Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Tản mạn: Từ chuyện kéo ghế... (2)

Chuyện thứ hai. 

Giữa thập niên 1990, để chuẩn bị cho “Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ – lần thứ 7”, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm 1997,Chính phủ Việt Nam đã quyết định trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội với kinh phí 156 tỷ đồng, tương đương khoảng 14 triệu đô la Mỹ. Việc quá quan trọng và rất khó nữa, nên gười ta kén một người con nhà nòi, gốc Hà Nội là KTS Hoàng Đạo Kính (con trai của Nhà Văn hóa lớn vừa là Nhà “Hà Nội học” Hoàng Đạo Thúy) làm Giám đốc BQL dự án “Cải tạo, tu bổ Nhà hát Lớn – Hà Nội”. Dự án được bắt đầu năm 1995 và hoàn thành 2 năm sau đó, với sự tham gia của 100 nhân công và dưới sự giám sát của KTS người Pháp gốc Việt là ông Hồ Thiệu Trị, tác giả đồ án trùng tu.


Sỡ dĩ có cuộc góp sức rất “ai oán” này (?), KTS Hồ Thiệu Trị được giới thiệu gặp đồng nghiệp Hoàng Đạo Kính. Vừa mới gặp nhau, ông Trị đã vồ vập tâng bốc: “Anh Kính là một người rất hiểu biết về kiến trúc và lịch sử của những công trình kiến trúc Hà Nội. Có thể nói, anh Kính là người đầu tiên gieo cho tôi những kiến thức quí giá về kiến trúc và sự hiểu biết về Hà Nội”. Còn về phía ông Hoàng Đạo Kính, tác giả Điền Minh cho biết thêm: “Và cũng từ sự gặp gỡ tình cờ của 2 con người từ 2 phương trời xa xôi, qua trao đổi, KTS Hoàng Đạo Kính rất cảm phục trước những hiểu biết về nét kiến trúc Pháp của KTS Hồ Thiệu Trị và mong mỏi ông tham gia vào “Dự án cải tạo Nhà hát Lớn” để đóng góp công sức cho đất nước”. (“Nhà hát lớn Hà Nội là công trình vĩ đại nhất đời tôi” – Điền Minh, bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do Báo TT&VH phát động -Thứ Sáu, 09/04/2010 09:55).
Kết quả của cuộc “gặp gỡ tình cờ của 2 con người từ 2 phương trời xa xôi” này, sự góp mặt “ai oán” – trên góc nhìn bi hài của công cuộc “trùng tu”, như chúng ta và báo chí đã từng phanh phui: Chất lượng trùng tu công trình là tệ hại, méo mó, làm giảm tính lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Nhà Hát Lớn.
Có thể dẫn ra đây 3 trong vô vàn những bằng chứng mà bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu và tự nhận biết được. Thứ nhất, hệ thống bậc thềm: Thềm Nhà Hát Lớn xưa là những phiến đá xanh được đục đẽo thủ công đều tăm tắp. Những viên lát ngoài cùng của mỗi bậc, có gờ hoa văn chạm nổi đắc dụng chống trượt. Bề mặt từng viên đá dầu rất phẳng nhưng vẫn còn nguyên là những vết đục nhỏ bằng đầu đinh nên có độ bám cao cho người lên xuống không bị té ngã. Thềm Nhà Hát Lớn là dấu tích tài hoa của biết bao người thợ đá thủ công VN “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt cả trăm năm tồn tại, vẫn nguyên sơ không hề bị nứt vỡ; đã lưu dấu chân bao thế hệ nghệ sĩ, khán thính giả, chính khách và lớp lớp con dân nước Việt – đặc biệt hàng vạn những bàn chân trần của đồng bào, tự vệ Hà Nội vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 lịch sử; những cuộc mít tinh tưng bừng của hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên, học sinh, nhân dân trước mỗi lễ xuất quân vào Nam chiến đấu thời kháng chiến “chống Mỹ, cứu nước”…Thế mà khi trùng tu, người ta phá bỏ hoàn toàn hệ thềm Nhà Hát Lớn cũ vô giá này, thay bằng một bộ thềm đá mới mà những phiến đá được gia công bằng máy cưa máy mài nhẵn thín, lát lên trông như mọi vỉa hè tầm thường. Khả năng chống trơn trượt gần như “bằng không” vì bề mặt không còn đường gờ hoa văn của đầu mỗi bậc đá. Thứ 2: Mái vòm phía trong khán trường hiện vẫn còn…để chờ (một nhà họa sĩ tài danh của thì “tương lai”). Vì thế, khán thính giả khi nhìn lên mái vòm hiện tại, chỉ thấy lờ nhờ những hình thù vô cảm bằng những vệt sơn xanh “lơ tơ mơ” trên nền trắng không chút thẩm mỹ suốt gần 1/5 thế kỷ nay. Thứ 3: chất lượng bên trong: Mấy năm sau ngày Nhà Hát Lớn trùng tu được khai thác trở lại, người viết bài này có dịp đi cùng một nhà văn tới gặp Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Ánh Nguyệt để có “công chuyện” của cơ quan. Chị Nguyệt vốn là diễn viên Đoàn Chèo Thanh Hóa, cũng nguyên là Đại biểu Quốc hội. Thời điểm này, chị Nguyệt đang giữ chức “Phó phòng Tổ chức hoạt động Nhà Hát Lớn Hà Nội” – phụ trách mảng “dịch vụ”. Bấy lâu nay dư luận xã hội và báo chí đã sôi sục lên vì công trình trùng tu “tai tiếng” này khá nhiều rồi, nên tiện thể khi tới đây, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu thêm chất lượng công trình sau sửa chữa. Hiểu ý của khách, chị Nguyệt liền dẫn chúng tôi tới ngay gian hậu sảnh sát sân khấu chính, rồi chỉ thẳng vào mấy vũng nước rõ to đang lênh láng và nói: “Đấy các anh xem, bị dột nhiều lắm, nước vẫn đọng lại đó từ mấy hôm nay rồi. Còn những gì gì nữa thì em không biết”.
Chúng tôi nghĩ, cả hai KTS chắc chắn là phải rất tài giỏi mới “ru ngủ” được cả một hội đồng cực kỳ “khó tính” của Bộ Văn hóa và Thành phố Hà Nội để được tin dùng chứ. Họ phải cẩn trọng “chọn mặt gửi vàng” chứ không thể “gửi trứng cho ác” được. Thế mà sao giữa “kỳ vọng” và “kết quả”, giữa “niềm tin” và “thực tế” nó lại lồ lộ những thứ quá “bẽ bàng” vậy? Không lẽ hai người tài danh kia, khi thực thi “công vụ” bị chi phối bởi “ma đưa lối, quỹ dẫn đường” à? Câu hỏi vẫn còn nguyên đối với tất cả mỗi chúng ta khi quan tâm tới một danh thắng.


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Qua Italia mà nhờ. Để mấy thằng này thì hỏng hết. Từ trung tu tháp Chăm đến thành quách đền đài ... không thể ngửi được. Cả một hệ thống đểu.