Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Hồi ký của đại sứ Trung Quốc về sự kiện Hội nghị Thành Đô (ST)


Lời dẫn: Chưa bao giờ dư luận lại ồn ào như bây giờ về nội dung của Hội nghị Thành Đô năm 1990 giữa phái đoàn cao cấp của Việt Nam và Trung Quốc. Báo chí quốc tế cũng từng đưa tin về sự kiện này, nhưng hầu như không có nọi dung cụ thể. Có một nguồn tin cho biết, báo Thái Lan có đăng nội dung chính của hội nghị, nhưng lâu ngày ít ai quan tâm nên rơi vào lãng quên.


Lâu nay trên mạng xuất hiện một bài viết, trong đó người ta đăng tải nội dung biên bản hội nghị Thành Đô với nội dung, Việt Nam sẽ biến thành một đặc khu của nước Trung Hoa. Đây là một sự bịa đặt lếu láo vô căn cứ. Nếu ai thường xuyên quan tâm đến mối quan hệ lân bang giữa Việt Nam và Trung Quốc thì dễ dàng nhận ra đó là một thông tin giả .
Liệu có một văn bản hay gọi là Kỉ yếu gặp gỡ Thành Đô hay không? Chắc chắn là có. Nó nằm trong lưu trữ của cơ quan hai nhà nước. Vì mục đích và quyền lợi của mỗi nước, chưa nhất thiết phải công bố để thanh minh với dư luận.

Nội dung của nó cũng không có gì ghê gớm cả. Tuy không có văn kiện công khai nhưng qua hồi ký của những người trong cuộc thì cũng đã rõ. Ông Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam cũng viết, ông Lý Bằng thủ tướng Trung Quốc cũng viết và nhiều nhân vật khác nữa.
Một người trong cuộc hay nói cách khác là đã kiến tạo cho cuộc gặp gỡ sự kiện đấy cũng viết, ông đại sứ Trương Đức Duy. Ông Trương là một người rất am hiểu và có nhiều mối quan hệ gần gũi với các lãnh đạo Việt Nam.

***

HỒI KÝ CỦA TRƯƠNG ĐỨC DUY
(Trích, người dịch Quốc Thanh)

"....Vào 1 giờ chiều, chiếc chuyên cơ hạ cánh đúng giờ xuống Sân bay Thành Đô. Khi đoàn đại biểu tới Nhà khách Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] và Thủ tướng Lý [Bằng] đứng trước cửa nhà khách đón khách. Sau khi chủ và khách đã ngồi cả trong nhà khách, hai bên hỏi han lẫn nhau đồng thời tiến hành trao đổi đơn giản. Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] giải thích: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình đi nghỉ ở xa, nên lần này không gặp các vị được”.

Cuộc gặp mặt đơn giản kết thúc xong thì nghỉ ngơi một lúc, đến 3 giờ chiều, hai bên bắt đầu tiến hành hội đàm chính thức vòng đầu. Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] bắt đầu bằng một phát biểu ngắn, tiếp theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc lời mở đầu theo một bản đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] trình bày một cách có hệ thống về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia và mối quan hệ Trung-Việt;
Thủ tướng Lý [Bằng] phát biểu kĩ hơn về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Sau khi nghỉ 15 phút, Nguyễn Văn Linh làm một bài phát biểu dài, nhấn mạnh trước đây Trung Quốc đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức to lớn cho cách mạng Việt Nam và các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên; ông bày tỏ bây giờ nguyện sẽ cùng với phía Trung Quốc nỗ lực giải quyết tốt vấn đề Campuchia, sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước, khôi phục lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt-Trung. 

