Lê
Elena – cháu gái của cố Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến mang một vẻ đẹp lai
rất dịu dàng. Chị là kết quả của một mối tình Nga – Việt. Cha chị là con trai một
Trung tướng Liên Xô (cũ), còn mẹ chị là Lê Thị Ngọc Ái, con gái duy nhất của cố
Bộ trưởng Lê Văn Hiến với nhà cách mạng nổi tiếng xứ Quảng – Thái Thị Bôi.
Elena yêu cha mẹ mình như mọi người con khác, thế nhưng người Elena gắn bó nhất,
không phải là cha chị, cũng không phải là mẹ chị, mà chính là ông ngoại chị, sự
gắn bó mà chị vẫn nói là một mối nhân duyên đầy may mắn mà chị được số phận ban
tặng khi sinh ra trong cuộc đời này.
Lê Elena không phải người
cháu duy nhất của vợ chồng cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, nhưng chị là
người cháu duy nhất sống với vợ chồng ông từ lúc lọt lòng, cho đến ngày cả hai
ông bà nhắm mắt xuôi tay, cũng là người cháu đang chăm sóc việc hương hỏa cho
ông bà suốt bao năm nay. Vì thế khi tôi hỏi Elena, tôi có thể tìm ai trong gia
đình chị để tìm những câu chuyện đời thường về Bộ trưởng Lê Văn Hiến cho bài viết
của tôi, Elena đã trả lời rất nhanh, rất đương nhiên: “Em hãy gặp chị”. Thật
may mắn vì dự định viết chân dung về người Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính của
tôi có lẽ rất thuận duyên, khi mà chỉ còn vài ngày nữa là tròn 15 năm ngày mất
của ông.
“Vị thuốc tinh thần cho người lữ khách”
Tôi có một cảm giác rất
kỳ lạ khi bước vào ngôi nhà của cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến từng sống
lúc sinh thời trên phố Tông Đản, ngôi nhà mà hiện nay, cháu gái của ông, Lê
Elena đang ở. Ngay lúc đó, tôi không thể diễn tả được cảm giác của mình là gì.
Nhưng trong buổi nói chuyện của tôi với Elena trong ngôi nhà đó, giữa lúc kể những
câu chuyện về ông ngoại mình, Elena chỉ vào hai chiếc ghế tựa ngay cạnh chỗ chị
ngồi, ngậm ngùi: “Hai chiếc ghế đó, khi còn sống ông bà tôi luôn ngồi đó đọc
sách và trò chuyện mỗi tối. Nó vẫn được giữ nguyên sau khi ông tôi mất…”, đến
lúc đó tôi đã hiểu cảm giác lạ lùng của mình lúc ban đầu: bóng dáng của người
đã khuất hiện hữu trên từng đồ vật, từng góc nhỏ trong ngôi nhà này, và hiện rõ
nét nhất trong đôi mắt dưng dưng của Elena khi chị kể về người ông mà chị quá đỗi
yêu thương và tôn kính. Trong một buổi chiều đầu đông se lạnh giữa lòng Thủ đô,
thật dễ chịu khi được ngồi trong một ngôi nhà tràn ngập hình bóng của quá khứ, bên cạnh chiếc ghế tựa cũ kỹ và nghe một câu
chuyện đặc biệt về chủ nhân của nó….
Bộ trưởng Lê Văn Hiến
có hai người vợ và cả hai đều là những nữ cộng sản nổi tiếng của Việt Nam. Trước
khi kết hôn với bà Lê Thị Xuyến – Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam, ông đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, dù ngắn ngủi với bà Thái Thị
Bôi, người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung xứ Quảng, chỉ tiếc là cuộc hôn nhân ấy
đã sớm kết thúc trong nỗi buồn, khi bà qua đời sau một cơn bạo bệnh vì những
đòn tra tấn dã man trong nhà tù thực dân Pháp.
Lê Văn Hiến và bà Thái
Thị Bôi quen nhau ở Huế. Hai ông bà học trong hai ngôi trường ngay cạnh nhau.
Ngày đi học, nếu như Bộ trưởng Lê Văn Hiến từng đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp
sơ đẳng tiểu học Pháp – Việt, thì bà Thái Thị Bôi là từng giành được học bổng
loại ưu, dành cho những nữ sinh đặc biệt xuất sắc của trường nữ sinh Đồng
Khánh. Bà Thái Thị Bôi là cháu ruột của nhà yêu nước Thái Phiên, người đã bị thực
dân Pháp xử tử sau khi cùng vua Duy Tân lập hội Duy Tân chống Pháp. Cha của bà
Thái Thị Bôi là ông Thái Văn Cân, sau khi nghe tin em trai mình bị xử tử, đã thổ
huyết mà chết. Cùng chung lý tưởng yêu nước, đôi trai tài gái sắc ấy đã nên
duyên vợ chồng và cùng tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ của Elena là Lê Thị Ngọc Ái, chính là kết quả duy nhất
của mối tình ấy. Elena kể: “Bà ngoại Thái Thị Bôi của tôi mất năm 1938, khi bà
mới 27 tuổi. Tôi chào đời sau đó gần 30 năm, chỉ biết về bà qua những gì ông
tôi kể. Ông tôi nói, bà tôi là một trong những nữ cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng
Sản Việt Nam, bà thậm chí còn là Đảng viên Cộng sản trước ông. Khi còn sống, bà
rất tháo vát và giỏi kinh doanh. Bà kinh doanh nhà in Việt Quảng, lò gốm sứ ở
Tam Kỳ, lò ấp trứng vịt và giao buôn ở Quảng Ngãi, đại lý rượu vang ở Thanh
Hóa, tiệm thuốc bắc ở phố Thuốc Bắc Hà Nội… Ngoài việc làm kinh tế để gây dựng
phong trào cách mạng, ông bà tôi còn dùng tiền có được để trả tiền học và tiền
trọ cho các học sinh Việt Nam nhà nghèo, thi đỗ vào trường Pháp nhưng chưa đủ
điểm để nhận “Học bổng Bảo hộ”. Ông bà tôi lấy nhau, cùng tham gia hoạt động
cách mạng, lại cùng chịu cảnh tù đày bắt bớ, nên suốt 10 năm vợ chồng, ông bà cứ
như vợ chồng ngâu: lúc bà tôi đang ở ngoài hoạt động thì ông tôi bị địch bắt,
lúc ông tôi được tự do, lại đến lượt bà bị thực dân Pháp tống giam. Bà tôi sinh
được 3 người con, thì 2 người con qua đời từ lúc mới sinh nên mẹ tôi là con gái
duy nhất của ông bà. Khi mang thai người con thứ ba, đúng lúc đang bụng mang dạ
chửa thì bà tôi bị địch bắt. Bà tôi bị tra tấn và chỉ được thả ra khi đã gần
như kiệt sức. Không lâu sau đó thì bà cũng bỏ ông tôi mà đi. Ông tôi góa vợ, mất
con khi mới 35 tuổi, nỗi đau chồng chất nỗi đau, một mình nuôi mẹ tôi, lúc
đó mới hơn 3 tuổi”.
Lê Văn Hiến gặp người vợ
sau này – bà Lê Thị Xuyến sau Cách mạng tháng Tám và nên duyên vợ chồng năm
1949, nhưng trước đó, ông bà đã có nhiều năm biết nhau, khi Lê Văn Hiến đã từng
có thời gian dài hoạt động chung với người chồng đầu tiên của bà Lê Thị Xuyến –
ông Phan Thanh, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng thời đó. Có một sự trùng hợp là
năm 1938, khi ông Lê Văn Hiến góa vợ, thì năm 1939, bà Lê Thị Xuyến cũng mất chồng. Ông Phan
Thanh chồng bà đã qua đời vì một cơn bạo
bệnh. Gặp lại nhau sau cách mạng tháng Tám, ông bà đã nhận ra người bạn, người
đồng chí quen biết lâu năm cùng quê hương xứ Quảng chính là người có thể cùng
mình chia sẻ những mất mát đã qua và cùng gắn bó trọn cuộc đời sau này. Sau
Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ có ý mai mối cho ông với một đám khác, nhưng Bộ trưởng
Lê Văn Hiến đã kể cho Bác về tình cảm của mình dành cho bà Lê Thị Xuyến và lời
hẹn ông bà dành cho nhau. Khi thấy Bác còn băn khoăn, lo lắng nên chưa đồng ý,
ông đã nói: “Xin cho chúng tôi bàn bạc lại,
nếu hứa hẹn không thành, xin Cụ cứ cho phép tôi gác việc riêng, vì thật tình
tôi không thể có một quyết định nào khác”. Suốt 7 tháng sau, khi Bác hỏi, ông vẫn
không thay đổi câu trả lời của mình. Hiểu rằng bà Lê Thị Xuyến sẽ là sự lựa chọn
duy nhất của vị Bộ trưởng Tài chính của mình cho cuộc hôn nhân thứ hai, tin tưởng
vào tình cảm của ông bà, Bác đã tác thành cho ông bà nên vợ nên chồng năm 1949.
Sinh thời, Bộ trưởng Lê
Văn Hiến đã nói rằng bà Lê Thị Xuyến “có một tâm hồn cao đẹp trong một thân
hình mảnh mai”, là người mà sau khi người vợ đầu tiên của ông, bà Thái Thị Bôi
qua đời, đã khiến ông “bâng khuâng, thổn thức, nhớ thương, chờ mong”, là người
khiến lòng ông ấm lại sau khi mất đi người vợ đầu. Trong hồi ký của mình, viết
về người vợ sau này- nữ chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
ông viết: “Xuyến có nhiều tư cách giống Bôi quá, nhất là tính giản dị, hồn
nhiên và đức độ. Về tính cương quyết trong công việc thì cũng như nhau. Chỉ
khác, Bôi thì trầm mặc, còn Xuyến thị bộc lộ rõ hơn”. Ông vẫn nói mình là một
người đàn ông may mắn vì có hai cuộc hôn nhân hạnh phúc. và ông trân trọng vô
cùng sự may mắn đó, vì “đời không chỉ là một cuộc chiến đấu mà còn là niềm vui.
Hạnh phúc là gì nếu không phải là sự thành công trong chiến đấu? Lẽ sống con
người ở đâu, nếu trong hương vị cuộc đời, không có sự thỏa mãn tình cảm?”. Đến
phút cuối đời, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã có được cả hai điều đó: ông có một sự
nghiệp đáng tự hào, khi cả đời chiến đấu vì lý tưởng; còn ở đời riêng, ông có
hai người vợ, một người vợ đầu đã khuất và người vợ sau đã đi cùng ông gần trọn
cuộc đời, với ông đều là “vị thuốc tinh thần cho người lữ khách trong cảnh đời
sóng gió”.
Chiếc
ghế tựa và mối tình đẹp qua thời gian
Bộ trưởng Lê Văn Hiến
và Chủ tịch Hội LHPN Lê Thị Xuyến về sống chung một nhà khi ông đã có một người
con gái với người vợ đầu, bà cũng có hai người con trai với người chồng trước
(một trong hai người con trai của bà với ông Phan Thanh tên là Phan Diễn,
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng – pv). Đến
với nhau khi tuổi đã cao, lại thường xuyên xa nhau vì nhiệm vụ cách mạng, nên
ông bà không có người con chung nào. Nhưng dù sống cảnh “con anh, con em”, những
người con của cả hai ông bà không bao giờ phải trải qua cảm giác về một gia
đình không trọn vẹn. Luôn luôn, trong suốt những năm tháng vợ chồng, cả hai ông
bà, người này đều yêu thương con riêng của người kia như máu mủ ruột thịt của
mình. Chị Elena nói: “Có lẽ chính vì tình yêu thương không hề phân biệt của cả
hai ông bà, nên sau này, cậu Phan Diễn, Phan Vịnh luôn dành cho ông tôi những
tình cảm trìu mến như một người con dành cho cha. Cũng như mẹ tôi và tôi luôn
yêu và kính trọng bà ngoại Lê Thị Xuyến và xúc động trước những tình cảm bà
dành cho chúng tôi. Tất cả những nết ăn, nết ở, những thói quen của tôi, đều ảnh
hưởng từ bà. Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi không phải cháu ruột thực sự
của bà. Vì bà luôn dành cho tôi tình yêu của một người bà thật sự: yêu thương,
nhân từ, chăm sóc, bảo ban. Bà khiến cho tôi có cảm giác bà yêu thương tôi như
một lẽ tự nhiên. Tôi, chứ không phải con cậu Diễn, cậu Vịnh mới là người được ở
gần bà nhiều nhất, được bà yêu chiều, lo lắng nhất. Khi các con tôi lần lượt ra
đời, cũng chính là bà đã chăm sóc, ẵm bồng chúng từ thuở nằm nôi”.
