Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Hành trình đi tìm Ba 4 (Nam Khánh)


          Cũng xin nói thêm cho bạn đọc biết mối quan hệ giữa Tôi và Ấn. Năm 1956,1957 hai đứa học với nhau ở lớp 1,2 tại trường HSMN số 19 Cầu Rào-Hải Phòng, rồi đến khi học lớp 5 tại trường HSMN số 27 Hà Đông cũng cùng một lớp. Năm 1965-1967 hai chúng tôi lại cùng một tiểu đội ở trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi. Đến khi tốt nghiệp phổ thông ( lớp 10 ) ở Quế Lâm TQ cuối tháng 7 năm 1967, chúng tôi về nước. Ấn nhập ngũ và đi học kỹ sư đạn ở Pen Za ( Liên Xô cũ ). Còn tôi lúc đó không đủ sức khỏe để nhập ngũ vì đau dạ dày nên phải vào học K12 khoa Chế tạo máy trường ĐHBK Hà Nội. Hồi đó mỗi lần về nước nghỉ hè, Ấn lại mua vài bộ quần áo hoặc dụng cụ phục vụ cho việc học tập và thuốc đau dạ dày cho tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi đứa một ngành một nghề và tuy ở xa nhưng chúng tôi vẫn giữ vững liên lạc với nhau. Ấn nguyên là Cục phó cục kỹ thuật quân khu V.

          Tôi đi xe đò vào Đà Nẵng và ngày hôm sau ( 11/6/2008 ) hai đứa bắt đầu cuộc tìm kiếm. Tôi nghĩ nếu mộ Ba tôi cách đường nhựa 1,2 km thì đi tới đó quá dễ dàng. Vì vậy hai đứa chỉ mang đi 4 chai nước nhỏ mà thôi. Chúng tôi đi xuống một nhà dân, ngôi nhà được lợp bằng lá gặp 2 người đàn ông đang nuôi cá điêu hồng ở đây. Chúng tôi làm quen và xin được gửi xe máy ở đây để đi lên núi tìm mộ. Tôi và Ấn chia nhau đi tìm theo hướng Bắc. Sau khi tìm kiếm gần 2 tiếng đồng hồ nhưng không thấy chỗ nào giống như cô tả. Tôi gọi điện cho cô A và nói tôi đã đi theo hướng chính Bắc nhưng không thấy như cô miêu tả. Cô nói ngay : Em đã nói sai rồi. Có phải lúc nãy 2 anh đã vào một ngôi nhà lá có 2 người đàn ông ở đó không? Chúng tôi rất ngạc nhiên khi cô nói rất chính xác. Cô nói tiếp hai anh về ngay nhà người ta, đặt la bàn ở sân nhà của họ và gọi điện cho em. Chúng tôi thực hiện đúng như lời cô dặn và đặt 2 cái la bàn. Cô nói có phải la bàn chỉ hướng chính bắc vào nhà không? Chúng tôi và 2 người đàn ông trong nhà rất đỗi ngạc nhiên, họ hỏi chúng tôi cô nầy đang ở đâu mà nói chính xác vậy? Tôi nói ở Hà Nội. Họ lại càng thán phục. Cô nói các anh đi trở ra theo hướng Nam hỏi những người dân địa phương độ khoảng trên 50 tuổi họ mới biết chỉ lên trên núi mà tìm. Trời nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời khoảng 36-380c. Tôi và Ấn đã đi và hỏi dân địa phương họ bảo cứ đi đi sẽ gặp một ông già cô đơn vì ông chỉ ở có một mình. Hai đứa đi mãi, đi mãi nhưng không gặp một ai cả. Đã 12 giờ trưa, nước uống chỉ còn nửa chai, Ấn không dám uống nữa, để dành chỗ nước còn lại cho tôi. Tôi cũng cố gắng tiết kiệm nước uống vì ở chỗ nầy không thấy  suối nước đâu cả. Tôi bị say nắng và nằm vật xuống đường đi, cũng có thể lúc đó huyết áp của tôi tăng lên nhưng không biết. Ấn thì lo lắng nếu có vấn đề gì xấu xảy ra thì không biết làm sao đây. Tôi thì nặng tới 75 kg và cao hơn Ấn. Như vậy làm sao có thể đưa tôi xuống núi được. Còn tôi thì nghĩ không biết mình có khả năng để xuống núi không? Sau gần 2 giờ, tôi thấy người mình khỏe lại 2 chúng tôi lại cùng nhau xuống núi và về nhà Ấn. Rút kinh nghiệm của lần đi nầy chúng tôi đã chú ý tới công tác hậu cần là hàng đầu cho chuyến đi sắp tới.
          Sáng ngày 13/6/2008 Tôi, Ấn và đứa cháu gọi tôi bằng bác tên Thế Anh xuất phát từ 5h15 phút. Đến xã Hòa Khương, chúng tôi có thêm một người địa phương dẫn đường cùng đi lên vị trí mà nơi đó có hang và có cây đa to mà dân ở đây gọi là hang dơi. Khoảng 9 giờ, bốn người chúng tôi đã đến trước hang dơi. Tôi gọi điện cho nhà ngoại cảm, hỏi cô tôi đã đi đúng hướng chưa? Cô nói sáng giờ cô đã theo dõi thấy tôi đã đi đúng hướng. Sáng nay, cô bận áp vong do vậy tôi muốn gặp cô thì phải khoảng 13h30 mới gọi điện cho cô được.
          Trong thời gian nầy, gia đình tôi cũng tổ chức áp vong ở nhà cô. Vong nhập vào em dâu tôi, khóc lóc thê thảm nhưng khi con cháu hỏi các vấn đề có liên quan đến Ba tôi thì vong lại nói : Ba già rồi không nhớ và không nhìn thấy. Nói chung buổi áp vong không đem lại sự thỏa mãn cho gia đình chúng tôi.
          Chúng tôi phát quang khu vực hang dơi, rổi chui vào hang quan sát. Theo những người dân địa phương thì trước đây ở đây cũng có cây đa to nhưng đã bị cháy từ lâu rồi. Tôi đã bày các thứ đồ cúng ra, thắp nhang khấn cho Ba và mong Ba  giúp tôi xác định nơi yên nghỉ của Ba. Tôi cũng nói với Ba tôi rằng giữa núi rừng âm u như vậy Ba hãy cho một con vật gì đó để chỉ cho con biết nơi an nghỉ của Ba. Trong khi nằm chờ đến giờ để gọi điện cho nhà ngoại cảm, thì có một con bướm vàng bay qua mặt 4 người chúng tôi và bay ra phía ngoài. Tôi đi theo và thấy nó bay ra phía Nam khoảng 13 mét rồi lại quay lại ( Vị trí nầy sau khi xác định là ngay cây hoa trắng ) Đúng 13h30 tôi gọi điện cho nhà ngoại cảm, cô nói:
-         Anh đang gọi điện cho em, anh đang quay mặt vào vách đá có phải không?
-         Đúng!
-  Anh đang bày bánh trái thắp nhang cho cụ ở phía trên bên tay trái của anh phải không?
-         Đúng!
-         Anh giữ nguyên chân trái, từ đó đo theo hướng Nam 12,8 mét.
Ấn và đứa cháu tôi nhanh chóng lấy thước dây ra đo đúng 12,8 mét. Tôi nói:
-         Chúng tôi đã xác định xong cự ly cô cho rồi.
     -   Anh có thấy 3 hòn đá chồng lên nhau không? Anh có nhìn thấy một cây dạng như dây leo có hoa màu trắng không?
Tôi nhìn vào trong hang thấy có 3 hòn đá chồng lên nhau và nói : Có. Cô nói:
-         Không phải. Trong đoàn hình như có một người nữ phải không?
-         Không có ai là nữ cả cô ạ?
-   Có một người đứng cao hơn anh đang đứng trên hòn đá ở bên tay trái người nầy có hoa trắng đấy.
Chúng tôi nhìn kỹ thì thấy có một nhánh cây hoa trắng nhỏ như hạt gạo.
-         Thấy bông hoa trắng rồi cô ạ!
-   Anh có đến 8 con mắt mà không nhìn thấy cây hoa trắng, trong khi đó em chỉ có 2 con mắt mà em lại nhìn thấy trước các anh.
Chúng tôi vô cùng thán phục tài năng của cô. Tôi hỏi:
-         Vậy nhờ cô xác định cho mộ của Ba tôi nằm ở vị trí nào?
-   Từ cây hoa trắng kéo thước đến đầu anh lấy khoảng cách 0,8 mét hạ xuống đất thì nơi đó là mộ của cụ.
     Chúng tôi thực hiện đúng như cô dặn. Đánh dấu xong, chúng tôi phát quang khu vực đó một cách nhanh chóng thì thấy lộ ra 3 tảng đá lớn chồng lên nhau. Vị trí mà cô xác định mộ là một khoảng đất có thể đào được nằm ngay cạnh 3 tảng đá, còn các vị trí xa hơn một chút thì không thể nào có thể đào được vì những chỗ đó là đá hòn hoặc tảng. Tôi chuyển các thứ bánh và trái cây về vị trí nầy và thắp nhang khấn cho Ba tôi. Con bướm vàng bay quanh chỗ đồ cúng và bay qua tấm hình của Ba tôi rồi bay mất hút. Cháu tôi đã tìm đường đi xuống suối, như vậy nếu từ vị trí chúng tôi đang thắp nhang đến suối cũng gần 50 mét. Bầu trời có mây đen và đã chuyển sang chiều tối, tôi điện hỏi ý kiến của cô, cô khuyên chúng tôi khấn xin ông lần sau sẽ lên. Chúng tôi rút quân xuống núi trong lòng ai cũng phấn khởi vì đã xác định được “mộ “ Ba tôi. Trên đường đi về tôi hỏi cháu tôi: Tại sao cô ngoại cảm lại nhìn ra con là con gái. Cháu tôi nói: tại hồi sáng khi đi cháu định mặc áo bảo hộ lao động nhưng thấy áo vợ cháu trên mắc áo, tiện thể cháu mặc chiếc áo chống nắng của vợ nên cô nhìn ra cháu là con gái.
           Tôi và Ấn đã tìm, gặp chú Trần Tiến Cung, nguyên là thiếu tướng Tổng cục phó Tổng cục 2. Khi vào nhà chú nhận ngay ra Ấn, sau khi chào hỏi chú xong Ấn đưa ngay tấm hình mà Ba tôi chụp cách đây hơn 40 năm rồi hỏi chú có biết người nầy không? Chú nói ngay: Anh nầy tên là Tác Vân. Tôi không ngờ chú có trí nhớ tuyệt vời lại biết cả biệt danh của Ba tôi từ thời chống Pháp. 
Chú kể lại : Năm 1965 Ba tôi và chú đã cùng học một lớp tình báo chiến lược ở  Hà Nội trong thời gian 8 tháng. Đầu năm 1966 chú, Ba tôi và nhiều chú khác cùng trên một chuyến xe đi vào Nam, khi đến Đà Nẵng chú xuống còn Ba tôi đi tiếp vào Nam nhưng không biết vào ở tỉnh nào (sau nầy xem lại lá thư đầu tiên của Ba gởi ra là Ba vào Khánh Hòa). Chúng tôi có nói cho chú biết nhà ngoại cảm chỉ Ba cháu hy sinh trên núi Sơn Gà ở huyện Hòa Vang. Nghe xong chú nói: Nếu Ba cháu có về tỉnh nầy thì chú phải biết vì lúc đó chú phụ trách tình báo ở Đà Nẵng. Chú lại nói tiếp cũng có thể cấp trên điều Ba cháu về đây nhưng chưa đi đến nơi thì bị ốm hoặc bị bắn chết nên chú không biết được. Chúng tôi lại nghĩ ý sau của chú nói có lẽ đúng.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bạn Trỗi luôn bên nhau lúc vui, buồn, cả những lúc tìm cha. Quý thật!