Chủ tịch Đỗ Mười cũng có bài phát biểu tương ứng, bày tỏ phía Việt Nam nguyện cùng với phía Trung Quốc giải quyết thật tốt vấn đề Campuchia, sẽ tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng phương án giải pháp do phía chúng ta đề xuất. Hội đàm vòng đầu chủ yếu xoay quanh việc Việt Nam rút quân triệt để khỏi Campuchia và vấn đề thành lập bộ máy quyền lực lâm thời – Hội đồng tối cao Campuchia (tức phương án phân bổ quyền lực) sau khi rút quân.
Sau tiệc chiêu đãi tối, các ban làm việc của hai bên đã tiến hành bàn bạc căng thẳng từng chi tiết trong Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia, theo chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo từng bên, nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc hội đàm chính thức vào ngày hôm sau, đồng thời bên phía ta đề nghị soạn thâu đêm luôn một bản dự thảo văn kiện chung.
Sáng ngày hôm sau tổ chức hội đàm vòng hai, trọng điểm là vấn đề Campuchia. Qua nỗ lực suốt cả một đêm của các ban làm việc hai bên, cả hai bên đã dần đi đến nhất trí đối với Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia. Nhưng trong hội đàm vòng hai vẫn còn xuất hiện một điểm bất đồng, đó là việc lập ra Hội đồng tối cao Campuchia gồm 13 đại biểu do phía ta đề xuất, phân bổ cụ thể là: 6+2+2+2+1 (tức phái Hun Sen 6 người, phái Campuchia dân chủ 2 người, phái Sihanouk 2 người và phái Son Sann 2 người + đích danh Sihanouk làm Chủ tịch). 

Đỗ Mười bày tỏ tán thành để Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng tối cao Campuchia, nhưng cho rằng nên gộp Sihanouk vào trong danh mục phái Sihanouk, hai bên mỗi bên một nửa đã là thiệt cho Phnom Penh rồi, nếu như bên phái đối lập lại còn nhiều hơn 1 người, thì như vậy là không công bằng. Phía ta trình bày theo lý chủ trương và đòi hỏi rộng rãi của cộng đồng quốc tế, chứng tỏ phương án này là thích hợp nhất. Trong giờ nghỉ, Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội ý lại với Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng. 
Trong buổi tiệc, Nguyễn Văn Linh thay mặt phía Việt Nam bày tỏ sự nhất trí toàn bộ với phương án do phía ta đề xuất, đồng thời nói sau khi về nước sẽ làm việc ngay với Phnom Penh, đồng thời cũng mong Trung Quốc thúc đẩy thực hiện việc hòa giải thực sự giữa Khơme Đỏ với Phnom Penh. Đến đây, vấn đề Campuchia đã được bàn bạc ổn thỏa, trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung-Việt đã được loại bỏ.
Tiếp đến, vấn đề khôi phục lại quan hệ giữa hai nước hai Đảng được bàn bạc trao đổi một cách khá thuận lợi, không gợi lại quá nhiều nợ nần cũ. Sau khi hai vấn đề lớn trong cuộc hội đàm lần này đã được trao đổi ổn thỏa, Tổng bí thư Giang Trạch Dân bày tỏ, giữa hai nước chúng ta từ đây có thể “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đồng thời dùng hai câu thơ của Lỗ Tấn [2] “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu”[3] làm lời kết cho cuộc hội đàm nội bộ lần này. 
Phía Việt Nam bày tỏ hết sức mĩ mãn và phấn khởi trước thành quả của cuộc hội đàm lần này. Cuối cùng, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đề nghị, hai bên cần kí vào một bản kỷ yếu về thành quả của cuộc hội đàm lần này, Nguyễn Văn Linh vui vẻ đồng ý. Chiều hôm đó, trước khi Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thành Đô, Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã cùng nhau kí vào bản “Kỷ yếu hội đàm Thành Đô” mang ý nghĩa lịch sử.
Sau khi đoàn Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng nói lời tạm biệt với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và các đồng chí Tằng Khánh Hồng, Tề Hoài Viễn, Chu Thiện Khanh…, đã đáp lên chiếc chuyên cơ của phía ta rời Thành Đô bay tới Nam Ninh, dừng ở Nam Ninh rồi đổi ngay sang chuyên cơ của phía Việt Nam bay về Hà Nội. Tôi cũng ngẫu nhiên đi theo Đoàn đại biểu Việt Nam quay về Hà Nội. 

Trên đường về, không khí trong khoang máy bay khác hẳn với lúc đến. Các vị lãnh đạo trao đổi bàn bạc nhiều, những người khác cũng nói cười vui vẻ. Chủ nhiệm Văn Phòng Trung ương Đảng Hồng Hà phấn khởi nói với tôi: “Cuộc gặp lần này rất thành công, quá tốt!” Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bích Sơn cũng tràn đầy phấn khởi nói, về đến Hà Nội tôi sẽ mở tiệc mời đồng chí Đại sứ thưởng thức toàn những món ăn có tiếng của Việt Nam.

