Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Dỗi (Huỳnh Văn Úc)

Sang đến năm nay lão Sinh đã già và yếu lắm. Sinh lão bệnh tử, cái qui luật ấy của tạo hóa đã mấy ai cưỡng lại được huống hồ năm nay lão đã bước sang tuổi tám mươi mốt. Cái miệng rộng với môi trên hình chữ nhân tươi tắn ngày nào bây giờ ở khóe môi đã rạn vết chân chim, lão không để râu nhưng ở khoảng giữa mũi và môi trên là một hàng ria trắng như cước. Cặp lông mày đen và rậm ngự phía trên đôi mắt nhỏ nhưng sắc ngày nào bây giờ cũng đã ngả sang màu muối tiêu. Đôi gò má cao làm cho ta có cảm giác cái mũi to và bạnh ra hình như bị thấp xuống đôi chút và càng ngày gò má càng cao lên và mũi càng thấp xuống. Trán cao và hói, vùng da trán không có tóc ngày càng ăn ngược lên đỉnh đầu như thể nước sông xâm thực một bờ đất yếu ớt.


Ngôi biệt thự ba tầng màu tro có mặt tiền trông ra Hồ Tây suốt ngày lộng gió. Ngoài lão Sinh ra trong ngôi nhà này còn có cậu ấm năm nay đã mười chín tuổi, u già, đầu bếp, lái xe và nàng. Nàng là ai? Là vợ lão. Là vợ lão sao không gọi là bà cho nó trịnh trọng? Là vì nàng hãy còn trẻ lắm, năm nay nàng mới có bốn mươi sáu tuổi. Bốn mươi sáu tuổi, đang là cái tuổi hồi xuân nên bốn mươi sáu rồi mà trông nàng vẫn còn phây phây. Còn phây phây quá đi nữa ! Vậy chớ đầu đuôi ra làm sao mà chồng hơn vợ những ba mươi lăm tuổi, cứ như là bố với con? Thì có một thời họ đã là bố con, lão nhận nàng làm con nuôi. Quê nàng ở Tuyên Quang, năm ấy nàng mười chín tuổi học năm thứ nhất đại học. Ngoài giờ học nàng đi làm thêm ở cửa hàng bán dụng cụ mát xa sản phẩm của Hàn Quốc. Ngay phút gặp gỡ đầu tiên với nàng ở cửa hàng, nhất dáng nhì da, cái dáng dong dỏng cao với chiều cao gần mét sáu, một vòng eo thon thả, làn da trắng mịn, nụ cười khoe hàng răng trắng đều như hạt lựu làm nổi rõ hai lúm đồng tiền trên khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, cằm thon, lông mày lá liễu, mái tóc đen huyền xỏa xuống ngang vai, giọng nói thanh thanh nhè nhẹ, tất cả những điều đó đã làm cho lão xúc động sâu sắc. Ngày ấy lão năm mươi tư tuổi, là người thành đạt trong thương trường nhưng đời tư thật bất hạnh, vợ lão sinh con muộn-có thể gọi là con cầu tự- năm ấy đứa con trai lên mười, vợ kém lão bốn tuổi đang mắc trọng bệnh. Khi lão ngỏ lời nhận nàng làm con nuôi, qua những giờ phút đắn đo bỡ ngỡ trước lời đề nghị nhưng cuối cùng nàng cũng bằng lòng rời nơi trọ chuyển về ở trong ngôi biệt thự ven hồ màu tro này- lão mua dành riêng cho nàng ngôi biệt thự thứ hai ngoài ngôi nhà lão đang ở - cùng với một bà giúp việc họ hàng xa của lão. Năm ấy người đàn bà này sắp năm mươi tuổi và chưa có chồng, nói chính xác hơn là không có chồng và cho đến bây giờ vẫn là một bà cô không chồng.



