Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Ngày này tháng 4/1975: Ở Sơn Trà (KQ)

BT5 - Mời các bạn hưởng ứng viết về kỉ niệm 30/4/1975!

Sáng 30/4/1975, chúng tôi vượt đèo Hải Vân... Suốt chặng đường hành quân theo đoàn tiếp quản kỹ thuật viễn thông của ĐHKTQS vào Nam, mỗi lần vượt đèo là một lần có cảm giác lâng lâng khó tả. Sau những cú cua quắt tài nghệ của tài Thắng vượt cua tay aó, cua chữ A, mà lần này phải cả chục cây số mới lên  tới đỉnh. Cả không gian trời, biển bao la bỗng vỡ òa ra trước mắt. Dưới kia là thành phố Đà Nẵng – thành phố lính với hàng vạn mái tole xám xịt chan hòa dưới nắng mai, từ nay không còn tiếng súng, tiếng bom.
Hai kĩ sư trẻ (CH, KQ) cùng lính lão Hoàng Sơn (giữa).

Cánh ĐHQS trên tảng đá lớn ở Sơn Trà.









 

11g có mặt ở cổng sân bay Đà Nẵng, chờ làm thủ tục “nhập tịch”. Đúng 11g30, mở radio nghe giọng phát thanh viên: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Chúng tôi xin tuyên bố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng!...”. Chưa hết câu, cả xem ôm lấy nhau, nhảy cẫng lên, mừng rỡ. Vui nhất có lẽ là thầy Ngô Hai và anh Kỉnh, 2 người quê ở Nam bộ, xa gia đình đã 20 năm nay.

Ngay sau đó là từng đoàn, người đi bộ, người cưỡi xe máy, xe đạp phi ra trung tâm. Cờ quạt rợp trời. Reo hò ấm ĩ. Đâu đó nghe những loạt AK bắn lên trời ăn mừng.
Đóng ở trại lính Hòa Cường ít bữa thì chúng tôi lên đài Tropo Sơn Trà, tiếp quản đài viễn thông ICS của Mỹ ngụy. Thông tin đối lưu với ta ngày đó là mới lạ. Chỉ được học ít giờ của các thầy Bách khoa về dạy trên Vĩnh Yên, nay phải mang ra sử dụng. Những năm ở trường học tiếng Nga, đọc sách Nga; nay phải dùng tiếng Anh, đọc sách kỹ thuật của Mỹ. Thầy trò vấp đâu thì hỏi nhau. Cánh “lưu dung” là lính ngụy học ở trường Truyến tin Vũng Tàu, rất thạo khai thác sử dụng nhưng kém về lí thuyết. Họ cũng là nguồn cung cấp thông tin.
Với hệ thống lớn như thế, mọi hoạt động qua những đồng hồ chỉ thị như hiện ra mồn một các quá trình ghép kênh thoại, điều chế cao tần, khuếch đại công suất rồi phát ra antenne. Hồi ở trường, học ghép 60 kênh thoại trên 1 đôi dây đã là ghê, vậy mà hệ thống ICS có thể ghép tới 960 đuờng, đi xa hàng nghìn cây số mà chất lượng thu nghe cứ như đang ngồi bên.
Hệ thống antenne cho mỗi hệ thu, phát là 2 antenne parabol (thực ra chỉ là 1 góc của parabol) to đến 20x20m, đặt cách nhau 10-20m, với hệ thống khung thép hiện đại giằng đỡ. Bề mặt ghép bằng những tấm tole-inox dày hoặc đã đục lỗ. Từ thành phố nhìn lên thấy 3 cặp antenne chẳng khác gì những cánh buồm no gió biển. (Tiếc là năm 2008 khi quay lại chỉ thấy còn 2 antenne, may không bị dỡ nốt bán sắt vụn!).
Trên núi cánh ĐHKTQS có Lê Chí Hòa và tôi là 2 kĩ sư mới tốt nghiệp cùng anh Đỗ Khôi được theo các thầy (Ngô Hai, Kính, Vỵ, Lâu, Liên, Hùng) của Khoa Vô tuyến, cánh Viện Kỹ thuật có anh Đức Song, Bùi Huy Hoàng... cánh BTLTT có Hoàng Sơn, Nguyễn Hữu Dũng… cùng kết hợp làm việc.
Còn cánh Hữu tuyến do thầy Lê Khôi chỉ huy có các anh Hà Trọng Tuyên, Văn Vượng kết hợp với Viện Kỹ thuật (Đỗ Trung Việt) khai thác Đài cáp viễn dương, dưới bãi biển Mỹ Khê.
Về tổ chức thông tin chiến lược (thông tin trục), ICS kết hợp cả 2 mục đích phục vụ quân sự và dân sự, không chỉ dùng sóng vô tuyến đối lưu mà khai thác cả hệ thống cáp đại dương dọc bờ biển miền Nam và sang cả Philipines, Hawai tới Mỹ. Nói chung là quá hiện đại so với trang bị của QĐ các nước XHCN thời đó. Sau khi xây dựng xong bộ tài liệu khai thác hệ thống ICS cho toàn quân, chúng tôi trực chỉ Sài Gòn.
Nhưng những ngày đóng quân ở Sơn Trà thật đẹp, không chỉ công việc mà có cả những thú vui ngoài giờ. Sau mỗi cơn mưa biển, ra sát hàng rào, nhìn xuống đường đèo thấy hàng đàn khỉ kéo nhau ra đi dạo. Mẹ con cõng nhau trên lưng, kêu chí chóe…
Rồi những buổi trưa (theo chân bác Hoàng Sơn) ôm súng carbin nấp dưới gốc cây vả, chờ voọc (nghe cánh lính ngụy nói cứ nghĩ là “dộc”) ra ăn quả chín đế bắn. Mỗi con to đến 20 kí. (Vì khỉ bé quá nên “ăn không bõ” mà chỉ săn voọc. May mà ngày đó không bị cấm, chứ như giờ là chết!). Chiều bộ đội lại được ăn tươi. (Mà thịt voọc đỏ như thịt bò, không có chút tanh)… Nhớ cả những tối, 2 thằng trẻ nhất đoàn lụi cụi soi đèn pin nhặt cóc (như nhặt sỏi) về cải thiện cho bữa ăn của đoàn…
Quên sao những sớm chủ nhật, 2 thằng tôi đi bộ cả chục cây số từ trên núi cao, rồi dọc theo bán đảo, qua phà sang phố để vào chợ Cồn mua băng cassette ca nhạc. Nắng nôi mặc. Hồi đó mua đâu mấy chục đồng được cái cassette mono  hòn gạch hiệu Sony, khẽ nhấn nút Eject thì nắp từ từ bật lên (hiện đại quá!), để nghe nhạc. Nâng như nâng trứng, mang ra HN sau khi kết thúc chuyến công tác, khoe cả nhà.
Ở chợ gặp cả những em sinh viên (nghe khoe vậy, không biết có phải?) tạm nghỉ học (vì chiến tranh) phụ mẹ bán hàng. Họ ngạc nhiên khi thấy mấy anh lính trẻ miền Bắc lại hiểu biết và mê nhạc. Ngỡ ngàng khi được nghe những bản nhạc cổ điển (dân Nam gọi là “nhạc Mỹ”) cùng những ca khúc của Trịnh Công Sơn (Biển nhớ, Nắng thủy tinh, Đàn bò qua phố…). Kết nhạc Trịnh từ đó.
Và những đêm nằm vắt chân trên tảng đá (chả biết ai đã đặt trên đài?) dưới chân antenne parabol, ngửa mặt ngắm trời trong vắt đầy sao, hít sâu vào ngực gió biển có vị mằn mặn và nhớ đến em yêu ngoài HN. (Hồi đó “vênh lắm” với em khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh).
Vậy mà đã 36 năm, quá nửa đời người!

Không có nhận xét nào: