Sau
Cách mạng Tháng 8.1945, Nguyễn Mạnh Hà được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế
quốc gia trong Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Vị cứu tinh của nạn đói ở Hải Phòng
|
Câu chuyện một trí thức Công giáo được
chọn mặt gửi vàng ra làm Bộ trưởng Kinh tế được ông Nguyễn Mạnh Hà kể lại: Một
người bạn luật sư, trước kia là bạn học luật với ông Võ Nguyên Giáp, đã nói với
tôi: “Anh Giáp muốn gặp anh”. Tôi bèn đi gặp ông Giáp, ông ta chỉ nói đơn giản
rằng: “Anh từng là Giám đốc Kinh tế Bắc kỳ, vậy dĩ nhiên với kinh nghiệm của
anh, anh phải làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ đầu tiên mà chúng tôi sắp
thành lập”.
Một tuần lễ sau đó, ngày Chính phủ
chính thức ra mắt, Nguyễn Mạnh Hà có cuộc gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh. Vừa
thấy ông, Hồ Chủ tịch đã reo lên: “Chú đấy à, con rể Marrane đấy à? Tôi đã gặp
ông ấy ở Đại hội Tours!”.
Nguyễn Mạnh Hà sinh tại TX.Hưng Yên
trong một gia đình Công giáo. Năm 1926, khi 13 tuổi, ông sang Pháp học trung
học rồi đại học. Năm 1937, ông tốt nghiệp Khoa Luật học và Chính trị Trường Đại
học Paris (Pháp).
Về nước đúng lúc ở Pháp Mặt trận
Bình dân lên cầm quyền, Đông Dương đang có phong trào đấu tranh để tiến tới
Đông Dương đại hội. Trong thời gian này, ông được Thống sứ Bắc kỳ cử làm Thanh
tra lao động TP.Hải Phòng và các khu hầm mỏ. Năm 1943, ông được cử chức Giám
đốc Kinh tế kiêm Thanh tra lao động Bắc kỳ.
Khi đó, Thị trưởng Pháp ở Hải Phòng
– ông Luciani đã cho gọi Nguyễn Mạnh Hà tới và đề nghị: “Tôi muốn ông lo việc
tiếp tế gạo, lâu nay vẫn do người Pháp làm và họ chỉ bỏ đầy túi”. Bấy giờ giá
gạo chợ đen đắt gấp mười lần giá chính thức! “Ông là người liêm khiết, tôi cử
ông làm Giám đốc Kinh tế Hải Phòng và tôi giao cho ông tìm một giải pháp”,
Luciani nói.
Nhờ đó, Nguyễn Mạnh Hà nắm trong tay
việc tiếp tế gạo. Ông đã cùng với những bạn như nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà mở
những quán cơm bình dân. Vì thế, trong thời Nhật chiếm đóng, mỗi ngày ông và
các đồng sự có thể phân phát hơn 20.000 suất cơm và một ít thức ăn. Hải Phòng
thoát nạn đói và coi ông là một vị cứu tinh. Mặt trận Việt Minh biết rõ điều
này, cho nên ngay sau Cách mạng Tháng 8, đã mời Nguyễn Mạnh Hà tham gia Chính
phủ.
Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên
6.1.1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nguyễn Mạnh Hà trúng cử đại biểu
Quốc hội tại tỉnh Hưng Yên.
Nguyễn Mạnh Hà cũng là thành viên
trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán với Pháp tại
Hội nghị Fontainebleau.
Tam H “trùm chăn”
Tam H “trùm chăn”, cụm từ người dân
Hà Nội sau toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) dành thiện cảm để gọi ba nhà trí
thức Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996), Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Chính phủ Trần Trọng
Kim, Vũ Văn Hiền (1911 – 1963), Bộ trưởng Bộ Tài chính – Chính phủ Trần Trọng
Kim và Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế – Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau khi người
Pháp chiếm đóng trở lại, dù mắc kẹt ở Hà Nội nhưng ba nhà trí thức này đều bất
hợp tác với chính quyền thực dân.
Nhìn tấm gương ba nhà trí thức không
cộng tác với chính quyền thực dân, thì các trí thức khác, vì cuộc sống gia
đình, phải làm việc cho chính quyền cũng có suy nghĩ và dành tình cảm với Chính
phủ kháng chiến ở Việt Bắc.
Không chỉ có vậy, bằng kiến thức
luật pháp của mình, hai vị luật sư Vũ Văn Hiền và Nguyễn Mạnh Hà đã tranh tụng
trong nhiều phiên tòa xử tội người tham gia kháng chiến. Tất cả các bị cáo đều
được xử trắng án, trả tự do ngay tại tòa.
Năm 1951, đại tướng De Lattre de
Tassigny, Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương đã ký lệnh trục
xuất Nguyễn Mạnh Hà về Pháp cùng với vợ con. Sang Pháp, ông được cử giữ chức
Thanh tra lao động của Chính phủ Pháp. Năm 1965, Nguyễn Mạnh Hà còn sang
Campuchia tham gia Đại hội Nhân dân Đông Dương do Quốc vương Sihanouk triệu
tập, thảo luận về tình hình Mỹ can thiệp vào Đông Dương.
Trước khi qua đời vào năm 1992,
Nguyễn Mạnh Hà có chia sẻ lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh để ông ở lại Hà Nội mùa
đông năm 1946, trong khi các cộng sự khác của ông thì tản cư. Đó là chuyến đi
của ông Marrane, bố vợ Nguyễn Mạnh Hà, sang Trung Quốc năm 1959, nhân kỷ niệm 10
năm quốc khánh nước CHND Trung Hoa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với ông Marrane
về người con rể của ông: “Hà không phải là người của chúng tôi, nhưng đó là một
người thông minh và trung thực”.
Nhắc đến ông Nguyễn Mạnh Hà, không
thể quên bà Renée Nguyễn Mạnh Hà – nhũ danh Marrane (1916 – 2007), phát ngôn
viên tiếng Pháp đầu tiên có giọng “đầm” của Đài tiếng nói VN những ngày đầu
thành lập. Bà là con gái nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp Georges Marrane (1888 –
1976), Thị trưởng
Ivry-sur-Seine, thành phố “đỏ” ở phía
đông nam, sát TP.Paris. Georges Marrane đã làm Thị trưởng từ 1925 đến 1965, gần
suốt 40 năm trời (trừ thời kỳ Đức chiếm đóng). Bà Renée luôn sát cánh với chồng
trong các hoạt động xã hội và tôn giáo như: thành lập tổ chức Thanh lao công
đầu tiên ở VN, tổ chức cứu đói năm 1945, cũng như các hoạt động yêu nước khác.
Theo đánh giá của nhà sử học Nguyễn
Đình Đầu (đồng thời cũng là người bạn của hai vợ chồng bà), bà Renée còn là
người phụ nữ duy nhất trong phái đoàn Chính phủ VN sang Pháp đàm phán Hội nghị
Fontainebleau (1946). Sang Pháp năm 1996, gặp lại bà Renée, lúc đó đã 80 tuổi,
“vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nói tiếng Việt đặc giọng Hà Nội”, nhà sử học Nguyễn
Đình Đầu chia sẻ.
Kiều Mai Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét