Hôm nay là ngày
28/4/2013. Cách đây 38 năm, trong những ngày này, cả nước đang từng phút từng
giờ mong chờ tin chiến thắng. Trong những ngày đó, các phụ huynh Trỗi làm việc
căng thẳng để đẩy lịch sử nhanh chóng cán cái mốc quan trọng – Thu giang sơn về một mối sau mấy chục
năm binh đao khói lửa. Rất nhiều phụ huynh Trỗi
trực tiếp tham gia chỉ đạo, chỉ huy
chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Rất nhiều phụ huynh Trỗi và cả lính Trỗi
có mặt trong các mũi tiến công, trực tiếp tham gia và chứng kiến thời khắc lịch
sử hào hùng ấy của dân tộc. Những năm
trước đó, các phụ huynh Trỗi đã trực tiếp vạch ra chiến lược, đường đi nước bước
cho dân tộc, và trực tiếp thực hiện chiến lược đó để đi tới chiến thắng. Các cụ
đã là những người trực tiếp làm nên lịch sử. Lính Trỗi rất đỗi tự hào về lớp phụ
huynh của mình.
Nhân dịp kỷ niệm
38 năm chiến thắng, tôi đã đến thăm các phụ huynh Trỗi ở “khu tập thể” Mai Dịch. Đây là nơi an nghỉ của rất đông các phụ huynh
Trỗi: từ các cụ trong BCT, các ủy viên TƯ Đảng đến các tướng lĩnh, các cán bộ
rường cột của đất nước. Sau khi đã sống một cuộc đời oanh liệt, cống hiến hết
mình cho dân, cho nước, các cụ đang bình thản yên nghỉ nơi đây.
Các cụ nằm đó,
khiêm nhường, tĩnh lặng. Chỉ có những làn gió nhẹ lay cỏ cây hoa lá và những tiếng
chim réo rắt trong những vòm cây. Các cụ
nằm đó, dưới cái nắng hè oi ả, trong cái
rét cắt da cắt thịt của mùa đông. Đông qua rồi lại ấm nắng Xuân. Hết mùa hè là
mùa Thu mát mẻ. Cứ như thế, vòng quay, cứ thế. Ngày lại ngày, tháng tháng, năm
năm.
Các cụ nằm đó,
dõi theo nhân tình thế thái, dõi đàn cháu con sinh sống, làm ăn. Xuân Thu nhị kỳ,
ngày lễ, ngày Tết, con cháu các cụ lũ lượt kéo đến hương khói. Các “ngôi nhà” của
các cụ đều khang trang, có cái rất hoành tráng. Song, điều các cụ mong mỏi
không phải là ngôi mộ được xây hoành tráng, không chỉ là những đóa hoa tươi
trên mộ hay những nén nhang thơm. Điều các cụ đau đáu từ lúc sinh thời đến tận
bây giờ và mãi mai sau là không biết con cháu và các thế hệ tiếp theo sẽ nối nghiệp
tổ tông như thế nào đây.
Thế hệ phụ huynh
Trỗi là thế hệ vàng ròng của Đất nước. Chính các cụ đã góp công sức, trí tuệ để
làm nên Cách mạng Tháng Tám, làm nên Điện Biên Phủ dưới đất và Điện Biên Phủ
trên không. Chính thế hệ các cụ đã thu non sông về một mối để bàn giao cho các
thế hệ tiếp theo. Cũng chính thế hệ các cụ đã giúp nhân dân Cam Pu Chia thoát
khỏi nạn diệt chủng rồi cũng chính các cụ đã đánh thắng bọn Trung Quốc xâm lược
tháng 2 năm 1979. Các cụ thật là vĩ đại.
Đáp lại lòng
mong mỏi, nỗi đau đáu của các cụ, thế hệ chúng ta đã làm được những gì? Đến thời
điểm này, các khóa Trỗi đã lần lượt về hưu. Năm nay là đến lượt khóa 5 rồi đấy.
Còn lại 3 khóa đàn em nữa thôi. Tôi không có tham vọng làm được cái việc tổng hợp
những thành tựu của lính Trỗi và cũng chẳng có đủ thông tin để làm việc đó.