Một lúc sau, Chủ tịch Đỗ Mười đi lại phía tôi hỏi: “Nguyên văn hai câu thơ mà đồng chí Giang Trạch Dân trích dẫn đọc thế nào ấy nhỉ?” Tôi dùng ngay âm đọc Hán Việt (chú thích: Trong Nho học Việt Nam có một phép đọc cố định đối với chữ Hán) đọc lại một lượt cho ông ấy nghe, ông ấy còn bắt tôi viết nguyên văn ra, rồi nhờ tôi dịch ra tiếng Việt. Đỗ Mười xem cả nguyên văn lẫn phần dịch ra tiếng Việt hai lần rồi bảo: “Đồng chí Giang Trạch Dân dẫn hai câu thơ này vào lúc kết thúc hội đàm là quá xác đáng!”.

Về Hà Nội được ít ngày, tôi lại đọc được một bài thơ do Nguyễn Văn Linh viết thể hiện tâm trạng cảm khái cùa mình sau thành công của cuộc “Hội đàm Thành Đô”: “Huynh đệ chi giao sổ đại truyền/ Oán hận khuynh khắc hóa vân yên/ Tái tương phùng thời tiếu nhan triển/ Thiên niên tình nghị hựu trùng kiến” [4]

Nguồn: 中越高层成都会晤的前前后后 - Mạng Báo buổi sáng Liên hợp.

[1] Quảng Đông – Quảng Tây –ND
[2] Chỗ này tác giả nhầm. Đây là hai câu thơ của nhà thơ đời Thanh Giang Vĩnh. – ND
[3] Tạm dịch: Trải qua cơn sóng gió/ tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù . – ND
[4] Tạm dịch: Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ/ Oán hận trong khoảnh khắc đã biến thành mây khói/ Khi gặp lại nhau cười rạng rỡ/ Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại -ND.
Video tham khảo: 中越高层成都秘密会晤 一年后关系正常化 – Cuộc gặp mật cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô – Một năm sau, bình thường hóa quan hệ.

Trương Đức Duy"

13 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Trước đó, nhiều bạn đã tự cảm nhận, không thể có chuyện bán nước dễ dàng như thế. Nay đọc bài viết này của phía bên kia có thể sẽ thêm những thông tin bổ ích, chính xác hơn.

Nặc danh nói...

Dù có đầu đất chăng nữa cũng không quá xuẩn tới mức tự biến mình thành đặc khu của tàu.

Nặc danh nói...

Nếu chỉ có thể thì sợ gì mà không công khai? "Mục đích và lợi ich của 2 nước không hề bị xâm hại nếu chỉ có thể. Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ của VN hình như nói khác về chuyện này. BL5 đã trích đăng hồi ký của họ Trương thì cũng rất cần, rất nên trích đăng hồi ký của Trần Quang Cơ về cùng một việc chứ???
càng bưng bít càng gây nghi ngờ. Cứ công khai nguyên văn không thêm không bớt một chữ,người dân là con sâu cái kiến, ngu muội, hay"dân là chủ, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra"?
Cái giọng của họ Trương càng chứng tỏ có sự khuất tất ở đây. Chẳng lừa được ai!

Nặc danh nói...

Nếu mọi cái ký kết đều tốt đẹp và hữu nghị thì sao chẳng công khai ra mà úp mở hỷ hả riêng tư làm gì? Nếu ngày xưa ta nói nhường Hoàng Sa cho Tàu, để Gạc Ma cho Tàu chiếm, Biên giới mất bao nhiêu, Vị Xuyên hy sinh trên 1600 lính VN im ắng không hương khói thì chắc các bác cũng gạt đi mà rằng: có đầu đất mới làm vậy! Nhưng đến nay thì sự thật là thế. Tàu TQ đâm tàu cá VN thì nói chệch đi là tàu lạ để khỏi phạm húy với "ông anh". Người biểu tình phản đối cho vào nhà đá thì giải thích với dân sao đây. Bộ trưởng ngoại giao Nguyên Cơ Thạch đã than sau hội nghị là "Bắc thuộc lần hai đã bắt đầu". Chính vì thế mà ông bị Tàu ghét, đến nay chắc ghét cả Phạm Bình Minh nữa. Nên tìm tài liệu của ta cho rõ ràng, nhất là văn bản chính thức! Cảm ơn người sưu tầm!

Nặc danh nói...

Tôi không bao giờ tin những người như ông Phạm Văn Đồng lại bán nước. Ông Đồng xuất thân từ một gia đình vô cùng giàu có, nếu ông ham vinh hoa phú quý ông đã không bỏ tất cả để chịu gian khổ hy sinh làm cách mạng. Ông thuộc tip người dám mất tất cả những gì của cá nhân mình vì đất nước nhân dân, chứ không phải loại người được tất cả mà không có gì để mất. Còn thế nước lúc lên lúc xuống, người có thể lúc cương lúc nhu, nhưng không thể vì thế mà cố tình ghép cho những người dám hy sinh tất cả vì nước lại là kẻ bán nước, còn những kẻ thực sự bán nước, chạy theo giặc thì hôm nay già mồm tỏ ra là kẻ yêu nước , lên án người khác trong khi chính họ chưa bao giờ làm gì có lợi cho dân cho nước, nếu không nói chỉ là lũ phản dân hại nước."Trăng có khi tròn khi khuyết", người có thể có quyết định đúng hay sai, nhưng không thể cố tình gán ghép tội lỗi, nhục mạ những người suốt đời hy sinh vì dân vì nước.

TranKienQuoc nói...

Tôi đồng ý với bạn ND cuối cùng.

Nặc danh nói...

Ngài ND 20:17 nói có người nhục mạ ông PVĐ là không đúng, nếu không phải chính các văn bản của ông nói lên điều đó, hay sự úp mở để gây nghi vấn trong dân. Ngài hãy tìm hiểu hết và chứng minh là tốt nhất. Chúng ta không lấy cảm tính để áp đặt như cơ chế ngày nay vẫn làm.

Quang Vinh nói...

Tôi đã đọc kỹ công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký, không có một câu chữ nào có thể quy kết ông Đồng "bán" Hoàng Sa cho TQ. Nhiều học giả quốc tế cũng không đồng tình với lý luận của TQ cho rằng chính phủ VN đã chuyển Hoàng Sa cho TQ qua công hàm này. Chỉ có TQ là khăng khăng cho rằng công hàm này đủ bằng chứng VN giao Hoàng Sa cho TQ. Một số người Việt Nam vì tư tưởng chống cộng nên cố ghép tội "bán" Hoàng Sa cho ông Đồng nói riêng, cho chính phủ VNDCCH nói chung. Để cố gắng khép tội phản quốc cho CS, thực tế họ đã tạo dư luận ủng hộ TQ chiếm Hoàng Sa, coi đó là chuyện đã rồi. Vì sự thù địch với chính quyền CS, họ đã trở thành kẻ phản quốc khi "hợp pháp hóa" chuyện TQ xâm chiếm trái phép Hoàng Sa, cho đó là đã được thỏa thuận của Chính quyền VNDCCH, là chuyện đã rồi không thể lật ngược. Những người đó thử chứng minh qua từng câu chữ của công hàm 1958 rằng CP VNDCCH đã giao Hoàng Sa cho TQ xem có hợp lý không? Hay họ vì thù riêng mà làm cái loa cho TQ xâm chiếm trái phép Hoàng Sa của VN

TranKienQuoc nói...

Anh Vinh nói chính xác!

Nặc danh nói...

