địa lý nên mù tịt về
tên các cao điểm cũng như địa điểm có trong văn bản. Vì vậy tôi không thể tự
trả lời cho mình câu hỏi: “ Cái địa điểm mà Nguyễn Phi Khanh chia tay với
Nguyễn Trãi, cái công trình xây dựng Trấn Nam Quan bằng gạch lợp ngói của Đốc
trấn Lạng Sơn là Nguyễn Trọng Đang, rồi thì Chiêu đức đài và Ngưỡng đức đài ở
Trấn Nam Quan do quan án sát tỉnh Quảng Tây cho xây vào năm Ung Chính thứ ba
(1725) đời nhà Thanh, những công trình ấy bây giờ còn nằm ở biên giới Việt
Trung hay không? Hay là thuộc về lãnh thổ nước nào? Tầm bắn thẳng của ĐKZ cỡ
nòng 82 là 390 mét. ĐKZ của địch đặt sát Hữu Nghị Quan rót vào chốt của ta đặt
trên đồi 371, vậy chốt này nằm cách Hữu Nghị Quan không đến 400 mét. Cái chốt
ấy bây giờ nằm trên lãnh thổ nước nào? “. Rất mong quý vị học giả tài cao học
rộng chỉ giáo, tôi vô cùng biết ơn.
Ảnh: Trấn Nam
Quan
6 nhận xét:
Tuần suất gửi bài về của bác Úc ác thật: 1 bài/ngày. Bác đúng là ấm gương cho anh em ta, nhất là các bác lớn tuối như bác Ngân, bác Chiến.
Năm 1967 tôi từ QL về VN được đi bằng xe qua đây và ít ngày sau thì cùng các em k8 sang QL qua cửa khẩu này. Ngày ấy từng đái 1 bãi làm kỉ niệm.
Sau này từ 2007 không ít lần qua cửa khẩu này, thấy cái đồn biên phòng cũ của TQ trên đỉnh cao nhưng chưa hình dung ra cái ngày 17/2/1979 xảy ra thế nào. Cổng Mục Nam Quan kiên cố xây từ thời Pháp thì lùi sâu vào đường biên hiện nay đến 300m, có cảm tưởng như biên giới bị lấn sang phía VN.
Phía bên kia nhìn qua cổng vòm là tòa nhà của Thuế quan. Phía trước mặt cổng thành vẫn là đất của TQ.
Xin góp ý: Cụ Nguyễn Cơ Thạch cho dù còn khỏe, được cho NGHỈ sau Hội NGHỊ THÀNH ĐÔ .
Người ký Hiệp định biên giới Việt-Trung về phía Việt Nam có lẽ là Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Niên (đồng hương Thanh Hóa của ông Lê Khả Phiêu).
Không chỉ tại địa điểm thầy Úc vừa nêu phía Trung Quốc lấn sang ta bằng các thủ đoạn vừa nêu,mà trên toàn tuyến nơi nào lấn được là lấn.
Có điều nếu Hiệp định nói trên góp phần làm cho tình hình Biên Giới ổn định trong một thời gian thì phải chấp nhận thôi.Dân đen chúng ta không có quyền tham gia vào những việc như vầy.
Chính vì vậy cần dân chủ hóa đời sông xã hội Việt Nam cho mọi người dân được th6e3 hiện quyền của mình thì đất nước mới phát triển bền vững được.
KC
Nếu dâng đất, dâng biển để được ổn định tình hình biên giới, hải giới một thời gian thì dân đen chẳng mong muốn chút nào. Tiền nhân lập nước, mở nước, hậu nhân phải giữ nước.
Việc nước là của toàn dân nhưng dân ta đã bị giấu nhẹm. Chí ít không trưng cầu dân ý được thì cũng phải có "Hội nghị Diên Hồng" chứ. Chuyện tự làm nhất định sẽ bị lịch sử phê phán.
Đăng nhận xét