Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Tiếp "Chuyện thời bao cấp" của Vương Trí Nhàn

Mọi chuyện có từ bao giờ hay là một ít sự kiện “đã thuộc về lịch sử”
Sẽ là không thừa nếu “chính danh” một chút, tức tìm cách gọi đúng tên sự vật trước khi bàn về sự vật đó.
Về mặt thời gian, lẽ ra, cuộc trưng bày trên Bảo tàng dân tộc học phải mang cái tên là Cuộc sống Hà Nội thời hậu chiến. Còn nếu muốn đi vào thực chất kiểu sống những năm ấy, thay cho bao cấp, người ta có thể dùng những chứ khác như thời trì trệ. Bề nào mà xét thì cũng phải có cái nhìn bao quát từ chiến tranh chống Mỹ, và lùi lại cả giai đoạn từ sau 1954 trở đi.Trong cái mạch chung đó, giai đoạn sau từ 1975 cho tới 1986 chỉ là một phân đoạn --- tuy là phân đoạn chín nhất, bộc lộ một cách đầy đủ nhất bản chất của một giai đoạn phát triển xã hội.

Những ai từng đọc các bộ lịch sử Liên xô cũ hẳn nhớ, chủ nghĩa Cộng sản thời chiến từng được giải thích khá kỹ và tinh thần của nó còn chi phối tới khi nhà nước sụp đổ. Ở Trung quốc, những quan niệm cơ bản đã được thể nghiệm từ thời Diên An để sau 1949 triển khai ra toàn đại lục rộng lớn, kể cả Bắc Kinh Thượng Hải.
Còn đối với nhiều người dân Hà Nội, thì đó là cả một câu chuyện khá dài.
Trong hồi ký Cát bụi chân ai, Tô Hoài từng kể về không khí Thủ đô sau 1954:
“Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lấy ở kho từng miếng, cơ quan sắm dao kéo húi đầu cho nhau. Trở lại thành phố, khó đâu chưa biết, nhưng thức ăn hàng hóa ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy tạ. Nhà hàng Phú Gia vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. Áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ mầu, củ cải, ca la thầu sắng xấu mỳ chính xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Ca xi-rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ”(2)
Nhưng cái giai đoạn thoải mái mà Tô Hoài tả đó chỉ ngắn ngủi chốc lát. Hàng hóa nhiều không phải vì làm ra mà vì mới tiếp quản thành phố sẵn của kho đem bán. Nguồn hàng không phải tự mình làm ra ấy cạn rất nhanh. Và cái câu mà một tờ báo lấy làm đầu để “màu thời gian xám ngắt” (Tiền phong chủ nhật 17-6-06) bắt đầu từ đây.(3)
Trước tiên là sự thiếu thốn.
Nhiều mặt hàng thiết yếu sản xuất ra không đủ, phải bán nhỏ giọt mà là nhỏ giọt theo kiểu người thời nay khó tưởng tượng được. Sách Kinh tế Việt nam 1945-2000 có chụp lại thông báo của Sở thương nghiệp Hà Nội 11-1956, trong đó nói rõ các đại lý diêm được “nâng mức bán lẻ từ một đến năm bao”, tức là mỗi người được mua năm bao sau một lần xếp hàng. Đây nữa, một ít con số mà tôi “làm cái sái nhì” lấy lại từ cuốn sách vừa dẫn. Trên công báo 1955, có ghi mỗi công nhân viên về nguyên tắc mỗi năm được cấp 5-7 mét vải. Đầu 1955, sinh đẻ được cấp 5 mét diềm bâu khổ 70mm, 30 kg gạo; văn phòng phí gồm 1,5 thếp giấy /tháng / người. Bình quân 10 người / tờ báo Nhân dân, một tờ Cứu quốc. Quạt điện cấp cho các vị từ cấp Thường vụ Ban thường trực Quốc Hội, Bộ Thứ trưởng, các chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao. Cũng diện Bộ Thứ trưởng được dùng điện đèn, điện quạt tùy yêu cầu (tr. 665).
Sự thiếu thốn này kéo theo cả một quy trình sống mà người ta phải thích ứng. Khoảng trước sau 1960, bắt đầu có chế độ sổ gạo áp dụng cho toàn dân. Rồi tiếp sau đó, dường như tất cả nhu yếu phẩm đều có phiếu, như phiếu mua pin cho máy thu thanh – mà hồi đó người Hà Nội quen gọi là đài --, phiếu mua phụ tùng xe đạp.
 Có hai điều không cần phải nói ai cũng biết:
1/ định lượng cung cấp cho đại bộ phận các thành viên xã hội ngày mỗi giảm,
2/ chất lượng các nhu yếu phẩm ngày một kém.
Điều này đã được một cán bộ thương nghiệp nhẩm thành bài vè Nhất gạo nhì rau – Tam dầu tứ muối – Thịt thì đuôi đuối -- Cá biển mất mùa – Đậu phụ chua chua – Nước chấm nhạt thếch -- Mì chính có đếch – Vải sợi chưa về -- Săm lớp thiếu ghê – Cái gì cũng thiếu (tr 412).
Tất cả cứ thế mà trượt dài cho đến giai đoạn hậu chiến.

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Có vè:
Ăn như tu/ Làm như phu/ Khổ như tù/ Và... nói như lãnh tụ!

Nặc danh nói...

Có cả vè:
Sáng ăn qua loa
Ngày mặc áo da
Đi xe cố vấn

Nặc danh nói...

Sinh viên sư phạm thì "ăn sư ở phạm"

Nặc danh nói...

Câu vè sau đến bây giờ vẫn đúng:
"Đồng tiền là tiên, là phật, là sức bật con người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là đà danh vọng, là lọng che thân, là cán cân công lý. Đồng tiền hết ý!"

Nặc danh nói...

Còn có câu:"Cái c... gì cũng phân, mà Phân thì như c..."

Nặc danh nói...

Chế độ "phân phối" trong quân đội:
Lính : Lạng
Úy : Yến
Tá : Tạ
Tướng : Tấn

Mỳ chính,thuốc lá,nhu yếu phẩm :Phân phát từ trên xuống dưới !
Cuốc xẻng ,xoong nồi dụng cụ hậu cần, lựu đạn... phát từ dưới lên trên ! ( TĐN )

TranKienQuoc nói...

Bác Ngân "xồm" (TDN) chịu khó còm ra phết!!!

Nặc danh nói...

Định nghĩa công tác Hậu cần: "Lĩnh ở trên về, bớt lại một ít rồi phân xuống dưới".

Nặc danh nói...

Hồi sau giải phóng 1975 có câu đối:
Thời chiến xuất quân, thời bình xuất tướng
Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng.

Vài năm sau, xuất hiện câu ca dao:
Từ trong gian khổ chui ra,
Vươn vai một cái, rồi ta chui vào.