Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Truyện nhiều kì... 7 (Thanh Trần)


Đụng độ với dân Tầu Hàng Buồm
Bây giờ khi nhìn lại quãng đời học sinh của mình cũng như các lớp trò sau này, một nhận xét tôi rút ra là năm học cuối phổ thông để lại cho mỗi người những ký ức, thử thách, trách nhiệm, tâm lý, hành vi, tình cảm …phong phú và sâu đậm nhất. Khi học xong lớp 10 (bây giờ gọi là lớp 12), một chặng đường hồn nhiên vô tư nhất được khép lại, cái vốn liếng và kiến thức đã thu lượm được sẽ đi theo mình rất xa, đọng ở trong hoài niệm của mình rất lâu.


Sau Tết năm 1976, chúng tôi bắt đầu lao vào ôn thi tốt nghiệp và Đại học. Trời dù đã sang xuân nhưng cái rét của gió bấc mùa đông quyện với mưa phùn vẫn cứ giữ lấy cái lạnh tê tái buốt như kim châm. Tối hôm đó, lớp tôi học thêm môn toán thầy Lâm dậy. Tan lớp lúc 8 giờ 30, cả bọn lấy xe đạp ra cổng trường rồi rủ nhau “tranh thủ” đi chơi trước khi về nhà.
Một toán hơn mười chiếc xe đạp đi thành 2-3 tốp ngược đường Bà Triệu ra Bờ Hồ, khi đến Thủy Tạ thì rẽ lên dốc Lương Văn Can, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, thậm chí còn trêu chọc nhau. Dốc Hàng Gai lúc đó còn đường tầu điện chạy về Cửa Nam mà những người đi xe đạp nếu đi dọc theo đường ray cũng hay bị ngã xe lắm. Tôi đạp xe đi một mình sau cùng, vừa đi vừa nghĩ về mấy bài toán mới học. Thoạt thấy mấy xe phía trước dừng tụ lại một nhóm, Mạnh Hà đang to tiếng với hai người thanh niên. Đến gần tôi mới biết đó là va chạm xe với nhau ở đường giao cắt. Chuyện va chạm xe đạp ở ngã ba ngã tư cũng là bình thường nhất là lúc đông xe, tôi đứng ra khuyên Hà đừng to tiếng và tôi xin lỗi hai thanh niên đó theo phép lịch sự.
Rồi chúng tôi đi tiếp dọc phố Lương Văn Can, bỗng linh tính mach bảo có người đang đuổi theo. Vừa lúc đó, có hai xe đạp chở bốn thanh niên lao từ đằng sau tới, một người vừa chỉ vào Mạnh Hà vừa nói: “Thằng đó láo, đánh ngay”. Thấy tình thế đột ngột xảy ra cấp bách, tay thanh niên nọ đã nhảy xuống xe và chạy bộ về phía Mạnh Hà, tôi đạp xe dấn lên cho gần rồi hét giật giọng: “Này!”. Tay đó vừa quay lại nhìn, hai tay tôi đã nhấc chiếc xe Thanh niên lên và ném thẳng vào nó. Thằng này kịp giữ được chiếc xe đang bay tới.
Cuộc hỗn chiến bắt đầu.
Lớp tôi không quen đánh đông. Ngay từ phút nhập cuộc, các bạn đã đánh nhầm nhau khi Phan Hùng thì chúi xuống còn ba bạn lao vào đánh! Tôi phải quát lên “đánh nhầm rồi” thì mọi người mới nhận ra.
Tôi rất nhớ nơi diễn ra trận đánh đó ở ngã tư Lương Văn Can  cắt với Phố Lãn Ông – Hàng Buồm, chỗ có một cột đèn ở góc ngã tư. Một gã thanh niên đầu cắt trọc trong tiết trời giá buốt mà mặc áo sơ mi cộc tay, hai cúc ngực mở phanh, tuổi chừng 25-26 đứng đối mặt với tôi, dáng vẻ điềm tĩnh lạnh lùng. Dù tôi nhứ 2-3 đòn tay và uốn thân hắn vẫn không lộ vẻ quan tâm, nét mặt vẫn bình thản không tỏ sự chú ý gì. Tôi hơi chột dạ khi nhớ lời dạy của cả hai sư phụ: Với những kẻ như thế khi lâm chiến thường là bậc cao thủ, họ không chấp các đòn dứ!. Tôi cảm thấy bị tấn công từ sau lưng trong tích tắc. Đúng vậy, nếu tôi không xoay người lại thì một quả đấm đã phóng trúng gáy. Rất may, vì tôi quay lại phía bên trái nên quả đấm sượt qua gáy, cả cánh tay của thằng đánh trộm nằm gác lên vai phải tôi. Thuận thế, hai tay tôi chụp lấy cánh tay hộ pháp của gã thanh niên, vặn người quật nó nằm lăn dưới đất với một động tác gọn gàng. Chính và Thép đứng cạnh đã vội nói: “Trung để bọn tôi xử thằng này”.
