Ngày chặt cây xoan để chữa cái chái bếp, hắn để dành một
đoạn rồi kỳ cạch đẽo gọt. Dao sắc, khéo tay nên chẳng mấy chốc đã được một con
cá chép. Nhọ nồi trộn với lá xoan giã nhuyễn làm màu xanh đen phết lên thân, điểm
nhãn mắt bằng phẩm đỏ, trông con cá thật sống động chẳng khác cá thật. Cái đuôi
vểnh lên, cái đầu hơi chúi xuống giống như lý ngư vọng nguyệt. Lý ngư vọng
nguyệt nghĩa là cá chép trông trăng. Con cá chép trông trăng không ngẩng đầu
lên mà lại chúi đầu xuống để nhìn bóng trăng soi đáy nước. Bóng trăng soi đáy
nước là một ảo ảnh, tuy là một hình tròn đầy đặn biểu tượng cho sự viên mãn
nhưng dẫu sao vẫn là ảo ảnh. Cái ảo ảnh ấy đẹp đến mức nhà thơ Lý Bạch
(701-762) một đêm rằm ngồi thuyền ngắm trăng trên dòng sông Dương Tử đã nhảy
xuống để bắt vì vậy mà chết đuối. Nơi đó người đời sau lập một cái đài gọi là
Tróc nguyệt đài để tưởng nhớ. Ngoài Lý Bạch ra trên đời này thiếu gì người suốt
đời đuổi theo ảo ảnh như con cá chép trông trăng. Như hắn chẳng hạn, sự no đủ
đối với hắn chỉ là ảo ảnh trong một giấc mơ xa vời.
Nhà hắn nghèo, chỉ biết sống dựa vào mấy sào ruộng và mò cua
bắt ốc. Kinh tế tăng trưởng chậm lắm. Đã thế lại đông con: cái Gái, thằng Cò,
cu Nhỡ với lại Cu con. Đến cái đoạn thằng cu Nhỡ hắn xuýt xoa: nhỡ thôi đấy
nhé, từ nay xin chừa. Vậy mà táy máy thế nào lại tòi ngay ra thằng Cu con. Tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, trong các việc ấy sức hắn chỉ dám nghĩ
đến tề gia. Trước hai ngả đường dân chủ hay độc tài, để cai trị đám thần dân mà
hắn cho là có dân trí thấp gồm mụ vợ và bốn đứa con hắn chọn độc tài. Năm mẹ
con giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung thân phận con sâu cái kiến sống
với hắn chẳng khác gì dưới ách cai trị của một bạo chúa. Lời nào thoát ra từ
miệng hắn cũng là chân lý, độc quyền chân lý, chỉ có từ đúng trở lên. Lệnh hắn
đưa ra có sức nặng tựa thái sơn. Ai dám trái lệnh nhẹ thì bị lừ mắt nghĩa là
cảnh cáo, nặng thì đàn áp nghĩa là bị ăn roi. Hắn treo con cá gỗ và phán rằng:
ai nhìn vào đó coi như được ăn cá thì mọi người phải tin rằng đó là sự thật.
Trong nhà hắn cái Gái có thể được xem là trí thức vì nó học lớp năm, học cao
nhất nhà. Là trí thức nên dẫu có biết tỏng tòng tong những điều hắn nói ra
không phải là chân lý nhưng nó giữ thái độ trùm chăn, thờ ơ vô cảm cho yên
thân, không phản đối câu nào. Phản đối để ăn roi vào mông à?
Hôm ấy nhà hắn ăn cơm chiều. Ăn cơm chiều chứ không phải cơm
tối để đỡ phải thắp đèn. Thức ăn là rau luộc chấm tương. Thằng Cu con mè nheo:
- Cá! Ăn cá cơ!
Hắn hất hàm chỉ con cá gỗ:
- Cá đấy! Ăn đi! Mà chỉ được nhìn hai lượt thôi đấy.
Bởi vì lời hắn nói ra là chân lý nên thằng Cu con nhìn con
cá hai lượt rồi thôi không mè nheo nữa. Ngoan thế! Cả nhà lại mãi miết ăn, đôi
đủa này vừa gắp rau đưa lên lại đã có đôi khác cắm xuống. Chợt thằng cu Nhỡ kêu
lên:
- Bố ơi! Thằng Cu con nó lại nhìn kìa!
- Kệ nó! Nó ăn mặn cho nó chết khát.
3 nhận xét:
Hay!
Chuyện ngắn này phản ánh thời kỳ nào vậy? Chẳng lẽ là thời nay? Thời nay thì vô lý, vì hoàn cảnh của gia đình hắn gần bằng gia đình "chị Dậu"?!? Nhưng tôi nghi chuyện việt về thời nay vì: ngày xưa có nghèo thì cũng cứ "tự nhiện chủ nghĩa" đẻ đái cả chục bận, gia đình nào cũng ngót nghét chục đứa con, ít thì cũng dăm bảy đứa. Hắn có 4 đứa trong đó có 2 lần bị nhỡ. Thế thì chuyện đích thị của thời nay rồi khi gia đình nào cũng chỉ dám có 1-2 đứa con! Nhưng thật vô lý, thời nay sao có gia đình khốn khổ đến như hắn nhỉ?!?
Tự suy ngẫm mới hay, chứ bạn!
Đăng nhận xét