Tướng Nguyễn Hữu An. |
Làm chỉ huy, đặc biệt là chỉ huy trận mạc, phải có
uy-điều này ai cũng biết. Cái khó là ở chỗ “uy” mà không gia trưởng, không quân
phiệt. Tức “Quan mà không cách”.
Để tránh lý thuyết chay, tôi xin kể một câu chuyện cụ thể về Nhà quân sự tài ba
Nguyễn Hữu An khi ông được Bộ cử sang Bắc Lào, làm Phó cho ông Vũ Lập.
***
Cuối mùa mưa năm 1971, Tổng hành dinh quyết định mở
chiến dịch lớn ở chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Sau Đường 9-Nam Lào
thì đây là một chiến dịch lớn, triển khai trên diện rộng của liên quân Lào-Viết,
quy mô cỡ Quân đoàn tăng cường, tác chiến hợp đồng binh chủng. Khu chiến sự chủ
yếu diễn ra tại trung tâm Cánh đồng Chum, rất thuận lợi cho tank-pháo phát huy
uy lực. Để bảo đảm thắng lớn, Bộ tăng cường cho Mặt trận 959 hai cán bộ tầm cỡ
là Tông Tham mưu phó, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn và Đại tá Nguyễn Hữu An. Bạn Lào
cử hẳn Tổng Tham mưu trưởng Xì-xà-vạt Kẹo Bun-phăn về trực tiếp phối hợp.
Ở đây xin nói về ông Nguyễn Hữu An, và chỉ nói một
khía cạnh nhỏ thôi: Cái uy của ông.
So với cuộc đới trận mạc dài đằng đẵng của ông Nguyễn
Hữu An(1) thì mấy tháng
làm Phó Tư lệnh Mặt trận 959 chỉ là một khoảnh khắc. Ấy vậy mà cái khoảnh khắc
ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người lính.
Một buổi sáng, bầu trời Phu Nhu còn sũng nước, mấy anh
em trong đội quân vác gạo Mặt trận bộ men theo chân núi, qua Hang Chỉ huy, thấy
dưới vòm đá cửa hang có một ông dáng cao to, áo may ô cổ vuông mầu cứt ngựa,
chân đi dầy vải, tất kéo tới gối đang tập bài thể dực tay không. Đặc điểm dễ
nhận nhất nơi ông là chiếc cằm rất …đàn ông có bộ râu quai nón đã cạo nhẵn, chỉ
còn chân phớt xanh. Mọi người xì xáo bàn tán. Cậu vệ binh tỏ vẻ thông thạo, nói
nhỏ: “Tướng Hữu An đấy”. Bên Cục Chính trị, tôi nghe đồn chiến dịch này có
Tướng sang, không biết là ai. (Hóa ra là Tướng Lê Trọng Tấn. Lúc này ông Nguyễn
Hữu An còn là Đại tá).
Câu chuyện
thứ nhất: Trước chiến dịch:
Chỉ vài ngày sau khi đặt chân đến Sở Chỉ huy Mặt trận,
Đại tá Nguyễn Hữu An đã chống gây đi kiểm tra, trước hết ông kiểm tra công tác
bảo đảm hậu cần-kỹ thuật cho chiến dịch. Chiến trường Xiêng Khoảng địa hình rừng
rậm núi cao, có nhiều hang động. Con đường nối hậu phương lớn với tiền tuyến
chỉ có đường số 7 kéo từ ngã ba Diễn Châu (Nghệ An) vượt Nâm Cắn, qua Khang
Khay tới ngã ba Lạt Huồng (Thị xã Phôn-xa-vẳn). Chớm vào mùa khô 1971-1972, địch
ném bom xăng đốt trụi hai bên đường, OV.10 vo ve suốt ngày đêm, phát hiện kho hàng ở đâu là chỉ điểm cho T28,
AD6 đến đặt bom chính xác. C130 kêu “sập hầm,…sập hầm” dai như bò đái. Và khi
cần thì có B52, F111 rải thảm liền vào căn cứ chân thang.
Ông Hữu An lẫn trong dòng thanh niên xung phong hỏa
tuyến Nghệ An, Thanh Hóa, từ Khang Ba Niên tới hang Thẩm Cạp, đồi Thông.
Một sáng nọ, vị Đại tá tránh trận bom tọa độ rồi tiếp
tục cuộc hành trình. Chợt trước mặt, chếch về bên trái, có tiếng ồn ào nhốn
nháo như chợ vỡ. Tiến lên vài trăm mét thì lạ chưa: Giữa một vùng rừng, cây cối
ngổn ngang, tan hoang và sặc mùi bom cháy, bộ đội, dân công đang hôi của! Thì
ra máy bay địch vừa đánh trúng kho hàng; gạo, muối, lương khô, thịt hộp, mì
chính… văng tung tóe. “Quân” và “dân” tranh thủ kiếm một ít “hàng chất lượng
cao” để cải thiện! Ông Hữu An dấn tới và gầm lên: “Dừng lại!”. Không biết ông
có tuyệt chiêu “Sư tử hống” không mà đám đông đang “quân hồi vô phèng” chợt
khựng lại, kinh sợ nhìn ông như thấy thiên thần. Ông hạ lệnh ngắn gọn, phần lớn
nghe theo ngay, trả lại “chiến lợi phẩm” và lảng đi. Ông chống gậy tìm tới chỉ
huy đơn vị quân đội ở bìa rừng già gần đó. Vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn X8
của Sư đoàn B6 tên là Phương. Trung đoàn này đánh công kiên giỏi. (Năm ngoái,
khi địch chiếm hết các điểm cao của Xiêng Khoảng, đẩy ta ra tận biên giới Nghệ
An, thì trung đoàn này hành quân thần tốc từ Hát Lót (Tây Bắc VN), bí mật vượt các
khu dân cư, qua các chốt cùa Tướng Vàng Pao, bất ngờ đánh dập đầu não của địch
ở sâu trong Bản Áng, khiến địch vội vã co lại phòng thủ). Tuy nhiên, cả cán cả
binh M8 không chỉ mắc bệnh “kiêu binh” mà cả bệnh… “kháng áp”. Cách đây 20 năm,
ông An đã là cán bộ cấp trung đoàn cùa “f”, nên không lạ gì. Sau khi biết người
trước mặt mình là ai, ông Hữu An cố giữ bình tĩnh:
-
Anh ra khu kho
xem lính của đơn vị đang làm gì.
Ông Phương không biết người hỏi mình là ông An nên
thủng thẳng:
-
Tôi biết rồi. Kho
bị đánh vỡ, anh em kiếm chút gì đó cải thiện. Không sao đâu. Lính chiến mà anh.
Để bộ đội ăn còn đánh nhau.
Vị Phó Tư lệnh không kìm được nữa. Ông bùng lên như
Hỏa Diệm Sơn. Gương mặt tái xám:
- Đấy không phải là bộ đội mà là thổ phỉ!
Ông Phương sửng
sốt ngó lại ông An. Linh tính báo điều chẳng lành, vị Trung đoàn trưởng “kiêu
binh” đành nuốt cục giận vào bụng. miệng đắng nghét, cố suy đoán xem người có
hỏa khí Trương Phi kia là ai. Cuối cùng thì ông cũng hiểu ra: “Phó Tư lệnh Hữu
An”. Khi ông Trung đoàn trưởng nhận ra ai thì đã muộn. Nhưng muộn còn hơn
không. Thế là vị Trung đoàn trưởng vốn kiêu căng cũng phải nhún mình tìm lối
thoát, vội thay đổi cách ứng xử cho phù hợp với tình hình trước sự ngỡ ngàng
của thuộc cấp. Ông An chống gậy ra khỏi lán mà vẫn chưa nguôi cơn giận. Khoảng
một tháng sau, có cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị trước ngày “N” của chiến
dịch “Z” tại hang Phu Nhu, cán bộ được dự là từ cấp trung đoàn và tiểu đoàn
trực thuộc. Ông An đứng trên bục, trước mặt “bá quan văn võ”, dũa ông Phương
trầy vây tróc vẩy: “Chỉ huy mà nhu nhơ với cấp dưới, hỗn xược với cấp trên, hỏi
sao lính chẳng vô kỷ luật. Mà lính vô kỷ luật là mầm mống của sự thua trận”.
Ông Phương chỉ muốn chui xuống lỗ nẻ!
Câu chuyện
thứ hai: Sau chiến dịch:
Hai ngày đầu của chiến dịch “Z” là phô bày sức mạnh
hỏa lực. Thực hiện nguyên tắc chiến thuật của QĐND VN “hỏa khí phân tán-hỏa lực
tập trung”, suốt hai ngày hai đêm, lần lượt pháo 130 ly (lần đầu tiên xuất hiện
ở CĐC-XK), rồi pháo 122 ly, pháo 155 ly, tiếp đó là cối 120 ly v.v… oanh tạc, vò nát trận địa tiền duyên của
địch. Chưa bao giờ Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng gặp cơn địa chấn mạnh tới 12-13
độ rich-te như thế. Dư chấn kéo dài gây sự hoảng loạn cho quân chính qui Thái
Lan và quân Mẹo Vàng Pao.
Đêm thứ ba rạng ngày thứ tư, xe tăng dẫn bộ binh tràn
lên. Đơn vị lập công xuất sắc là e 165, f 312. Nó đã nhổ phăng Phu Tha-nêng,
chiếc lá chắn của trung tâm chỉ huy Thái Lan ở Phu Tôn, do một tiểu đoàn Thái
Lan chốt giữ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, ta quyét sạch địch khỏi địa bàn chiến
lược Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Quân Thái Lan và quân “đặc biệt” Mẹo ôm đầu
máu chạy tuốt về Xảm Thoong-Loong Chẹng. Hướng Bắc, chúng tháo chạy về căn cứ
Buôm Lộng (Chỉ huy căn cứ này là Ia-chờ-hô, bố vợ của Tướng Vàng Pao). Bên
hướng thứ yếu, lực lượng Pa-thét Lào và 2 tiểu đoàn Trung lập của Đại tá Đươn,
có Đại đội pháo 122 ly của Thiếu úy Nguyễn Kim Đức chi viện, quét địch khỏi
Mường Xủi, truy kích tới tận ngã ba Xa-la Phu Khun.
Cánh đồng Chum trở nên thanh bình!
Theo sự phân công, các đơn vị cho chốt trên các điểm
cao vừa giải phóng. Các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Mặt trận 959 cùng phái viên
của Bộ tỏa ra kiểm tra thực địa và cũng là đi nghiên cứu, rút kinh nghiệm đợt
1-chuẩn bị cho đợt 2 tiến vào giải phóng Xảm Thoong-Loong Chẹng, Thủ đô của lực
lượng “đặc biệt” Vàng Pao.
Ông Hữu An lên Phu Seo, một điểm cao khống chế nằm ở
đông bắc Cao nguyên Cánh đồng Chum, vào lúc sương bay lãng đãng. Tôi đến tổ
chốt này sau ông ngót một ngày và nghe
lính kể chuyện về ông như kể một chuyên vui đầy kịch tính:
-
Em và thằng bạn đang
trực chiền trên mỏm “C” thì chợt nghe tiếng động lạ, loáng thoáng trong gió có tiếng
người ở dưới sườn núi và đột ngột đàn chim rừng nháo nhác, hốt hoảng bay lên.
“Tàn quân rồi”- bạn em nhận định. Trên mới thông báo, chiến dịch này địch vỡ
tại chỗ nhiều lắm. Mới hôm trước, chúng mò trở lại chốt cũ Phu Nốc Cốc kiếm ăn,
gây thương vong cho ta. Thằng bạn em nhắm vào nơi cây rừng xao động “cốc” luôn
trái M79. Núi rừng im lặng. Chúng em nghiêng ngó kiếm tìm nhưng chưa phát hiện
được gì. Bất chợt sau lưng có tiếng hô đanh nhọn, bằng tiếng Việt: “Đứng im!”.
Chúng em quay lại thì chao ôi, trước mặt là một toán lính trinh sát. Giữa đội
hình, lừng lững một ông Tướng.
-
Sao cậu biết là
Tướng?
-
Biết chứ. Các cụ
chả nói “Tướng phải có số” là gì. Ông có bộ râu quai sàm phớt xanh rất… “Tướng”
nhé. (Nghe đến đây tôi biết ngay là ông Nguyễn Hữu An).
-
Rồi sao?—Tôi kéo
“chú lính Trang-ca” về câu chuyện.
-
Ông hỏi, ánh mắt
sắc lẹm khiến đối tượng có gan bằng giời cũng không giám nói dối: “Cậu nào vừa
bắn?”. “Báo cáo thủ trưởng. Tôi!” – Bạn em giơ tay. “Tại sao chưa hỏi mật khẩu
đã nổ súng? Có nhớ mật khẩu không?”. “Dạ, có” - Bạn em thành thật. Ông quát: “Nhớ mà không làm,
phạt!”. Ông quay sang đội vệ binh đi tháp tùng, ra lệnh: “Ấn xuống hố cá nhân,
lấy nắp gỗ đậy lên. Nó phá là bắn liền”. Tổ chốt xanh mặt. Cậu bạn cắt không
còn hột máu. Mấy ông vệ binh đẩy bạn em xuống hố và lấy tấm gỗ thông tải hàng
của Mỹ đậy lại.
Suốt đợt công tác ấy, trong lòng tôi luôn tự vấn: “Câu
chuyện anh lính Trung đoàn 174 nói, thật bao nhiêu phần trăm?”.
Từ Phu Seo, tôi theo Tiểu đoàn công binh 25 làm đường
cho tank-pháo vào đánh Xảm Thoong-Loong Chẹng. Đợt 2 chiến dịch “Z” không thành
vì “Thung lũng Ánh Sáng”-Thủ đô của lực lượng Mẹo, không phải là Cánh đồng Chum
(mặc dù tiếng gầm của T54 có làm Vua Mẹo Vàng Pao và cố vấn Mỹ phải vọt qua
sông Mê Công). Trời chuyển động báo hiệu mùa mưa đang tới. Tướng Lê Trọng Tấn
chủ động lui quân lo phòng ngự.
Về đến Sở Chỉ huy Mặt trận 959 ở Phu Nhu, tôi tìm đến
Trung đội trưởng Vệ binh hỏi chuyện. Thiếu úy Tân cười, xác nhận: “Chúng nó nói
đúng đấy. Có điều khi sắp xuống núi, Thủ trưởng An ghé tai em, nói: “Cậu đưa
cho tiểu đội trưởng chốt mấy bánh 702(2)
và vài bao Lem Thoong (3) . Nhớ dặn nó: đoàn đi
rồi thì tha cho cậu chiến sĩ”.
***
Ông Nguyễn Hữu An ở chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng
Khoảng có một mùa chiến dịch nhưng đã để lại trong lòng cán bộ chiến sỹ những
ấn tượng độc đáo, khó quên. Quân đội ta có nhiều vị Tướng ôm mạng “Hỏa” nhưng
rất giỏi, được việc và nhân hậu. Trong số đó, theo dư luận, đứng đầu bảng là
các ông: Đinh Đức Thiện, Phùng Thế Tài, Vũ Lăng, Nguyễn Hữu An, Lê Nam Phong v.v…(Có
tin, xếp sau Trung tướng Lê Nam Phong là Đại tướng Lê Trọng Tấn?). Nóng tính mà
có tài, nóng tính mà nhân hậu, la đấy mà khóc đấy – đây cũng là nét riêng đáng
quý, dựng thành những giai thoại, góp phần làm nên huyền thoại “Anh Bộ đội cụ
Hồ”./.
Tp Hồ Chí Minh, 25-4-2014
(1)
Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu An là
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (f316), chỉ huy đánh đồi A1 ngày 6-5-1954.
Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Tư lệnh Quân đoàn 2, đơn vị chiếm Dinh Độc Lập
lúc 11 giờ30 ngày 30-4-1975, kết thúc cuộc chiến 30 năm. Phong hàm Thượng tướng
năm 1986.
(2)
702: Lương khô cao cấp, mầu nâu sậm, ngon như sô-cô-la.
(3)
Lem Thoong: Thuốc lá có cán của Viêng Chăn. Rất thơm.
5 nhận xét:
Kỉ niệm hay quá, thầy ơi!
Đúng thế, chỉ huy mà nhu nhơ với lính, hỗn với cấp trên thì...vứt.
Thương lính nhưng phải nghiêm. Ngoài trận thì anh em, trong trận là chỉ huy
Trên chiến trường lính cư xử khác xa khi còn huấn luyện. Họ chỉ phục người hùng, người dũng cảm còn cấp bậc không quan trọng lắm. Họ truyền tụng thằng lính này dũng cảm, ông chính trị viên kia thỏ đế vv... một cách không úp mở. Rất tự hào bên vị dũng tướng, ngại ngùng khi làm quân vị chỉ huy yếu kém. Thế đấy! Chúng ta có rất nhiều vị chỉ huy kiệt xuất nên mới thắng lợi.
ngày 16/3- 1/4/2014 đoàn tối đi Sơn La ĐBP và 5 tỉnh Bắc Lào.Ngồi trên xe cả ngày những chuyện ctrường cũ nói lại. Tiếc không có những câu chuyện như của bantroi5 để đọc cho mọi người cùng nghe. kT5
Tướng Hữu An nói chí phải: "Lính không chấp hành quân lệnh là mầm mống của việc thua trận". Nay chúng ta nhìn ra xã hội đang "Tiến lên XHCN" mà hiện tượng "Trên bảo dưới không nghe", "Trên không gương mẫu thì dưới quân hồi vô phèng", "Dịa phuong chủ nghĩa", "Giao thông thì mạnh ai nấy đi", "Giáo dục thì thầy đánh trò, trò đá thầy"... Những hiện tuơng, sự việc đó đã không còn là cá biệt, vây thì CẤP CHỈ HUY ắt có VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG. Vậy có lẽ nước ta, dân tộc ta đang đi vào cuộc ... VỠ TRẬN, THẤT BẠI trong quá trình Hội nhập, Phát triển sao???
Đăng nhận xét