Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư







Thiền Uyển tập anh chép lại nhiều bài kệ (3) nhưng nổi bật nhất có bài sau đây của Mãn Giác Thiền Sư :


Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

 bản dịch của Ngô Tất Tố :

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;
Đêm qua, sân trước một nhành mai.




Hàng năm cứ độ xuân về, các giai phẩm xuân, báo xuân đều trình làng những bài thơ mới . Tuy nhiên có một bài thơ  cũ cách đây gần ngàn năm  vẫn thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần hàng năm mà không làm ai chán cả. Ðó là  bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác. Nó được  nhiều học giả và các nhà sư lý giải qua nhiều lăng kính khác. 

MỘT LỜI THƠ NÓI ĐƯỢC CẢ TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG

Đạo Phật từ Trung Hoa truyền sang ta từ đời nhà Đinh, đến đời Tiền Lê đã phát triển mạnh.  
Sang đến đời Lý, vua rất tôn sùng đạo Phật. Vua Lý Nhân Tông và Thái hậu Ỷ Lan rất mộ đạo Phật, thường mời các nhà sư nổi tiếng như Thông Biện, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải, Không Lộ vào nội cung để giảng kinh và đàm đạo. Các cao tăng này đều thuộc Thiền Tông là tông phái của Phật giáo Đại thừa. Thiền Tông không dùng nghi thức tôn giáo và các lí luận rườm rà về giáo pháp; chủ trương không phân tích chi li triết lí Phật giáo như các tông phái khác mà đề cao việc tìm đến chân lí bằng trực giác và dùng phương pháp toạ thiền để kiến tính. Trực giác là con đường ngắn nhất để đạt đạo đồng thời cũng là con đường khó nhất.

Các vương hầu đời Lý cũng quý trọng các Thiền sư: Lương Nhậm Văn, Lý Thường Kiệt, Vương Tại, Đoàn Văn Liệm, Phụng Càn Vương, Thiên Cực Công chúa… đều thường giao thiệp mật thiết với các cao tăng. Nhiều vị thiền sư lại là con cháu vua, hoàng hậu hay các đại thần nên có vị trí chính trị cao. Riêng Thiền sư Mãn Giác được vua Lý Nhân Tông và Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu thỉnh về trụ trì tại chùa Giác Nguyên bên cạnh cung Cảnh Hưng. Ðến khi Sư viên tịch, vua kính lễ rất hậu, các công khanh đều tiễn đưa, làm lễ hỏa táng, thu xá lợi, xây tháp thờ tại chùa Sùng Nghiêm (làng An Cách). Mãn Giác là tên hiệu do Vua Lý Nhân Tông ban cho sau lễ hoả táng.

Sư Mãn Giác (4) là đệ tử chân truyền của Thiền sư Quảng Trí và là lãnh tụ pháp môn của dòng Thiền Vô Ngôn Thông, thuộc đời thứ 8.

Vô ngôn thông. “Không cần nói mà đạt đạo” là tôn chỉ của đạo Thiền. Không thuyết lí dài dòng; không nói nhiều, không kiến chấp, không ngộ nhận... chỉ lặng lẽ xem cuộc tuần hoàn: Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân tới, trăm hoa cười/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi.…bài kệ chỉ truyền đạt ý : Sự việc trước mắt là cái tất định của tự nhiên cứ tuần hoàn mà thay đổi.

Người theo Thiền chấp nhận định luật của tự nhiên, vô ngôn mà phá chấp.
Nắm quy luật; biết tương lai: chớ nói xuân tàn hoa rụng hết/ đêm qua sân trước - một cành mai.

Tương lai tận cùng của Phật pháp cũng như ở đạo Thiền là cõi niết bàn. Trong kiếp luân hồi có khi hoa tàn rụng cả nhưng cái suy tàn lại khởi đầu cho một tương lai mới. Cành mai mới nở là hình tượng vô ngôn của niềm lạc quan vô biên mà tĩnh tại.

Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), tên thật là Lý Trường (Thiền Uyển tập anh ghi là Nguyễn Trường là vì vào đời Trần, tất cả những người họ Lý đều chuyển ghi thành họ Nguyễn) người đất Lũng Chiền, làng An Cách, là con quan Trung thư Viên ngoại lang Lý Hoài Tố. Thiếu thời, Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Tường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Tường thường chú tâm vào Thiền học. Đến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng nên vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín.
Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Sư là bậc lĩnh tụ pháp môn trong một thời, được vua Lý Nhân Tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh Sư làm trụ trì.
Năm 1096, cuối tháng 11, Sư gọi chúng đọc bài kệ, sau này được biết dưới tên Cáo tật thị chúng:
Nói xong Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi. Sau lễ hoả táng, xá lợi được thờ tại chùa Sùng Nghiêm, vua sắc thụy là Mãn Giác.

(1) Thiền Uyển tập anh có nghĩa là gom góp những anh hoa của vườn Thiền.

(2) Thiền tông ( 禪 宗 ) là một tông phái của Phật giáo,  xuất phát từ Trung Quốc khoảng thế kỉ thứ 6, 7 khi đạo Phật kết hợp với tư tưởng Lão giáo. Thiền tông chủ trương dùng kinh nghiệm chứng ngộ, không bàn luận nhiều về lí thuyết. Thiền Tông sang nước ta từ lâu nhưng Thiền phái Trúc Lâm đến đời nhà Trần mới lập bởi vua Trần Nhân Tông.
(3) Kệ: còn gọi là thi kệ là những bài thơ mang nội dung truyền đạt tư tưởng nhà Phật. Kệ có khi chỉ là những câu rất ngắn như tục ngữ nhưng thông thường là những bài thơ, nhằm truyền bá tư tưởng nhà Phật. Thi kệ gần như là những bài thuyết pháp ngắn mà sâu sắc để dạy đệ tử.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái thường và cái biến thường , mà cái biến thường vẫn là cái thường.Hay.
Thanh Trần