Phát biểu phản biện
theo thư yêu cầu ngày 9/02/2915 của Hội đồng khoa học
Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh
(Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi)
CÁNH BUỒM là một
nhóm sư phạm thiện nguyện mới hình thành và bắt đầu hoạt động cách nay 6 năm, tức
từ năm 2009, với 6 thành viên ban đầu do nhà sư phạm lão thành Phạm Toàn lãnh đạo.
Nhà giáo dục học
Nga K. Ushinski từng viết: “Cơ sở của mọi sự hiểu biết và tư duy là so
sánh”. Giám đốc Học viện Max Blanck về
quá trình nhận thức của con người W.
Prinz khẳng định: “Nhận thức có nghĩa là so sánh”.
Chúng tôi sẽ cố
gắng trình bày ý kiến của mình bằng phương pháp đó.
Điều trước tiên
đáng trân trọng ghi nhận cho nhóm sư phạm Cánh Buồm là cái phương thức họ LÀM cải
cách giáo dục. Trong khi người ta trình hết đề án này đến đề án nọ, viết đi viết
lại đến 15 lần vẫn không đạt yêu cầu đề án mệnh danh “đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục”, cuối cùng trình ra cái đề án 34 ngàn tỷ biên soạn sách giáo
khoa cải cách vô lý đến nỗi Quốc hội phải bác bỏ! – thì một nhóm nhỏ nhà giáo
trẻ tâm huyết, tuổi đời lúc ấy đều dưới 30, được sự dẫn dắt, “truyền nghề” thực
sự của một nhà giáo ngót nghét bát tuần, không được trả một đồng lương nào,
không một xu kinh phí từ ngân quỹ nhà nước, ban đầu cũng chẳng một cắc tài trợ
nào, chỉ vì “nhức nhối trong phủ tạng” (lời ô.Toàn) trước nỗi con trẻ nước nhà
bị nhồi sọ đến mụ mị và mất cả tuổi thơ, nên ĐÃ THỰC SỰ LAO VÀO LÀM CÁCH MẠNG
trong cái sự nghiệp lạc hậu nhất mà vẫn chây ỳ nhất, bảo thủ nhất – “toàn khẩu
hiệu” – (lời ô. CT Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng) là GIÁO DỤC.
Và sau có 6 năm
nhóm Cánh Buồm đã trình làng:
-
16 đầu sách giáo khoa tiểu học, trước hết
là Tiếng Việt và Văn từ lớp 1 đến lớp 5, và 3 cuốn cẩm
nang hướng dẫn phương pháp dạy theo SGK Cánh Buồm, tổng cộng 2674 trang;
-
2 cuốn đầu tiên trong tủ sách “Tâm lý
giáo dục học Cánh Buồm”: Sự ra đời trí
khôn ở trẻ em của J.Piaget và Cơ cấu
trí khôn – Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn của H. Gardner, tổng cộng 1094
trang.
Như
vậy, tất cả là: 3768 trang.
Nhưng đóng góp
mang tính cách mạng của nhóm Cánh Buồm không phải ở số lượng trang in, mà là ở
chỗ bộ SGK của họ thể hiện và trở thành công cụ thực thi một TƯ TƯỞNG HIỆN ĐẠI VỀ
GIÁO DỤC TIỂU HỌC.
Thực vậy, trong
khi các cuộc “cải tiến cải lui” trong cấp học cơ bản nhất này từ trước đến nay:
cải từ chữ viết “tròn đầu” sang “cụt đầu”, rồi lại trở lui “tròn đầu”; cải học
vần bắt đầu từ “a” sang từ “o”, rồi lại từ “o” sang từ “e”, và với cái đà phát
triển các “dự án” kiểu này, chắc rồi sẽ cải sang bắt đầu từ “i”, mỗi lần tiêu tốn
hàng ngàn tỷ đồng, mà không một vị GS hay thậm chí VS nào chỉ ra được rằng học
vần không từ “a” mà bằng từ “o” hay từ “e” làm thay đổi được chút xíu gì trong
cấu trúc trí khôn của đám học sinh bị đem làm chuột bạch – tức các vụ “cải” đó đều PHI GIÁO DỤC, nhằm
những mục tiêu ngoài giáo dục – thì bộ SGK Cánh Buồm làm thay đổi căn bản cấu
trúc trí khôn của trẻ từ thụ động tiếp thu như cỗ máy sang TÍCH CỰC TƯ DUY,
KHÁM PHÁ, thông qua sự chỉ dẫn của thày cô mà TỰ LÀM ĐỂ HỌC.