Nàng về làm con nuôi lão được gần sáu tháng thì vợ lão trở bệnh nặng. Buổi chiều hôm đó trời âm u báo hiệu một cơn mưa lớn. Lão uể oải mệt mỏi cùng với nàng từ phòng cấp cứu của bệnh viện trở về. Bước xuống xe, gật đầu trả lời u già, lão cho lái xe đánh xe trở về ngôi biệt thự thứ nhất. Ngồi yên vị ở phòng khách một lúc thì trời đổ cơn mưa. Lão kêu mệt và được nàng dìu về phòng riêng đỡ lão nằm xuống. Đúng lúc đó thì ngoài trời tiếng sấm rền vang kéo dài, gió lồng lộn rít qua những cành cây nghiêng ngả và cơn mưa sầm sập đổ xuống. Lão kéo nàng ngã xuống giường và cho đến khi mảnh nội y cuối cùng rời khỏi tấm thân trinh trắng nõn nà thì nàng kêu lên trong thảng thốt nghẹn ngào: “ Bố ơi!”.



Sau cơn mưa gió hãi hùng vào buổi chiều hôm ấy một tuần vợ lão mất. Và hơn một năm sau lúc nàng bước vào tuổi hăm mốt và bắt đầu năm học thứ ba thì nàng và lão chính thức trở thành vợ chồng. Năm ấy lão bước sang tuổi năm mươi sáu. Còn trẻ và sung sức lắm! Tóc vẫn đen nhánh, gân cốt vẫn săn chắc. Trong đám cưới hai người, người ta chúc bách niên giai lão, sống với nhau đến đầu bạc răng long. Đến bây giờ thì chỉ một mình lão-một mình lão thôi-đầu lão bạc, răng lão long. Còn nàng thì vẫn phơi phới tuổi hồi xuân, cứ đẹp như cô gái mới ngoài hai mươi tuổi. Cái mắt, cái miệng vẫn có duyên, nhìn thì thích nhưng mà tưng tức lạ! Cứ như ngồi trước miếng bít tết thịt bò được chế biến rõ ngon rõ khéo rõ thơm nhưng răng cỏ thì đã lung lay xiêu vẹo hết cả rồi. Cái số lão muộn con nên đã hai mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày làm đám cưới với nàng mà hôm nay con trai của nàng đẻ với lão mới mười chín tuổi. Còn đa con trai đẻ với người vợ trước năm nay ba mươi bảy tuổi đã yên bề gia thất và sinh cho lão hai đa cháu nội.



Hôm nay thứ bảy. Lái xe đưa nàng đi đâu đó có công chuyện. Công chuyện gì? Thì nàng bây giờ đã là nhân vật đứng thứ hai hay thứ ba trong doanh nghiệp của lão, thiếu gì công việc bức xúc phải giải quyết. Ngoài công việc ra nàng hay đến thăm mỹ viện, phòng tập aerobic hay đi shopping. Vì vậy nên hôm nay thứ bảy, cũng như mọi ngày, sau giờ nghỉ trưa hết xuống tầng một ngắm hòn non bộ với cây si cây trúc, ngắm cái lá trúc rụng xuống bể nước nho nhỏ đặt tảng đá trên đó có một ngôi chùa mái cong và chú tiểu vác củi qua cầu lão lại lên tầng hai mở tivi. Trên màn hình đang truyền trực tiếp kỳ họp quốc hội, các ông nghị bà nghị đang hùng hồn phát biểu những vấn đề quốc kế dân sinh. Chán tivi vì lão thấy đầu hơi nhức và lại muốn đi nằm. Nằm và bực mình. Bởi vì lúc này, chính vào lúc này lão cần biết bao nhiêu một bàn tay man mát xoa cái trán cái đầu. Cũng có lẽ lão muốn nàng đừng đi đâu lâu đến thế. Đi lâu thế, không biết rằng đi đâu? Bực mình và thiếp đi. Cho đến năm giờ chiều lão chợt bừng tỉnh quay mặt ra phía cửa. Nàng! Chính là nàng đang tươi cười đẩy cửa bước vào phòng. Lão chỉ thoáng nhìn nàng một lúc rồi không ngồi dậy mà trở người quay mặt vào tường. Nàng nhoẻn miệng cười: “ Ôi! Anh của em lại dỗi rồi!” ./.










2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Truyện của bác Úc vừa hóm vừa đau!

Nặc danh nói...

Ai cần gì ở ai và khi nào? Cuộc đời luôn sòng phẳng và chả cho ai tất cả bao giờ.