Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Chuyện người lính không quân (Giang Mèo)

GM FB – Sáng nay thức dậy, đến cơ quan, bàng hoàng đọc tin vụ rơi máy bay của Trung đoàn 916, thế là lại có những đồng đội hy sinh giữa thời bình. Đau xót thay. Nhiều người mổ xẻ, bàn tán nguyên nhân, lý do máy bay rơi, danh tính, con số người thiệt mạng, thậm chí thêm thắt, thổi phồng, đồn đoán, ác miệng về nhiều điều không được mắt thấy tai nghe… Cá nhân mình không quan tâm chuyện đó, mình suy nghĩ nhiều hơn về thân phận những người lính hy sinh. Mỗi người lính ra đi, đằng sau sự mất mát của chính bản thân họ, của quân đội, của Đất nước thì còn là nỗi đau tận cùng của gia đình, người thân. Những người mẹ, người cha, người vợ, người anh, người chị, người em… và cả những đứa con thơ dại. Nỗi đau và sự thiệt thòi không gì bù đắp ấy sẽ còn dai dẳng rất lâu mới có thể nguôi ngoai… 

Mình nhớ mùa mưa 2009, lần đầu mình đi công tác trên máy bay trực thăng, mà lại là bay cùng Tư lệnh Quân chủng PKKQ Lê Hữu Đức (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ QP). Khi chiếc máy bay MI 171 rời sân bay Sư đoàn 372 ở Đà Nẵng, nhằm hướng Chu Lai, Dung Quất trong lúc trời vẫn mưa gió, Tư lệnh Lê Hữu Đức cũng nói với mình rằng, cậu biết không, mỗi người lính không quân, mỗi phi công được coi là một khí tài đấy. Mất phi công là mất khí tài chứ không chỉ đơn giản là mất một sinh lực quân đội đâu. Hơn thế nữa việc tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo được một phi công bài bản, vững vàng là điều vô cùng tốn kém cả thời gian, công sức, tiền bạc và nhiều yếu tố khác nữa. Chính vì thế các phi công luôn phải tự ý thức giữ gìn bản thân, phương tiện vô cùng quý giá, cẩn trọng. 

Rồi có lần mấy năm trước, mình gặp người 3 lần Anh hùng là Trung tướng Phạm Tuân. Trong tiềm thức của mình từ khi còn học tiểu học, những câu chuyện về Phạm Tuân luôn vô cùng hào hùng bởi chiến công bay vào vũ trụ, bắn rơi pháo đài bay B52... Ông là biểu tượng trong con mắt và suy nghĩ cua nhiều thế hệ người Việt Nam, người anh hùng của bầu trời. Khi mình nói, cháu là một người lính trẻ, rất thần tượng chú từ khi còn đi học tiểu học với chiến công bay vào vũ trụ. Vị Trung tướng cười khẽ đáp: " Đó là trọng trách, nhiệm vụ và cũng là vinh quang Tổ quốc và Nhân dân giao phó cháu ạ. Khi tôi bước chân vào buồng lái Mig 21 hay mặc lên người bộ đồ phi hành gia, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng mà đơn giản đó là tình yêu với bầu trời và trách nhiệm, vinh dự của một người lính không quân. 

Năm ngoái mình trở lại Đà Nẵng, đi cùng Đại tá Phạm Như Xuân, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372 giúp nhân dân vùng Hoà Nhơn, Hoà Vang sau bão. Anh Xuân từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 923 - Trung đoàn Yên Thế, đóng tại sân bay Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Đây là Trung đoàn được biên chế máy bay chiến đấu hiện đại Su 30MK II. Anh tâm sự rằng, anh bắt đầu bay Su 22 từ năm 1984 rồi bây giờ về Sư đoàn, ít được bay hơn, chỉ huy là chính, nhiều khi nhớ buồng lái, nhớ bầu trời đến điên người... Hạnh phúc của người phi công chính là cảm giác ngồi trên buồng lái, chế ngự bầu trời và hoàn thành nhiệm vụ mà Quân đội, Đất nước giao phó. Anh đùa, 30 năm qua Anh chỉ bay Su mà thôi, từ Su 22 lên Su 27 cứ như đang đi xe Oát mà sang Joilie! Rồi lúc bay Su 30MK II cứ như chuyển từ đi Joilie sang Au Đì, cảm giác thật khó tả... 

Sau này mình quen Trường Nam, anh là phi công lái máy bay chiến đấu Su 30 MKII hiện đại bậc nhất hiện nay. Mình mê cái phong độ rắn rỏi, chắc chắn nhưng cũng rất hào hoa, lãng tử của anh. Mình càng cảm phục và thích thú hơn khi anh ôm cây đàn ghi ta rồi cất vang giọng hát bài “ngành ca” không quân: Phi đội ta xuất kích: 

"Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích
Đại bàng vút cao lên trời mây
Trận đầu ta đã mang chiến thắng
Dâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu
A! ta bay qua sông Thương, Hồng Hà
Nghiêng cánh chào Hà Nội vinh quang..."