Tại sao giáo dục
hiện đại cần phải làm như vậy, nếu nó muốn thực sự hiện đại TRONG HỌC ĐƯỜNG, chứ
không phải chỉ trong chỉ thị, nghị quyết và khẩu hiệu?
Tại vì, bước sang thế kỷ XX, trước sự phát triển vũ
bão của công nghệ thông tin và những biến động xã hội sâu sắc và nhanh chóng,
đòi hỏi ở thanh niên vào đời năng lực độc lập xử lý và ứng phó, nhiều nhà giáo
dục đã nêu ý kiến rằng mục tiêu của giáo dục hiện đại không phải chỉ là truyền đạt thụ động những tri thức kinh
nghiệm mà loài người đã tích lũy được, cho dù là bằng những phương pháp mới nhất,
với những phương tiện hiện đại và đắt tiền nhất; giáo dục hiện đại chủ yếu phải
dạy cách học, qua đó mà dạy cách sống. Ở châu Âu và Mỹ dấy lên
cả một phong trào cải cách giáo dục được biết đến dưới cái tên Educational
progressivism, với một số nhà giáo dục có tiếng như Basedow và Freobel ở Đức,
Pestalozzi ở Thụy Sĩ, Maria Montessori ở Ý…mà định hướng chung là chú trọng dạy
kỹ năng thực hành và xử lý vấn đề, học
thông qua việc làm. John Dewey dường như phát biểu lên triết lý giáo dục của
họ: “Giáo dục tự nó đã là sống (Education is life itself)”, “giáo dục là hoạt động
sống chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai”[1].
Ngay ở Việt Nam dưới thời thuộc Pháp cũng đã có nhà giáo dục chịu ảnh hưởng của
tư tưởng giáo dục tiến bộ đó khi viết trên trang báo Thanh Nghị, tháng 2 – 1945: “Học vấn chỉ là phương tiện của giáo dục.
Hoạt động mới là cứu cánh của nó. Hoạt
động là sống. Học để hành”[2]
Bởi thế, mục
tiêu của giáo dục hiện đại, của nhà trường hiện đại, của bài học hiện đại nếu
nó thực sự là hiện đại chứ không phải chỉ “hại điện” do những thiết bị đắt tiền,
như cái bảng điện tử chẳng hạn, thì mục tiêu giờ lên lớp đó không phải là truyền
thụ tri thức kinh nghiệm có sẵn, SGK không phải là cái bồ ních chặt kiến thức
có sẵn – mục tiêu của mỗi tiết tiểu học hiện đại, mỗi trang SGK tiểu học hiện đại
là dẫn dắt trẻ em từng bước thao tác với đối tượng cụ thể để “phát hiện lại” những
khái niệm khoa học trừu tượng đã được các nhà khoa học tìm ra, qua đó phát triển tư duy sáng tạo cùng phương pháp
tự học để tự chiếm lĩnh kiến thức.
Đó chính là tự học để tự phát triển
các “năng lực người” của mình. PHƯƠNG PHÁP TỰ HỌC, - chứ không phải kiến thức!
– là cứu cánh của giáo dục tiểu học hiện đại!
Có cơ sở khoa học
để thực hiện điều đó với con trẻ ở tuổi tiểu học không? – Có!
Về lý thuyết
khoa học, đó là những phát hiện tâm lý học ở đầu thế kỷ XX của Jean Piaget về
quá trình phát triển tự nhiên tư duy
hình tượng và trừu tượng ở trẻ em và của Lev Vygotski về sự phát triển nhân tạo (tức bằng giáo dục) ở chúng qua
một cơ chế kỳ diệu – “chuyển vào bên
trong tâm lý” (interiorisation) các thao tác với vật thể bên ngoài. Cái cơ chế
“Interiorisation” đại khái thế này: thao tác chặt bằng hòn đá vẹt một bên, qua
quá trình lâu năm chuyển tự nhiên vào trong tâm lý, đã thành năng lực sáng tạo
cái rìu, còn thao tác cò cưa bằng hòn đá sứt mẻ - thành cái cưa, chứ không thể
ngược lại.
Về thực tế khoa
học, đó là những công trình thực nghiệm sư phạm ở nửa sau thế kỷ XX của các GS
P.Galperin và V. Davydov về quá trình hình thành từng bước ở lứa tuổi học sinh
các hành động trí tuệ. GS V. Davydov chính là thầy hướng dẫn cho nghiên cứu
sinh Hồ Ngọc Đại, người sau khi tham gia thực nghiệm và bảo vệ thành công luận
án TSKH tâm lý, trở về Việt Nam đề xuất khái niệm CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC và với sự
cộng tác tích cực của nhà giáo Phạm Toàn, vốn dầy dạn kiến thức và kinh nghiệm
giáo dục tiểu học, với một trái tim nồng cháy tình thương yêu con trẻ, mở Trường
thực nghiệm CNGD ở Trường Giảng Võ – Hà Nội, sau được Bộ trưởng Giáo dục thời
đó là bà Nguyễn Thị Bình cho triền khai thí điểm ở 43 tỉnh thành trong cả nước,
nơi nào cũng thành công, được giáo viên và học sinh nhiệt liệt hoan nghênh,
nhưng rồi … “bị bóp mũi” (lời GS Hồ Ngọc Đại) bởi cái nghị quyết– “một chương
trình, một bộ sách giáo khoa”!!!
Nhưng khoa học
không thể bị bóp nghẹt! Tiếng Việt 1, thành quả của công cuộc thực nghiệm tại
trường Giảng Võ, vẫn được các nhà giáo tâm huyết sử dụng để dạy rất thành công
trẻ em dân tộc một số tỉnh biên giới học tiếng Kinh và chữ quốc ngữ, GĐ Sở GD
những tỉnh đó vì con em dân tộc mà đồng lòng kiến nghị kiên quyết, cuối cùng
ông Bộ GD – ĐT cũng đã phải quyết định cho sử dụng chính thức ở các trường dân
tộc trong cả nước.
Các tác giả bộ
16 SGK Cánh Buồm tuyên bố công khai, rõ ràng rằng tất cả các công trình của họ
là “sự hiện thực hóa” tư tưởng CNGD của GS Hồ Ngọc Đại, nên cấu trúc và nội
dung bài học nhất quán tuân thủ nguyên tắc: Thầy thiết kế – trò thi công.
Thiết kế và thi công ra sao, được miêu tả qua từng khâu hướng dẫn của thầy cho từng
“việc làm” của trò trong mỗi giờ học nhằm “khám phá” từng bước khái niệm. Riêng
đối với bộ Tiếng Việt 1 - 5 và Văn 1 - 5 tái bản lần thứ 3 (2014), quy
trình thầy thiết kế – trò thi công đã được đưa đến độ hoàn hảo: bài học được
phân thành từng tiết, mỗi tiết gọn 1 trang, thực hiện trọn vẹn 1 “việc làm” nhằm
khám phá một kiến thức tạo tiền đề cho tiết tiếp theo, cứ như vậy đến thành quả
cuối cùng. Có thể nói bộ Tiếng Việt và Văn từ lớp 1 đến lớp 5 này đã thực sự trở
thành một cẩm nang “3 trong 1” (nhiệm vụ khám phá – quy trình thao tác – thành
phẩm kiến thức) để không phải trên khẩu hiệu mà là trên thực tế học đường tiểu
học nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.
Thực chất, SGK Cánh Buồm nếu được áp dụng rộng rãi sẽ làm một cuộc cách mạng học
đường tiểu học theo phương châm hiện đại, khai phóng con trẻ nước nhà, giải
thoát chúng khỏi những cái ba lô kéo xệ vai, vẹo cột sống, khỏi những áp lực
bài vở, học thêm học đếm giết chết nụ cười trên gương mặt trẻ thơ, biến mỗi
ngày đến trường thành một ngày vui – triết lý học đường được nhà văn vĩ đại đồng
thời cũng là nhà giáo dục vĩ đại Lev Tolstoi đề xuất từ năm 1862 cho ngôi trường
tiểu học trong điền trang Yasnaia Poliana (Cánh đồng sáng sủa!) của ông[3].
Tuy nhiên, đó
chưa phải là toàn bộ khối lượng công việc giáo dục mà nhóm Cánh Buồm đã làm
trong 6 năm qua.
Một mảng lớn
công việc cách mạng giáo dục mà nhóm
Cánh Buồm ĐÃ LÀM, đó là nỗ lực “CÁCH CÁI ĐẦU” của xã hội về tư duy giáo dục, bằng
các biện pháp không tốn một xu ngân sách giáo dục, hoàn toàn bằng sự tình nguyện
đóng góp của các cá nhân và tổ chức xã hội:
-
7 cuộc hội thảo sôi nổi (không phong
bì!), đối thoại trực tiếp (chứ không kẻ cả lên lớp độc diễn!) với phụ huynh học
sinh, giáo viên trẻ và giáo sinh sư phạm về sách giáo khoa và phương pháp dạy
theo sách Cánh Buồm, với các chủ đề như: Hiểu
trẻ em – Dạy trẻ em, Tự học – Tự
giáo dục, Em biết cách học v.v…
-
11 cuộc tọa đàm cũng với đối tượng trên,
về các chủ đề như: Làm thế nào để dạy
con tốt, Cùng con dùng sách Cánh Buồm,
Phản biện bộ sách Cánh Buồm v.v….
-
Tổ chức định kỳ hàng tháng buổi sinh hoạt
giao lưu “Câu lạc bộ Cánh Buồm”,
khách vào tự do và hoàn toàn miễn phí
Phải chăng kết
quả của hoạt động sư phạm khai sáng ấy đã tạo thuận lợi cho nhóm Cánh Buồm thực
hiện được một hoạt động sư phạm có ý nghĩa quyết định đối với việc khẳng định
tư tưởng hiện đại về giáo dục tiểu học mà họ kiên trì, nhưng cũng bị kiên trì cản
trở bởi sóng ngầm từ cơ chế – đó là tiến hành dạy THỰC NGHIỆM bộ sách giáo khoa
đã soạn xong theo phương pháp sư phạm Cánh Buồm.
Với thanh gươm
“Một chương trình, một bộ sách giáo khoa” treo lơ lửng trên đầu, không một trường
công lập và “dân lập” nào dám mở cửa cho nhóm Cánh Buồm đem bộ SGK của mình vào
thử nghiệm. Mới đầu nhóm Cánh Buồm đành dạy thử nghiệm ở vài ba nhóm học sinh
được phụ huynh tình nguyện cho học ngoài giờ. Năm 2011, Trường tiểu học Nguyễn
Văn Huyên ở Hà Nội, với bà Hiệu trưởng là TS giáo dục học Nguyễn Kim Bích Hà,
con gái thứ của cố Bộ trưởng Huyên, đã cho phép nhóm Cánh Buồm sử dụng SGK Văn
và Lối sống như một chương trình mở rộng vào buổi học chiều mà ông Bộ quy định,
nhưng không có chương trình và tài liệu giảng dạy, giáo viên các trường “tự
biên, tự diễn”. Đã có một cuộc họp của nhóm Cánh Buồm ở Ban khoa giáo Trung
ương với sự tham dự của một vị GĐ Sở GD – ĐT một tỉnh miền Trung, đồng ý cho
các trường tiểu học ở thành phố nọ triển khai SGK Cánh Buồm như chương trình
phát triển trong buổi học phụ khóa (chiều hoặc sáng): điều này đã có tiền lệ là
một vài chương trình phát triển của Bộ được sử dụng lấp khoảng trống trong các
buổi phụ khóa đó. Nhưng rồi, việc bị chấm lửng … Không chỉ có vậy, sau 1 năm rưỡi
triển khai như một chương trình mở rộng ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, với
sự thay đổi nhân sự ở đó, Cánh Buồm cũng bị cấm cửa!
Bản thân từng
biên soạn ngót 2 nghìn trang sách giáo khoa thực nghiệm các phương pháp mới về
dạy ngoại ngữ trong những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, từng trải không ít khốn
khó để đưa cái mới vào thực tiễn giảng dạy nhằm khẳng định hướng tiếp cận hoạt
động trong SGK và trên học đường dạy ngoại ngữ, chúng tôi thấu hiểu sự bức súc
và khâm phục ý chí kiên cường của Cánh Buồm – một cái tên được đặt thông minh,
rất có ý nghĩa:
Cánh Buồm nổi loạn đòi giông,
Dường trong giông tố thì lòng mới yên!
Có vị quan chức
giáo dục nọ mới lơ mơ về SGK Cánh Buồm, nhưng quen thói miệng nhà quan, đã phán
nhóm Cánh Buồm là “amateurs”! Bởi vậy chúng tôi phải nói lên những chuyện không
vui trên đây để thấy sự NGHIÊM TÚC KHOA HỌC của Cánh Buồm quyết vượt mọi sóng
ngầm, đá ngầm đưa con tầu không số SGK CB vào thử rẽ sóng trong cái biển giáo dục
mù mờ của nước nhà, rọi một ánh đèn pha tới bờ giáo dục hiện đại. Thực vậy,
chưa qua thực nghiệm sư phạm, chưa thể khẳng định được sự tiếp nhận SGK của đối
tượng giáo dục – của học sinh tiểu học là thuận lợi hay không? Biết điều chỉnh
ra sao khi không có luồng thông tin phản hồi?
Sự kiên trì và
thái độ khoa học nghiêm túc của Cánh Buồm cuối cùng đã có hiệu ứng: trong năm học
2013 – 2014 nhóm được mời triển khai nhất loạt SGK Tiếng Việt 1 - 5 và Văn 1 -
5 ở toàn khối tiểu học của trường phổ thông liên cấp Olympia. Những người không
tham dự trực tiếp không thể hình dung được không khí hồ hởi, thoải mái tiếp nhận
tiết học được thực hiện bởi các cô giáo trẻ của Olympia, đã được thày Toàn tập
huấn kỹ lưỡng, cầm tay chỉ việc hàng tuần, lại được dự giờ lên lớp mẫu của các
thành viên nhóm Cánh Buồm. Những tiết học hào hứng và hiệu quả.
Nhóm Cánh Buồm
đã thành công “double” ở đây: 1) SGK dạy thực nghiệm cho kết quả khẳng định tư
tưởng giáo dục tiểu học hiện đại; 2) Nhóm cánh Buồm được bổ sung “thê đội 2” –
một tập thể các cô giáo trẻ Olympia say mê và vững vàng phương pháp Cánh Buồm đến
mức bắt đầu tự biên soạn tài liệu đứng lớp theo nguyên tắc “thầy thiết kế – trò
thi công”.
Và lãnh đạo Trưởng
phổ thông liên cấp Olympia đã đặt hàng cho nhóm Cánh Buồm biên soạn tiếp SKG
cho cấp phổ thông cơ sở.
(Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, 18/02 – 28/02/2015)
*
* *
VÀI NÉT TIỂU SỬ CÁ NHÂN
-
Họ,
tên: Vũ Thế Khôi (bút danh: Văn Khôi, Hà Minh Thắng)
-
Sinh
năm 1938 trong gia đình trí thức, tiên tổ: danh nhân văn hóa-giáo dục tiến sĩ
Vũ Tông Phan; cha: luật gia Vũ Đình Hòe, nhà giáo tư thục Thăng Long và Gia
Long, Phó hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ; nguyên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục
và Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;
-
Tốt
nghiệp hệ 5 năm Khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Lenin Moskva năm 1961; giảng viên
cao cấp tiếng Nga, văn học Nga và dịch thuật; nguyên Trưởng khoa tiếng Nga Đại
học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội); Nhà giáo ưu tú từ 1992; về hưu
năm 1998; dịch giả, sáng lập viên và ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm văn
hóa Ngôn ngữ Đông Tây
-
Các
công trình sư phạm: 1) Chủ nhiệm bộ 8 Chương trình ngoại ngữ cơ bản Nga, Anh,
Pháp, Trung của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1995; 2) Chương trình
thử nghiệm cử nhân ngoại ngữ phân ban giáo viên và phiên dịch, biên soạn cho Đại
học Ngoại ngữ năm 1990; 3) Chương trình đào tạo thạc sĩ ngoại ngữ, (chấp bút phần
cơ sở khoa học) cho Đại học Hà Nội năm 2001; 4) SGK tiếng Nga cho năm thứ nhất
đại học ngoại ngữ (thử nghiệm 1969 – 1970; duyệt chính thức 1971; in 1971,
1974, 1977, 1978); 5) SGK tiếng Nga cho sinh viên năm thứ hai đại học ngoại ngữ
(thử nghiệm 1976 – 1977, duyệt chính thức 1978)
-
Các
công trình nghiên cứu về văn hóa - giáo dục đã công bố : 1) Mộ Trạch Vũ tộc thế
hệ sự tích. Khảo cứu, phiên dịch và chú giải (970 tr.). – NXB Thế giới, Hà Nội
– 2004; 2) Triết lí giáo dục vị nhân sinh ở Việt Nam (chuyên luận, 80 tr.). –
Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội – 2008; 3) Vũ Tông Phan với văn hóa
Thăng Long - Hà Nội. Chủ biên (560tr). – NXB Lao Động & Trung tâm Ngôn ngữ
Văn hóa Đông Tây, Hà Nội – 2010;
-
Nhiều
bài viết về văn hóa, triết lý và cải cách giáo dục trên các tạp chí chuyên
ngành: Khoa học Ngoại ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí Văn học, Tạp chí Hán Nôm,
Thông báo Hán Nôm học, Xưa & Nay, Giáo dục và Thời đại.
-
Đã
được mời tham dự và đọc tham luận tại một số hội thảo quốc tế: 1) Sự truyền bá
chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt; Thâm Quyến 19 – 21/ 12/2003; 2) Các
chức năng của tiếng Nga và việc giảng dạy tiếng Nga ở Đông Nam Á; Hà Nội, 6 –
7/ 11/2005; 3)Việt Nam – le moment modernist; Aix-en-Provence (CH Pháp), 3 – 5/
05/2007; 4) Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam – hai thời khắc đầu thế kỷ; Đại học
Hoa Sen TP Hồ Chí Minh, 18/12/2008.
-
Liên
hệ: nhà 23, ngõ 154, phố Đội Cấn, q. Ba Đình - Hà Nội; mobi: 0932.332003;
e-mail: vuthekhoi@gmail.com (hiện thời
tạm trú tại: số 13A đường 9, khu phố 3 phường Linh Trung quận Thủ Đức TP Hồ Chí
Minh; ĐT: 08-37.220090)
[3]
Vũ Thế Khôi: Triết lý giáo dục của lòng yêu thương. - tạp chí Nghiên cứu Văn học,
số 12 - 2010, tr. 29 - 43; vanvn.Net
của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 10 - 12 - 2010 và website hiendai.edu.vn càc ngày 5, 10, 15 - 12 - 2010 ; bản tóm tắt: Văn nghệ Trẻ, số 50 (736), ra ngày 12 - 12 - 2010; Giáo Dục & Thời Đại Chủ nhật số 51 (19.12.2010) và Phongdiep.net
2 nhận xét:
Một ví dụ:
Cho đến tận bây giờ GD Đông Đức vẫn theo niên chế ( thầy đọc trò chép như ở ta ), Tây Đức theo tín chỉ ( thầy chỉ lên lớp nhập môn rồi chỉ sách cho tự học rồi chỉ lịch thi , đủ số tín chỉ nào đó thì ra trường )
GD Đại học chỉ ở hai mức kiến thức cơ bản và cơ sở là đã tốt nghiệp. Người tốt nghiệp được Hãng mua sẽ được kỹ sư của Hãng dạy tiếp kiến thức chuyên ngành. Số tốt nghiệp hàng năm chỉ vài phần trăm, đa phần sinh viên tránh thi tốt nghiệp để hoặc thi lại các tín chỉ để nâng điểm hoặc chuyển sang học các chuyên đề khác được cho là hợp khả năng và sở thích. Họ không bị hạn định tuổi học, học được tính như đi làm, có tính hưu. 55 tuổi trở lên có đại học cho người cao tuổi (Tuần hai buổi nhưng nhiều phát minh đã được đưa ra từ nhũng mái đầu bạc ).
Cổ nhân có câu : Sở học vô cùng.
TV.
Ở ta sau này có nhiều trường dạy tín chỉ, bắt đầu từ các trường phía Nam. Khái niệm tín chỉ tôi được nghe đầu tiên từ cố GS Thiếu tướng CAND Nguyễn Đình Ngọc khi sinh thời.
TV.
Đăng nhận xét