Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Rách việc quá! (Huỳnh Văn Úc)

Suy cho cùng đã gọi là chơi như chơi chim cảnh, cá cảnh, chó cảnh, cây cảnh…bất kể là chơi gì cũng lắm công phu. Hắn có một cái thú chơi khác người, cái thú chơi chiếm của hắn nhiều thì giờ và công sức. Hắn chơi gì vậy? Xin nói ngay hắn chơi một cái búi tóc củ hành để trên đầu như của phụ nữ. Cái búi tóc củ hành này vào đầu thế kỷ 20 người ta vẫn thấy trên đầu những đàn ông Việt mặc áo dài the đi guốc mộc trước khi phong trào Duy Tân hô hào bỏ cũ theo mới cắt phăng nó đi, cắt tóc là duy tân, là yêu nước:

Tay trái cầm lược
Tay phải cầm kéo
Húi hề! Húi hề!
Thủng thẳng cho khéo
Bỏ cái ngu này
Bỏ cái dại này…

Hắn không ngu, cũng chẳng dại, hắn là một chàng trai hai mươi mốt tuổi cao gần mét bảy có khuôn mặt tuy gân guốc nhưng ưa nhìn, đang học năm thứ ba đại học, nhà mặt phố, bố làm to, mặc quần bò, đeo laptop.



Vì cái búi tóc củ hành mà một tuần ba bốn bận hắn phải ghé vào  hair salon để chăm sóc cho nó. Sáng chủ nhật này tầm mười giờ hắn có cuộc hẹn đi chơi với hai thằng bạn cùng lớp, một thằng để một cài bờm tóc màu vàng đậm chạy từ trước trán ra sau gáy, thằng còn lại trọc đầu. Khi chúng ngồi với nhau bất kể là ở đâu mọi ánh mắt đều như đổ dồn lên mái tóc của chúng. Để đến cuộc hẹn đúng giờ, tầm bảy giờ rưỡi sáng hắn bước vào hair salon. Vì là khách quen nên cô thợ chẳng cần hỏi han gì và bắt tay ngay vào việc. Trước tiên là xổ tung cái củ hành ra để gội và sấy. Khi tóc đã khô cô thợ cầm đuôi tóc vặn vòng về bên trái theo hướng kim đồng hồ rồi bắt đầu tạo búi theo kiểu xoay tròn về phía chóp đỉnh, sau đó dùng ghim kẹp xuyên ngang để giữ búi tóc theo kiểu đã tạo dáng, cuối cùng dùng một loại dây chun đặc biệt cột gọn tóc trên đỉnh đầu. Hắn ngồi yên, mắt lơ đãng theo dõi động tác của người thợ đến khi xong việc vươn vai khoan khoái đứng dậy.



Hắn leo lên xe máy và đi về phía Vườn hoa Cửa Nam để sau đó đến chỗ hẹn với hai thằng bạn. Đến giữa đường Trần Phú xe của hắn bị chặn lại. Cái gì thế này? Có việc gì mà công an và cảnh sát cơ động dày đặc, còn phía trước cách chỗ hắn dừng xe độ mươi lăm mét có đông người tụ tập, phấp phới phía trên đầu đoàn người tung bay nhiều lá cờ đỏ sao vàng, nhiều người mặc áo đỏ với ngôi sao vàng trước ngực. Người ta hát Tiến quân ca và “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”. Một số khẩu hiệu in trên giấy bìa trắng cỡ rộng hoặc chữ màu vàng dán trên băng rôn màu đỏ: “ Phản đối Trung Quốc xâm lấn Việt Nam!”; “ Phản đối đường lưỡi bò phi pháp!”; “ Phản đối Trung Quốc gây hấn!”; “ Trung Quốc vĩ đại, xử sự tầm thường”…À! Thì ra là biểu tình. Cuộc biểu tình tự phát để phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc đối với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của Việt Nam xảy ra giữa tuần trước. Nhưng biểu tình thì có liên quan gì đến hắn? Hắn không quan tâm! Điều mà hắn lo lắng bây giờ là làm sao đến được chỗ hẹn với hai thằng bạn. Rách việc quá! Đã thế lại còn xảy ra co kéo, xô đẩy, lời qua tiếng lại giữa những người biểu tình với nhân viên công lực. Gia lúc ấy thì điện thoại di động của hắn đổ nhạc chuông. Hắn vừa mới đưa điện thoại áp vào tai thì hai cảnh sát cơ động đã đứng sừng sững trước mặt, người mang hàm trung úy đưa tay lên vành mũ chào hắn:

- Chào anh! Mời anh theo tôi về trụ sở công an phường để làm rõ một số việc.

- Việc gì?

- Thì mời anh cứ đi theo chúng tôi.

Bất đắc dĩ hắn phải về đồn. Trước khi bắt đầu câu hỏi, người sĩ quan cảnh sát cố dấu một nụ cười tủm liếc nhìn cái củ hành trên đầu hắn rồi mới nhìn thẳng vào khuôn mặt tuy gân guốc nhưng điển trai của hắn:

- Đề nghị anh xuất trình chứng minh nhân dân.

Người sĩ quan cảnh sát lật qua lật lại  chứng minh nhân dân trong tay và nói tiếp:

- Mời anh ngồi! Chúng tôi muốn biết anh có vai trò gì trong cuộc biểu tình. Tại sao anh lại gọi điện thoại vào thời điểm, địa điểm và hoàn cảnh lúc ấy? Cuộc điện thoại vừa rồi của anh có phải là để chỉ đạo hành vi của những người biểu tình hay không?

- Xin lỗi, tôi không có liên quan gì đến cuộc biểu tình. Số điện thoại của người gọi đến cho tôi vẫn còn trong máy, anh có thể gọi lại để kiểm tra.

- Việc ấy chúng tôi sẽ làm sau. Bây giờ tôi muốn hỏi anh: trước hành động gây hấn của Trung Quốc anh không có suy nghĩ gì sao? Anh có phải là người yêu nước không?

Hắn chợt khựng lại trước câu hỏi của người sĩ quan cảnh sát. Cũng có thể là một cái bẫy đang được giăng ra. Hắn ấp úng:

- Yêu nước?...Mà tại sao các anh không hỏi tôi là ai, bố mẹ tôi là ai. Anh cho phép tôi gọi điện thoại về nhà nhé!

Người sĩ quan cảnh sát hỏi tên trong danh bạ, bấm điện thoại rồi đưa cho hắn.

- Bố à! Con đang ở đồn công an phường Điện Biên. Bố nói chuyện với các anh công an nhé!

Hắn đưa điện thoại cho người sĩ quan cảnh sát. Sau vài câu trao đổi ngắn, người sĩ quan cảnh sát đổi giọng:

- Em chào thủ trưởng. Cũng chỉ tại chúng em chưa biết mặt em nó. Vâng! Vâng! Chúng em sẽ giải quyết ngay.

Dắt xe ra khỏi đồn công an, hắn lẩm bẩm:

- Yêu nước? Biểu tình? Rách việc quá! Thế là nhỡ mẹ nó cái hẹn! ./.




5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài của Bac Úc thâm thúy lắm, đời bây giờ toàn bọn như thế cả thôi !

Nặc danh nói...

Tình yêu đất nước chỉ có ở dân chứ không có ở quan (con quan lại càng không!).
N.D.

Phú Hòa nói...

Có lẽ vì vậy nên luật nghĩa vụ quân sự mới có những lỗ để con các quan còn chui vào được, không phải cầm súng. Chắc giá của mấy cái chỗ đó sẽ cao ngất ngưởng, tha hồ lắm phong bì.
Trước đây anh em mình đâu có như vậy nhỉ.

Nặc danh nói...

Quan chức Việt Nam ) trong con mắt của người dân vào thjời điểm này là nhửng người lo lợi ích cá nhân là chính.Đáng buồn.đáng lo ngại cho hệ thống chính trị mà chúng ta có. KC

Nặc danh nói...

Cái đáng lo ngại nhất là mọi cái "rách việc" đã được xã hội quen đến mức chấp nhận nó như "một phần tất yếu của cuộc sống". Nếu như trước đây chuyện lót tay, hối lộ, chạy nọ, chạy kia... người ta phải làm kín đáo vì bị xã hội lên án thì bây giờ mọi thứ đều công khai thách thức. Ai làm gì được ai? Trước cơ quan quyền lực cao nhất mà người ta còn dám nói thẳng toẹt "chống chạy cức chạy quyền khó lắm, vì có ai báo cáo đâu mà biết?!", "Nếu cứ sai là kỷ luật thì lấy ai làm việc?", "Bầu không kịp"....