Elena kể, mỗi năm, gia
đình chị đều có những ngày rất đặc biệt, đó là ngày giỗ của ông Phan Thanh, bà
Thái Thị Bôi, sau này, khi bà Lê Thị Xuyến và ông Lê Văn Hiến lần lượt qua đời,
mỗi năm cả gia đình có 4 cái giỗ lớn: “Chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ nếp sống
và suy nghĩ của ông bà. Với gia đình tôi, dịp giỗ chạp không chỉ đơn giản là dịp
làm mâm cơm cúng người đã khuất. Đó còn là dịp chúng tôi cùng nhau ngồi lại và
cùng hồi tưởng về những người thân của mình. Mỗi dịp giỗ bà Thái Thị Bôi, ông
tôi lại ngồi quây quần quanh con cháu, kể những mẩu chuyện về bà. Ông nói con
cháu nhất định phải nhớ lấy những câu chuyện ông kể, để nhớ bà và tự hào về bà.
Mỗi dịp giỗ ông Phan Thanh, sẽ đến lượt bà Xuyến kể chuyện”.
Đó cũng là lời hẹn của
vợ chồng Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến. Khi lấy nhau, ông bà đã hẹn
với nhau vào những dịp kỷ niệm ngày mất của người vợ và người chồng quá cố của
mình, ông bà sẽ ở bên nhau để cùng tưởng nhớ tới những người mình đã yêu
thương. Và ông bà đã luôn giữ lời hứa đó, cho đến ngày sinh ly tử biệt.
Elena có may mắn được sống
với vợ chồng cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến từ nhỏ, chị hạnh phúc vì đã được ở bên
ông bà suốt cuộc đời mình. Ở bên cạnh ông bà ngoại, chị đã chứng kiến tình yêu
dịu dàng mà ông bà dành cho nhau: “Hai cái ghế tựa ở góc nhà, khi còn sống, là
nơi ông bà tôi vẫn ngồi đó mỗi tối. Tôi nhớ những ngày xa xưa, mỗi buổi tối như
thế, ông bà tôi ngồi bên cạnh nhau. Có khi họ yên lặng đọc sách, có khi bà tôi
kể cho ông tôi nghe một câu chuyện gì đó, hay đưa ra một quan điểm nào đó. Ông
tôi là người ít nói, ông tôi thường ngồi lắng nghe bà tôi mỗi buổi tối như thế,
dù im lặng, nhưng vô cùng chăm chú”.
Có một điều đặc biệt là chị Elena chưa bao giờ
thấy ông bà mình to tiếng với nhau suốt những năm tháng chồng vợ. Ông bà luôn
dành cho nhau những cử chỉ chăm sóc dịu dàng. Bà có thể dành hàng giờ để cặm cụi
nấu cho ông những món ăn ông thích. Ông ăn uống rất đơn giản, chỉ cần muối vừng,
rau luộc, cá kho, nhưng phải do chính tay bà nấu. Mỗi bữa ăn, ông vẫn thường
nói với con cháu: “bà nấu ăn cho cả nhà ngon không chỉ vì bà khéo tay đâu, mà
vì bà làm bằng cả tấm lòng, tình yêu thương đấy. Các cháu hãy học ở bà điều đó,
làm việc gì cũng phải có cái tâm” – những lời khen tế nhị, kín đáo nhưng cũng rất
chân thành của ông luôn khiến bà cảm động.
Chị Elena kể: “Ông tôi
không chỉ dành cho bà tôi những lời khen xuông. Ông đáp lại sự chăm sóc của bà
theo cách riêng của mình. Trước khi bà tôi mất, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ
trong suốt mấy chục năm trời, luôn luôn ông tôi lấy lọ dầu thơm xoa lưng cho
bà. Ông tôi làm việc đó với sự hạnh phúc và dịu dàng khó tả, cái mà người ta chỉ
có khi thực sự yêu nhau.
Khi về già, ông bà tôi
mỗi người ngủ một phòng riêng. Lúc ông bà còn sống, tôi thường thấy bà tôi sang
giường ông tôi, mắc màn cho ông, còn ông tôi sang giường bà mắc màn cho bà. Tôi
nhớ có lần tôi từng hỏi sao ông không tự mắc màn cho ông, bà không tự mắc màn
cho bà, mà lại phải qua lại cầu kỳ như thế, ông bà chỉ cười. Hỏi thế, nhưng tôi
tự hiểu và rất cảm động. Tôi biết ông bà tôi muốn thể hiện tình yêu qua từng sự
chăm chút nhỏ nhặt, đôi khi tưởng không quan trọng nhưng lại rất cần thiết đó.
Những cử chỉ nho nhỏ ấy, làm cho ông bà
tôi luôn ấm áp, hạnh phúc”.
Sau này bà Lê Thị Xuyến
mất, oông rất suy sụp. Có lẽ nếu bà không đi trước ông, ông sẽ còn sống thêm được
vài năm. Một khoảng thời gian lâu sau khi bà bỏ ông đi trước, tối nào chị Elena
cũng thấy ông lên giường ngủ sớm, nhưng chỉ được một lúc là ông dậy thắp hương
cho bà, rồi đi ra cái ghế tựa, ngồi lặng im trên đó hàng giờ đồng hồ, có khi là
suốt đêm. Có những đêm chị Elena thức dậy giữa đêm, thấy ông vẫn ngồi ở cái ghế
tựa quen thuộc đó, chị nhắc ông đi ngủ nhưng không được. Có lẽ đó là những lúc
ông rất nhớ bà, là những lúc ông thấy trống vắng đến vô cùng khi cái ghế tựa kế
bên cạnh ông sẽ không bao giờ còn có bà ngồi ở đó. Sau ngày bà mất, có lần khi
chuông điện thoại reo, ông buột miệng nói: “bà gọi đấy”. Đó là lần đầu tiên,
sau 92 năm sống trên đời, ông bị lẫn. Con cháu trong nhà đều mơ hồ một cảm giác
rằng, ông sẽ không ở lại lâu sau khi bà ra đi, bởi dường như sự cô đơn, mất mát
sau cái chết của bà đã cướp mất sức sống trong con người ông. Nỗi lo sợ đó đã
trở thành sự thật không lâu sau đó. Bà mất năm 1996 thì chỉ một năm sau, - năm
1997, ông ra đi.
Đã có nhiều bài viết về
cuộc đời cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến. Tựu chung những bài viết đó, những người đã
quen biết ông, đã từng sống, từng làm việc cạnh ông, đều thừa nhận một điều,
ông là người có tính cách rất giản dị.
Giản dị là khi làm Bộ
trưởng Bộ Tài chính bao nhiêu năm nhưng khi ông qua đời, ông gần như không có
gì ngoài một thứ: đó là một đồng tiền bằng vàng mà vào năm 1948, theo chủ
trương của chính phủ cho đúc đồng tiền đó để làm tượng trưng cho giá chị của đồng
tiền Việt Nam, ông đã đúc 200 đồng tiền này để gửi tặng các thành viên trong
Chính phủ, các anh hùng chiến sĩ, các lãnh đạo địa phương như một kỷ niệm, một
lời đảm bảo cho giá trị đồng tiền Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Bản thân ông
cũng giữ một đồng. Sau này, không còn ai giữ đồng tiền đó nữa, vì có lẽ trong
hoàn cảnh khó khăn, người ta đã chuyển vàng thành tiền để phục vụ cho các nhu cầu
hàng ngày. Riêng ông vẫn giữ và để dành tặng vật thừa kế duy nhất ấy cho con
gái mình – Lê Thị Ngọc Ái…
Giản dị là khi về hưu,
đều đặn mỗi sáng sau khi chạy thể dục quanh hồ Gươm, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính
lại về biệt thự 11A Tông Đản, cầm cây chổi quét sân, có hôm đi móc cống nếu cống
tắc; giản dị là sau đó, ông về nhà, đợi vợ mình thức dậy, ông gấp chăn cho bà,
cùng bà ngồi trên chiếc ghế tựa, nghe bà kể những câu chuyện nhân tình thế
thái…
(Còn tiếp)
18 nhận xét:
Gia đình tôi có nhiều kỉ niệm với bác Hiến khi bác là bộ trưởng Tài chính rồi sang Lào làm đại sứ. Bác và cha tôi hay có mặt trong đoàn Chính phủ mỗi lần làm việc về tài chính, viện trợ với TQ.
Mẹ tôi từng nhiều năm làm công tác Phụ nữ từ kháng chiến chống Pháp nên khi bà mất (8/1993), bác Xuyến dẫn đầu đoàn cán bộ lão thành của Hội LHPN đến viếng mẹ tôi ở BV Việt Xô. Nhìn các bác Xuyến, Lân (vợ bác Nguyễn Chánh), cô Phin (mẹ Vũ Toàn Thắng) lụ khụ đi sau vòng hoa mà không cầm được nước mắt.
Anh Phan Quốc Khánh, thầy dạy Toán ở Đại học QS thân thiết với chúng tôi, là con cụ Phan Bôi Hoàng Hữu Nam cũng là bà con với anh Phan Diễn.
Vì những lí do ấy mà khi đọc bài này cảm thấy xúc động, gần gũi. Cảm ơn tác giả!
A.Quốc: vợ bác Nguyễn Chánh là cô Trinh chứ?
A.Quốc: vợ bác Nguyễn Chánh là cô Trinh chứ?
Elena Lê không theo họ bố à Hương ơi?
Elena sau này mang hai quốc tịch, tên tiếng Nga của chị ấy là Elena Morgun. Tên Lê Elena chị ấy dùng để tiện giao tiếp với mọi người - chị Elena bảo thế ạ.
QV có phải là chú Quang Việt ko ạ? :D
Tô Lan Hương
Hồi nhỏ nhà tôi đối diện với nhà bác Hiến. Vẫn nhớ: thỉnh thoảng lại có 2 - 3 "ông tây" ngồi trên nhà đàn hát rất vui vẻ. Và cũng biết nhà bác Hiến có một con nhỏ lai rất xinh.
HMK6
Ở nhà vẫn gọi là bà Lân, Đạt ạ.
Lan Hương đoản đủng rôi.
BT5
Hồi nhỏ vào mùa hè tôi hay đi bơi ở bể bơi Ba Đình,thường gặp 2 bác cho 2 cháu gái Lena và em gái Thu Hà đi bơi cùng.Không hiểu bây giờ Thu Hà ở đâu,kg thấy nhắc đến trong bài viết.HP
Hương có giải đáp được câu hỏi của cô Hạnh Phúc?
Nếu là người con gái thứ hai của cô Lê Thị Ngọc Ái, thì hiện giờ đang sống ở bên Nga rồi ạ. Cháu nghe chị Elena nói thế!
Hihi, cháu đọc câu hỏi, ko hiểu sao nghĩ ngay là chú Quang Việt
Thế từ ngày ra HN chưa gặp chú Việt học English à?
Cháu có đến gặp rồi ạ. Làm bài test rồi. Nhưng mà cháu cứ chạy như ngựa (xấu hổ quá). Cháu đi chơi nốt đợt này rồi về học ạ.
Lêna
Kính chào quý đọc giả
Em gái tôi là Morgoun Le Thu Ha định cư ở Ucraina, thành phố Vin-nhit-xa từ 1985 khi em sang học y khoa, em có gia đình và 2 con, nếp tẻ đủ cả. “Thu Hà” là bí danh hoạt động CM của bà ngoại Thái Thị Bôi, ông ngoại đặt để kỷ niệm.
Chúng tôi có hai quốc tịch, và tên đầy đủ là Morgoun Le Elena Ivanovna.
Đúng là lúc bé hai chị em tôi được ông dạy bơi ở bể bơi câu lạc bộ Ba Đình nên may mắn biết bơi từ lúc 3 tuổi.
Kính mong các cụ, các bác còn lưu giữ kỷ niệm về gia đình chúng tôi làm ơn cho tôi biểt để có thể lưu lại trong cuốn sách “Lịch sử gia đình” mà mẹ quá cố của tôi và bây giờ tôi tiếp tục soạn thảo. Xin liên lạc về: lenamorgoun@gmail.com hoặc số nhà 11a Tông Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trân trọng.
Lêna
Kính gửi bác Trần Kiến Quốc
Cụ Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam Thứ trưởng Bộ Nội vụ mất ở Tuyên Quang do lũ quét. Mộ cụ ở trên đó mãi mà Bộ Nội vụ chưa đưa về. Ngày ông cháu về hưu sau 14 ĐS đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Lào, ông ngoại đã sang cát đưa di hài cụ Phan Bôi về nghĩa trang Mai Dịch. Hiện nay chúng cháu vẫn chăm nom cả 3 ngôi mộ của gia đình ở Mai Dịch (ông bà ngoại và ông Nam).
Ngày cháu còn bé, cháu thấy ông cháu đón cả gia đình bà Nam và 3 người con của ông Nam (cô Nhã, cô Minh, cậu Khánh) về ở Tông Đản và ăn cơm cùng, một bàn ăn dài mười mấy người – thật là đặc biệt.
Cậu Khánh giỏi toán, vẽ truyền thần tuyệt đẹp và rất đẹp trai, sau cậu đi Ba Lan học toán ở Học viện quân sự.
Ông Phan Bôi là anh trai ông Phan Thanh.
Hiện nay, cậu Khánh, cô Nhã, cô Minh đều sống ở Sài Gòn.
KMS gửi chú KQ: Chị Elena nhầm một chút, ông Phan Bôi (1911-1947)là em trai ông Phan Thanh (1908-1939)
Cảm ơn bạn K.M.S
Đăng nhận xét