Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Ngôn ngữ lính

Từ bao giờ chẳng biết, mấy anh lính già của Học viện (mà đa phần là lính Trỗi) hễ gặp nhau là lại tếu táo, cho dù thế hệ đầu (Chuyển tiếp 1, 2, 3) đã chòm chèm 7 sọi, lớp “1 chữ số” (từ khóa 1 đến 10, thập kỷ 1970) cũng đã trên, dưới 6 sọi…
Chiều qua nhận đuợc tin nhắn của cháu Thuỷ (k42): “Dạo này cháu hay đọc Báo liếp của các bác. Ôi, bây giờ cháu mới biết “lệ quyên” là cùng đóng góp để làm một việc gì đấy!”. Trả lời cháu ngay: Ấy cũng là “ngôn ngữ HV”!

Có lẽ cũng phải 30 năm rồi, khi đó nhiều ca sĩ đi phục vụ chiến trường. Bạn ta “nghệ sĩ y  tê” Dờ Mờ Đờ cũng trong số ca sĩ “xung kích” cùng Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Hoàng Chè… Ca sĩ Lệ Quyên là một trong ít nữ ca sĩ xinh đẹp, nổi tiếng vì hát rất “máu”. Mà “có tiếng” tức là dân chúng đuợc nghe đến nhiều.
Có một hôm anh em lính quân sự rủ nhau đi thăm bạn ốm. Đi thăm phải có chút quà, vậy là có ông nào đó xuớng lên: “Thôi quyên góp đi!”. “Xong ngay, xong ngay”, anh em huởng ứng. Rồi ông Dờ Mờ Đờ đế vào: “Thì “lệ quyên” này!”. À, cái tay này nói hay. Và từ đó hai từ “lệ quyên” đuợc đưa vào cuộc sống và đồng nghĩa với “góp gạo thổi cơm chung”. (Cũng có thể nói “lệ thu”…).
Ở HV, lính đi học ở Tây (mà nhất là Liên Xô) về hơi bị nhiều. Hơn nữa ngoại ngữ chính thời đó là tiếng Nga. Vậy là nói về cái gì đó hơi bị xa thì có từ “Natasha” hay “Odessa”. “Đi nhậu ở đó thì “natasha” nhỉ!”, hay “Vũng Tàu cũng “Odessa” đấy chứ?”…
Làm việc gì khó quá thì nói “Cũng “ac-cờ-nô” đấy!”. (Tiếng Nga OKHO’ là cửa sổ, nhưng ông lính cũ về học đại học, lại lần đầu được học tiếng Nga thì đánh vần “Việt Nam hoá” là “o-khó”!).
Khi thấy ông nào uống say quá thì: “Tay này “diễm xưa” rồi!”. (Say đi với sưa mà! Nói vậy mà chả thấy ông Trịnh Công Sơn giận!).
Bị vợ “kèm chặt” thì nói: “Vợ tôi nó “gien-ti-lê” quá”. (Gien-ti-lê tên hậu vệ đã kèm chặt Maradona, làm tay này khó chịu, không đá đuợc, phải “xử lí” bằng tay, phạm lỗi 12 và bị phạt thẻ đỏ).
Ai gặt hái nhiều quá thì “Ôi Nha Trang, mùa thu lại về!” của Nguyễn Văn Tý.
Làm việc gì lâu quá thì “hơi bị hà văn…” hay “đầu lâu” quá!
Muốn tiến bộ, chịu học hỏi phải “cá chép”  và “nguyễn thái học” (chép bài ra mà học!).
Không chỉ vậy, sau này cứ thế phát triển. V.v… và v.v… và còn cả “một tiểu đoàn” các kiểu dùng từ hay như thế! Ấy cũng là một thứ “văn hoá HV”!
(Cũng xin mở ngoặc với Thuỷ và các học viên gái, cách sử dụng này thuờng được cánh con trai dùng. Chị em dùng sợ hơi bị...). 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đúng là chỉ các bác Quân sư mới nhiều trò vui như thế!!!

Nặc danh nói...

Bác xong chưa để em còn chuồn chuồn!
Hay: Em chuột rút đây!