Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Chơi “gôn”, chuyện ghi lại của kẻ hóng hớt

Hơn chục năm nay, môn thể thao này xâm nhập vào nước ta. Hàng chục sân Golf (chả biết có chính xác?) được mọc lên khắp từ bác chí nam. Hết sân Tam Đảo, Ba Vì, Đồng Mô, lại Long Thành, Bình Dương... tỉnh nào cũng có vài sân, gây tranh cãi không ít trên mặt báo.  




Xét về mặt chuyên môn thì đây là môn thể thao đi bộ. Chỉ cần chơi trên sân 18 lỗ thì mỗi lần chơi đủ 18 lỗ thì phải đi bộ quãng chục km.  Còn chơi trên sân 36 lỗ thế nào, tự các bác nhẩm tính sẽ ra.
“Đi bộ như thế, người ướt đầm, bao nhiêu “cặn bã” trong người được đào thải ra ngoài. Lại uống nước sạch vào thì người “như được cho vào máy giặt”(!).  Hơn nữa được hít thở không khí quá trong lành, khỏe hẳn ra”, chú Châu FPT vui vẻ khoe.  
Thấy “Anh giai” nhà tôi chơi gôn đã chục năm nay, giờ thấy da đỏ au, người sắt lại.

Người ta nói “Golf là môn thể thao của người giàu” có đúng?
Phải có thừa tiền mới dám chơi. Riêng khi kí quỹ làm thẻ hội viên một Hội Golf nào đó, ban đầu cũng phải móc hầu bao đóng vài chục ngàn Mỹ kim. Nó như một tài sản, có thể sang nhượng; nói chung giá ngày càng lên khi càng nhiều người chơi môn này.
Bạn tôi không ít người đã đi “cuốc đất”. (Các anh này thật hài hước khi “nói... đẹp” cái môn thể thao tốn tiền mà mình đang chơi!? Hay vì nước ta là “lước lông nghiệp”?).
Không có thẻ bạn hội viên bạn cũng có thể chơi gôn.  Nhưng tiêu tốn không ít. Đầu tiên phải bỏ cỡ vài ngàn đô (nếu xịn là vài chục ngàn) để mua sắm “đồ chơi”: nào gậy (có cả chục loại), nào quần áo, mũ, giày, găng tay, túi da đựng gậy, bóng…  Mà phải toàn hàng hiệu, của những hãng chuyên sản xuất đồ cho môn này. (Đã đi chơi gôn không thể kém cạnh ai!).
Đã chơi môn này phải dậy sớm (từ 4-5g sáng) để lên sân cho đúng giờ, chưa kể xăng xe (vì đã chơi thì không chơi một sân mà phải giao lưu trên nhiều sân, mà mỗi sân cách nhau từ 50 đến hàng trăm km).  Nghe nói có “đại gia” chơi một tháng xài hết 80 triệu tiền xăng. Khiếp!
Làng nhàng mỗi lần “lên bãi” phải chi ít nhất 3-4 “tê” (khoảng 2 vé). Có nhiều tiền thì 2 vé chả là cái đinh! Mà tiền tôi có thì tôi chơi, có lấy của ai mà sợ?! Lý luận như thế quá đúng.
Mà đã chơi thì khi rời sân phải "bo" cho các em gái hầu mình (xách túi, đẩy xe chở gậy, nước) vài chục đô là ít. Đại gia mà!


Golf - môn chơi cá độ, ăn tiền
Cũng như mọi môn thể thao khác, đã chơi phải thi đấu, cá cược mới máu. Mấy anh bạn tôi giờ sống bằng nghề chơi gôn. Của đáng tội, họ có năng khiếu thể thao thật sự. Chọc gôn vào lỗ liên tục và chỉ ngang ngửa hay “sém” quy định.
Nói thế này để dễ hiểu: Ví dụ với sân 18 lỗ cho phép anh đánh bình quân 4 gậy cho một lỗ. Vậy đi hết 18 lỗ, nếu chỉ dùng hết 72 gậy, thì coi như là thắng tuyệt đối. Tất nhiên đánh đúng 72 gậy hay dưới (còn gọi là “âm… gậy”) thì quá là chuyên nghiệp(!). Người mới chơi phải trên 72 nhiều, (đánh mãi không vào lỗ!), có khi là “dương” vài chục gậy (hoặc hơn).
Vậy ăn là ăn thế nào? Thằng em tôi bảo: “Cứ mỗi lỗ em tính có 20 đô. Vậy em “gõ” đủ 4 gậy một lỗ trước là em ăn, mà 18 lỗ thì bác tính ra ngay.  Mỗi ngày lên sân, em làm quãng 400. Mỗi tháng em lên sân khoảng 15 lần thì... Thế là đủ sống”.
Riêng cánh không cá độ, ăn tiền, chỉ chơi để lấy niềm vui và sức khỏe thì khác. Như chú Châu FPT giờ say gôn lắm. Chú nói: “Chưa kể cánh đánh độ, thì các Golfer đã phải tự chiến thắng bản thân mình! Mà mỗi lần chọc gôn vào lỗ là một kiểu khác nhau, chả lần nào giống lần nào. Cảm giác sung sướng vô cùng”.


Trăn trở của kẻ chơi gôn
Hóng hớt người chơi, tôi hỏi một anh bạn:  “Người ta bảo đó là trò chơi của kẻ nhiều tiền?”.  “Đúng! Đã nhiều tiền thì muốn chơi gì là việc của mình... - Nhưng bạn tôi lại lấn cấn - Thật ra chơi cũng phải chiến thắng chính bản thân mình vì mình đâu có sống riêng mình. Mỗi lần về quê thấy người thân, họ hàng, bạn bè mình kiếm được vài chục, một trăm mỗi ngày vất vả lắm; chưa kể nếu có ba, bốn triệu họ có thể có tiền cho con đi học, có thể chữa mẹ lành bệnh... Vì thế thấy mình chỉ “đi chơi một ngày” cũng hết ba, bốn triệu là cảm thấy thế nào ấy. Rõ ràng đi chơi là mình cũng phải thắng chính mình, ông ạ!”.
Có ông anh "ghiền" môn thể thao này đã bảo, phải tuyên truyền vận động sao cho chục năm tới, Golf trở thành môn thể thao xã hội. Nói thế sợ có quá khó khi người giàu ở nước ta còn ít, đất nước ta thực sự còn nghèo?

6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Các bạn hãy viết:
- Sân gôn có ảnh hưởng môi trường? Có tạo công ăn việc làm hay làm người nông dân mất đất?
- Sân gôn phục vụ thể thao giải tr1i hay kinh doanh bất động sản?

Nặc danh nói...

À, "hăng như Đinh La..." không hiểu đã cấm được cán bộ trong ngành GTVT chơi gôn ngày nghỉ chưa nhỉ?

Nặc danh nói...

Xin cam đoan : Mang chuyện Golf ra mà biểu quyết toàn xã hội thì khen ít,chê nhiều ! thậm trí là chửi.
Nói chơi Golf là học đòi, không hoàn toàn đúng đâu, bên Âu Mỹ có mấy người chơi Golf ? Cái ông ước Golf thành môn thể thao toàn xã hội chắc là người Sao Hỏa. Hết đất cấy lúa , có ngồi ăn quả Golf được không?

Quang Vinh nói...

Thường người ta nói "thắng chính mình" là thắng cái dục vọng, cái ươn hèn, cái lười biếng, tính ích kỷ...của bản thân để vươn lên cái gì tốt đẹp hơn. Ở đây, "ông bạn chơi gôn" lại phải thắng chính mình để có thể ngó lơ với cái đau khổ của người khác, để có thể sống vô cảm hơn, có thể sống vị kỷ hơn. Ôi, đáng sợ thật.

Cà Rốt nói...

Thế giới hạn chế sân golf do môi trường. Đảm bảo cho cỏ san golf cần một lượng lớn các hóa chất và thuốc trừ sâu. Nhưng nước mình nhiều người giàu, cần môi trường để ho hoạt động.

Nặc danh nói...

Đề nghị CR viết về ảnh hưởng môi trường do loạn làm quá nhiều sân Golf!
BT5