Tôi đang đắm chìm trong nỗi suy tư, bế tắc
không có câu trả lời trước sự kỳ quặc của anh... Bỗng hai khoé mắt anh chảy dài
hai dòng nước mắt. Hình như anh đang cố nén một cái gì sâu thẳm trong tim? Anh
buông tay tôi rồi ngồi bật dậy, rút khăn tay lau mắt. Hình như có gì quá xúc động
với anh chăng? Anh phải lịm đi không nói thành lời. Sau hồi trấn tĩnh, anh đã
trở lại bình thường chăng? cầu trời như vậy! Anh nhìn tôi và nói tôi gọi cậu
liên lạc của tôi cho anh. Anh bảo cậu liên lạc dọn cơm đi, dù bữa cơm chúng tôi
mới và được vài ba miếng. Tôi pha ấm trà mới cho anh, thấy anh thì thầm gì đó với
cậu liên lạc:
- Anh Sỹ à! Anh đã khoẻ chưa? Chỉ còn vài
giờ nữa là tới giờ "G" rồi đó anh!
- Ừ! Nhớ rồi! Tới giờ "N+1" ông
phát lệnh cho các trung đội nhé!
Tôi thấy anh lau bàn rồi cầm chiếc bát ra
ngoài đi đâu đó, một lúc sau anh mang vào lưng bát gạo và một cái đĩa con không
biết để làm gì? Anh diễn trò gì nữa đây?
Hai chúng tôi ngồi uống nước, tôi không dám
hỏi gì chuyện anh bị xỉu lúc vừa rồi. Một phần sợ anh khó trả lời nếu anh định...,
phần muốn anh tỉnh táo hẳn mới hỏi rõ nguồn cơn. Thấy anh tỉnh, tôi đã yên tâm
một chút, nhưng vẫn thấp thỏm, không biết anh còn giở chứng gì không? Giờ
"G" sắp tới, tôi đi một vòng xuống các trung đội dặn dò các trung đội
trưởng và thông báo chính thức giờ "G". Lúc quay về, vừa tới cửa
phòng, tôi giật thót mình. Trong đầu tôi muốn hét lên: "Anh Sỹ! Anh làm
cái gì thế này? Anh điên rồi à? Muốn "B quay" thì nói toạc ra! Anh
cúng bái cái gì trước giờ ra trận thế?".
Nhưng may quá, tôi mới chỉ nghĩ, chưa kịp
phát thành lời thì cậu liên lạc của tôi ra giấu để tay trước miệng: yên lặng!
Tôi đứng ngây ra nhìn người chính trị viên xì sụp khấn vái giữa khói hương nghi
ngút với bát nhang bằng bát ăn cơm, một đĩa hoa rừng, chắc cậu liên lạc của tôi
hái vội đâu đó cho anh, ba chén rượu lưng lưng, một phong lương khô mới bóc. Tôi
đứng nhìn anh và nghe anh lầm bầm khấn vái điều gì đó... Khoảng năm ba phút
sau, anh lấy khăn tay lau nước mắt. Lấy lại bình tĩnh và chúng tôi cùng ngồi xuống
bên bàn, tôi chờ đợi sự giải thích của anh. Anh tợp một ngụm trà rồi nói với
tôi:
- Ông ạ! Tôi bị xúc động đột ngột quá, đau
đớn quá, không nói được thành lời. Lúc trưa nghe đài, xã Uy Nỗ của tôi bị B52 rải
thảm. Trong số người bị chết có họ tên ông bố vợ tôi, em vợ tôi và mấy người bà
con họ tộc. Không biết vợ con tôi có việc gì không? Miếng cơm vừa và vào miệng
thì tắc nghẹn khi nghe tin dữ... Chắc ông tưởng tôi bị cảm?... Tôi chỉ chiếc
đài ý nói hãy nghe tin thì ông không hiểu lại tắt đi. Tin đau buồn quá, nhưng
giờ "G" đã đến, không thể về qua nhà được. Tôi thắp mấy nén nhang xin
tạ lỗi với nhạc gia và dòng họ, cầu mong vong linh những người tử nạn tối qua
phù hộ cho anh em, đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ. Đó là cách tốt nhất để trả mối
thù này! Ông lo toan mọi việc nhé, tôi tranh thủ viết mấy dòng gửi lại, may ra
vợ con, gia đình tôi nhận được.
Tôi sững người, đứng dậy ôm chầm lấy anh.
Tôi khóc, khóc vì xúc động, vì đồng cảm với nỗi đau của anh. Khóc vì ân hận tôi
đã nghĩ sai về anh, về một con người đầy bản lĩnh nhưng rất mực tình người! Tôi
khóc để thay lời xin lỗi anh. Tôi tự trách tôi hồ đồ, nông nổi. Đây là bài học
thứ hai, tôi nhận ra điểm yếu của mình, của người sỹ quan trẻ thường phản ứng
nhanh nhưng thiếu bình tĩnh và chín chắn trước một sự việc bất thường.
Đặng Đức Sỹ! Anh không chỉ là người đồng đội,
người anh mà còn là người thầy của tôi về cách đối nhân xử thế, tính cách chững
chạc, điền đạm cần thiết của người cán bộ.
Như một phản xạ tự nhiên, tôi đến trước bàn
thờ đơn xơ mà anh vừa lập. Chắp tay vái lạy hương hồn những người quá cố, trong
đó có người thân của anh vừa ra đi vĩnh viễn bởi bom đạn kẻ thù... Tôi thông
báo và cho mời các trung đội tới vái vọng và chia sẻ nỗi đau mất mát của anh
ngay trước giờ ra trận.
Đúng 19h30, khi những viên đạn lửa phòng
không đầu tiên sáng rực, bay vút lên như xé rách màn đêm, cũng là lúc tôi bắt
chặt tay anh, ôm chặt lấy anh, tiễn anh lên xe dẫn quân vào tuyến lửa. Chúng
tôi hẹn đón nhau ở chiến trường.
Bộ phận của tôi đi sau cùng, 21h30 chúng
tôi mới có lệnh xuất phát.
Thời gian này Mỹ tập trung vào Hà Nội nên
trên đường đi vắng bóng máy bay của không lực Hoa Kỳ. Chúng tôi đi khá nhanh và
an toàn. Qua đất bạn Lào, bắt đầu gặp máy bay của không lực Sài Gòn, đã đôi lần
chúng chao lượn trên đầu nhưng không ác liệt như không quân Mỹ. Đã vài lần tôi
nghe tiếng bom rền nhưng không rõ từ đâu. Đêm đêm có nghe tiếng máy bay mà anh
em binh trạm nói là C-130 đi tuần tiễu, lâu lâu có tiếng súng: "Cắc-thùng!
Cắc-thùng!..." như tiếng trống cầm canh từ máy bay bắn xuống.
Rồi một ngày cuối tháng 1/1973, tôi nhận được
tin dữ: bộ phận C11-B bị tập kích bom bi, anh Sỹ và vài chiến sỹ của tôi bị
thương phải vào bệnh viện, anh Sỹ bị khá nặng.
Khi vào tới căn cứ, tôi hỏi Nguyện, cậu
liên lạc của anh. Nguyện chỉ biết anh bị thương nặng khi vào viện và không biết
gì hơn vì phải tiếp tục hành quân. Thế là đại đội tôi mất người cán bộ năng nổ,
tận tâm, dày dạn kinh nghiệm chỉ huy, tổ chức. Tôi thấy hụt hẫng khi thiếu anh,
thiếu một chỗ dựa tinh thần.
Tai hoạ chết người, nỗi đau mất mát quá lớn
liên tiếp đến với anh nhưng vẫn không cản được bước chân người sỹ quan can trường
và mẫu mực. Nhưng hòn tên, mũi đạn đã bắt anh phải bỏ dở cuộc hành quân cùng
chúng tôi đến ngày toàn thắng.
Sau hoà bình, những lần ra hội họp ở BTL-TG,
tôi hỏi thăm nhưng không ai biết anh ở đâu? Đã về đâu?...
Qua dòng hồi ức về anh, nếu anh còn xin hãy
liên lạc với tôi qua điện thoại. Tôi xin được cạn nốt chén rượu nghĩa tình với
anh mà hơn bốn mươi năm trước, thời trai trẻ tôi còn khất nợ anh, dù bây giờ
tôi vẫn không uống được rượu.
Nếu con cháu anh đọc được những dòng hồi ức
của tôi viết về anh, các cháu có quyền tự hào về một người cha, người ông đã có
"một thời như thế đó". Đó là cái thời của thế hệ chúng tôi, và nhiều
thế hệ đã có một thời như thế và phải như thế đó!
Dẫu sao họ tên anh vẫn hiển hiện trong lý lịch
Đảng của tôi:
- Người giới thiệu thứ hai: chính trị viên
đại đội - thiếu uý - Đặng Đức Sỹ.
Vẫn còn đây!
Sài gòn, 19/11/2013
Đỗ Thành Hưng B5-C213
Đt: 0908106399
Nhà số 12/2 Đào Duy Anh, P.9, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM
1 nhận xét:
Kết hay quá, rất thực, rất người và rất tình!
Đăng nhận xét