Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Vì sao xứ mình nhiều người có sỏi? (ST: Trọng Bảo)

Số người đang vướng một vài viên sỏi đâu đó trong đường tiết niệu, từ bể thận xuống đến bàng quang, ở xứ mình rõ ràng cao hơn rất nhiều so với thống kê ở các quốc gia khác. Đáng nói hơn là khi số bệnh nhân này còn trẻ, bao gồm cả nữ giới, nghĩa là nhóm đối tượng trước đây ít bệnh. Số người này đang tăng rất nhanh nếu so với thống kê từ thập niên trước đây.

Nếu tưởng họa trên trời rơi xuống thì sai. Tạp chất trong dòng nước tiểu muốn kết tủa cần một số điều kiện thuận lợi, chẳng hạn:
- Lượng nước tiểu quá ít khiến thành phần của nó trở nên đậm đặc.
- Thời gian nước tiểu lưu lại trong dòng tiết niệu quá lâu.
- Hàm lượng tạp chất quá cao, trong đó có các chất đòn bẩy như canxi, oxalate, urat...


Không lửa khó có khói. Nạn nhân thường có chung vài điểm tương đồng trong nếp sinh hoạt, như:
- Uống không đủ nước trong ngày, nhất là khi đổ mồ hôi, sau khi tập thể dục thể thao hay xông hơi. Tệ hơn nữa là chỉ uống khi khát, cho dù mỗi lần với lượng lớn thay vì chia đều với lượng vừa phải.
- Nín tiểu khiến tạp chất trong nước tiểu thừa cơ hội quyện vào nhau thành viên sỏi.
- Quá mạnh miệng với rượu bia, thịt mỡ nên nước tiểu bị “axít hóa” vì sự hiện diện của các phế phẩm có tính axít, trong đó điển hình là axít uric, chất sinh bệnh gút.
- Quá vui miệng với các loại rau chứa nhiều oxalate như rau dền, rau muống, bạc hà...
- Không quen dùng dược thảo có công năng lợi tiểu nhẹ, như râu mèo, râu bắp, atisô... để tăng tiến độ đào thải tạp chất qua đường tiểu.
- Ít khi ăn chay. Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, chất đạm lecithin trong đậu nành có khả năng phá vỡ cấu trúc của sỏi để viên sỏi thành sạn cát rồi theo dòng nước tiểu trở về với thiên nhiên.
- Lạm dụng thuốc sủi bọt như thuốc đa sinh tố, thuốc cảm... mà không ngờ phụ gia của thuốc là đòn bẩy cho phản ứng kết tủa trên đường tiết niệu.
- Dùng thuốc canxi liều cao vì sợ loãng xương nhưng chưa hiểu là chất vôi khi thừa phải được đào thải qua đường tiết niệu và kết tủa khi có mặt quá nhiều, quá lâu trong dòng nước tiểu.
- Ăn quá ngọt vào buổi tối, đặc biệt ở nam giới, khiến chức năng bài tiết của thận bị xáo trộn.
Nếu đúng như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới rằng không dưới 2/3 trường hợp bệnh hoạn là hậu quả của chuyện ăn uống trật vuột sao đó thì sỏi thận là một dẫn chứng điển hình của chuyện đau khổ vì miếng ăn. Bệnh đáng lý đã không xảy ra nếu nạn nhân đừng là... thủ phạm! 
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài này rất bố ích cho kẻ vừa đau khổ vì sỏi niệu dẫn đến viêm niệu cấp như tôi, cảm ơn BL5. Huan k5