Đôi đũa hẳn có số tuổi mấy nghìn, nó có thể từ que rào bẻ vối quanh vườn, dần dần mới có đũa tre, rồi đũa gỗ mun, đũa mộc, đũa son, đũa ngà, đũa ngọc... (Nghe đồn nhà vua dùng đũa vàng, đũa bạc, cả đũa gỗ
Sau này, chắc từ thế kỷ XIX trở lại đây, Hà Nội mới có nhiều người dùng bát đĩa bằng sứ men trắng, loại sứ Bát Tràng cao cấp, sứ Giang Tây, sứ Nhật Bản, đồ pha lê...
Cũng không ai biết cái mâm ra đời từ bao giờ, nó thay chiếc mẹt tre, thay tàu lá chuối, thay mảnh ván gỗ. Đầu tiên nó có hình tròn là hợp lý nhất. Mâm tiện bằng gỗ, loại gỗ khá bền, có thể nứt vẫn dùng được. Sau là mâm được sơn then, màu son, loại sơn ta, nên mới có câu kiêu ngạo "Đũa mốc sao dám chòi mâm son". Mâm đồng xuất hiện muộn hơn. Có thời Hà Nội nhà nào cũng có chiếc mâm đồng 3 chân, để bày cỗ những khi cần thiết, cỗ một tầng, cỗ hai ba tầng chồng lên nhau, được đội lên đầu hay bưng ngang trán. Còn có mâm chạm trổ như đăng ten. Giữa thế kỷ XX mới có mâm bằng nhôm màu trắng, rẻ tiền. Và cũng từ đây trở đi mới có nhiều gia đình không cần mầm mà cơm được dọn ngay trên mặt bàn, rải khăn trắng, sang thế kỷ XXI còn có kiểu rải thêm chiếc khăn bàn màu khác, chéo đi cho vui mắt (thực ra không hợp lý, vì khăn trắng là sạch nhất). Ghế tựa bày xung quanh, bốn hoặc sáu, tám cho đến mười hai... và thêm cái lệ gia đình ai về trước, ăn trước, ai về sau được để phần...
Vào bữa, một thủ tục đầu tiên và là nghi thức bắt buộc cho mọi gia đình giàu nghèo, sang hèn là phải mời. Ăn xong, lặp lại, cũng phải mời. Có mâm cỗ, chủ nhân sơ suất quên mất lời mời, khách không ai cầm đũa, sau sực nhớ ra, xin lỗi, bữa cỗ mới được bắt đầu chính là "Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Chào ở đây chính là lời mời vậy, cũng như vào đâu, chưa có lời mời ngồi thì người Hà Nội không bao giờ ngồi.
Lời mời là người bé mời người lớn trước. Thái độ trân trọng, lễ phép. Ví dụ: Cháu mời ông xơi cơm, mời bà xơi cơm. Con mời bố mẹ xơi cơm... rồi đến anh, đến chị... Không bao giờ có thể mời theo kiểu: ông bà ăn cơm, bố mẹ ăn cơm, mà nói nhanh thành ông bà câm, bố mẹ câm... Không những thế, còn phải có chữ "ạ" phía sau nữa. Xong bữa, cũng phải mời: Mời ông bà xơi cơm, con xin phép ạ... rồi mới được đứng lên. Càng không mời chào theo kiểu giao hẹn: Mẹ ăn cơm nhé... Sắc thái của chữ Xơi và chữ ăn rất khác nhau, gia đình nền nếp Hà Nội luôn coi trọng nó. Chữ "ạ" phía cuối câu cũng vậy, chứ không thể nói trống không, nói lửng lơ kiểu bằng vai cá mè một lứa.
(Còn nữa)
1 nhận xét:
Người HN nho nhã, kĩ càng lắm. Nay bát nháo quá!
Đăng nhận xét