Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Lòng can đảm (ST: QV)

Bài viết của Minh Thi (Lao Động Cuối tuần, Thứ sáu, 15/04/2011)



Nhớ ngày còn bé, cuốn sách gối đầu giường của lũ trẻ nhà chúng tôi là "Những tấm lòng cao cả" "Không gia đình". Trong đó, hình ảnh chú bé đánh trống dũng cảm ngoài mặt trận, hay cậu bé vượt biển tìm mẹ, cùng chú bé Rémi làm cuộc phiêu lưu với chú chó Capi, chú khỉ đáng yêu..., tất cả là những ấn tượng đầu đời về lòng can đảm và hành động dấn thân vào đời sống đầy bất trắc mà không hề sợ hãi.
Lớn lên, lại thích đọc "Ruồi Trâu". Nhân vật chính hấp dẫn, vì sự mỉa mai cay độc, vì những bài báo đầy tính châm biếm và sự sắc sảo lật lại vấn đề của một trí tuệ độc lập. Mãi cho đến khi vào đời thực sự, có thể hiểu thêm rằng những bài học về lòng can đảm ấy lại chẳng giống như trên thực tế.
Đôi khi lòng can đảm lại được bảo lãnh bằng sự im lặng - thay vì khái niệm "im lặng là đồng ý" như trước đây. Im lặng là một cách biểu hiện thái độ không thuận trước những chuyện không hay, nhưng cũng chưa hẳn đã ra mặt phản đối. Có khi, ngẫm nghĩ và cắn bút trước một bài báo cũng cho ra một kết quả cuối cùng là im lặng, nghĩa là đã tử tế rồi.
Có một câu thơ rất hay của một nhà thơ Pháp, rằng "Im lặng thương thầm ta chỉ là vật sống". Câu đó ứng với thời bây giờ, khi người ta thường chọn im lặng như một giải pháp tốt nhất để tránh xung đột, im lặng không thanh minh trên mặt báo, im lặng để không tỏ sự phản đối có khi dẫn đến sự lạc điệu, im lặng để giống như đám đông, chấp nhận làm "vật sống"...
Thời của stress đến, lại phải ôm những cuốn kinh dày cộp, những cuốn sách dạy về kỹ năng sống, nghe qua những băng video dạy cách trấn an cơn giận và tìm sự bình an. Lạ thay, văn học với những điều kỳ diệu gần như bị quên lãng, hoặc bó tay trong việc giải quyết căn bệnh đô thị này.
Đọc lại "người quen" Osho, thấy ông nói một câu làm nhiều người phải giật mình: "...Nếu tất cả mọi đứa trẻ của một giống dân trở nên tràn đầy sợ hãi và trống rỗng vì sợ hãi, thì cho dù cả chủng tộc đó còn đang sống, thực sự họ đã chết rồi".
Nhưng thử hỏi, có cách gì giáo dục cho trẻ em thời nay sống can đảm và trung thực, mà không cần những lời đao to búa lớn hay hô khẩu hiệu hàng ngày? Nếu đọc trên mặt báo, hẳn bọn trẻ khó có thể cắt nghĩa được vì sao có những sự kiện lạ đời như thế, nhưng ở trong sách vở, trong nhà trường, người ta vẫn soạn những bài giảng khô cứng ngược lại, không nuốt nổi.
Can đảm, trước hết là bày tỏ thái độ. Không ít bài văn trở nên lạc lõng hoặc trở thành đề tài nóng khi tác giả bày tỏ sự yêu-ghét rõ ràng của mình. Có tác giả trẻ tuổi còn khẳng định: Giờ mà sống trung thực thì chỉ bị thiệt. Họ đã thành thật nói lên ý nghĩ của mình, thì cớ sao người lớn lại chỉ mong muốn "ém lại" những tiếng nói cá nhân trong một cộng đồng thường chỉ một tiếng nói chung?
Càng nghĩ, càng khó làm sống lại những câu chuyện tuổi thơ, khi chúng thực sự bất lực không còn đủ sức lay động những đứa trẻ thời nay. Lũ trẻ ít đọc sách hơn, mê truyện tranh và ham xem truyền hình. Chúng không muốn tranh luận về lòng can đảm, hay chỉ ra cái sai của bạn, vì sợ bị trả thù, cũng khó nói ra sự thật vì sợ bị thầy, cô "trù".
Bệnh thành tích che mắt nhiều người lớn và quay trở lại hành hạ trẻ con. Căn bệnh nói dối cũng khó mà dập nổi. Giả sử, nếu như có một tiếng nói của một học trò, hay sinh viên, rằng "chúng tôi đã ngán học những thứ này lắm rồi", thì câu trả lời và cách xử lý của người lớn sẽ như thế nào? Sẽ áp đặt, gắt gỏng, hay im lặng làm ngơ, hay "dạy một bài học" cho sự nổi loạn?
Người ta tưởng đấy là những gì cao siêu, thực ra, nghĩa gần nhất, lòng can đảm chỉ là nói lên tiếng nói trung thực của chính mình; mà có khi, một công dân từ khi còn là đứa trẻ cho đến khi đã trưởng thành, vẫn không nói nổi nên lời.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thôi thì nhà trườg không dạy, XH không dạy thì nhà dạy.
Trên Bee có bài bố đưa con (10 tuổi) đi từ SG xuyên Việt bằng Honda, thăm đườgn Trườgn Sơn, rồi trèo lên tận đỉnh của Đông Dương (người thường đi 1 ngày thì họ đi 3 ngày), rồi xờ tay vào đỉnh tháp inox Faxipan, chụp ảnh. Thằgn cu oách hẳn sau chuyến đi.