Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Cao Tư lệnh

Trước ngày lên đường, email sang cho Cao. Anh trả lời không thể lên Nam Ninh và Quế Lâm cùng bạn Trỗi được, vì mẹ anh từ Quế Lâm sang Phật Sơn sống với vợ chồng anh, nay cụ đang ốm nặng. Nhưng khi vừa đến Nam Ninh thì được Tiển Thiểu Hoa báo: Cao sẽ đến vào tối nay.
Trước núi Ốc.

Cao cùng tân Hiệu trưởng Y Trung.

Phong vũ cố nhân lai.

Nhắn tin vào máy Cao, anh báo 10g đêm đến Ks. Quãng 11g, thấy chuông reo và giọng Cao: Anh Quốc à? Mở cửa, anh cười và báo nghỉ ngay phòng bên.
Sáng sau, gặp nhau, anh kể: "Tôi nói chuyện với mẹ về các bạn Trỗi sang mừng sách phát hành. Mẹ bảo, con cứ đi với các bạn, mẹ còn khỏe, không phải lo. Khi đó mới quyết định đi".
Cao dự hội thảo cùng Trường Trỗi. Anh lên phát biểu kỉ niệm của gần 50 năm trước, khi là liên lạc viên giữa Y Trung và Trường Trỗi. Anh được thầy trò Trường Trỗi gọi là Cao Tư lệnh.
Ngày đó, Cách mạng Văn hóa ác liệt, bố anh thấy nguy hiểm đến tính mạng đã cho anh về Thượng Hải, rồi về nông thôn làm 'bác sĩ chân đất', sau mới đi học Dược ở Đại học Trung Sơn, Quảng Châu.




... Cũng 1968, khi Trường Trỗi về VN, các bạn đến nhà chia tay thì chỉ gặp bố mẹ Cao. Các cụ nói: "Ta zhou le" nhưng vì ngôn ngữ bất đồng mà bạn Trỗi nghĩ cụ nói: Nó chết rồi (Ta si le). Cách mạng Văn hóa ác liệt thế, chắc Cao đã chết? (Từng nghe kể, anh dẫn đầu toán Hồng vệ binh Y Trung tấn công xuống Nam Ninh. Sau này hỏi lại thì không phải).
Rồi hàng chục năm khi quan hệ Việt - Trung rất xấu, ngăn sông cấm chợ, chả có tin tức gì của nhau.
Tới 2003, những bạn Trỗi đầu tiên (Mạnh Thanh, Kiến Quốc, Phan Nam, Hữu Thành cùng Quang Huy, Nam Hòa) tới Quế Lâm, thăm Y Trung, cũng không có tin tức gì về Cao. Ai cũng tin Cao chết thật rồi.
Đầu 2005, Gs Đỗ Kiếm Tuyên email sang, báo: sẽ cùng Cao Cẩm Quỳ - học sinh Y Trung - sang VN, đi xuyên Việt, thăm thầy bạn Trỗi. Ngày bé, chơi với bạn TQ có ai biết đầy đủ họ tên nên chỉ nghĩ đây là 1 bạn cũ.

Ở HN, Lê Bình và Quốc Khánh không nhận ra Cao Tư lệnh; ở Đà Nẵng cũng vậy. Chỉ khi đến TPHCM, khi Cao mở cuốn Album có nhiều ảnh bạn Trỗi ở Quế Lâm cho thầy Trọng và chúng tôi xem, Phan Nam nhìn chằm chằm 1 lúc rồi hô lớn: "Đây chính là Cao Tư lệnh". Vậy là Cao Tư lệnh còn sống.
Sau đó, cùng thầy Trọng đi Vũng Tàu thăm thầy Hồng Tuyến, Cao áy náy:
- Tôi có phải là Tư lệnh Hồng vệ binh Quế Lâm đâu. Đừng gọi tôi là Cao Tư lệnh.
Thầy Trọng cười và nói:
- Bạn Trỗi nào ngoài cái tên do cha mẹ đặt cho thì còn có 1 cái tên đi đến cuối đời do bạn bè tặng. Nên Cao Cẩm Quỳ sẽ chết với cái tên Cao Tư lệnh.
- Dạ, em xin nhận. Cảm ơn thầy và các bạn Trỗi! - Cao cũng mỉm cười.
... Tình bạn nửa thế kỉ ấy thật đáng quý, sao chúng ta không gìn giữ, bảo vệ?

2 nhận xét:

Trần Đình nói...

..."Cao Cẩm Quỳ sẽ chết với cái tên Cao Tư lệnh"
-Dạ,em xin nhận. Cảm ơn Thầy và các Bạn Trỗi- Cao mỉm cười.
... Tình Bạn nửa Thế kỷ thật đáng quý, sao chúng ta không giữ gìn, bảo vệ. "
Kẻ nào phá vỡ Tình hữu nghị Việt Trung thì kẻ đó sẽ là tội đồ của Lịch sử.

Nặc danh nói...

"Phong vũ cố nhân lai" - câu nói thật là nồng ấm! Trước đó, người VN còn nghe Giang Trạch Dân đọc thơ của nhà thơ Giang Vĩnh đời nhà Đường: Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu (Tạm dịch: Qua hoạn nạn, anh em còn đó/ Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù).
Mối tình hữu nghị Trung Việt một thời đẹp đẽ, thắm thiết. Giờ đây, xin trích một đoạn trong ca khúc 999 đóa hồng của Trung Hoa để nói lên hoàn cảnh thực tại, hầu góp vui với bạn đọc:
"Vườn hồng ngày xưa đã úa tàn,
Con tim khổ đau đã héo mòn,
Chờ đợi tình yêu đã lỡ làng,
Chôn đi bao nhiêu những ước mong
Mãi sống với những kỷ niệm tuyệt vời,
Mãi sống với ước mơ yêu em mà thôi...".