Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Xe điện Sài Gòn xưa - Phiên An (ST: VD)

  Cách nay không lâu, một bài viết trên báo SGGP có đăng bài về xe điện Hà Nội và cho rằng “Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay chưa có hệ thống tàu điện”. Bài báo lập tức bị phản ứng từ một độc giả gần chín mươi tuổi –  nguyên là nhân viên của Công ty xe điện Pháp tại Đông Dương
 
Xe điện SG xưa.
        Độc giả nói trên đã khẳng định sự tồn tại của hệ thống xe điện Sài Gòn trước năm 1945. Bên cạnh đó, chú Tám, nhân viên một ngân hàng của Sài gòn trước đây bổ sung cho người viết thêm những điều tai nghe mắt thấy về hệ thống xe điện Sài Gòn. Điều đáng nói là hệ thống này tổ chức khá tốt, các tuyến lan tỏa đi chung quanh thành phố khá thuận lợi cho người dân.


         - Rẻ và tiện lợi.
         Trước năm 1945, chú Tám theo ông anh vô Chợ Lớn, xe điện lúc ấy còn phổ biến. Hai anh em lên xe đi từ đường Galliéni (Trần Hưng Đạo), xe chạy suốt con đường này từ Sài Gòn vô Chợ Lớn mà hai trạm chính là ga Nancy (Nguyễn Văn Cừ bây giờ) và ga Arras (đường Cống Quỳnh). Lúc đó, có lẽ do hình dáng na ná với xe lửa đầu máy hơi nước chạy tuyến Sài Gòn – Đà Lạt hay Sài Gòn – Mỹ Tho (do Sở Hỏa xa Đông Dương quản lý), xe điện ở Sài Gòn được dân chúng gọi cũng bằng tên “xe lửa”. Tuy vậy, xe điện hình dáng thon gọn hơn, màu sơn đẹp hơn. Trên đầu xe có cái cần câu điện bằng thép cao khoảng 2 mét hình chữ U lật ngược, khi xe chạy thì rà theo đường dây điện chạy dọc theo đường rầy, xẹt ra tia lửa xanh xanh đỏ đỏ vui mắt. Chiếc xe chỉ có một toa, vừa là đầu máy vừa là toa chở khách. Toa xe có hai đầu, không có đuôi. Hai bên thành xe còn có hình quảng cáo, phổ biến nhất là: “Một viên Cửu Long Hoàn bằng 10 thang thuốc bổ” của nhà thuốc Võ Văn Vân, thuốc dưỡng thai Nhành Mai, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín và kem đánh răng Hynos anh Bảy Chà có hình anh da đen nhe hàm răng trắng bóc.

Dọc phố SG.

         Bên trong xe có hai dãy ghế bằng gỗ nằm dọc theo chiều dài xe. Khoảng trống ở giữa khá rộng nên hành khách – đa số là giới bình dân – kẻ đứng người ngồi chồm hổm. Xe chạy khá chậm, sắp tới trạm nào thì kêu leng keng. Khách lên xe phải mua vé bằng tấm bìa cứng, màu xanh đậm, hình chữ nhật, khổ cỡ ba phân, dài sáu phân. Lên xe đưa cho nhân viên soát vé, họ xé ở một cạnh hình tam giác, coi như vé đã dùng xong. Chú Tám lúc đó còn trẻ con, thủ ngay vào túi vì đó là thứ đồ chơi phổ biến của con nít Sài Gòn, đứa nào cũng thích sưu tầm cả xấp để chơi tạt giấy. Đặc biệt là vé mua ở ga nào thì có hình logo của ga đó vẽ trên một tấm bảng trắng bằng kim loại tráng men, theo kỹ thuật làm đồ pháp lam vốn chịu được mưa nắng nhờ lớp men phủ bảo vệ kim lọai bên trong. Chú Tám nhớ ga Sài Gòn có logo hình con cò trắng, ga An Bình có hình con khỉ, ga Arrat Cống Quỳnh hình… cây cào cỏ và ga Chợ Lớn có hình… cái xe bồ ệch (theo tiếng Tây brouyette tức là xe cút kít). Vào trong xe, khách có thể thấy một ông tài xế không lái xe mà luôn luôn đứng, không ngồi như tài xế thông thường, làm nhiệm vụ giật cái gọng xe điều khiển xe dừng lại hay chạy tới. Phía sau lưng ông có một cái bảng bằng men trắng chữ đen ghi rõ bằng ba thứ tiếng Pháp, quốc ngữ và bằng chữ… Nôm. Nội dung “Xin đừng nói chuyện với người coi máy”. Do có hai đầu, khi xe đi theo chiều ngược lại, ông tài xế trở qua đầu kia lái tiếp. Do tốc độ chậm, khách đi xe thường nhảy ra khỏi xe khi gần đến ga. Kinh nghiệm là lúc đó phải bước xuống bậc thấp nhất, quay đầu nhìn về phía cuối xe và bước xuống. Lần đầu nhảy, chú Tám bị chúi về phía trước và suýt tông vào cột điện.
Ga xe điện SG.

Xe điện HN thời bao cấp.
        - Các tuyến xe điện Sài Gòn.
Theo ông Phụng Nghi, trong cuốn Sài Gòn trong mắt tôi xuất bản tại hải ngoại thì Sài Gòn có các tuyến xe điện:

          1-Tuyến “xe lửa mé sông” chạy từ Sài Gòn đến Bình Tây, dọc theo các đường Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, đường Trần Văn Kiểu (theo mé sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hủ, kinh Bến Nghé).
         2-Tuyến “xe lửa giữa”(vì nằm giữa hai tuyến nội đô) có lộ trình từ Boulevard de la Somme (Hàm Nghi), gần mé sông Sài Gòn chạy theo lộ trình Boulevard de la Somme, Galliéni (Trần Hưng Đạo A), Marins (Trần Hưng Đạo B), Tổng đốc Phương (Châu Văn Liêm), Bonhoure (Hải Thượng Lãn Ông) qua các ga Cuniac, Arras, Nancy, An Bình, Jaccaréo, Rodier.
        3- Tuyến Sài Gòn – Phú Nhuận theo lộ trình: Đường Bonard (Lê Lợi), Paul Blancy (Hai Bà Trưng), qua Cầu Kiệu, đến chợ Xã Tài, nay là chợ Phú Nhuận.
         4-Tuyến Sài Gòn – Hóc Môn qua các ga Đakao, Bà Chiểu, Bình Hòa, Gò Vấp, Hạnh Thông tây, Chợ Cầu, Quán Tre, Trung Chánh.
         5-Tuyến Sài Gòn – Lái Thiêu – Búng (nay thuộc Bình Dương)
         Hệ thống này do Công ty xe điện Pháp tại Đông Dương CFTI (Compagnie Francaise Tramwayélectric Indochine) đảm trách. Hệ thống xe điện tại Hà Nội cũng thuộc Công ty này. Xe điện tồn tại đến thời ông Diệm (1954 – 1963) thì bị dẹp . Lúc đó có người cho rằng các ông trong chính phủ làm ăn mở hãng taxi nên dẹp xe điện khiến nhiều người nghèo luyến tiếc một phương tiện giao thông thân thiện vì rẻ và tiện lợi.




1 nhận xét:

Bờm nói...

trước dây mình cũng nghĩ chỉ HN có xe điện. Tư liệu này hay thật. Cám ơn BÁO LIẾP.