Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Người thầy của những nhà tình báo tài giỏi (Đinh Việt Dũng)

Ông bà Trần Hiệu.
           Trong không khí đầu xuân se lạnh, tại nhà của cụ Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ công an lão thành nằm khiêm nhường trong con ngõ nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), chúng tôi ngồi lắng nghe những hồi ức sinh động từ chính một trong những chứng nhân lịch sử tham gia lực lượng công an cách mạng từ những ngày đầu thành lập. Tuy đã ngoài 90 tuổi, cụ Hùng vẫn còn minh mẫn lắm, câu chuyện của người công an lão thành nhắc lại kỷ niệm sâu sắc về người thầy đầu tiên đã truyền đạt những bài học vỡ lòng về nghiệp vụ công an cho mình, đó là ông Trần Hiệu.





        Một ngày đầu tháng 4 năm 1946, theo quyết định điều động công tác của Xứ ủy, tôi đến trụ sở Công an bắc Bộ tìm gặp đồng chí Trần Hiệu (tức Hoàng Mỹ), khi đó giữ trọng trách Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ, nhưng trên thực tế là người nắm quyền điều hành toàn bộ các hoạt động của Sở Công an. Lúc này, để tập trung các lực lượng chính trị chống âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, Đảng ta chủ trương thành lập Chính phủ Liên hiệp có sự tham gia của một số nhân vật trong hai tổ chức Việt Quốc, Việt Cách. Đối với lực lượng Công an, Đảng ta thực hiện sách lược “trung lập hóa”, nên để ông Đào Hùng, một người có quan hệ với Đại Việt giữ ghế Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ.
       Tại phòng làm việc của đồng chí Trần Hiệu, tôi gặp gỡ ba đồng chí khác cũng nhận quyết định điều động của tổ chức Đảng sang lực lượng Công an cùng đợt với tôi là các anh Phạm Văn Nghi, Trần Xuân Viên (Viễn Chi), Mai Văn Mạc. Trong buổi gặp gỡ, anh Trần Hiệu nói với chúng tôi về chủ trương của Đảng điều động, bổ sung cho lực lượng công an nhiều đảng viên để xây dựng lực lượng công an cách mạng trở thành công cụ tin cậy của Đảng và nhân dân. Lớp đảng viên sang công an đợt này và cả một số đợt sau sẽ thay thế các vị trí lãnh đạo các cấp trong lực lượng công an cách mạng. Những ngày sau đó, đích thân đồng chí Trần Hiệu đã mở một lớp bồi dưỡng cấp tốc cho bốn anh em chúng tôi về một số nội dung: Đường lối cách mạng của Đảng; Nhiệm vụ của Công an trong tình hình mới; Công tác Đảng trong Công an; Công tác tổ chức và đặc biệt là đi sâu vào công tác điều tra nắm tình hình và công tác hỏi cung can phạm.
        Bản thân tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao một cán bộ, đảng viên của Đảng ta mà vào thời điểm đó lại có kiến thức sâu, rộng về nghiệp vụ công an đến thế. Sau này, qua thời gian công tác lâu năm trong lực lượng công an, tôi mới dần biết thêm về đồng chí Trần Hiệu. Đồng chí Trần Hiệu tên thật là Vũ Văn Địch, thời kỳ công tác ở công an bắc Bộ lấy bí danh là Hoàng Mỹ. Đồng chí Trần Hiệu sinh năm 1914, quê huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), trong một gia đình trung nông lớp trên theo Nho học và có truyền thống yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, năm 1936, Trần Hiệu được đồng chí Trường Chinh kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi các nhà nhà lao Sơn La, Bắc Mê rồi đày sang Madagascar, một thuộc địa của Pháp ở miền Nam châu Phi.
         Tại trại tù ở quốc đảo Madagascar, Trần Hiệu và các đồng chí của ông, tiêu biểu là Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, sau là Thứ trưởng Bộ Nội vụ); Tô Gĩ (tức Lê Giản, sau là Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam); Hoàng Đình Giong (tức Vũ Đức, sau là Khu trưởng Khu 9 rồi Khu 6); Nguyễn Văn Ngọc (sau là Giám đốc Sở Công an Trung Bộ, Chánh văn phòng Thứ Bộ Công an, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ); Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Văn Minh, sau là Chánh án Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao); Đoàn Ngọc Rê (tức Cao Dương Tiệp, Dương Công Hoạt, sau là Ủy viên Ban Dân tộc Trung ương kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ)… ra sức tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, quyết không để chết dần chết mòn như ý đồ hiểm độc của thực dân Pháp. 
        Năm 1942, sau khi quân Anh đánh chiếm quốc đảo Madagascar từ tay lực lượng của chính phủ bù nhìn Vichy (Pháp), rồi giao lại cho lực lượng của tướng Charles De Gaule (phe kháng chiến chống phát - xít của Pháp) kiểm soát, các tù nhân Việt Nam trên danh nghĩa được trả tự do, nhưng vẫn sống trong các trại giam cũ. Tháng 3 năm 1943, quân đồng minh Anh - Pháp thành lập “Đội quân chí nguyện Đông Dương”, nên chủ trương tuyển số tù chính trị ở các nước thuộc Đông Dương. Họ bắt đầu tuyển các tù chính trị Việt Nam, đầu tiên là Hoàng Đình Giong và Đoàn Ngọc Rê. Anh em cộng sản liền nhóm họp, sau nhiều cuộc tranh luận có lúc khá gay gắt, các đồng chí đi đến quyết định: lấy lý do muốn về nước chống phát-xít Nhật, để tranh thủ  bọn Anh-Pháp. Kết quả là tháng 6 năm 1943, các anh Phan Bôi, Tô Gĩ (tức Lê Giản, cũng chính là em họ đồng chí Tô Hiệu), Nguyễn Văn Phòng được gọi “nhập ngũ”. Tới đầu tháng 9 thì đến Trần Hiệu và 12 người khác. Hầu hết được đưa tới Đại đội 1 thuộc cái gọi là “Quân chí nguyện Đông Dương” của lực lượng Đờ Gôn (phe Đồng Minh chống phát-xít). Tại đây, Trần Hiệu và các đồng chí của ông đã vừa vận động binh lính người Việt, vừa tìm cách tranh thủ, thuyết phục bọn Pháp (phái Đờ Gôn) ủng hộ để bảo toàn đội ngũ, sớm trở về nước. Đầu năm 1944, đồng chí Trần Hiệu cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng được quân Anh đưa tới Kênia rồi sang Ấn Độ. Ông cùng một số đồng chí của mình được người Anh tuyển mộ sang hoạt động tình báo, được huấn luyện về lý thuyết, phương pháp gây cơ sở, lấy tin, cách đánh moóc-xơ và dịch mật mã…
          Để đưa những người vốn là tù chính trị An Nam, nay “tình nguyện” ra nhập đội quân chống phát-xít trở về Đông Dương, quân Anh đã tổ chức mấy chuyến nhảy dù. Chuyến nhảy dù đầu tiên tiến hành trong tháng 8 tháng 1944, gồm Tô Gĩ (Lê Giản) và Hoàng Đình Giong đổ bộ xuống vùng ven thị xã Cao Bằng và được cơ sở cách mạng đưa về vùng căn cứ an toàn. Khoảng một tháng sau, Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam nhảy dù xuống cánh đồng Khau Tòng (làng Khau Đồn, Cao Bằng). Nhóm này bắt liên lạc trở lại với Bộ Tư lệnh quân Anh ở Ấn Độ đã có kết quả. Sau đó, anh em ở Cao Bằng nhận được 6 dù tiếp tế gồm máy thu thanh, thuốc men, quần áo và thức ăn. Nhóm ở Hà Đông nhận được một dù vũ khí. Đến tháng 3 năm 1945, máy bay B-29 của Anh chở các đồng chí Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng bay từ Đắc - ka qua vịnh Ben -gan, vịnh Thái Lan, vịnh Bắc Bộ vào châu thổ sông Hồng thực hiện kế hoạch nhảy dù. Ba người nhảy dù xuống làng Tiên Lữ (huyện Quốc Oai - tỉnh Hà Đông), chỉ ít ngày sau đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ.
Trong một buổi họp mặt với những nhà Tình báo thời chống Mỹ. Cụ Trần Hiệu (ngồi hàng đầu, thứ hai từ trái). Cụ Trần Quốc Hương (Mười Hương), hàng đầu thứ ba từ trái. 
         Tháng 8 năm 1945, theo sự phân công của Xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí Trần Hiệu tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ông được Đảng phân công sang công tác tại ngành Công an và giữ các cương vị trưởng phòng Chính trị rồi Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Năm 1946, trong những tháng ngày hết sức khó khăn, gian khổ đấu tranh bảo vệ chính quyền nhân dân mới thành lập, ông Trần Hiệu và các cán bộ lãnh đạo lực lượng công an cách mạng như các đồng chí Lê Giản, Lê Hữu Qua, Nguyễn Tạo, Nguyễn Tài, Trần Đức Minh… đã lãnh đạo lực lượng công an Việt Nam non trẻ anh dũng chiến đấu, đập tan nhiều âm mưu phá hoại, lật đổ của các đảng phái phản động, câu kết với thực dân xâm lược. Điển hình là đã đập tan âm mưu đảo chính của kẻ thù trong vụ án Ôn Như Hầu (ngày 12/7/1946), tại thủ đô Hà Nội.
        Đầu năm 1947, Cục Tình báo thuộc Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập, ông Trần Hiệu được Trung Ương Đảng và Bác Hồ giao trọng trách Cục trưởng (theo sắc lệnh số 108-ngày 20/1/1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký). Tháng 4 năm 1950, ông được tổ chức giao nhiệm vụ giữ cương vị Phó giám đốc Nha Công an Việt Nam, kiêm Trưởng ty Tình báo - Nha Công an.
       Tháng 7 năm 1951, Cơ quan Tình báo Chiến lược với tên gọi Nha Liên lạc thuộc Thủ tướng Phủ được thành lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm Giám đốc. Ngày 10 tháng 6 năm 1957, Nha Liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu thành Cục Tình báo, cơ quan Tình báo Chiến lược của Đảng và Quân đội, ông lại được bổ nhiệm Cục trưởng. Năm 1958, ông được phong quân hàm Đại tá. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Hiệu cùng với đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) là những người có công xây dựng lực lượng tình báo chiến lược của Đảng và Quân đội với những tên tuổi lớn trong kháng chiến chống Mĩ như: Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Đinh Thị Vân…
         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và nhiều hy sinh, lớp cán bộ Tình báo tài năng, trung kiên do đồng chí Trần Hiệu lựa chọn, bồi dưỡng từ những ngày còn ở Chiến khu Việt Bắc, đã lập nhiều chiến công xuất sắc trên trận tuyến thầm lặng chống quân thù. Tổ quốc, Quân đội và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ những đóng góp hết sức quan trọng của lực lượng Tình báo tài giỏi, dưới sự lãnh đạo của TƯ Đảng và Bác Hồ.
******* @ *******


3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Những năm đầu 1960, nhà cụ Hiệu ở cùng nhà cụ Lê Trọng Nghĩa ở 93 (hay 95) Lý Nam Đế. Trẻ con số nhà ấy hay sang chơi với tụi tôi ở khu tập thể 38 Trần Phú. Lộ học k6 Trỗi.
Mãi sau này mới biết cụ Hiệu từ Madagasca được đưa về VN sau 1945 và là 1 trong số vài nguồi đầu tiên xây dựng ngành quân báo của ta.
Tư liệu này thật quý. Cảm ơn Dũng.

TranKienQuoc nói...

Cụ Phan Bôi có họ hàng với cụ Phan Thanh (ba anh Phan Diễn). GS Phan Quốc Khánh (nguyên giáo viên Toán Đại học KTQS) là con cụ Bôi. Cụ mất năm 1947 trong kháng chiến chống Pháp.

Nặc danh nói...

Q ơi, ông cho lại tôi cái Poljot này nhé. Vì cuối 1969 khi tôi từ Hưng Hóa về QK4 có bàn giao cho Tấn Lợi cái đồng hồ Poljot Bác Hồ tặng ông già tôi trước khi cùng đoàn cán bộ các cấp VN đi Liên Xô đầu 1969.
Đến đầu 1970, Tấn Lợi, Lê Bình, Phước Ngọc, Trung Nam trốn đi B, vì đói quá đã bán đồng hồ này, đổi lấy ruột tượng gạo, chống đói. Ông biết chúng nó trốn trường, có nghĩa ông cũng là đồng phạm. Nay có điều kiện, phải bồi thường tôi.
Haaaaaaaa!
Phan Nam