Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Nghe lỏm, ghi lại: Đặc tính Đức

Kỉ luật và trách nhiệm
Vừa sửa nhà xong. Để làm việc ấy phải cần, nào thợ hồ, thợ sơn, nào thợ điện, thợ đá… Giai đọan cuối, ông nọ “đá” chân ông kia. Xong phần mình, dù bị gia chủ giám sát, nhắc nhở nhưng ông nào cũng “ỉa bãi tướng”, bắt chủ nhà phải dọn.
Kể lại cho anh bạn tôi từ Đức trở về trong dịp rồi. Hắn bảo, ở Đức không thế. Đơn cử chuyện thợ điện đến khoan lỗ bắt tắc-kê thì có 1 thói quen luôn dùng tờ báo lót hứng bụi; làm xong sạch sẽ, không để lại “hậu quả” cho gia chủ. Vấn đề môi truờng luôn đặt lên hàng đầu.
Lại chuyện đặt đường cáp điện ngầm dưới vỉa hè. Công nhân (tạm gọi là cánh “đào bới”) đào xong mương, bàn giao cho ông thợ lắp đặt điện. Nhưng (lại nhưng!) khi bàn giao không thấy có một hòn sỏi, hòn đá nào vương vấn. Sạch. Thợ điện cũng vậy, lắp cáp xong, bàn giao lại công trình cho cánh san lấp cũng sạch sẽ.
Thế mới biết tính kỉ luật và trách nhiệm của người lao động Đức cao như thế nào! Cứ đem việc “lập lô cốt” trên đường phố HN, SG suốt mấy năm qua quá dễ để so sánh!

Sống rất nguyên tắc
Cửa hàng thực phẩm của bạn tôi ngay khu dân cư có nhiều cụ già hưu trí. Chuyện dịch vụ phục vụ dân sinh đã kể, nhưng lần này, hắn có chuyện mới…
Thấy bà cụ, lưng còng, lụ khụ, tay chống gậy, ta xách bịch rác (to không hơn cái túi mua hàng. Cụ có ăn uống gì nhiều để mà có lắm rác). Tới chỗ thùng rác, cụ thả bịch vào rồi thong thả trở về. Chả hiểu sao, đi đuợc chục bước thì cụ lấy tay đập lên trán như “phát minh” ra điều gì. Cụ lẳng lặng quay lại. Lạ! 
Theo dõi thấy cụ đến đúng thùng vừa thả rác, cúi xuống như muốn lấy bịch rác ra. Thùng lại sâu nên cụ phải nghiêng đi rồi gần như chui vào bên trong, lấy ra bịch rác. Nhẹ nhàng mở bịch rác, lục bên trong lấy ra mẩu bánh mì bằng ba ngón tay, bỏ vào thùng rác dùng chế biến thức ăn gia súc. Xong xuôi, cụ lững thững trở về.

Con người Đức sống nguyên tắc thế đấy!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: