Năm đó, mình làm rất nhiều hồ sơ thi đại học nhưng cuối cùng mình đã chọn Học viện Kĩ thuật Quân sự. Thi đại học, mình nhận được nhiều lời khuyên từ phía gia đình rằng: con gái ko nên thi quân sự, hay con gái ko hợp với kĩ thuật… Chẳng hiểu sao lúc đó, mình đã bỏ qua tất cả các lời tư vấn.
Mình biết đến trường HVKTQS đơn giản là qua các cuộc thi robocon và trong các cuốn sách luyện thi đại học. Trong các bộ đề thi đại học, mình rất thích những đề toán, lý, hóa của HVKTQS, đại học Bách Khoa hay đại học Khoa Học Tự Nhiên, đại học Ngoại Thương. Có lẽ là vì nó vừa đủ phù hợp với năng lực của mình. Mình đơn thuần nghĩ rằng: HVKTQS là 1 trường đại học kĩ thuật có danh tiếng, chỉ đơn giản vậy thôi.
Vào phòng thi đại học, mình khá ấn tượng về thày giáo coi thi. Lần đầu tiên mình nhìn thấy người mình gọi là thày lại mặc quân phục bộ đội-một hình ảnh khác lạ trong tâm tưởng của mình . Thời cấp 3 mình luôn mường tương giảng viên trường đại học là phải khác kia, cũng ko biết khác là khác như thế nào nhưng chắc chắn ko phải là hình ảnh như lúc này.
Kỉ niệm đi thi, thày coi thi ấn tượng về mình đặc biệt là môn hóa học, vì mình làm dư rất nhiều thời gian. Mình vẫn nhớ, thày coi thi xuống chỗ mình hỏi chuyện, thày hỏi thăm mình quê ở đâu? Mình thi hệ quân hay hệ dân ? Mình đã trả lời rất thẳng thắn và tự tin:”Em thi hệ quân sự ”. Thày giáo đưa mắt nhìn xuống tấm bằng tốt nghiệp của mình thấy: mình học ở THPT Phù Cừ. Thày hỏi :”Đây có là trường chuyên ko em?” Mình thưa :”Một ngôi trường huyện thày ạ”. Thày nói với mình:”Trường huyện mà thi hệ quân sự là giỏi đấy!”. Mình khẽ mỉm cười và nói cảm ơn thày. Sau này mình mới biết con gái thi hệ quân sự thì điểm cao hơn con trai và trường mình lấy rất ít nữ.
Mình thi đại học duy nhất một trường, gia đình mình có góp ý mình nên thi thêm khối B- đại học y—vì nhà mình cũng có nhiều người theo nghề bác sỹ, nhưng mình nhất định không chịu. May sao mà mình cũng đỗ, giả như mình trượt chắc là mình hối hận lắm lắm, vì đã ko nghe theo lời khuyên để có thêm 1 cơ hội đỗ đại học-khối B….
Mình được thông báo phải lên huyện đội để nhận giấy báo trúng tuyển và kèm theo giấy gọi nhập ngũ. Khi nhận giấy gọi nhập ngũ, thoạt đầu mình nghĩ, giấy này tương đương giống như khi mình đỗ đại học thì ko phải đi nghĩa vụ nữa vì anh trai mình ngày xưa cũng vậy.Thế nhưng khi về đến nhà, mình đọc đi đọc lại cái tờ giấy gọi nhập ngũ, rõ ràng đây là giấy gọi mình vào quân đội. Mình hơi bất ngờ, hoảng hốt nói với mẹ :”Đây là giấy gọi nhập ngũ mẹ ơi, giấy gọi nhập ngũ mẹ ạ…”.(Tuy hốt hoảng vậy nhưng lúc đó mình vẫn nghĩ lạc quan lắm -mình có đi nghĩa vụ đâu mà nhập với chả ngũ, chắc là họ đưa nhầm giấy tờ cho mình rồi).
Mình lên nhập học trong sự háo hức mòn mỏi đếm từng ngày. Vừa làm xong thủ tục nhập trường, mình được đi nhận quân tư trang và một cô đã hướng dẫn mình cách mặc áo quần. Mình đã thốt lên "Trời ơi..", bộ quần áo bộ đội rộng thùng thình và cách mặc đặc biệt khiến mình thấy lạ lẫm vô cùng. Mình còn được phát bát ăn cơm, phát chăn chiếu, ba lô, toàn màu rất là kì koặc-xanh rì. Rồi một ô tô chờ sẵn đưa mình lên Vĩnh Yên-cơ sở 2 của học viện. Ngồi trên ô tô, mình vẫy tay chào tạm biệt mẹ, mẹ mình đã khóc khi nhìn thấy mình trong bộ quân phục vào khoác trên lưng chiếc ba lô con cóc to oành. Mình ở Vĩnh Yên ba ngày để bác giám đốc gặp tân sinh viên giao nhiệm vụ. Sau đó thì mình được đưa lên Lục Quân. Lên Lục Quân mình mới thực sự biết rằng: mình đã là một cô bộ đội thực thụ.
