Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Ưu tư ngày 30-4 (CCB Nguyễn Minh Hòa)


         Cuộc chiến đã lùi rất xa, 39 năm là thời gian đủ lâu để người ta quên đi nhiều thứ, những người trẻ nghe chuyện chiến tranh như cổ tích, 39 năm sau trên mặt đất không còn hố bom, không còn dấu tích những trận chiến đẫm máu, thù hận đã có phần phôi phai, nhưng sao có những điều cứ day dứt mãi khôn nguôi ở trong trái tim những người bước ra từ cuộc chiến.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ cầu Rạch Chiếc do dân lập
1.    Mỗi ngày hàng triệu người đi qua cầu Rạch Chiếc (nay đã là cây cầu đôi mới toanh), hầu như không còn ai biết nơi đây đã từng diễn ra một trận đánh sinh tử của một tiểu đoàn đặc kông thuộc lữ đoàn biệt động 316 với lực lượng tinh nhuệ của Việt Nam Cộng Hòa vào đêm 28 rạng ngày 29, qua ngày 30, một bên muốn phá cầu còn một bên phải giữ bằng được cho xe tăng quân chủ lực đi qua, sau 2 ngày đêm kịch chiến, cây cầu giữ được, nhưng hàng chục chiến sĩ ta đã hy sinh, thân xác các anh bị cá rỉa, bị mục rữa ra thành bùn đất ở đâu đó dưới lòng sông hay là đã trôi ra biển không một ai biết nữa. Nhưng điều đáng trách là cho đến nay không ai trả lời chính xác bao nhiêu chiến sĩ hy sinh ở cây cầu đó? 52, 57 hay nhiều hơn?. Không cơ quan, tổ chức nào của Quân đội hay cơ quan công quyền đưa ra được danh sách đầy đủ hay gần đủ họ tên, quê quán những người hy sinh (gần 100% là người Bắc), ngoài một ước đoán cho có lệ được đưa ra trong các báo cáo nhân ngày lễ lạt. Điều tệ hại là trong khi cả một chính thể có đầy đủ các bộ, ban ngành, hội đoàn đồ sộ, hoành tráng mà không làm nổi việc đơn giản này, hoặc giả là không ai muốn làm và cho đến nay cũng không có được một tấm bia kỷ niệm cho xứng tầm (tấm bia nhỏ bé hiện nay là của một vài cựu binh và dân tự dựng lên).


       Gần 40 năm qua, trách nhiệm cứ đẩy qua, đùn lại giữa Quân đội với dân chính, giữa thành phố với hội đoàn, cuối cùng thì công việc được giao về cho quận 2, nhưng cũng mới ở dạng ý tưởng phác thảo một công viên chuẩn bị cho dịp 2015, kỷ niệm 40 năm, còn danh sách cho đến nay cũng vẫn “mờ mờ sương khói”, không biết đến bao giờ, hay là không bao giờ xác định được tên của những quân nhân đã hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Một vài người đã nói đến sự vô ơn, không muốn nghe nhưng thật khó biện minh. Thế mới biết Huy Đức và những bằng hữu của anh thật giỏi (chắc Đức sẽ lại cười và nói là chuyện thường thôi), đến nay các anh đã có đầy đủ anh sách của 74 liệt sĩ hy sinh trong trận kịch chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, hơn thế nữa các anh chị không chỉ biết tường tận gia cảnh của từng người mà còn có những hoạt động hỗ trợ thiết thực thật đáng khâm phục. Xem ra hiệu quả không phải ở bộ máy mà lại là ở cái tâm thiện. 
Ngày giải phóng SG.

Một góc NTLS Trường Sơn.

Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010),
xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam, có 9 người
con và chồng là Liệt sĩ trong kháng chiến.

