Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

ĐÊM ĐÔNG NHỚ TIẾNG VE HÀ NỘI CŨ (Mai Quân) - ST: HBĐ


Đêm đầu đông nghe bài hát cũ, ngồi góc Hà Nội mà nhớ Hà Nội quá.
***
Hà Nội ba tuổi của tôi, còn quá nhỏ, ngồi sau lưng bà ngoại ngắm nó. Bấy giờ tôi còn chưa có đứa em nào, kể cả em ruột lẫn em họ, tôi được cưng chiều. Bà ngoại tôi thường đèo tôi bằng xe đạp, lượn vòng hồ Gươm, thỉnh thoảng bà cho ăn kem Thủy Tạ, còn thường thì ngồi ghế đá ven hồ, chỗ đối diện nhà bưu điện. Bà cháu ngồi đó ngắm đồng hồ, lâu lâu nó lại kêu tang tang. Rồi có hôm bà cho tôi ăn bánh mỳ phố Huế, bảo là bánh mỳ ở đây ngon nhất. Bây giờ văn phòng tôi gần đó, cách vài ngày tôi lại đi bộ sang bánh mỳ phố Huế, làm cái, nó chẳng khác gì ngày xưa. Có bà bán bánh mỳ, năm xưa khi tôi đến lần đầu, không nhớ người bán chỉ nhớ bánh mỳ, nhưng hồi ấy chắc bà còn là thiếu nữ. Nay cũng có một thiếu nữ, thỉnh thoảng quần soóc ngắn từ nhà trong đi ra, nhảy lên LX phóng đi. Cô chắc là con gái hay cháu gái bà ấy, có khi bay lượn vài năm rồi là lại sẽ trải qua một đời năm tháng bên bàn bánh mỳ với bánh, pa tê, bơ, giăm bông. Ở những thành phố có bề dày năm tháng, đôi khi hồn vía cũ lưu giữ ở những người cả đời chỉ ngồi đó bán bánh mỳ.