Công Thư của ông Phạm Văn Đồng gây nhiều cung bậc phản ứng khác nhau,thậm chí quy kết là"phản quốc","bán nước".có mấy điều cần công tâm nhìn nhận:
-không thể lấy cái nhìn và hiểu biết của ngày hôm nay để lý giải việc của nửa thế kỷ trước.Nếu biết trước ngày giá vàng đạt cực đại,cực tiểu,tất cả chúng ta đã thành siêu tỷ phú
-CT PVĐ theo cách nhìn hiện tại hẳn là sai lầm,ít nhiều cũng là sai lầm,xin hỏi các chính khách toàn cầu,từ Napoleon,Churchin,Tôn Trung Sơn,Hồ ChÍ Minh,Nehru đến washington,Putin...ai khong có lúc sai lầm,ai là kẻ toàn năng. khi ký CT,ông PVĐ tự ý hay đã bàn bạc nhất trí với Hồ Chí Minh,Trường Chinh,Lê Duẩn và BCT? Sai lầm theo cách nhìn hiện tại,nếu có,âu cũng là sai lầm,đúng hơn là ấu trĩ thuở ban sơ,của một thế hệ các nhà cách mạng VN thế kỷ 20 mà với độ lùi nhiều chục năm của LS nay ta mới nhận ra.Liệu có thể lên án Nguyễn Du là"phong kiến",như một lãnh đạo văn hoá đã kết,khi cụ đặt lên môi nàng Kiều câu"nên chăng cũng bởi tại lòng mẹ cha"?thế khi nàng"xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" thì sao?nói thế để thấy không thể võ đoán phê phán LS .
-các vị lớn tiếng lên án CT PVĐ là "phản quốc,bàn nước" sao không kết án tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,người đã để mất HS khi ấy thuộc lãnh thổ VNCH chứ không thuộc VNDCCH của ông PVĐ,thậm chí tái chiếm HS dễ ợt,với hàng trăm chiếc F5 tầm bay trên dưới 1000km so với tầm bay 300-400km của các Mig19,21 của TQ,cũng chẳng dám làm vì Mỹ không cho?
-g/s Cao Huy Thuần,một học giả người việt tại pháp,không hề được đào tạo tại miền bắc XHCN,mà BL5 vừa đăng bài Trung quốc muốn gì mấy hôm trước,có một cái nhìn rất quân bình và đúng mực về v/đ CT PVĐ trong bài viết Về Công Thư Phạm Văn Đồng,rất cám ơn nếu BL5 đăng lại cho ae k5 xem
-CT PVĐ vừa là chuyện LS vừa là chuyện hiện tại, về mặt LS các. Quan điểm khác nhau tranh luận để rút bài học từ quá khứ,về mặt hiện tại,theo tôi,cần khách quan thẩm định những bất lợi thật sự của nó,để có cách ứng phó tốt nhất cho lợi ich dân tộc,nếu cần,dẹp bỏ cảm xuc cá nhân của 1 kẻ COCC,tôi tán thành quôc hội và chính phủ ra luật,ra nghị quyết huỷ bỏ CT này

Nặc danh nói...

Trong đoạn hồi kí này có 2 chi tiết làm tôi hơi nghi ngờ tính chân thật của nó:
- Thứ nhất, tại sao đến lúc lên máy bay ông Đỗ Mười mới hỏi ngài đại sứ về 2 câu thơ của Lỗ Tấn (thực ra là của nhà thơ Giang Vĩnh đời nhà Thanh)? Như vậy, thông dịch viên của đoàn VN đã bỏ sót, không dịch 2 câu thơ rất quan trọng này.
- Ông Nguyễn Văn Linh không bao giờ làm thơ Đường luật mà lại có được bài thơ rất hay đăng trên báo?
Do đó, cuốn hồi kí này tôi nghĩ mang dấu ấn cá nhân, cổ vũ cho một quan hệ nào đó chứ không phải tài liệu khách quan tin dùng được.

Nặc danh nói...

Tôi không thích viện chữ thánh hiền, nhưng ở đây tôi buộc nhớ đến câu của ông Le Nin:"thực tế cuộc sống phong phú đến nỗi ta có thể tìm ra bao nhiêu chi tiết cũng được, để chứng minh cho bất cứ luận điểm nào nếu ta muốn",tôi thấy câu nói này ứng một cách kỳ lạ vào comment lúc 19:33 ngày 13.8

Nặc danh nói...

Đính chính của ND 19:43 ngày 14.9:tôi lẩm cẩm(ngoài 60 rồi còn gì) nghĩ cái còm 19:33ngày 13.8 bình bài của thứ trưởng Trần Quang Cơ,xem lại là bình bài của Trương Duy Đức,như vay là quá đúng,xin bắt tay hoan hô và xỉn rút lại cái còm 19:43 ngày 14.8.xin cáo lỗi cùng 19:33 và BL5.