Có đận mình hỏi thử anh rằng: Bây giờ nhỡ có biến cố, phải lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu ngay, anh có nao núng gì không? Anh khẳng khái quyết liệt trả lời rằng: Không bao giờ có chuyện nao núng, run sợ, những người lính không quân luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ dù chấp nhận hy sinh. Sẽ chiến đấu vì bầu trời Tổ quốc trên lưng, vì đất mẹ và biển khơi dưới cánh, vì tình yêu phía sau buồng tăng lực không sợ kẻ thù đang lung sục trước mắt ta…

Mình có chị bạn đồng nghiệp, chồng là phi công quân đội hy sinh, dịp này đúng tròn 5 năm anh ấy ra đi. 2 năm trước, buổi sáng mình đến cơ quan mở tờ báo số ra ngày 20-7-2012 đọc bài: “Bầu trời vẫn có nụ cười của anh”, vừa đọc mà mắt đỏ hoe, cay xè vì những điều chị viết cho anh. Năm ấy là 3 năm anh hy sinh, cậu con trai 3 tuổi sinh ra đúng ngày 27-7 (Thương binh liệt sĩ), không được cha ôm vào lòng nhưng lớn lên hẳn cậu ấy sẽ tự hào vì cha cậu, một liệt sĩ, một phi công đã hy sinh vì bầu trời và hòa bình của Tổ quốc. Mình xin được trích lại một đoạn chị đã viết dành cho anh:

… “ Thời gian có thể làm vơi đi nỗi đau của sự mất mát, nhưng vết sẹo của sự mất mát ấy sẽ mãi không thể lành. Con có mặt trên đời là sự ban tặng tuyệt vời của tạo hóa, một kết quả của tình yêu giữa cha và mẹ. Nhưng cũng tạo hóa đã để cha ra đi quá sớm. Đã có một thời gian mẹ oán trách số phận và ghét cay, ghét đắng cái nghề mà cha con đã chọn. Chỉ cần nghe ai nói đến “phi công” và “máy bay” là mẹ tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Những ngày con còn trong bụng, mẹ gặm nhấm nỗi đau của sự thiếu vắng và hụt hẫng một mình. Mẹ gồng mình chống lại mọi cảm giác và suy nghĩ tuyệt vọng để bảo vệ con. Có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Nhưng mẹ đã đi được đến hôm nay rồi, con trai ạ. Con có biết điều gì giúp mẹ làm được điều ấy không? Mẹ đã tìm được cuốn sổ ghi chép của cha con, trong đó có ghi lại những dòng như thế này con đọc nhé:

“Cam Ranh, ngày 5-3-1999

Có lẽ trong cuộc đời binh nghiệp của mình tôi sẽ không thể quên được ngày hôm nay, 5-3-1999. Một ngày đánh dấu một cái mốc trong cuộc đời của mình.
Đúng 10 giờ 5 phút, lần đầu tiên trong đời tôi được bước lên ngồi vào buồng lái máy bay và cùng nó bay lên bầu trời cao vợi. Chuyến bay đầu tiên trong đời mình, trong đời học viên. Nó để lại trong tôi một cảm giác rất khó tả. Một chuyến bay chỉ 30 phút thôi cũng đủ để tôi hiểu rằng điều khiển một “cái máy” “lên trời” không phải là dễ. Điều đó tôi không bao giờ quên. Để được như ngày hôm nay, đó là sự phấn đấu học tập của bản thân và được sự dạy bảo của các thầy, các cán bộ. Và điều tôi không bao giờ quên được đó là sự dìu dắt dạy bảo chu đáo, nhiệt tình của thầy tôi…”. 

Tình yêu của anh dành cho bầu trời Tổ quốc, khát vọng chinh phục của anh có khi còn cao hơn cả những tầng mây thăm thẳm trên bầu trời vời vợi kia. Tôi hiểu vì sao chỉ hai tuần sau ngày anh ra đi, đồng đội của anh trong đơn vị lại tiếp tục cất cánh. Họ đã, đang và sẽ bay mãi.

Phi công Việt Nam là thế. Chồng tôi, liệt sĩ Trần Thanh Nghị chỉ là một minh chứng cụ thể. Các anh là những người lính bay làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Hạnh phúc nào hơn là được ngồi trong buồng lái, vút cánh bay lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quê hương, đất nước.

Hôm nay, sắp đến ngày 27-7, tôi lần giở những bức thư, những trang nhật ký mà anh để lại cho mẹ con tôi. Nhìn vào mắt con trai, tôi như nhìn thấy nụ cười của anh vẫn đọng lại trên không gian xanh biếc của bầu trời lộng gió. “Hãy yên tâm, anh nhé! Em và con sẽ bước tiếp con đường phía trước, một cách xứng đáng. Em hiểu, trên mỗi bước chân của mẹ con em, vẫn có anh đồng hành”.

Xin được cúi đầu trước các anh !"

4 nhận xét:

Viên Thạch nói...

Bài viết xúc động quá. Hình như GM là một cây bút trong quân đội? Một nhà báo mà có sự rung động với những lời văn viết ra như máu chảy từ tim thế này, thật đáng trân trọng.
Cảm ơn vì đã được đọc một bài viết hay, đầy tình nghĩa.

NH nói...

Sự kiện xảy ra ngay từ đầu ai theo dõi mạng thấy ngay. Mình cũng có tâm trạng đau buồn và thương tiếc những người lính trẻ. Giá chiến đấu với bọn ngoài Biển Đông kia bị bắn, bị hạ là hy sinh theo một lẽ khác. Còn đây một tai nạn hay gì đó cũng đáng tiếc. Nghe nói máy bay trục trặc phi công đã lao ra chỗ trống để tránh thiệt hại dân. Tập nhảy dù sao không thoát thân nhỉ, cả phi công lẫn học viên? Xin chia buồn với gia đình thân nhân những người lính trẻ!
CCB

TranKienQuoc nói...

GM là cựu sinh viên HV Báo chí (trước Hương 1 năm), nay ở báo QĐND.
Anh NH ơi, không kịp nhảy dù vì bay còn thấp lắm.
Rất thương anh em.

Viên Thạch nói...

Vậy à chú KQ. Khí chất GM trong ngòi bút đáng nể lắm.