Vừa mới bỏ ba lô xuống, sắp xếp đồ đạc xong thì mình được giao cho 1 chiếc cuốc. Công việc đầu tiên của mình là đi cuốc đất, thấy anh trung đội trưởng nói với mình và các bạn là phải đi làm tăng gia gì đó. Anh giao cho mỗi đứa đào 1 cái hố rộng 1 m, sâu 1m để trồng su su. Buổi chiều đầu tiên cầm cuốc, bàn tay mình đã đỏ ửng và hình thành các vết rộp. Buổi tối hôm đầu tiên trên Lục Quân, mình nằm trằn trọc ko sao ngủ được, phần vì tay chân mình ê ẩm- những vết rộp đã khiến mình đau đớn, phần vì mình nghĩ đến bạn bè mình cũng đang háo hức nhập học, ko hiểu là họ có giống như mình hay ko?. Những ngày tháng dài ở Lục Quân thật là vất vả, dù trí tưởng tượng mình có phong phú đến mấy cũng ko thể nào hình dung ra được mình sẽ trải qua những ngày tháng như thế.
Mặc dầu cuộc sống vất vả như vậy, nhưng bù lại bọn mình có đời sống tinh thần vô cùng phong phú, bọn mình sống với nhau rất tình cảm. Nữ quân đội năm đó- năm 2006, được gom lại, ở tập trung, gồm 3 trường học viện:Học viện kĩ thuật quân sự đào tạo kĩ sư,học viện Quân Y đào tạo bác sĩ và học viện Khoa Học Quận Sự là đào tạo tình báo. Dân bên Quân Y và bên Khoa Học lên Lục Quân sớm, dân Kĩ Thuật bọn mình lên muộn hơn, thành thử đành phải ngậm ngùi nằm giường trên-đó là nguyên do của những cái chăn xấu bị ghi liên tục trên bảng thi đua - toàn là dân kĩ thuật!. Buổi tối sinh hoạt tập thể đầu tiên, bọn mình được học 10 bài hát quy định trong quân đội, những bài hát này được phục vụ để đi ăn cơm, vừa đi đều đến nhà ăn và vừa hát. Mình cảm thấy rất thú vị… thú vị đến buồn cười vì lúc đó trông chúng mình rất rất …là yêu đời.
Những buổi luyện tập thao trường, bắn súng, những buổi học công binh, nằm lăn lê bò toài đào công sự hầm hào giữa cái nắng Sơn Tây gắt gỏng như chừng muốn đốt cháy làn da trắng trẻo của mình. Mình đã đặt chân vào quân đội như thế với bao sự ngỡ ngàng,
Mình sẽ không quên những tháng ngày thao trường vất vả với khẩu hiệu ”thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Học chiến thuật thú vị giống như đánh 1 trận giả. Mình thường ví von như vậy mỗi khi biên thư kể cho bạn bè nghe. Ngày đó, mình có cái thú viết thư kể về cuộc sống binh nghiệp, những bức thư viết tay được gửi đến từ bạn bè dưới Hà Nội hay của gia đình luôn là niềm háo hức mong chờ của chúng mình khi đó. Mình kể tiếp về chuyện học chiến thuật .Học chiến thuật, bọn mình luyện tập dưới hầm hào, hầm chữ A, chữ U, hầm ếch, hầm nhái…Bọn mình được học cách lên hào, xuống hào rất bài bản, rồi cầm súng AK, mỗi khi bắn nhau thì thổi còi ..tuýt tuýt tuýt ..ra hiệu là mình đang bắn đây, chứ nếu ko có còi thì chẳng biết khi nào mới bắn chết được 1 tên địch^_^. Khi bắn xong còn có 1 tiết mục báo cáo. Mình vẫn nhớ tiết mục báo cáo có một thầy dạy chúng mình cách báo cáo như thế này:”Báo cáo đồng chí tiểu đội trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt một tên địch đang đột nhập vào ụ súng, tiêu hao hết 1 cơ số đạn…”. Lần sau,1 thày khác kiểm tra, bọn mình cũng báo cáo như vậy. Thày hỏi lại:”1 cơ số đạn là bao nhiêu viên?”. Chúng mình trả lời là em cũng ko biết. Thày giải đáp :”1 cơ số đạn là 300 viên hay 120 gì đó mình cũng ko nhớ lắm….” Nghe thày giảng giải xong bọn mình tủm tỉm với nhau: ”Chúng mình giỏi thật, diệt một tên địch hết những vài trăm viên đạn *_^,”cười!!!