Tôi quay lại, gã đầu trọc vẫn đứng nhìn tôi mà không hề tham chiến. Quả thật, tôi rất phân vân, nhưng đã chắc gì nó là một cao thủ? Mà nếu là cao thủ thì cũng phải xử? Bỗng tôi lại cảm thấy có một vệt đen trong ánh đèn vàng chập chờn đang bay tới thái dương trái của tôi. Tôi đưa vội cánh tay trái lên, một tiếng “cạch” gọn gàng kèm theo là tia lửa xanh, một vật bén sắc đã chém trúng cẳng tay tôi, nhưng may mắn sao tôi đang đeo chiếc đồng hồ Pôn – Giốt Nga, lưỡi dao của thằng đánh trộm đã chém trúng chiếc đồng hồ, toàn bộ mặt trên đồng hồ bay đi, rồi chủ nhân của nó cũng bỏ chạy.
Tay đầu trọc vẫn đứng im lìm ở chỗ xuất hiện. Tôi quyết định: Nếu là cao thủ thì mình cũng phải đánh! Lập tức tôi vươn hai cánh tay về phía vai phải của mình để đánh lạc hướng, còn chân trái phóng thẳng một gót vào chấn thủy của hắn. Ngọn cước của tôi đi trúng đích với một lực nặng tối đa, tôi đã đánh một tay ở Vĩnh Yên với ngọn cước này và hắn đã ngất, còn tay đầu trọc khi bị thụ đòn chỉ lạng người đi rồi hắn vụt bỏ chạy! Tuyệt quá, tôi đã đánh và tôi đã thắng! Tôi dượt ngay theo thằng trọc và quây nó vào một góc tường, nơi đó bức tường nhô ra khoảng 1m trên hè. Nhất định tôi phải đánh gục thằng này. Nhưng Chính bạn tôi lại ở phía sau và nói: “Trung nhường nó cho tôi”.
Đồng ý để dành cho bạn con mồi này, tôi lùi lại còn Chính áp vào. Không được rồi, nó đã lao vào Chính và thoát ra khỏi góc tường, còn Chính bị ngã bệt xuống vỉa hè.
Sự bực bội vì để xổng mất một con mồi béo trào dậy, tôi chửi thề và đuổi theo quyết bắt lại! Bây giờ đứng trước mặt tôi ở giữa lòng đường phố Lương Văn Can là 7 tay thanh niên người Hoa, chúng lớn tuổi hơn tôi, già dặn hơn tôi và chắc chắn là từng trải hơn tôi, vì tôi mới chỉ là một học sinh phổ thông!
Nhưng dũng khí là một điều kiện rất cần có đối với con người khi lâm trận thì tôi lại có sẵn. Tôi lao vào giữa đám thanh niên đó, nhưng lại đánh sang bên phải, đánh thằng đứng ngoài cùng. Thằng này nhảy lùi lại, tôi vụt thằng thứ hai đứng bên cạnh. Rất lạ, sao chúng không quây tôi lại hoặc chủ động tấn công, hoặc từng thằng đánh đối kháng? Mà chỉ một mình tôi cứ tả xung hữu đột? Để đổi “cửa” tôi lại lướt sang bên trái đánh thằng ngoài cùng. Cả bọn đó cùng lùi lại phía sau và đứng nhìn tôi.
Tôi nhận thấy một không gian yên tĩnh của đêm tối giá rét, một sự sôi động của riêng con người mình, còn tất cả đều tĩnh lặng, mà đây là một trận ẩu đả? Quả là một nghịch cảnh! Quay lại đằng sau nhìn, tôi chợt hiểu về cái yên tĩnh vô lý mình cảm nhận, có ba anh công an mặc sắc phục đã có mặt và quan sát tôi đánh nhau từ bao giờ!
Với giọng nói “ngoan ngoãn thường trực” tôi nói ngay về việc lớp mình đi học về và bị bọn thanh niên này chặn đánh cho có vẻ hợp lý. Ba anh công an cười và nhận xét: “Học sinh mà đánh nhau dữ thế”.
Đi dép vào, nhấc xe lên tôi đi vòng vòng một lát thì thấy các bạn lớp tôi tụ lại, kiểm tra lại tất cả: về người không ai bị thương gì, về đồ dùng chỉ có tôi bị hỏng chiếc đồng hồ, đổi lại chúng tôi lại thu được hai mũ cối.
Hôm sau, cánh thanh niên đã đụng độ với chúng tôi cho người đến trường tìm. Tưởng là để “rửa hận”, nhưng không phải họ muốn kết giao với tôi sau khi đã vô tình cọ xát tối hôm trước, họ là những người say mê võ là người Hoa sống ở phố Hàng Buồm.

Không có nhận xét nào: