Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

"Người Đức nói dân Việt không biết uống bia!"


“Chồng đánh đập vợ khi say xỉn, cha nhẫn tâm hành hạ con ruột hay thậm chí là những việc như gây gổ đánh nhau với xóm làng, ngủ bờ ngủ bụi bị lột sạch hết tư trang…Tất cả cho thấy những hệ quả tác hại từ việc bia rượu”, MC Nguyên Khang chia sẻ.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) khiến ba người tử vong khiến dư luận xôn xao bởi tài xế khai “có uống rượu trước khi lái xe”. Trước sự việc này, MC Nguyên Khang đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề tai nạn và rượu bia tại Việt Nam.
Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của Nguyên Khang:
“Mới đây, chắc mọi người có đọc thông tin về chiếc xe Camry gây tai nạn thương tâm cho 3 người trong đó có 2 ông cháu khiến một người phụ nữ vữa mất chồng lại mất con, mất cha. Tài xế thừa nhận mình có uống rượu... Những tai nạn về việc nhậu nhẹt, rượu bia vô độ thế này thật sự ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần xem lại chuyện nhậu nhẹt đã trở thành vấn nạn xã hội và quốc gia.
MC Nguyên Khang, đàn ông uống rượu, uống rượu bia ở Việt Nam, hệ lụy của rượu bia
Mc Nguyên Khang

1, Thật thú vị và hạnh phúc khi trong nhiều năm gần đây Việt Nam luôn nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo tờ Daily Mail, trong bảng danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới (dựa theo chỉ số HPI), Việt Nam xếp thứ 2 trong khi Mỹ xếp 105.
Đây là một tin đáng vui, nhưng khi đọc bảng báo cáo này, tôi hơi e dè và không chừng nó đang “đá đểu” chúng ta. Tại sao các nước cường quốc phát triển thì thứ hạng cứ thấp lè tè, trong khi Việt Nam ta thì luôn chễm chệ ngôi đầu bảng.
À, hóa ra chuyện là thế này, với những quốc gia phát triển họ làm việc thành 3 ca, mỗi ca là 8 tiếng, thậm chí mỗi người có đến hai nghề khác nhau phải đi làm để chi trả cho các hóa đơn tiền nhà, điện, nước, điện thoại... Bận rộn là thế nên làm gì có thời gian mà ra quán xá để café, nhậu nhẹt như dân ta. Bởi vậy nên thứ hạng thấp, họ không hạnh phúc là đúng rồi.
Chúng ta chỉ đi làm 8 tiếng một ngày, đến 5h chiều là công sở đóng cửa, khoảng thời gian buổi tối còn trống và dư dả, phải thêm kết giao, gắn kết với bạn bè chiến hữu để thắt chặt tình huynh đệ, chuyện này thì các nước phát triển còn phải “xách cặp” theo học chúng ta dài dài.
Không gì lạ hơn khi số lượng quán xá bia bọt ở Việt Nam nhiều hơn cả siêu thị sách hay trường học. Tôi từng nghe việc trường học đóng cửa vì không có học sinh theo học chứ ít khi nghe quán bia đóng cửa vì ế khách.
2, Nếu bạn viện dẫn vì “quan hệ xã hội” mà phải nhậu, vì thể hiện sự quý trọng mà không thể từ chối ly rượu/bia đang đẩy về phía mình thì bạn đang hợp lý hóa sự bê tha của bản thân. Quan hệ trên bàn nhậu chưa chắc là quan hệ bền vững. Nó sẽ dễ dàng bị thay thế bởi người nhậu giỏi hơn không sớm thì muộn. Sức người uống cũng có hạn, liệu rằng ta sẽ chịu được bao lâu cho những mối quan hệ xã hội như thế?
Tôi nghĩ, nếu bạn thật sự là người giỏi, là người mà họ cần, thì họ cũng sẽ tìm đến bạn, không cần phải chứng tỏ tửu lượng của mình. Một ly rượu bên bàn tiệc thì bình thường nhưng nhiều ly trong cuộc nhậu và nhiều cuộc nhậu trong ngày và trong tuần thì sự bê tha ấy đã trở thành vấn nạn xã hội.
MC Nguyên Khang, đàn ông uống rượu, uống rượu bia ở Việt Nam, hệ lụy của rượu bia
Mc Nguyên Khang chia sẻ: "Đừng chờ những người bạn gục xuống đường vì tai nạn hay vì bệnh tật mới lấy đó làm gương".
Cũng có lập luận rằng: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Tôi cho rằng đó là một sự chống chế yếu ớt, cho thấy đời sống vật chất tăng lên bao nhiêu thì đời sống tinh thần lại thụt lùi bấy nhiêu. Người chiến thắng chính là chủ nghĩa sĩ diện hão.
Đàn ông thì phải tranh đua hơn kém về tri thức, về công việc, về bản lĩnh, đóng góp cho xã hội, lo lắng cho gia đình chứ hay họ gì, giỏi giang gì việc khích bác rồi gào thét dô dô và về nhà trong tình trạng xộc xệch, mặc vợ con, gia đình lo lắng, dọn dẹp những thứ bạn để lại trên sàn nhà.
3, Mới đây, tôi có chia sẻ suy nghĩ của một anh bạn người Đức trên Fanpage với hơn 1.600 chia sẻ về việc người Đức bảo dân mình không biết uống bia. Nội dung của chia sẻ đó, tạm dịch như sau:
(1) Bia là phải ướp lạnh uống đúng để thưởng thức được mùi vị và cái say êm của nó, chứ cứ bỏ nước đá vào pha loãng, rồi nốc trăm phần trăm như uống nước lã vậy thì bia bọt cái gì.
(2) Uống bia trọng không khí nhẹ nhàng, tinh tế thưởng thức, ở xứ của chúng tôi chỉ hạng người vô văn hóa mới có kiểu ép nhau uống, thách nhau uống rồi say bí tỉ mất kiểm soát nôn mửa gây hấn này kia! Còn thì người ta chỉ chọn bia rượu ngon và nhâm nhi thưởng thức nhẹ nhàng vui vẻ!
(3) Hơn nữa, chúng tôi thì rất quan trọng chuyện trách nhiệm, người nào say xỉn mà ảnh hưởng công việc, vợ con, say xỉn mà lái xe gây nguy hiểm cho mình và mọi người, chúng tôi xem còn thua thằng ăn trộm.
Cá nhân tôi rất thích ý thứ 3: "Uống bia rượu là phải trách nhiệm với vợ con". Rất nhiều câu chuyện đau lòng và thương tâm từ việc chồng đánh đập vợ khi say xỉn, cha nhẫn tâm hành hạ con ruột hay thậm chí là những việc như gây gỗ đánh nhau với xóm làng, ngủ bờ ngủ bụi bị lột sạch hết tư trang…Tất cả cho thấy những hệ quả tác hại từ việc bia rượu.
Tất nhiên, hệ quả dư âm của những chuyện này sẽ còn kéo dài dai dẳng khi gia đình mất hoà khí, tội phạm xã hội gia tăng hay bệnh viện quá tải vì bệnh nhân rượu bia.
4, Từ lâu, một cách vô tình và cả cố ý, một bộ phận đã coi “nhậu” như một phần trong cuộc sống, nghiễm nhiên thừa nhận và mặc nó chi phối cuộc sống. Rất nhiều người thường cười cho qua, nhiều người thường cho đó là việc bình thường, thậm chí nhiều bà còn cho rằng, thôi thà chồng mình đi nhậu còn đỡ hơn bồ bịch gái gú.
Và có một thực tế là nhiều người mức lương không cao, lương bổng không nhiều nhưng tối nào cũng ra quán, tốn tiền, mệt người, bữa sau dậy không đi làm nổi. Nhiều cậu mới hai mươi mấy tuổi mà bụng đã phệ xuống, sáu múi gom thành một, mặt mũi thì nhàu nát, cơ thể thì bủng beo. Sức khoẻ, trí tuệ gì cũng không có.
MC Nguyên Khang, đàn ông uống rượu, uống rượu bia ở Việt Nam, hệ lụy của rượu bia
Thực tế nhậu nhẹt đang là vấn nạn. Ảnh minh họa
Để chấm dứt vấn nạn này thì không thể trông chờ vào những giải pháp từ trên trời rơi xuống mà phải xuất phát trước nhất từ những cá nhân. Bạn nhận thức, bạn điều tiết sao cho hợp lý cho sức khỏe, cho người yêu, vợ con, gia đình đang đợi bạn ở nhà. Đừng chờ những người bạn gục xuống bên đường vì tai nạn hay vì bệnh tật mới lấy đó làm gương.
Tương lai trong tay ta, sống lâu hay sống ít, vui nhiều hay vui ít đều phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi người. Dành nhiều thời gian cho việc khám phá thế giới, đi du lịch, đọc thêm sách, kết giao thêm nhiều người bạn mới, chúng ta sẽ thấy thời gian đôi khi thật quá ít. Đừng đốt thời gian của mình vào những cuộc rượu bia vô bổ nơi quán xá.
Ở góc độ xã hội, tôi nghĩ cần có những chế tài nghiêm khắc hơn. Tôi nhớ lúc bắt buộc người dân đội nón bảo hiểm, cũng có nhiều ý kiến phản đối, nhưng sau đó thì có hình thức phạt cụ thể và hiện tại, đã trở thành một thói quen của người dân. Bây giờ ông nào uống nhiều quá, đo nồng độ cồn vượt mức cho phép mà điều khiển phương tiện giao thông thì nên tịch thu xe, hoặc đóng phạt.
Thêm vào đó, thuế bia rượu cũng nên đánh cao hơn, không ở đâu mà bia rượu lại rẻ như nước ta, thậm chí một chai bia đôi khi còn rẻ hơn một chai sữa. Phải làm sao để chấm dứt cái sĩ diện hão thì mới mong bia rượu không gây ra những hệ luỵ cho cá nhân và xã hội”.
Theo FB Nguyên Khang

Không có nhận xét nào: