Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Chiến tranh Pháp - Trung, liên quan đến Việt Nam (ST: Đạt)


Cập nhật lúc 30-11-2012 15:20:48 (GMT+1)

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)



Vào cuối thời Tự Ðức, đất nước ta hoàn toàn kiệt quệ, trở thành miếng mồi ngon cho ngoại bang xâu xé. Về phía nước Pháp, với mưu đồ cai trị toàn cõi Việt Nam, lại nhân cuộc thám hiểm sông Mê Kông, kết quả cho biết dòng sông này có nhiều thác ghềnh hiểm trở không phải là thủy lộ tốt có thể lưu thông buôn bán với Vân Nam ; nên việc chiếm đóng lưu vực sông Hồng Hà trở nên bức thiết.



Phía Trung Quốc muốn dời cuộc tranh chấp với Pháp ra khỏi lãnh thổ mình, chọn chiến trường tại miền bắc Việt Nam. Chốn này quân Thanh đã có sẵn kinh nghiệm qua mấy lần mang quân dẹp giặc khách như Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Lý Dương Tài v v…; ngoài ra với 2 lần quân Lưu Vĩnh Phúc chiến thắng tại thành Hà Nội, càng gây cảm hứng mạnh trong lòng người Hoa. Hơn nữa tại đây quân Pháp bắt buộc phải sử dụng bộ binh, khác với những lần trước tại duyên hải Trung Quốc, với tàu bọc sắt, súng đại bác, thủy quân Pháp hoành hành như ở chốn không người. Cuộc chiến này nếu thắng, nhà Thanh được chia phần với Pháp tại Việt Nam ; nếu thua họ có thể rút lui về cố thủ nơi biên giới.
Với định kiến như vậy, triều Thanh ra lệnh viên đại diện ngoại giao Tăng Kỷ Trạch khăng khăng xác nhận với bộ Ngoại giao Pháp rằng Việt Nam là nước Phiên thuộc, quân Trung Quốc sang giúp dẹp loạn, nếu quân Pháp xâm phạm đến chỗ trú quân thì chiến tranh sẽ xẩy ra :

Ngày 24 Tân Vị tháng 10 năm Quang Tự thứ 9 [23/11/1883]
…Hiện đã ban dụ lệnh Tăng Kỷ Trạch báo cho bộ Ngoại giao Pháp, cùng do Tổng lý các quốc sự vụ nha môn thông báo cho Sứ thần các nước rằng Trung Quốc bảo hộ Phiên thuộc, nếu như quân Pháp xâm phạm đến chỗ quân ta trú đóng thì không thể ngồi nhìn... (Ðức Tông Thực Lục, quyển 172, trang 8-10)
Thực ra không phải đợi đến lúc nhà Thanh tuyên bố, chiến cuộc mới bắt đầu xẩy ra, trước đó quân Thanh đã cải trang, ngầm kết hợp với quân Cờ Ðen Lưu Vĩnh Phúc để đánh Pháp. Về mặt nổi, lực lượng chính của quân Thanh đóng tại Việt Nam chia làm 2 đạo, đạo quân Vân Nam gồm 7000 tên đóng tại Sơn Tây, đạo quân Quảng Tây khoảng 2 vạn, đóng tại Bắc Ninh.
Khi quân ta và quân Cờ Ðen trấn giữ tỉnh thành Sơn Tây, viên Tuần phủ Vân Nam Ðường Quýnh mang quân đến tăng viện ; nhưng rồi y lại nghĩ rằng thành Sơn Tây sát sông Hồng, sẽ không chịu nổi trọng pháo của Pháp từ chiến hạm bắn lên, nên đã tự ý mang quân rút trước. Hành động hèn nhát, tráo trở, khiến lòng quân đang lâm chiến trở nên suy sụp ; nên sau này Ðường Quýnh bị triều đình nhà Thanh kết án tử hình :

Ngày 30 Ðinh Vị tháng 9 năm Quang Tự thứ 9 [30/10/1883]
…Bọn Sầm Dục Anh trước đây tâu, quân Vân Nam trú đóng tại Sơn Tây, pháo đạn từ thuyền máy của Pháp bắn có thể vào thành, nên sự phòng thủ không dễ, nhưng thành này cách thành Bắc Ninh tương đối gần, càng nên cố thủ, để làm thế ỷ dốc. Ðường Quýnh trú nơi phòng thủ, đáng phải tùy thời cơ mà điều động ; nhưng viên Tuần phủ chưa nhận được chỉ dụ, bèn rút ra khỏi tỉnh, khiến cho việc biên phòng buông lỏng, lỗi lầm không thể tránh ; lệnh tước bỏ mũ đỉnh đái, cách chức lưu nhiệm để xem sự phấn đấu sau này, nếu như còn co rút không tiến, định trị tội nặng….(Ðức Tông Thực Lục, quyển 170, trang 21-22)
Sau khi chiếm huyện Ðan Phượng, tỉnh Sơn Tây, quân Pháp do Thiếu tướng Courbet chỉ huy, khoảng 9000 tên, xuất phát từ Hà Nội, ngược dòng sông Hồng tiến phát. Giao chiến suốt 3 ngày, đến ngày 16/12/1883 quân Pháp chiếm được thành Sơn Tây. Phía Pháp 300 quân tử trận, quân Thanh thương vong hơn 1000, riêng quân Cờ Ðen bị tổn thất nặng. Tình hình khẩn trương, vua Quang Tự ban chỉ dụ cho Tổng đốc Vân Quý Sầm Dục Anh và Tuần phủ Quảng Tây Từ Diên Húc như sau :

Ngày 25 Nhâm Dần tháng 11 năm Quang Tự thứ 9 [24/12/1883]
Lại dụ :
Hiện cứ Lý Hồng Chương, Tăng Kỷ Trạch điện tâu, quân Pháp đã đánh phá tỉnh thành Sơn Tây, Việt Nam ; quân Lưu Vĩnh Phúc rút chạy, cơ sự càng khẩn yếu. Tỉnh Sơn Tây đã bị quân Pháp chiếm đóng, thì đối với chỗ quân ta trú đóng tiếp giáp ; nếu chúng chiếm được một bước, lại tiến một bước, thì biên giới Vân Nam, Lưỡng Quảng càng thêm khẩn trương ; lúc này cần nghiêm sức các quân, ra sức bảo toàn lãnh thổ, không để chúng thâm nhập thêm. Sầm Dục Anh tính ra thì đã ra khỏi tỉnh, Từ Diên Húc cũng đã xuất quan ; mệnh tùy cơ điều động, nghiêm mật trú trát, hỗ tương liên lạc, không được buông lỏng chút nào... (Ðức Tông Thực Lục, quyển 174, trang 14)
Sau khi chiếm được thành Sơn Tây, đạo quân tiền tiêu của Pháp ngược sông Hồng đến vùng tiếp giáp với sông Ðà, nhưng bị phục binh quân Thanh đánh lui ; nên quân Pháp tạm ngưng tiến đánh tỉnh thành Hưng Hóa, vị trí thành này tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay :

Ngày mồng một Ðinh Vị tháng 2 năm Quang Tự thứ 10 [27/2/1884]
Dụ các Quân cơ đại thần :
Hôm qua đã giáng chỉ mệnh Sầm Dục Anh tiết chế các đạo quân ngoài quan ải, chắc đã nhận được. Nay cứ lời mật tấu của Sầm Dục Anh về tình hình quan quân phòng thủ tại Hưng Hóa, cùng nhật kỳ mang quân đến tiền tuyến. Quân Pháp muốn từ sông Ðà mang quân đến đánh Hưng Hóa, bị quân ta đặt phục binh đánh lui. Bọn kia với ý không kiêng kỵ chiếm dần như tằm ăn lá, được một bước tiến thêm một bước, các doanh phòng thủ cần gia tăng nghiêm mật phòng ngự. Sầm Dục Anh hiện đến tiền tuyến, mệnh đốc sức các quân chia đường bố trí, cùng tùy thời bàn bạc với Từ Diên Húc tùy cơ tiến đánh, ra sức bảo vệ các xứ Hưng Hóa, Bắc Ninh được hoàn thiện, để làm vững biên cương cửa nhà… (Ðức Tông Thực Lục, quyển 178, trang 1-2)
Sau khi được tăng viện thêm 1 lữ đoàn và cử Trung tướng lục quân Millot tổng chỉ huy, thay cho hải quân Thiếu tướng Courbet được thăng hàm Trung tướng để coi mặt biển ; quân Pháp chuẩn bị tiến đánh Bắc Ninh. Lực lượng quân Thanh tại đây do Tổng binh Hoàng Quế Lan và Ðạo viên Triệu Ốc trực tiếp chỉ huy, dưới quyền tiết chế của viên Tuần phủ Quảng Tây Từ Diên Húc. Ðạo quân này kỷ luật thiếu nghiêm minh, phần lớn hút thuốc phiện, quân lính lại mang vợ con đi theo, hoặc lấy phụ nữ Việt Nam làm thê thiếp.
Quân Pháp chia làm 2 cánh, xuất phát từ tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Cánh hữu ngạn, gồm 1 lữ đoàn do Thiếu tướng Brière de L’Isle chỉ huy, từ Hà Nội, dùng đường thủy theo dòng sông Ðuống, tiến đánh về hướng đông. Cánh tả ngạn, cũng 1 lữ đoàn, do Thiếu tướng De Négrier chỉ huy, từ Hải Dương đi tàu đến Phả Lại. Cả hai hợp quân thủy bộ đánh thẳng đến tỉnh thành Bắc Ninh. Trận chiến khởi sự từ ngày 8/3/1884, đến ngày 12/3, quân Pháp chiếm được tỉnh thành với tổn thất nhẹ. Quân Thanh bị chẹn mất đường trở về Lạng Sơn, bèn chạy ngược lên mạn Thái Nguyên, rồi tỉnh thành Thái Nguyên cũng tiếp tục bị thất thủ. Vua Quang Tự rất lấy làm đau lòng, ban dụ cho Quân cơ đại thần có đoạn như sau :

Ngày 19 Ất Sửu tháng 2 năm Quang Tự thứ 10 [16/3/1884]
Dụ các Quân cơ đại thần :
Cứ theo Lý Hồng Chương điện báo hôm qua cho biết thành Bắc Ninh đã thất thủ, quan quân rút về Thái Nguyên ; thật rất giận buồn ! Trước đây đã mấy lần ra chỉ dụ cho Từ Diên Húc trù biện phòng ngự một cách ổn thỏa, ra sức giữ Bắc Ninh, viên Tuần phủ này vẫn đóng lì tại Lạng Sơn, không lo bố trí một chút nào. Sầm Dục Anh cho 12 doanh của đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc đến Bắc Ninh, viên phủ nói Bắc Ninh không có báo động, cho trở lại Gia Lâm ; rồi thành này bị thất thủ ; điều động sai lầm, thực đáng thống hận ! Trước hết phải tước bỏ mũ đỉnh đái của y, cách chức lưu nhiệm ; phải lo thu thập bại quân, hết sức chống cự. Nếu như còn rút lui lần nữa và không chịu tiến, thì phải trị tội nặng… (Ðức Tông Thực Lục, quyển 178, trang 11-12)
Sau cuộc đại bại tại Bắc Ninh, Từ Diên Húc, Triệu Ốc, Hoàng Quế Lan bị bắt đưa về kinh xử tội ; riêng Hoàng Quế Lan tủi hận bèn tự tử ; triều Thanh cử Phan Ðỉnh Tân giữ chức Tuần phủ Quảng Tây, về mặt quân sự Vương Ðức Bàng giữ chức Ðề đốc tỉnh này.
Về phía quân Pháp sau khi chiếm được Sơn Tây, Bắc Ninh và Thái Nguyên ; bèn điều quân theo hướng sông Hồng tiến đánh tỉnh thành Hưng Hóa và Tuyên Quang. Tháng 4/1884 quân Pháp từ huyện Bất Bạt, Sơn Tây, vượt sông đánh thành Hưng Hóa, quân Vân Nam và Cờ Ðen cầm cự trong vài giờ, rồi đốt đồn trại và phố xá để rút lui. Tiếp đến vào tháng 5/1884, quân Pháp từ tỉnh thành Hưng Hóa ngược dòng sông Lô tiến đánh thành Tuyên Quang, cũng chỉ trong vòng 1 giờ thì chiếm được. Việc để mất hai tỉnh thành Hưng Hóa và Tuyên Quang, do lúc bấy giờ Tổng đốc Vân Quí Sầm Dục Anh nhận thấy lực lượng yếu, thế cô ; nên đành cho rút quân :

Ngày 22 Bính Dần tháng 4 năm Quang Tự thứ 10 [16/5/1884]
…Sầm Dục Anh dâng tấu triệp rằng quan quân lương hết thế cô, hiện đã rút về giữ biên giới cùng liệu cắt xén các doanh quân. Việc tại Việt Nam vạn lần khó bổ cứu, mà quân ta lương hết, thế cô, mang toàn quân rút, so với sự thoái rụt, có sự phân biệt. Duy đã tâu rõ, nhưng chưa nhận được chiếu chỉ mà làm, xét đáng chịu tội. Ngày hôm nay đã ban chỉ dụ, đem Sầm Dục Anh giao bộ nghị xử, để biểu thị sự trừng phạt nhẹ. (Ðức Tông Thực Lục, quyển 182, trang 10-14)
Sự yếu kém của quân Thanh do tinh thần và kỷ luật là chính, còn về phương diện vũ khí tuy có thua sút Pháp về pháo hạm hải quân ; riêng bộ binh quân Thanh cũng được trang bị một phần các loại súng trường của Tây phương nạp đạn sau nòng, như Vân giả sĩ [Winchester model 1973], và Sĩ nãi đắc [Joseph Snider] của Mỹ, có thể bắn 18 phát 1 phút.
Vài ngày sau khi thất thủ tại Bắc Ninh, nhân viên cựu thuế vụ người Ðức tại Thiên Tân là Ðức Thôi Lâm [Detring Gustav Von] vốn quen với Lý Hồng Chương đứng làm trung gian liên lạc với viên Trung tá hải quân Phúc Lộc Nặc [F. E. Fournier] đại diện Pháp, để hai bên cùng hội đàm tại Thiên Tân.
Cuộc hội đàm thỏa thuận 5 điều, ghi trong Giản Minh Ðiều Ước, trong đó quy định sau 3 tháng quân Thanh tại Việt Nam sẽ rút về biên giới. Nhưng viên Sứ giả Pháp trước khi rời hội đàm lại báo cho Lý Hồng Chương biết rằng quân Pháp trên đường tuần tiễu vùng biên giới Việt Hoa, rồi xẩy ra cuộc giao tranh tại cầu Quan Âm 1. Vua Quang Tự thuật lại sự kiện một cách tổng quát như sau :

Ngày 6 Mậu Thân tháng 7 năm Quang Tự thứ 10 [26/8/1884]
... Lại sai Lý Hồng Chương cùng bàn Giản Minh Ðiều Ước gồm 5 khoản, rồi cả hai cùng ký. Chiếu theo nghị định, quân tại Lạng Sơn, Bảo Thắng trong 3 tháng sẽ rút về ; mấy lần chỉ dụ các viên coi quân phòng thủ chặn đóng nguyên chỗ, không được khinh động gây hấn ; các quan coi quân, cẩn thận tuân lệnh. Nhưng nước này không tuân định ước, hốt nhiên vào các ngày từ mồng 2 tháng 5 nhuần, lấy danh nghĩa tuần biên, tại vùng Lạng Sơn nổ súng, pháo kích vào quân phòng thủ ; quân ta bắt đầu giao chiến, cả hai đều bị sát thương. Quân Pháp vi phạm điều ước, vô cớ gây hấn, làm tổn thương quan binh ta, đáng phải tiếp tục can qua... (Ðức Tông Thực Lục, quyển 189, trang 11-15)
Riêng Tuần phủ Quảng Tây Phan Ðỉnh Tân, báo cáo kết quả cuộc giao tranh tại cầu Quan Âm, quân Thanh thu được thắng lợi :
… Ngày hôm nay [29/6/1884] duyệt Trương Thụ Thanh đệ trình Phan Ðỉnh Tân điện báo rằng quân Pháp đánh vị trí doanh quân ta tại cầu Quan Âm, quân ta đánh trả lại bằng pháo súng, vào ngày mồng 3 tháng này thu được thắng lợi, giết hơn 1000 quân Pháp 2, bắt sống nhiều tên. (Ðức Tông Thực Lục, quyển 185, trang 7-9)
Phản ứng về vụ giao tranh tại cầu Quan Âm, Pháp kết án nhà Thanh vi ước, viên đại diện Patenôtre không chịu gặp Lý Hồng Chương tại Thiên Tân như đã dự định. Viên này đòi hỏi đại diện nhà Thanh đến gặp y tại Thượng Hải ; nhà Thanh bèn cử Tổng đốc Chiết Giang, Giang Tô Tăng Quốc Thuyên làm Toàn quyền đại thần đến gặp. Phía Pháp đòi bồi thường binh phí và các điều kiện khác khắc nghiệt hơn. Nhắm gây áp lực cho cuộc hội đàm, Trung tướng Courbet đưa 8 chiến hạm vào Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến, đóng sát xưởng đóng tàu Mã Vĩ của quân Thanh để đe dọa, một mặt điều quân đến đánh pháo đài Cơ Long, tại Ðài Loan, nhưng bị viên đốc phủ Lưu Minh Truyền chống cự, không chiếm được. Tăng Quốc Thuyên hứa đưa một số tiền 50 vạn với danh nghĩa “phủ tuất” 3, nhưng bị từ chối. Cuộc hội đàm tan vỡ, vào ngày 29/8/1884 Sứ thần Pháp tại Bắc Kinh ra công hàm hẹn trong 2 ngày phải hứa bồi thường 800 vạn tiền Pháp ; sau khi bị Tổng thự 4 từ chối, bèn cuốn cờ ra khỏi kinh đô.
Tiếp theo, hải quân Pháp dưới quyền Trung tướng Courbet bắt đầu hành động tại tỉnh lỵ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Quân Pháp công kích xưởng tàu Mã Vĩ, chỉ trong vòng nữa giờ đồng hồ bắn chìm 7 chiếc thuyền binh, tử thương 1040 quân Thanh ; phía quân Pháp tổn thất 1 ngư lôi đỉnh, tử trận 20 người.
Sau thắng lợi tại Phúc Kiến, Pháp đánh mạnh tại Ðài Loan. Vào ngày 1/10 quân Pháp chiếm được Cơ Long, ngày 8/10 đổ bộ Hỗ Vĩ bị quân Thanh do Lưu Minh Truyền chỉ huy đánh thua. Tướng Courbet biết rằng đánh Ðài Loan không dễ, bèn chủ trương phong tỏa. Rồi xua quân chiếm đảo Bành Hồ, vị trí nằm giữa Ðài Loan và lục địa Trung Quốc, khiến việc phong tỏa càng thêm hiệu quả.
Bắc Kỳ là chủ yếu chiến trường của hai bên, vào đầu tháng 8, quân Thanh được lệnh triệt thoái. Sau khi hội đàm tại Thượng Hải bị tan vỡ, bèn quay trở lại chỗ phòng thủ cũ. Khởi đầu Tuần phủ Quảng Tây Phan Ðỉnh Tân có những lời tâu về các chiến thắng tại huyện Lục Ngạn 5 như sau :

Ngày 29 Canh Ngọ tháng 9 năm Quang Tự thứ 10 [16/11/1884]
Vào ngày 14 tháng 8 [2/10/1884], thự Ðề đốc Tô Nguyên Xuân, đốc sức tướng sĩ ; tại con sông thuộc huyện Lục Ngạn, Việt Nam, đối bờ giao chiến. Súng pháo đồng khai hỏa, tiêu diệt gần hết quân địch ; bờ phía nam cũng bị quân ta oanh kích, hủy một chiếc thuyền và phá hủy thành đất bằng 1 pháo đài tại Lục Ngạn. Ngày 18 [6/10], địch thuyền đến bến đậu tại Lục Ngạn, quân thủy, lục cùng xâm phạm ; Tô Nguyên Xuân, cùng Tổng binh Trần Gia chia binh làm 2 cánh, đánh hăng trong mấy giờ đồng hồ, thừa thắng xông lên; Trần Gia , mình ôm vết thương, ra sức đánh; bẻ mũi nhọn giặc, giết địch rất nhiều. Từ các ngày 19 [7/10] đến ngày 22 [10/10], các doanh đặt phục binh, đánh úp bắt giết Ðầu mục giặc , giết và bị thương rất nhiều. Lại vào ngày 20, Ðề đốc Phương Hữu Thăng, Tổng binh Chu Thọ Xương mỗi người mang đội ngũ dưới quyền, ra sức đánh tại vùng Ðồn Nha, Lang Giáp, sĩ khí không giảm. (Ðức Tông Thực Lục, quyển 194, trang 21-26)

Ngày 8 Mậu Dần tháng 12 năm Quang Tự thứ 10 [23/1/1885]
…“ Phan Ðỉnh Tân dâng tấu triệp về việc quan quân tiến đánh, thắng trận. Quân Pháp từ khi bại trên thuyền, dọc theo bờ sông tại xã Chỉ Tác 6 [Lục Ngạn] thêm quân, xây lũy. Vào ngày 28 tháng 10 [15/12/1884], Phan Ðỉnh Tân phái tướng sĩ, chia đường đặt phục binh ; lại ra lệnh Ðề đốc Trần Gia vào ngày 29 mang quân đến giao chiến. Phục binh thừa lúc cùng xông ra, giết tại trận 4 quan Pháp, cùng trên 180 tên lính ; tịch thu nhiều súng ống... ”. (Ðức Tông Thực Lục, quyển 190, trang 8-9 và 11-12)
Tuy nhiên vào tháng 11 đạo quân của Ðề đốc Vương Ðức Bàng bị đại bại tại xã Phong Cốc, huyện Lục Ngạn ; quân của Ðề đốc Tô Nguyên Xuân không đến tiếp viện. Rồi đến ngày 19 tháng 12 [3/2/1885] quân Tô Nguyên Xuân bị tấn công tại Cốc Tùng, Vương Ðức Bàng lại không đến cứu, nên buộc phải rút lui, tỉnh Lạng Sơn giới nghiêm. Ðến ngày 29 tháng 12 [13/2] quân Pháp khoảng hơn 1 vạn, tiến đánh thành Lạng Sơn, chiếm được; Tuần phủ Phan Ðỉnh Tân phải rút quân về ải Nam Quan và Long Châu. Vào ngày mồng 9 tháng giêng [23/2/1885] quân Pháp chiếm ải Nam Quan, phá hủy cửa quan rồi rút lui.
Tình hình tỉnh Quảng Tây chấn động. Lúc bấy giờ Ðề đốc Phùng Tử Tài mới từ Quảng Ðông đến tăng viện. Họ Phùng trước đó giữ chức Ðề đốc tỉnh Quảng Tây lâu năm, có uy vọng lớn tại địa phương này, nên đã kết hợp được các quân dưới quyền Vương Hiếu Kỳ, Tô Nguyên Xuân, Trần Gia, Vương Ðức Bàng, Tưởng Tông Hán, lực lượng hơn 1 vạn. Phùng Tử Tài cho lập chiến tuyến dài 3 dặm gần ải Nam Quan, sai Vương Hiếu Kỳ mang quân đột kích đêm, hoạch thắng. Tiếp đến giao tranh với Pháp tại phòng tuyến, lão tướng Phùng Tử Tài trên 70 tuổi cùng 2 con xông vào giặc, quân lính cảm khích noi gương, đại phá quân Pháp. Phùng Tử Tài mang quân đến đánh Văn Uyên, quân Pháp bỏ thành chạy. Quân Thanh ba mặt tiếp tục truy kích, ngày 29 tháng 3 khắc phục tỉnh thành Lạng Sơn, Thiếu tướng De Négrier bị trọng thương, mấy trăm quân Pháp tử trận. Quân Thanh rồi tiếp tục lấy lại những vùng đất đã bị mất, rồi dừng lại tại tuyến phòng thủ cũ.
Về mặt trận miền tây, trước đó quân Vân Nam và Lưu Vĩnh Phúc vây đánh thành Tuyên Quang nhưng mãi không hạ được. Sau chiến thắng Lạng Sơn, quân Pháp được tăng viện bèn tấn công ; quân Thanh phải thua rút. Khi quân Thanh lấy lại tỉnh thành Lạng Sơn, trên đà chiến thắng, quân Vân Nam và Lưu Vĩnh Phúc quay trở lại vây thành Tuyên Quang và giao tranh với quân Pháp tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Cả hai mặt trận đông và tây, quân Pháp lâm vào hoàn cảnh khổ chiến.
Tin thua trận Lạng Sơn đến nơi, khiến Ba Lê rung động ; quốc hội bất tín nhiệm nội các, khiến Thủ tướng Pháp phải từ chức. Qua Hách Ðức [Robert Heart], viên Tổng thuế vụ hải quan người Anh tại Trung Quốc làm môi giới ; Pháp đề nghị giảng hòa, hứa sẽ trao trả lại Cơ Long, Bành Hồ, hai bên triệt binh, không đòi hỏi binh phí. Lý Hồng Chương tâu rằng : “ Bành Hồ đã mất, Ðài Loan không thể giữ được, đáng dựa vào chiến thắng tại Lạng Sơn, để lập hòa ước, thì Pháp không thể đòi hỏi thêm nữa.” Triều đình nhà Thanh chấp nhận lời bàn, ra lệnh đình chiến, kế đó hòa ước Thiên Tân hoàn thành, chấm dứt cuộc xung đột Pháp Thanh.
Qua hòa ước này, nhà Thanh mặc nhiên công nhận quyền cai trị của Pháp tại Việt Nam. Ðể bù lại, thực dân Pháp đã gây hệ lụy đến lãnh thổ Việt Nam, bằng cách nhường cho nhà Thanh một số đất tại biên giới, như vùng Hoàng Trúc, Giang Bình nay thuộc Phòng Thành thị, Quảng Tây ; hoặc tổng Tụ Long nay tại huyện Mã quan, Vân Nam.
Nguồn: Hồ Bạch T

Không có nhận xét nào: