Đã
2 giờ đêm, bác sĩ Dương vừa xong một ca mổ cấp cứu. Nạn nhân bị chém bằng 2
nhát mã tấu dọc theo sống lưng, máu me be bét... Đang đứng ở cửa phòng mổ hút
điếu thuốc thư giãn thì thấy một cậu bé, tuổi ngoài 20, mặt mũi bặm trợn, lại
gần. Cậu cầm trên tay bao thuốc “Ba số”, còn nguyên tem nhập khẩu (trông như
thuốc lá Sing), kính cẩn đưa cho anh, khe khẽ nói:
-
Thưa đại ca…
-
Ai đại ca với cậu. Tôi là trung tá
QĐND, bác sĩ…
-
Dạ, xin bác sĩ tha lỗi! Thưa bác sĩ,
bác sĩ vừa cứu sống “đại ca” của chúng em. “Đại ca” là người chúng em chịu ơn
và kính phục nhất trên đời. Nhưng nay bác sĩ còn trên cả “đại ca”. Xin bác sĩ
vui lòng nhận món quà nhỏ này!
Bạn
tôi chính là ông bác sĩ ấy. Anh đang công tác ở Bệnh viện trung ương quân đội 175
(Tp.HCM). Nghe qua anh lắc đầu: “Cứu người là trách nhiệm. Đừng quà cáp làm
gì!”. Mãi sau này, Dương mới hay nạn nhân đêm hôm ấy chính là một “lục lâm thảo
khấu” ở một khu vực của quận Gò Vấp. Vì một sự tranh chấp trong “lãnh địa làm
ăn” mà băng đảng nọ đã tổ chức “đánh hội đồng”, xử lí anh ta. Hứng chí, cậu đàn
em anh ta ngạo mạn “tuyên bố”: “Kể từ hôm nay, bất cứ ai động chạm đến bác, chỉ
một cú phôn, bọn em đến liền và “làm cỏ” tất.”. Bạn tôi nhoẻn miệng cười: “Tôi
là bác sĩ, chỉ biết làm việc ân, không
bao giờ làm việc oán.”
Ngày
ra viện, chàng “lục lâm” nhất quyết mời bằng được bác sĩ đi ăn nhậu để trả ơn.
Lần đầu gặp một “trường hợp là lạ”, anh nhận lời. Vừa đến cửa nhà hàng Y., chú
“đại ca” ra đón rồi khoát tay: “Xe của thầy tao. Lo mà giữ!”. Cánh bảo vệ dạ
ran. Anh được đưa lên phòng VIP. Khi chỉ có 2 anh em, bên ly bia ngầu bọt, khi
độ cồn trong máu đã đủ để dãi bày, chú tâm sự:
-
Xin ngàn lần đa tạ bác. Bác đã cứu sống em. Nói thật với bác, em làm nghề bảo
kê các nhà hàng. Tháng tháng lĩnh vài chục “tê” để sống. Bác đừng giận. Em đâu
được học hành đến nơi đến chốn, nghề ngỗng thì không, biết làm gì để sống? Rồi
trên đời này đầy rẫy những sự thật phũ phàng, bất công. Bác có thấy cảnh mấy
ông quan chức, chẳng hiểu tiền đâu ra mà ngày nào cũng vào, ra nhà hàng. Nườm
nượp. Bọn gái đẹp “chân dài tới nách” thì vây kín xung quanh. Chúng ăn uống phè
phỡn, bia rượu chảy thành sông. Khi ra về, mở ví ra thanh toán thì tiền “đông
như quân Nguyên”. Dựa vào chúng để kiếm sống là “cửa” của em…
-
Không còn cách khác để sống ư? – Bạn tôi đau sót. - Còn gia đình chú?
-
Em còn mẹ già, ốm đau, mù cả hai mắt. Biết em làm bảo kê, bà giận lắm. Em có
trong danh sách “đen” của công an. Cả ngày em “biến”, vài đêm mới dám ghé về
thăm bà già. Mỗi lần đưa tiền cho má thuốc thang, bà ném đi và chửi ra rả. Hàng
xóm khinh bỉ em, khinh cả mẹ em. Đời em dưới đáy xã hội, có còn ai thương.
-
Vậy chiều mai, chú đưa anh về thăm nhà!
Đúng
hẹn, anh đến thăm gia đình. Trước mặt anh là một bà mẹ già, tuổi ngoài 70, lòa
cả hai mắt. Biết anh đã cứu sống con bà, bà rờ rẫm khắp từ đầu xuống mặt rồi
nắn cả tay, chân: “Bác sĩ đã cứu sống con tôi ư? Bác sĩ cứu nó làm gì? Sao nó
không chết đi cho tôi khỏi nhục?”. Mắt anh nhòa lệ…
*
-
T. a, em không thể sống mãi trên
những đồng tiền bẩn thỉu này!