Đôi khi đi với bà ngoại ngồi chơi ở Hồ Gươm, vào đúng trưa, tôi rất thích thú lặng nghe tiếng còi trưa. Nó hú lên vào giữa trưa, 12h, rồi sẽ một lần nữa vào lúc 5h chiều.
Tiếng còi tan tầm ấy, khi vang lên thì chững lại một chút trong không gian, rồi tràn xuống lan ra cả mặt hồ, rồi bay dọc theo đường Bà Triệu, tới đê Đại Cồ Việt. Nó vượt qua đê, bay trên những mái nhà, qua con sông đen ngòm, qua khu nhà ăn Bách Khoa, rồi xuyên qua rặng phi lao, lướt qua sân vận động đầy cỏ dại và rau muống, rồi ào vào nhà tôi. Nghe ở nhà tôi hay nghe ở bên Bờ Hồ, dường như âm lượng vẫn vậy. Hà Nội thời ấy mọi người đều lắng nghe còi tan tầm. Một tiếng còi dùng chung cho tất cả mọi người.
Chẳng biết từ bao giờ thì người ta bỏ cái tiếng còi tan tầm ấy đi. Có lẽ là khi mà Hà Nội bỏ xe đạp chuyển sang xe máy, tiếng còi không còn vượt được qua vài dãy phố. Hoặc là khi mà trong các công xưởng, như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo chẳng hạn, chả còn bác công nhân nào đi làm.
***
Hà Nội mười hai tuổi của tôi, tôi đi theo ông thày dạy nhạc già đi dạo từ Cung Thiếu nhi dọc theo đường Ngô Quyền để tới Tràng Tiền, phô tô bản nhạc. Ông chỉ, đây là Bắc Bộ Phủ, ngày xưa bắn nhau với Pháp ở đây. Tôi đi dọc theo hàng rào sắt Bắc Bộ Phủ, hàng rào có từ ngày ấy, gần như thanh rào nào cũng có vết đạn. Có một hay hai viên cắm thẳng vào giữa thanh sắt, sâu hoắm, những lớp sơn mà năm nào người ta cũng sơn lại rào, không bám được tới chỗ đó, vẫn nhìn và sờ được cái đít viên đạn. Nó găm vào đó từ mùa đông 1946, mắc kẹt ở đó và quên lãng đi ở đó.
Năm ngoái tôi đội thằng nhóc lên vai, đi quá đó, các thể loại cô dâu chú rể đứng chụp ảnh lăng xăng. Tôi chỉ cho thằng nhóc, đây là viên đạn này, nó cắm vào đó lâu lắm rồi đấy. Tôi nói với nó với lòng tự hào vô đối, như thể, bố biết được có viên đạn này ở đây, bởi vì bố đã sống ở đất Hà Nội này từ bé. Mà rất nhiều người cũng sống ở đây từ bé nhưng vẫn không biết viên đạn này, nó là tài sản riêng của bố.
Hàng rào Bắc Bộ Phủ do Pháp làm, bao năm không hoen rỉ. Cho nên người ta chỉ có sơn lại nó mà không có nhu cầu thay thế, chắc nó và những viên đạn vẫn còn ở đó lâu. Nhưng chẳng may lúc nào đó vì lý do nào đó người ta thay rào, mà tôi biết được, ắt tôi sẽ đến xin mua cái thanh sắt có viên đạn đó. Viên đạn do một anh Pháp, một anh lê dương da đen, hoặc một anh cảm tử quân gầy như con cò mới rời mẹt hàng chợ cầm lấy khẩu súng trường và bắn ra vào mùa đông 1946.
***
Hà Nội mười bảy tuổi của tôi, chỉ có một chiếc Mifa mất phanh nửa km tuột xích một lần, nhưng có thằng bạn quá nửa đêm tới đón bằng Cup 81. Hai thằng lọ mọ chạy dọc phố mùa đông, trời còn tối, qua Hồ Gươm, qua Hàng Ngang Hàng Đào, lên Hồ Tây rồi lên đê Yên Phụ, chui vào chợ hoa. Lọ mọ trong những ánh đèn dầu, đèn pin. Rồi trời tảng sáng, hai thằng mua một đống hoa, rất nhiều hoa. Hoa hồng hoa ly các kiểu, thì ôm thành mấy ôm, qua nhà các cô bạn gái, gọi cửa đánh thức các cô khi còn đang ngái ngủ, mắt mũi còn kèm nhèm mà ngát hương thiếu nữ, tặng cho mỗi cô một ôm, còn lại mang về tặng mẹ và cắm trong nhà. Tôi bao giờ cũng mang về hoa đồng tiền đơn. Đó là loại hoa tôi thích nhất. Hoa này giờ gần như tiệt chủng.
Lần gần nhất tôi đi chợ hoa, mấy năm trước, vét cả chợ mà chả có đồng tiền đơn. Từ đó tôi không đi chợ hoa nữa. Giờ chợ chỉ có những loại hoa lòe loẹt mà không hương. Và hoa đồng tiền đơn đỏ thắm từng cánh mà tôi yêu thích, thì chẳng ai bán nữa.
Có rất nhiều thứ đẹp đẽ của Hà Nội mà ngày nay chúng ta không còn nữa.
***
***
***
Hà Nội là một thành phố không được gìn giữ, văn hóa của nó chính là sự mất đi. Nó mất đi và thêm mới, mất đi thêm mới và mất đi, mất đi càng nhiều thêm mới càng nhiều thì người ta càng nhớ. Nó luôn trộn những cái mới mẻ và những tàn tích. Bạn có thể xúc động khi đi ăn trên phố cũ rồi bắt gặp một nếp mái nâu cổ kính còn sót lại, thậm chí bạn có thể xúc động khi bắt gặp một ngôi nhà được xây những năm 90 giờ này vẫn còn giữ được nguyên vẹn những năm 90. Điều dễ nhất ở Hà Nội là tìm một quán phở để ăn sáng, mà cũng là điều khó nhất bởi giờ này chẳng còn bát phở nào có mùi vị năm xưa khi bạn còn bé. Kể cả quán phở nấu y chang công thức cũ. Nhưng thịt bò đã khác đi, hành đã khác đi, bánh phở đã khác đi, và than để đun bếp cũng đã khác đi.
Thế nên mới có những quán ăn tìm về phong vị bao cấp, mới có những quán ăn mang cho khách những cái bát sành cố tình đập cho mẻ, mới có chuỗi cafe cố tình xưa cũ với những đồ giả cổ. Người Hà Nội mới và nhất là những người không sinh ra ở Hà Nội mà đang sống ở Hà Nội hay tìm đến những chỗ như thế. Để tìm đến cái Hà Nội đã mất đi, để tìm cái mà họ nghĩ Hà Nội đã từng là.
Ông xe ôm quen của tôi, một bộ đội già Hà Nội đứng làm xe ôm ở góc phố, ông mới mua cái xe Future mới, Hà Nội là chính ông. Ông chẳng cần chơi xe máy cổ, chẳng đi cà phê giả cổ, chẳng sưu tập cái gì. Ông ta chỉ sinh ra lớn lên và già đi rồi chẳng mấy lại ra đi trên cái chỗ này.
***
Tôi và nhiều bạn cấp một cấp hai cấp ba của tôi (mà đa phần cũng chẳng phải dân Hà Nội gốc, là dân sinh ra và lớn lên ở đây thôi) hầu như không sống ở Hà Nội. Chúng tôi chán Hà Nội tới độ mà không đứa nào còn sống ở đó nữa. Chúng tôi chỉ đến nơi làm việc, rồi về nhà, hoặc đi uống bia, hoặc đi đá bóng đánh tenis,… chúng tôi làm đủ mọi việc của một người dân thành phố nhưng thành phố này không còn thuộc về chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi tìm về Hà Nội cũ, mỗi đứa lại có những địa điểm khác nhau, nhưng không phải là những Hà Nội mới cố làm cho có vẻ cũ
Chúng tôi đã lạc khỏi thành phố này. Hà Nội bây giờ thuộc về các bạn học sinh cấp ba đang lớn lên, các bạn sinh viên ngoại tỉnh, lên Hà Nội học đại học và đi làm, và ở lại… như cha mẹ chúng tôi khi xưa. Cha mẹ của chúng tôi năm xưa từ các tỉnh, về Hà Nội làm việc và sống, chiếm lĩnh Hà Nội của những người muôn năm cũ, rồi đẻ ra chúng tôi. Chúng tôi sinh ra và lớn lên, ngấm Hà Nội vào lòng, rồi lại bị chiếm mất Hà Nội bởi những lứa thanh niên sau. Chúng tôi chẳng còn Hà Nội để mà truyền lại cho những đứa trẻ của chúng tôi. Tất thảy của chúng tôi chỉ còn là ký ức.
Trưa nay qua đường phố quen
Gặp những tiếng ve đầu tiên
Chợt nghe tâm hồn xao xuyến
Điệp khúc tiếng ve triền miên
Tiếng ve đu cành sấu
Tiếng ve náu cành me
Tiếng ve vẫy tuổi thơ
Tiếng ve chào mùa hè


Nhớ bài này rồi tìm được cái link youtube. Một bản phối quá tốt và quá đẹp. Tốp ca nữ Sở giáo dục Hà Nội 198x. Ôi, “biển của một thời đã mất”.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Nghe bạn viết mà nhói lòng. Mình cũng vậy.

Nặc danh nói...

Chia sẻ với tác giả Mai Quân :
- Những hoài niệm và cảm xúc của bạn rất đúng ! ta luyến tiếc cái rất đẹp và bình dị của ngày hôm qua đã mất đi ở Hà nội hôm nay . Trong bài NƠI BẮT ĐẦU CÂU CHUYỆN VÀ NGÔI NHÀ 99 tôi cũng như anh , đã phải thốt lên " chẳng lẽ cái nếp cũ thanh lịch của Tràng An đã chết đi trong lòng người đang sống ?" như anh đã bộc bạch .
- Ta nên ghi lại những cái đẹp của Hà nội hôm qua , để sau này người cần tìm đọc vẫn có thể nhìn thấy HÀ NỘI như chúng ta đã trải qua.
THANH TRẦN