        2.  Trong suốt cuộc hành trình hơn 30 năm đi tìm mộ người đồng đội cũng là người bạn học, người đồng hương bị hy sinh đêm 30-4-1974, đêm ấy tôi đã dẫn hơn 10 người trong tiểu đội tiến vào Sài Gòn và một nửa số đó không về. Tôi đã đến hàng chục nghĩa trang liệt sĩ ở miền Nam, trong những buổi chiều nhập nhoạng tối, đứng nhìn hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ xếp ngay hàng thẳng lối như khi các anh đang đứng trong đội ngũ, nhưng chỉ có điều tất cả bia mộ chỉ có dòng chữ “Vô danh” hay “Quê quán miền Bắc”, nghĩ sao mà thấy quá đỗi xót xa. Bốn năm ở chiến trường, tự tay tôi chôn 11 đồng đội, sau này tìm lại được 2. Đại đội tôi mang tên “Hùng Vương”, tất cả 150 người đều là học sinh lớp 10 của quê hương đất Tổ tình nguyện lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam, sau giải phóng chỉ còn phân nửa, nhưng số hài cốt qui tập được về quê hương cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cho đến tận bây giờ tôi không lý giải được tại sao ngày ấy, Quân đội chúng ta không quá lạc hậu mà sao không nghĩ ra cách nào tốt hơn là một miếng giấy viết vội cho vào lọ Penexilin hay bỏ vào trong túi nilon nhét vào miệng người chết trước khi chôn để lưu lại tên tuổi người hy sinh, mà hậu quả là sau vài năm tất cả mục nát thành đất hết, giá như có một cái thẻ hay một miếng kim loại thì đâu đến mức để bây giờ nỗi đau người thân bị mất xác dày vò những ông bố, bà mẹ, những người vợ, người con mãi đến khi chết vẫn không buông tha. Trên bàn thờ chỉ mỗi một tờ giấy báo tử với dòng chữ như nhau là bị hy sinh tại mặt trận phía Nam.      

       
3. Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng năm nào cũng diễn ra trong không khí tưng bừng, cờ hoa rợp trời, mọi người hân hoan, nhưng nhìn kỹ lại hình như không có mấy ai trong số những người lính giải phóng thành phố ngày ấy có mặt trên lễ đài, hay trong khối quần chúng tay vẫy cờ hoa. Những người lính còn sót lại qua những mùa chiến dịch ấy, sau chiến tranh đã lặng lẽ trở về với đời thường, với cày quốc, với bò gà, với kìm búa. Nhiều người đã mất, nhiều người sống với những thương tích, bị bệnh tật dày vò đau đớn, có một sự thực là đa phần họ sống rất cơ cực. Thỉnh thoảng đảo về quê hương gặp lại những người đồng đội xưa mà muốn rơi nước mắt. Trở về quê sau những ngày hừng hực chiến thắng ấy, hầu hết trong số họ gắn đời với mảnh ruộng, chẳng bao giờ có dịp nào trở lại thăm thành phố này nữa (TP Hồ Chí Minh), mà có muốn thì cũng chả đào đâu ra tiền, bởi tiền ăn còn còn chả có, nói chi đến một chuyến đi xa. Sau 1975, chả hiều sao, “bề trên” vội vàng cho hàng triệu quân nhân về quê càng nhanh càng tốt. Họ về nhà với những con búp bê mắt nhắm, mắt mở bằng nhựa tái chế đen thui, người khá hơn thì có thêm cái khung xe đạp đểu làm bằng tôn mỏng. Họ để lại sau lưng những nhà cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông, những thứ có được do máu của chính họ đổ ra, và rồi thế vào đó là những người tiếp quản, những người “xây dựng, phát triển” từ hậu phương, các hạt giống đỏ từ các nước Xã hội chủ nghĩa tràn về tiếp nhận, sử dụng. Họ chẳng màng, ngày ấy các sĩ quan dạy lính tráng rằng ai lấy chiến lợi phẩm trước sau cũng bị chết, hay nói đúng hơn: “Có màng cũng không đến lượt”. Những chủ nhân mới tiếp quản cơ ngơi đồ sộ ấy cũng chẳng cần biết ai mang lại cho họ những thứ đó, bởi đơn giản là họ hiểu đó là tiêu chuẩn, chế độ được hưởng, vậy thôi. Rất, rất nhiều người trong số chủ nhân mới ấy, trước đó chỉ là những tay làng nhàng, vớ vẩn, thậm chí cực hèn nhát, bỏ ngũ, cơ hội, bị kỷ luật nay tự nhiên có ghế, được biếu không một đống của cải, vào thời sốt đất có nhiều anh bán được cả nghìn cây vàng, xem ra cũng làm cách mạng cũng có số. Khi còn sống, danh tướng, Thượng Tướng Trần Văn Trà có một câu nói nổi tiếng mà có quá nhiều vị không thích đó là “Nói cho cùng thì tất cả những chiến công hiển hách đều thuộc về những người lính bình thường nhất”, nhưng có một vế sau không ai nói đến là “Nhưng lợi ích và chiến lợi phẩm mà cuộc chiến đó mang lại thì không thuộc về những người bình thường nhất”. 
        4.  Củ Chi, nơi ghi nhiều chiến công, nhưng cũng là nơi có những nỗi đau giằng xé con người ta nhiều nhất cho đến khi chết. Cứ đến ngày 27-7, ngày 30-4 hàng năm, các đòan thể tấp nập đến thăm nom tặng quà, các đoàn quay phim, chụp ảnh cảnh tri ân các bà mẹ, những gia đình có con là liệt sĩ cách mạng, nhưng mấy ai biết chỉ cách một hàng rào dâm bụt là những bà mẹ khác ngồi khóc thương cho con và rấm rức cho số phận đen đủi của mình là bà mẹ của những binh lính phía Việt Nam Cộng hòa chết trận. Chưa kể nhiều gia đình có vài ba đứa con bị chết trận, mà lại là người của cả hai phía, nay cùng nằm trên cùng một bàn thờ, thì nỗi đau đớn thêm bội phần. Ngày 27-7 cán bộ, đoàn thể đến tặng quà, thắp nhang khiến gia đình phải cất tạm một vài đứa phía “bên kia” ra chỗ khác, để không làm khó dễ nhau khi làm lễ trọng. Mất đi đứa con mình rứt ruột đẻ ra thì bà mẹ nào không đau, nhưng dường như với họ nỗi đau nó nhân đôi, nhân ba lên bởi sự ghẻ lạnh của xã hội, sự kỳ thị của chính sách, cơ chế. Có bà mẹ nào muốn thế đâu, nhưng đó là sự lựa chọn của con cái và còn là số phận mỗi cá nhân nhỏ bé bị thời thế lịch sử cuốn theo, không sao cưỡng lại được. Chẳng ai nói mạnh được điều gì, chỉ khi mọi chuyện kết thúc mới hay “khôn, dại”. Con cái ra đi để lại nỗi đau, mấy ai hiểu thấu cho những nỗi tủi này, chiến tranh thật khốc liệt, chưa biết nỗi đau thể xác và nỗi đau tâm can cái nào lớn hơn. Sinh thời Ông Sáu Dân (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thường nhắc đến nỗi đau tinh thần này của dân tộc như một “di chứng chiến tranh” và ông trăn trở mãi về nó không nguôi. Dường như chiến tranh vẫn chưa đi qua hết, hội chứng của nó vẫn còn hằn sâu lắm. Chuyện tương tự như thế này, về miền Tây nhiều lắm. 
        5. Trong những năm chiến tranh, số phận đưa đẩy tôi rơi vào một đơn vị hết sức đặc biệt, đó là đoàn Biệt động Sài Gòn-Gia định, cả đơn vị rặt người Trung, và Nam chỉ có một mình tôi là Bắc kỳ. Đặc biệt hơn nữa, trong số đó có rất nhiều người là sỹ quan, viên chức của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng là người của bên giải phóng cài cắm vào hay binh vận được, trong mạng lưới mà tôi biết đó có cả những người mang cấp hàm đại tá, giáo sư, công chức hành chính cao cấp… Họ tham gia mạng lưới tình báo với nhiệm vụ là lấy tin, địch vận và họ cũng tham gia tấn công vào Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng Hòa sáng ngày 30-4. Nhưng ngay sau giải phóng có những sự cố bất thường làm thay đổi hẳn cuộc đời một số người trong số họ. Trớ trêu thay, người phụ nữ tên Tư Hoa làm việc trực tiếp với họ bị chết ngay sáng 1-5-1975 vì bị tai nạn giao thông, và thế là mắt xích quan trọng nhất bị đứt, không ai đứng ra xác định nhân thân cho họ, còn người lãnh đạo cao hơn, một ông Đại tá (khi mới giải phóng là Đại úy, cụm trưởng), Anh hùng Lực lượng vũ trang thì lại không có đủ dũng khí làm việc này, cho dù chính ông ta đã sử dụng những nhân viên tình báo này nhiều năm, thế là toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của họ tan thành mây khói, “cái áo” sĩ quan ngụy, thậm chí là sĩ quan tình báo không sao cởi bỏ được, họ bị đi học tập cải tạo và sau này không chịu đựng được sự đối xử bất công, họ vượt biên ra nước ngoài mang tiếng xấu là “phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc”. Những người có số phận éo le như thế không phải là ít, nhất là những người hoạt động tình báo đơn tuyến. Có những người hiện là nhà khoa học ở nước ngoài, bawfnh nhiều con đường, tôi đã nhiều lần nhắn tin mời về, nhưng do mặc cảm và chưa hết hận, họ thề không bao giờ trở về nữa cho dù lúc nào họ cũng đau đáu nhớ quê hương. Những người vượt biên có nhiều lý do khác nhau, vì kinh tế, vì đoàn tụ gia đình, nhưng cũng có người vì bất đồng với cá nhân ai đó, chán nản với cách làm việc kẻ cả của cơ quan nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không yêu Tổ quốc và dân tộc, bởi tình yêu Tổ quốc là tình yêu bản năng như tình yêu con cái dành cho cha mẹ vậy. Những qui kết vụng về và ấu trĩ của chính thể mới sau giải phóng miền Nam, thực sự đã làm tồn thương nặng nề đến lòng tự trọng của nhiều người, trong đó có cả những trí thức lớn, do vậy có bắt tay nhau mà không nắm chặt, chuyện không “hợp” được thì khó mà “hòa” là có nguyên nhân từ những chuyện sâu xa. Chơi với nhau là chuyện tình cảm tự nhiên, chẳng ai có cái quyền “cho phép” ai cả. 
        Ngày 30-4 lại đến, có những người chờ nó để có dịp đi chơi, có những người muốn quên nó, nhưng không chắc đã quên được. Lúc này ở nước Nga và UCraina, nhiều sự kiện cho ta thấy “những người anh em” lại sắp bước vào cuộc tương tàn, đang hâm nóng lại quá khứ. Lịch sử là thế.  


                              @@@@@@@@@@@@@

5 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Những suy tư, trao đổi đầy máu và nước mắt. Đâu cũng có mặt trái nhưng trái về lương tâm là cái không thể tha thứ. Cái gì còn sửa được phải sớm mà sửa.

Minh Tâm nói...

Bài viết của một CCB chống Mỹ đầy trăn trở, ưu tư những điều CÓ THẬT. Nhưng có lẽ nào LỊCH SỬ là vây, CUỘC SỐNG là vậy, ko thể có CÔNG BẰNG với mọi số phận. Chỉ ĐAU NHẤT là thế hệ CON EM chúng ta đang LÃNG QUÊN QUÁ KHỨ.

Quang Vinh nói...

Rồi mọi việc cứ trôi vào quên lãng, để lại nỗi đau cho những người đồng đội, những người thân. Nhưng cái đau xót nhất là nhiều người đang hưởng thành quả, được sung sướng quyền cao chức trọng hôm nay lại cố tình lãng quên những hy sinh mất mát của bao "chiến sĩ vô danh". Cũng có nhiều người muốn "trả lại tên cho anh" nhưng họ chỉ có tấm lòng mà sức người sức của lại có hạn.

NH nói...

Cảm ơn bạn Minh Hòa đã có những trăn trở nói thay tất cả các CCB và nhân dân ta trong ngày chiến thắng 30/4 này. Đơn vị tôi hy sinh cũng nhiều nhưng không được 10% tìm thấy mộ, còn tất cả đều nằm rải rác đâu đó. Chúng tôi chỉ mong rằng các anh nằm lại đâu thì nghĩa trang gần đó khắc ghi tên tuổi để đồng đội ghi nhớ. Bia tưởng niệm bên cầu Rạch Chiếc này không khó tìm để ghi lại tên các anh. Đồng đội các anh còn đó, các đơn vị tham chiến không còn ghi gì sao? Xin nhắc lại bài thơ:

Sao lại vô danh

Tại sao hai chữ vô danh
Ghi trên phần mộ các anh thế này?
Nếu không tên tuổi tháng ngày
Cũng ghi Người Lính ở đây vì đời
Làm chi xây cất vẽ vời
Nhiều hàng lắm lối không ai dưới mồ
Nghĩa trang dẫu rộng dẫu to
Vô danh vẫn mãi nhạt nhòa đau thương!
*
Mỗi khi trở lại chiến trường
Ghé qua đường 9 nghĩa trang năm nào
Các anh ngã xuống nơi đâu
Vẫn trong ký ức làm sao phai mờ
Thế mà ta lại làm ngơ
Nghĩa trang phảng phất cái từ vô danh
Ước chi có bức tường thành
Khắc ghi bài vị các anh để đời
Dẫu nằm rải rác muôn nơi
Tên anh mãi được lòng người khắc ghi!
27/7/2013



TranKienQuoc nói...

Cánh Trỗi cũng còn gần chục bạn chưa tìm thấy mộ phần. Cũng chỉ vì chiến tranah liên miên và công tác chính sách LS, tử sĩ của ta kém quá mới nên nông nỗi này.
Vậy mà cuộc chiến chống Mỹ qua đã gần 40 năm và chiến tranh biên giới cũng thế, còn bao LS chưa về.