-
Nhưng biết làm gì để sống? Hàng ngày
em vẫn phải ăn, phải uống, phải sống, phải gái mú. Má em vẫn cần tiền để chạy
thuốc.
-
Hãy gác kiếm đi!
-
Gác kiếm? Em đang quen bảo kê và làm
ra tiền…
-
Đừng lo, mỗi tuần anh sẽ xuống thăm
bệnh và lo thuốc cho mẹ em. Còn việc làm ăn của mày, anh sẽ lo.
Nhờ
quan hệ sẵn có của người thầy thuốc, bạn tôi gửi chú vào một trường dạy nghề ở
quận. Ba tháng sau ra trường, chú có nghề sửa chữa xe máy. Anh gặp, nói khó với
một bệnh nhân đang là chủ của một cửa hàng sửa chữa xe máy: “Anh có thằng em đi
bộ đội về, có nghề sửa chữa xe máy. Cô hãy tạo công ăn việc làm và dạy dỗ nó!”.
Cô bệnh nhân thì trả lương theo sản phẩm – chú được hưởng phần trăm trên số xe
sửa được, phụ tùng thay thế thì cửa hàng lo. Từ ngạc nhiên ban đầu về cách xử
sự có tâm của bác sĩ, chú lao vào làm việc. Tháng lương đầu tiên, chú vui mừng
chạy đến anh, nì nèo:
-
Anh hãy mừng cho em và đi nhậu với
em!
-
Tốt, anh sẽ đi, nhưng hãy kiếm một
quán cóc.
-
Sao lại thế bác? Tháng lương chân
chính đầu tiên mà, phải vào nhà hàng xịn!
-
Vài li rượu đế, mấy trái cóc hay hột
vịt lộn là được rồi. Còn mẹ chứ em.
Bên
li rượu nhạt, chú thổn thức: “Từ khi vào đời đến giờ, em chưa được ai đối xử
như thế. Trên đời này tưởng ai cũng thù ghét em, ngay cả khi họ trả em những
đồng tiền bảo kê. Không ngờ… Tiền hàng tháng thu nhập không nhiều như trước
nhưng em thấy thoải mái vô cùng!”.
Cứ
như vậy… Một thời gian sau khi tay nghề đã vững vàng, chú dành dụm được ít tiền
rồi xin bà chủ ra mở một cửa hàng nhỏ. Bằng sự cẩn thận với giá cả phải chăng,
khách hàng đến với chú ngày một nhiều. Mỗi lần bạn tôi có việc tạt qua chơi,
chú “vật” cái xe ra mổ xẻ: “Chữa bệnh cho người là nghề của anh, còn chữa bệnh
cho xe là nghề của em. Bác yên tâm đi!”. Chú trở thành một ông chủ nhỏ.
Bạn
tôi tâm sự: “Nhớ lại ngày đầu, tôi tìm đến Công an phường dò hỏi về nhân thân
của chú. Hễ biết nó về đến địa bàn phường là bị còng số 8 liền. Đã bao năm
chinh chiến trong quân ngũ, nghe còn khiếp! Nhưng dạo này, nhiều “đàn em dao
búa” ngày xưa quy tụ về đây, được dạy nghề rồi ra làm việc, có lương đủ sống.
T. đã trở thành một cộng tác viên tích cực của chính quyền địa phương… Chả làm
được gì nhiều cho đời nhưng cứ sống có tâm như vậy là sướng rồi!”.
Gặp
đồng đội xưa, 14-9-2005
5 nhận xét:
cả thành phố hai phần ba đều là bạn của bình.ai mà không quan hệ với hắn thì thật hoài của.đại tá mà chưa bao giờ thấy bình khệnh khạng.lúc nào cũng lấy vui làm chính.chả thế mà nhiều đàn em?
PC vt: thế mà khi bình máu ra bắc, hắn khệnh khạng như đại ca, anh em ngoài này tiếp hắn mà sợ hãi, chỉ sợ hắn chê bai và giận dỗi, không tin cứ hỏi Lê Bình và V.Dũng.
Đọc chuyện người thật việc thật mà tưởng đọc chuyện cổ tích, hư cấu. Mong rằng luôn được hát câu "cuộc đời vẫn đẹp sao".
Giá như xã hội toàn những con người có tấm lòng như BS Bình! Đó mới đích thực là học tập và làm theo tấm gương đạo đức cụ Hồ. Lũ quan lại thời nay chỉ được cái mồm ba hoa, chẳng chú nào chịu "học và làm theo" thực sự cả
Nói nghe phản cảm thật !Đại tá thì có gì mà khệnh khạng...nhất là với Trổi.Còn BS thì nhiệm vụ là chũa bệnh kể cả đối vói kẻ thù.Cái đáng Quí là bạn đã giúp đỡ cảm hóa gia đình và nhất là bệnh nhân hướng thiện .Đó mới là một bông hoa nhỏ đẹp trong cả vườn hoa đẹp ...
Đăng nhận xét