Những buổi bắn súng AK ban đêm, bắn bằng đạn vạch đường luôn là niềm thích thú của chúng mình. Ngày nhỏ, xem phim mình vẫn nghe những âm thanh ”bùm-chiu”. Không ngờ, sau này mình lại được nghe âm thanh thật chứ ko còn là trong phim ảnh nữa. Chúng mình bắn bia di động , đeo mặt nạ bằng cao su đen xì, hở có duy mỗi đôi mắt để nhìn. Mùi cao su khiến bọn mình rất khó thở, chạy được đến nơi ngắm bắn thì cũng là lúc phì phà phì phò ko ra hơi,khi đó cũng chẳng còn đủ thời gian để ngắm với nghía thành ra chúng mình chỉ còn cách bắn hú họa, trúng thì trúng mà chẳng trúng thì trượt….^_*sss
Năm ấy, Học Viện Quân Y được gửi sang ở cùng tiểu đoàn với chúng mình, nên con trai quân y cứ tối thứ 7 lại sang bên chúng mình giao lưu:" Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm, đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây….”. Bọn mình rất vui vì qua những đợt giao lưu lại cá kiếm được 1 anh chàng, những anh chàng ấy sẵn sàng giúp đỡ chúng mình ko công. Hi, khoản này bọn mình gọi là nghệ thuật “tà lưa”. Khi thì chúng mình nhờ bổ củi, khi thì nhờ cuốc đất ở ruộng rau làm tăng gia và quan trọng nhất là khi đi thao trường có người vác hộ B40, B41...Riêng mình cũng tranh thủ hương khói với 2 cậu bạn cùng quê( hương khói là viết tắt của từ đồng hương, đồng khói ý). Mỗi lần các bạn con trai nhìn thấy chúng mình đi bắn súng, đặc biệt là súng ngắn, họ vẫn thường trêu rằng: bọn mình là con gái chắc chỉ bắn được súng nhựa thôi,chứ cầm súng thật lên thì có mà khóc thét …bắn sao nổi. . Quả thật, bắn súng ngắn đòi hỏi tay phải thật khỏe để có thể giữ súng được im. Chính vì thế, các bạn ý trêu cũng là có cái lý của nó. Để rèn cho tay khỏe, thày dạy bắn bắt bọn mình phải nâng gạch hằng ngày. Sáng nào thức dậy mình cũng phải đặt một viên gạch trên tay trong tư thế cầm súng cho đến khi dã dời. Thời gian luyện tập bắn súng thật là vất vả. Nói chung là sau đợt đó, tay đứa nào đứa ấy cơ bắp nổi cuồn cuộn ….Rồi mình học dò mìn, tra kíp nổ, ném lựu đạn, v.v...
Những ngày đầu tân binh luôn là những kỉ niệm đẹp với chúng mình. 7 tháng huấn luyện tân binh dưới mái trường Lục Quân cũng đã đến hồi kết thúc. Bọn mình phải chia tay nhau để trở về với các mái trường học viện. Hôm chia tay, bọn mình- đứa nào đứa ấy cũng nước mắt ngắn,nước mắt dài. Mình cũng khóc rất nhiều và trong lúc xúc động đó, chúng mình gọi nhau là chị em như một điều đương nhiên khi cảm xúc được thăng hoa thành tình nghĩa- tình chị em!. Bọn mình đã sáng tác 1 bài hát được đạo nhạc từ bài ô ô ngày ấy. Bài hát này cũng là lời kết cho đoạn hồi kí của mình ….Mình xin phép được dừng lại ở đây.
”Bê 14 chúng tớ, luôn đoàn kết bên nhau,
Bạn bè cùng chung vai, cho dù sóng gió thế nào.
Mỗi khi, vui chơi luôn hò hét rất to,
Nên lại càng chơi bao nhiêu, lại càng sung sức bấy nhiêu.ố ồ!
.Ngày mới quen nhau lạ nhau, bây giờ sao gắn bó,
Cùng vượt qua gian khó, trên bước đường có nhau
Từ khắp bao nơi về đây, vui cùng chung mái nhà ,
ố ô, yeah, yeah!
------lặp lại phần trên-------------------
Vẫn nhớ hoài, ngày tháng qua cùng với nhau,
Vui cùng tăng gia, cùng nhau học hành,
Trong giấc mơ…hãy nhớ về…14 ta đó lúc vui buồn có nhau!”.
(mình ở trung đội 14-b14)
http://www.nhaccuatui.com/
4 nhận xét:
Cháu ghi lại kí ức này vào tháng 6 vừa rồi ạ.
Cháu Thủy vào học Đại học tông hơp Văn thì hơp hơn đấy .Hoangchuong
Hi, Cháu rất vui khi được bác Hoàng Chương động viên ạ.
Hoàng Chương có nhớ, k5 ta lên Lạng Sơn. Vốn nghịch ngợm và vừa thi tốt nghiệp xong nên lười học, ham chơi; trong khí các lớp học viên ở đơn vị về thì cày quyết liệt.
Để trốn ra cổng đi chơi, ta hay giả vờ đi tắm sông Kỳ Cùng. Muốn ra thì một bọn tập trung, cởi áo ngoài cho vào mũ cối, làm lộn xộn cổng gác. Vệ binh hỏi:
- Các đ/c đi đâu?
- Đi vào.
- Không được.
Thế là các bố đi ra. Còn muốn vào thì ngược lại, cứ đòi ra, vậy là vệ binh tống vào.
Đăng nhận xét