Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Loạt bài về Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện: Nguyễn Khắc Viện – người bạn vong niên đáng kính của tôi (Lê Phú Khải) - (ST)

  Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có một cuộc đời rất kỳ diệu. Lúc ba mươi hai tuổi ông bị bệnh nặng ở Pháp, tưởng đã cầm chắc cái chết. Bác sĩ Tây đã dự kiến ông “không sống quá vài năm”! Bạn ông là Phạm Quang Lễ – tức Trần Đại Nghĩa – trước lúc theo Cụ Hồ về nước đã đến thăm ông và rất… bùi ngùi!
Nhưng Nguyễn Khắc Viện đã đọc sách triết học Trung Hoa, Ấn Độ ngay tại bệnh viện ông đang nằm và tìm ra phương pháp tự chữa bệnh cho mình bằng thuật yoga của Ấn Độ, khí công nhu quyền Trung Hoa, sau này ông kết hợp hai thuật trên với khoa sinh lý học hiện đại, hình thành thuật dưỡng sinh nổi tiếng.


… Một buổi chiều cuối tháng tư năm 1988 tại thành phố Mỹ Tho êm ả bên bờ sông Tiền, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã cởi áo cho tôi coi tấm lưng bị bằm nát vì bảy lần phẫu thuật phổi của ông (cắt một lá phổi và một phần ba lá thứ hai)! Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy tấm lưng của ông Viện chằng chịt như cái bản đồ sông rạch đồng bằng sông Cửu Long của tôi đang treo trên tường! Một ông già thân hình gầy guộc với đầy những thương tích bên ngoài như thế, bên trong chỉ còn không đầy một lá phổi, vậy mà còn múa võ, đá cầu, lên diễn đàn diễn thuyết, đi Đông đi Tây, vào Nam ra Bắc, mỗi năm in một cuốn sách… Vợ tôi thấy vậy lạ quá, nhưng không dám hỏi! Ông già Viện hóm hỉnh đã từ tốn kể cho vợ tôi nghe về cuộc chiến thầm lặng của ông nửa thế kỷ qua với… định mệnh.
Chiều tối hôm đó, vợ và hai con nhỏ của tôi đã ngồi nghe bác sĩ Nguyễn Khắc Viện kể về “con đường sống” của mình… như nghe một ông già kể chuyện cổ tích. Vợ tôi đã nghẹn ngào hỏi tôi: “Sao lại có người yêu nước thương dân đến thế hở anh?”.
Đó là lần thứ hai bác sĩ xuống thăm bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và tá túc tại nhà tôi. Bác xách cái túi bàng (một loại cỏ hoang giống như cói), đội nón lá, xuống xe đò tìm đến nhà tôi. Vì lâu ngày quên ngõ nên ông phải hỏi thăm và được một bà lão tốt bụng dẫn đường, và bà lão tưởng rằng ông già hỏi thăm đường là một sĩ quan chế độ cũ đi tù mới về! Chính bà ta hỏi bác Viện điều đó và bác đã gật… đại! Ở chơi ít ngày, bác Viện luôn hỏi thăm vợ chồng tôi về công việc đồng áng của bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nên vợ tôi xem bác là một người yêu nước… kỳ lạ! Tôi phải giải thích cho bả: “Nhờ luôn luôn luyện thở, ăn uống điều độ, ung dung tự tại và lạc quan yêu đời nên bác Viện mới sống được đến ngày hôm nay để đi thăm bà con nông dân đồng bằng”.
Chính cái đêm hôm đó, tôi thao thức không ngủ được. Và rồi xúc cảm làm một bài thơ con cóc, ghi lại tâm trạng mình. Bài thơ tôi đặt tên là “Vô đề”:
Đãi ông một bữa cơm nghèo
Trải giường ông nghỉ lòng nhiều xót thương
Lưng già ít thịt nhiều xương
Sáu, năm vết mổ sẹo còn đầy vai
Con đường dân chủ công khai
Ông như lão tướng một đời xông pha
Bọn quan kiêu – lũ gian tà
Kính ông ngoài mặt, bỉ dè sau lưng
Núi sông được mấy anh hùng
Thế gian được mấy cõi lòng trinh trung?
Mỹ Tho 1988

Kể từ buổi chiều được tận mắt nhìn thấy tấm lưng “có một không hai” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tôi mới hiểu thế nào là sức sống ở một con người có ý chí, sống có mục đích cao đẹp…
Chính bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng nói rằng, khi Cách mạng tháng Tám thành công, cái chết của mình đã được người ta báo trước, nhưng Cách mạng tháng Tám đã mang đến cho người trí thức như ông một lẽ sống, và nhờ xác định được lẽ sống, ông mới tìm ra phương pháp để cứu sống mình. Sau này tôi mới hiểu vì sao, rất nhiều người, trong đó có tôi, khi mới gặp ông lần đầu, đều có nhận xét rằng ông Viện nói rất khẽ (nhỏ) và rất khó nghe! Thì ra ông phải “tiết kiệm” hơi sức. Tiết kiệm suốt một đời (từ lúc ba mươi tuổi đến lúc tám mươi lăm tuổi) để… sống! Thì ra không phải trời cho anh sức khỏe là anh có thể sống lâu hơn người… Có sức mà không biết tiết kiệm sức thì chưa chắc đã hơn ai. Cuộc đời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho tôi một bài học: tiết kiệm” sức để sống có ích.
Bình sinh bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói với mọi người: “Hơi sức tôi không đủ mạnh để thổi tắt một ngọn đèn dầu!”. Mà đúng thế thật, khi phải tắt một ngọn đèn dầu, bác Viện lấy hai bàn tay vỗ vào nhau để… tắt đèn! Như vậy chẳng phải là bác Viện đã tiết kiệm cả từ một hơi thở để sống và làm việc có ích cho nhà cho nước hay sao. Sự việc này cũng đáng ghi vào… sổ vàng tiết kiệm!
Sự thông thái Nguyễn Khắc Viện khiến gới trí thức phương Tây phải kinh ngạc. Hơn một chục đầu sách viết bằng tiếng Pháp của ông, trong đó có những trước tác rất giá trị như Le Sud Vietnam après Điện Biên Phủ (Editions Maspero 1963),Histoire du Vietnam (Editions Sociales)…, rất đồ sộ nhưAnthologie de la littérature vietnamienneVietnam – une longue histoire, truyện Kiều dịch sang tiếng Pháp…
Có điều lạ là, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện “múa bút” trên nhiều lĩnh vực: văn học, sử học, triết học, tâm lý học, du lịch, thể thao, y tế… nhưng ở lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra sắc sảo, thâm thúy, tiếp cận được những tư tưởng tiên tiến của thời đại, có đóng góp cho nền khoa học của nước nhà. Tôi giật mình khi thấy một Việt kiều đã làm một việc độc đáo là trích từ các bài báo, thư, kiến nghị và sách của ông các khái niệm xếp theo vần ABC thành một cái như là từ điển xã hội học, mà vị này gọi là Sổ tay tư tưởng Nguyễn Khắc Viện. Trong cuốn “Sổ tay” đó, hàng loạt khái niệm lâu nay bị xơ cứng, giáo điều hóa nay được “định nghĩa” lại, mới mẻ, tràn đầy sinh khí. Có thể dẫn ra đây vài khái niệm đã được vị này đưa vào “Từ điển Nguyễn Khắc Viện”. Ví dụ ở vần D, từ Dân chủ: “Dân chủ: bốn khâu. Quá trình dân chủ hóa thể hiện qua mấy khâu: - Đầu tiên là nhận thức của số đông là mỗi người đều có quyền công dân, có quyền suy nghĩ, nói lên ý nghĩ của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản mà hiến pháp và pháp luật đã qui định - Báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận - Các cơ quan dân cử như Quốc hội, các đoàn thể làm tròn nhiệm vụ là thay mặt cho dân, chứ không làm “cây cảnh” nữa - Các cơ quan tư pháp giữ tính độc lập, xử theo pháp luật, không chấp nhận một sức ép nào bất kể từ đâu. Bốn khâu này cần hoạt động đồng bộ, khâu này hỗ trợ khâu kia. Và dân chủ ở thành phố phải hỗ trợ dân chủ ở nông thôn” (Câu chuyện cũ mới – Văn Nghệ 7/87). Từ Dư luận được trích dẫn như sau: “Dư luận tức ý kiến và nguyện vọng của quần chúng lại là nguồn tư liệu để các bộ phận khoa học nghiên cứu, đặt thành vấn đề, tìm ra những phương cách vượt qua sự đánh giá chủ quan cảm tính” (Bàn về quan liêu). Từ Dưỡng sinh: “Có sức khỏe tốt, tức có thể có khả năng tự điều chỉnh bất kỳ trong hoàn cảnh, tình huống nào”, “Chủ động giúp cơ thể điều chỉnh hoạt động, đó là mục tiêu của khoa dưỡng sinh”.

Bao nhiêu lĩnh vực khác nhau như thế mà lĩnh vực nào Nguyễn Khắc Viện cũng am tường, hiểu đến nơi đến chốn, đưa ra những ý kiến sắc sảo, mới mẻ… Làm một “nhà” đã khó, nhưng với sự thông thái của Nguyễn Khắc Viện thì gọi ông là “nhà” gì cũng xứng đáng! Có lẽ vì thế trong cuốn “Bảng vàng năm 1992” của Viện Hàn lâm Pháp – năm trao giải thưởng lớn Pháp văn cho Nguyễn Khắc Viện – tên ông đứng ở đầu bảng (kế đó là nhà văn Thụy Sĩ Maurice Métral) với những dòng kèm theo: nhà thơ, nhà viết tùy bút, sử gia, dịch giả… Còn chúng ta, sau khi không biết nên gọi ông là gì thì “kêu” ông là “nhà văn hóa” là “tiện” nhất! Vì văn hóa bao gồm tất cả!

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Cụ có thời gian là Giám đốc Nxb Ngoại văn. Nhà ngay ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, sát tòa nhà UBKHKT. Cụ không có con đẻ mà chỉ có cô con nuôi và Đạm - học ĐHXD k21, chơi với Trung nhà tôi- là con rể. Cụ từng giảng về vận động và mời thầy Ngô Sĩ Quý thị phạm về Vĩnh Xuân ở Bộ CA.

Nặc danh nói...

Minh hoc tieng phap qua cac tac pham cua cu nguyen khac vien.ca phap van ian viet van deu theo phong cach cua cu.cuoc doi va phuong phap duong sinh cua cu con hon la nguon cam hung va tam guong de minh co hoc theo de vuot nghich canh cuoc doi.khong biet bao lau nua dat nuoc nay moi sinh ra mot nhan cach lon den the!va dan toc nay moi san sinh duoc mot nha thong thai tai den vay!de nghi bbt btk5 dang ca y kien cua cu ve dan chu,ve dang thoi duong dai.rat cam on.huan k5

Nặc danh nói...

Còn 3 số nữa, Huấn ạ.
BT5