Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong Chiến dịch Chủ quyền 88
TPO - Trong
trận chiến ngày 14/3/1988 tại các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, chúng ta
mất 64 người, bị bắn chìm, bắn cháy 3 tàu. Nhưng những người lính Việt Nam anh
hùng không bỏ chạy, không bỏ đảo, không bỏ đồng đội. Quốc kỳ Việt Nam vẫn tung
bay trên bãi Len Đao và bãi Cô Lin.
Các bãi Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao trong cụm đảo Sinh Tồn. |
Hiện nay, sự
kiện xảy ra ngày 14/3/1988 hay được gọi là hải chiến Gạc Ma. Không đúng, vì
ngày đó súng nổ, máu đổ không chỉ riêng ở bãi Gạc Ma, mà cả ở bãi Cô Lin, bãi
Len Đao.
Viết về ngày
14/3/1988 mà bỏ qua những gì diễn ra ở Cô Lin và Len Đao là phiến diện, không
đầy đủ về sự kiện.
Theo tài
liệu chính thức của Phòng Chính trị, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, trong số 64
liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 có 58 liệt sĩ hy sinh trên bãi Gạc Ma và tàu
HQ-604, 6 liệt sĩ hy sinh cùng tàu HQ-605 ở cạnh bãi Len Đao. Như vậy, nói 64
liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma là chưa chuẩn.
Ý kiến cho
rằng Trung Quốc chọn ngày 14/3/1988 để tập kích quân ta ở Gạc Ma, do ngày đó
nước ta làm lễ tang cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cũng không đúng.
Vì ngày 14/3/1988 là ngày các đơn vị của ta được lệnh đóng giữ các bãi Cô Lin,
Len Đao, Gạc Ma.
Gửi đồng chí
Sơn – Thuyền trưởng HQ 605. Tư lệnh Hải quân lệnh: 1. Đúng 6 giờ ngày N phải
chiếm Len Đao. 2. Sẽ có tàu chở hàng và nhà (nhà cao chân – NĐQ ghi chú) tới
sau. 3. Quy định: Khi nào nhận điện “Tiếp tế Sinh Tồn T42” thì ngay lập tức
chiếm lĩnh Len Đao; 11 giờ ngày 13/3 có mặt tại Tốc Tan cập mạn tàu Đại Lãnh
gặp đồng chí Cai (Trung tá Võ Tiến Cai – NĐQ ghi chú) – lữ phó 146 nhận nhiệm
vụ cụ thể; Gạc Ma là điểm A, Cô Lin là điểm B, Len Đao là điểm C.
Đó là nội
dung điện tối mật ngày 11/3/1988 của Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh
Vùng 4 Hải Quân Giáp Văn Cương gửi Thuyền trưởng tàu HQ-605, Đại úy Lê Lệnh
Sơn. Văn bản bức
điện này đang được trưng bày tại Nhà Truyền thống Vùng 4 Hải quân.
Trung tá Đỗ
Xuân Công, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 (sau này là Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân)
ghi chú trong bức điện: N là ngày 14/3. Trước đây có thống nhất với đồng chí
Cai là 7 giờ ngày N. Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14/3 tàu 605 phải chiếm
được Len Đao. Để thực hiện được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13/3 605 phải tập
kết ở Tốc Tan.
Một số tàu
khác cũng nhận được mật lệnh hành quân tới đóng giữ bãi Gạc Ma và bãi Cô Lin
trong đêm 13/3/1988 rạng ngày 14/3/1988, như tàu HQ-604, HQ-505, HQ-614…
Qua văn bản
mật lệnh, có thể thấy Quân chủng Hải quân đã đoán biết (hoặc biết) ý định của
Trung Quốc chiếm đóng các bãi Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, nên ra lệnh hành quân
khẩn trương để đóng giữ đảo, ngay cả khi tàu mới chỉ có người, chưa có vật liệu
xây dựng.
Bi hùng
Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương |
Đang làm
nhiệm vụ cạnh đảo Đá Đông, tàu HQ-605 nhanh chóng tới đảo Tốc Tan, rồi lên bãi
Len Đao ở phía Bắc, chiều tối 13/3/1988. Từ bờ, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 cũng
ghé đảo Đá Lớn để nhận nhiệm vụ cụ thể, rồi hành quân xuống bãi Cô Lin, bãi Gạc
Ma ở phía Đông Nam, chiều ngày 13/3/1988.
Chỉ ít phút
sau khi tàu HQ-505 và tàu HQ-604 thả neo, một tàu hộ vệ của Trung Quốc từ bãi
Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta
rời khỏi Gạc Ma. Đến chiều tối, Trung Quốc đưa tới thêm một tàu chiến… Bộ Tư
lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3/1988.
Theo sách
Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), khoảng 3 giờ sáng ngày
14/3/1988, lực lượng của Trung đoàn 83 Công binh bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu
HQ-604 lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 tổ chức cắm cờ và bảo vệ công
binh làm nhiệm vụ.
Khoảng 6 giờ
ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng
40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Thiếu úy Trần Văn
Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.
Liệt sĩ Phạm
Hữu Doan đứng thứ hai từ phải sang, cùng các sinh viên Mozambik, Yemen và Nga
tại Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov (Bulgaria) năm 1982. Ảnh lấy từ website
của Học viện Hải quân Nikola Vaptsarov
Bị quân ta
đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào các tàu
ta và quân ta đang ở trên bãi Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn
trưởng Lữ đoàn 146 và Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604 chỉ huy bộ
đội sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 bắn trả quyết liệt. Bị trúng nhiều
đạn pháo địch, tàu HQ-604 chìm xuống biển…
Trung tá
Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương và nhiều đồng đội
hy sinh, 9 người bị quân Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng
đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu
HQ-505 ở bãi Cô Lin.
Tại bãi Cô
Lin, từ 6 giờ sáng 14/3/1988, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam
trên bãi. Cùng lúc bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc cũng bắn nhiều đạn
pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy.
Thiếu tá
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy
tàu, ủi bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Thấy vậy, hai tàu Trung Quốc
tập trung bắn dữ dội vào tàu HQ-505.
Hơn 8 giờ
sáng 14/3/1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi thì bốc cháy.
Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa
xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma.
Tại bãi Len
Đao, rạng sáng 14/3/1988 một tổ hải quân từ tàu HQ-605 đã lên bãi cạn, cắm cờ
Việt Nam. Khoảng 8 giờ sáng 14/3/1988, các tàu Trung Quốc nã đạn vào tàu
HQ-605, đến sáng ngày 15/3/1988 thì tàu chìm hẳn.
Trung úy
Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và 5 người khác hy sinh. Nhưng quân ta vẫn
bám trụ, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao. Chiều 14/3, khi tàu
HQ-614 tới, lực lượng trên tàu HQ-605 dùng xuồng đưa thương binh, tử sĩ về đảo
Sinh Tồn.
Chiều
14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len
Đao và bãi Cô Lin.
Với thành
tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin, năm
1989 các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương được truy tặng
danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tập thể tàu HQ-505, thuyền
trưởng Vũ Huy Lễ và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực
lượng vũ trang nhân dân.
Tàu Đại Lãnh
thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ đã quay camera toàn cảnh và các chi
tiết con tàu HQ-605 bị chìm ở độ sâu 40m.
Tổ lặn đã
thực hiện nhiều ca làm việc khảo sát bên ngoài và phía trong con tàu HQ-605.
Tàu bị pháo lớn Trung Quốc bắn từ phía bên phải. Do đó, khi bị chìm đã lật
nghiêng hơn 80 độ ở mạn phải, mạn trái bị một vết thủng lớn do đạn pháo xuyên
qua, toàn bộ ca bin và xuồng cứu sinh trên tàu đều bị bắn nát.
Nhưng việc
xác định vị trí, khảo sát tàu HQ-604 bị bắn chìm, tìm kiếm tử sĩ ở tàu HQ-604
và đảo Gạc Ma đã không thể tiến hành, do bị quân Trung Quốc ngăn cản.
Tàu HQ-505
nằm ghếch mũi lên đảo Cô Lin, bị bắn cháy gần như toàn bộ lớp sơn, hàng trăm lỗ
thủng chi chít trên đài chỉ huy.
Hai bên sườn
tàu, phía sau đuôi tàu, bên mặt phải và mặt trái có hàng chục vết đạn pháo bắn
thẳng, thủng to đường kính từ 30 đến 40 phân, lương thực trong khoang tàu bị
cháy vụn thành tro bụi…
Báo Nhân dân, số ra ngày 25/4/1988
Nguồn: Tiền phong
online
2 nhận xét:
Thì ra ngày ấy báo ND có đăng, nhưng vì có bao giờ xem báo ND đâu mà biết!
HMK6
Ngày ấy không hèn như giờ, HM ơi. Tư liệu này quá quý.
Đăng nhận xét