Song, theo thiển nghĩ và sự cảm nhận nông cạn của mình, tôi nghĩ có lẽ anh em
mình cũng đã phần nào làm các cụ yên lòng, nhưng những cái gì đó để các cụ có
thể tự hào về lính Trỗi thì chưa nhiều lắm. Có một điều để thế hệ ta có thể tự
hào là tính cách Trỗi mang đậm dấu ấn của các cụ. Trong cuộc sống hàng ngày
cũng như trong công việc, chúng mình đã cố gắng noi gương các cụ và cố gắng vận
dụng những điều học được ở các cụ.
Đến thăm các cụ,
tôi thấy trong lòng có chút xót xa. Có lẽ
điều mà vì nó các cụ đã chiến đấu hy sinh cả cuộc đời không phải như cái mà bây
giờ chúng ta đang có. Và có một số thứ quí giá các cụ đã tạo dựng nên bằng
xương máu, bằng mồ hôi nước mắt thì đang bị mai một dần.
Kính thưa các cụ,
nhân ngày lễ lớn, con xin viết mấy dòng này như một nén tâm nhang tưởng nhớ đến
tất cả các cụ phụ huynh Trỗi đã lên đường theo tiên tổ. Cầu mong các cụ siêu
thoát, cùng vui ở cõi cực lạc. Mọi việc đã có ông Trời. Chúng con sẽ cố gắng hết
sức noi gương các cụ, ít nhất không làm gì để các cụ phải hổ thẹn nơi suối
vàng.
Nam mô A Di Đà
Phật.
11 nhận xét:
Cảm ơn anh Việt đã viết bài này vào dịp 30/4, như giúp chúng tôi ở xa được đến Mai Dịch thắp hương cho các cụ. Có lẽ đó là hạnh phúc của những người sống ở HN.
Ngày ngoài đó, cứ lễ, tế là vợ chồng tôi lại ra thắp hương cho cha mẹ và bạn bè của cụ. Mua cả chục thẻ hương mà vẫn thiếu.
Bài viết làm chảy nước mắt.
Một bài viết thực là cảm động.Mọi điều các cụ đều biết hết đấy,mong một ngày nào đó-ĐẤT NƯỚC sẻ chuyển mình...
Về bài "Đi thăm phụ huynh Tỗi"
1/ Vai thày giáo (như cách đây gần 40 năm):
Lời phê của giáo viên (Bệnh nghề nghiệp - em Quang Việt thông cảm nhé!):
Bài viết tốt, tình cảm chân thành. Suy nghĩ sâu sắc.
Câu văn sáng sủa, giầu hình ảnh.
Kết luận, được."
Điểm: 5/5
1/ Vai Biên tập viên sách SRTKL:
Thêm chữ "dần" vào cuối câu: "Và có một số thứ quí giá các cụ đã tạo dựng nên bằng xương máu, bằng mồ hôi nước mắt thì đang bị mai một (dần).
Phhạm Đình Trọng, giáo viên Văn
Dù sao tôi vẫn tin rằng, những gì mà anh em Trỗi chưa làm được để vui lòng cấc phụ huynh thì con cháu anh em ta sẽ làm được. Chúc cấc thầy cô và các bạn Trỗi kỳ nghỉ an lành. B. Chương
Em rất cám ơn thầy Trọng về lời phê và ý kiến đóng góp của thầy. Nhưng em đề nghị thêm "dần" vào trước từ "mai một".
Kính chúc thầy và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
Ngày 30.4 cháu cũng đến Mai Dịch thắp hương, ko biết để đi cùng chú Quang Việt
Trước 30.4, cháu tình cờ đọc được 1 câu thơ của La Mã: "Có cái chết nào vẻ vang hơn là trong một trận chiến khốc liệt/ để bảo vệ tro tàn hài cốt cha ông và đền thờ của những vị thần".
Câu thơ làm cháu xúc động vô cùng khi nghĩ về đất nước. Tối hôm đó, đi ngang qua lăng Bắc, đúng giờ kéo cờ, có rất nhiều người đứng nghiêm trang quanh quảng trường, hát vang bài Quốc ca. Cháu vẫn nghĩ tình yêu đất nước luôn ở đâu đó, ko bao giờ mất đi, chỉ có thể đôi khi bị lu mờ bởi cs thường ngày, bởi những toan tính, lo âu.
TLH đi một mình à? Đến dịp 27/7 ta đi cùng nhé.
Cháu nói đúng. Lòng yêu nước thì làm sao mất đi được? Và nó vẫn hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống, ở những con người thực sự yêu nước. Số đó không thiếu.
Vâng, khi nào đi chú alo cho cháu nhé
Đăng nhận xét