Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Những hạt sạn trong một bài pháp thoại (Huỳnh Văn Úc)


Tuy là một người chưa quy y Tam Bảo nhưng tôi thường xuyên đọc các ấn phẩm viết về Đạo Phật, trước là để tu tâm, sau là nói lại những điều răn dạy về ngũ giới, về tam độc tham sân si với con cháu. Cũng vì vậy mà tôi vào Google gõ từ khóa Biển Đông dậy sóng với cái nhìn của Phật giáo đăng ngày 13/7/2011 lúc 17:00 của trang phattuvietnam.net để đọc bài pháp thoại của Thượng tọa Thích Chân Quang-trụ trì chùa Phật Quang ở Núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Bài này thầy giảng trước một cử tọa gần hai ngàn thiện nam tín nữ. Cũng bài pháp thoại này, hduyanh đã đưa lên youtube ngày 10/10/2012 theo đường link http://www.youtube.com/watch?v=CWb1ln2W-LI  và trong tháng 9/2013 nhiều trang web đã đăng tải lại. Thầy trịnh trọng mở đầu bài pháp thoại của mình:
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Hôm nay ta tạm nghỉ bài pháp cú để ta nói với nhau đề tài có tựa là Biển Đông dậy sóng (vỗ tay). Nghe biết làm sao mà vỗ tay? Tính đi đánh nhau hay sao mà vỗ tay? Liên tiếp trong thời gian qua ta nghe nhiều cái tin không vui ở trên biển là cái người Trung Quốc anh em với ta bỗng nhiên tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông này là của họ, thường hay bắt tàu của nhân dân Việt Nam, phá những cái tàu của Việt Nam mà những cái tàu đó hoạt động trên cái vùng biển đặc quyền của mình…



Trong bài pháp thoại này có hai việc mà Thượng tọa Thích Chân Quang nói sai, nó như hai hạt sạn làm hỏng bài pháp thoại mà một người tài cao đức trọng như thầy không nên phạm phải.
- Thứ nhất, dựa trên những câu chuyện dã sử và truyền thuyết mơ hồ về vua Đế Minh và hai con của ông ta là Đế Nghi và Kinh Dương Vương , thầy chứng minh rằng Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Mà đã làm em thì phải giữ đạo lý của người em luôn luôn kính trọng người anh. Và thầy cho rằng Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh các căn cứ của Trung Quốc ở Châu Ung, Châu Liêm, Châu Khâm trong chiến dịch đánh Tống vào năm 1075-1076 là hỗn. Thầy cho rằng đó là trường hợp duy nhất mà em hỗn với anh, còn lại thì đa số vua chúa nước ta đều bày tỏ lòng kính trọng với Trung Quốc.
- Thứ hai, nhà thơ gốc Chăm Inrasara (sinh năm 1957) đã rất phẫn nộ với một đoạn văn trong bài pháp thoại: “Nhiều người vẫn cho rằng cha ông mình chiếm Chiêm Thành là tội lỗi truyền đời của Việt Nam. Việt Nam phải chiếm Chiêm Thành. Đó là một trách nhiệm không thể làm khác được. Tại vì sao? Tại vì Chiêm Thành có tục lệ man rợ. Đó là tục lệ giết người. Đất nước đó không thể tồn tại…. Tục lệ Chiêm Thành khi vua chết phải thiêu sống luôn người vợ. Mà vua làm được thì quan làm được, quan làm được thì dân làm được. Chúng ta phải tiêu diệt thôi

Tôi nhường lại cho độc giả bài viết này sự phán xét cái sai trong hai hạt sạn nói trên. Thượng tọa Thích Chân Quang là một người có nguồn gốc cao quý. Nhiều tài liệu đã viết về thầy. Hồ Sĩ Tạo sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Nguyễn Sinh Sắc sinh ra Hồ Chí Minh. Sau khi thoát án của triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc trốn vào bưng biền Đồng Tháp lấy một người vợ trẻ và sinh ra Hồ Chí Nghĩa. Thượng tọa Thích Chân Quang là con Hồ Chí Nghĩa, là cháu nội Nguyễn Sinh Sắc, là cháu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng  bác. Thầy đã về nhà thờ tổ họ Hồ và nhà thờ Cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo để bái lạy dâng hương và nhận họ hàng. Thầy còn là một người tài cao học rộng, qua nhiều năm hoằng pháp đã cho xuất bản hơn sáu trăm bài thuyết giảng bằng đĩa hình VCD, DVD về các đề tài khác nhau có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ. Nhưng dù cho thầy có nguồn gốc cao quý đến đâu, tài cao học rộng đến đâu tôi cũng muốn thầy làm hai việc sau đây:
- Thứ nhất, thầy hãy đến Đền Cơ Xá thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt ở đầu phố Nguyễn Huy Tự, Hà Nội dâng một nén hương để tạ lỗi vì đã mạo phạm đến Ngài.
- Thứ hai, thầy hãy viết một bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng xin lỗi nhà thơ Inrasara và những người Việt gốc Chăm về điều sai trái mà thầy đã nói về tổ tiên và dân tộc họ.
Là một nhà tu hành chân chính, tôi mong thầy không chấp bài viết này của tôi và làm hai việc mà tôi đề nghị.


 
Ảnh: Thượng tọa Thích Chân Quang






Không có nhận xét nào: