Có mấy anh bạn dân 36 phố phường mà mấy chục năm trước từng tham gia nhóm "2 ngón" nhảy tàu điện suốt từ Bạch Mai tới Bờ Hồ, lên chợ Đồng Xuân, xuống Cửa Nam, Cầu Giấy, Hà Đông... Nay cũng đã ngót nghét 6 sọi. Gặp nhau, họ kể lại chuyện của 1 thời mà theo tôi đó cũng là "1 nét văn hóa" Phố cổ. (Vì rằng, có phải mới có trái, có xấu mới có đẹp, có thuận phải có nghịch... nên chắc bà con ta ủng hộ?).
Nhảy tầu điện là kĩ thuật thằng nào cũng phải biết. Tầu chạy nhanh đến mấy, muốn xuống bất kì đâu chỉ cần ngả hết người ra sau, rồi thả tay, thì theo quán tính sẽ được kéo theo đoàn tầu và khi chân vừa tiếp đất thì người đã thẳng như đang đi bộ trên đường. Vì vậy vừa "gắp" được cái gì trên tầu là phải biến ngay. Lập tức chú mày phải "hạ cánh an toàn" xuống đất, cách xa khổ chủ của món hàng, cách xa dân kẻo bị tóm. (Nhóm từ này chắc sau này được bọn quan tham dùng?).
"Hai ngón" với ý là chuyên đi móc túi bằng 2 ngón tay. Nhà ga, bến tầu, bến xe, trên xe điện là "địa bàn quen thuộc" của họ. Vì xe cộ ngày ấy khó đi lắm (hiếm), đã đi phải chen tầu, chen xe. Vào được bến tầu, bến xe là chỉ chăm chăm lo mua được vé; vậy là lơ là mất cảnh giác. Đó chính là cơ hội cho cánh 2 ngón làm ăn.
Ngày xưa ai có cây bút máy Kim Tinh của TQ, gài ở túi ngực là sang lắm. Nắp mạ vàng, thân bằng nhựa có nhiều màu: đỏ, đen, xanh. Ngòi bút viết có nét đậm, nét nhạt, nhẹ như bẫng, viết cứ trơn tuồn tuột. Bút này mà lấy được là được chuyển ngay ra các quầy khắc bút ở Bờ Hồ. Khách quê lên dạo chơi Bờ Hồ, thấy bút đẹp, được tán vào, thích là mua về làm kỉ niệm. Vậy lấy bằng cách nào?
Theo "công nghệ chôm", các chôm viên phải để móng tay út dài (thuận tay nào thì nuôi móng ngón út bàn tay ấy). Khi phát hiện ra con mồi có gài bút Kim Tinh thì lập tức bám sát rồi chạy lên phía trước và quay ngược lại, đi trực diện vào "khứa". Khi đi ngang qua "khứa", khẽ lấy cánh tay trái che, còn thò ngón út bàn tay phải qua nách, móc vào cái khấc của nắp bút. Bút rời khỏi túi, vừa rơi sắp tới đất thì đồng bọn đi sau thò tay hứng lấy nên thằng móc túi không bị lộ.
Không chỉ lấy bút máy mà tụi nó chôm cả nắp chuông xe đạp. Đặc biệt nắp chuông xe Lơ-giô (Peugieur). Một cao thủ chôm chôm kể: "Nắp chuông xe Lơ là loại xịn nên xoay 1 phát là cứ theo đường ren chạy phăng phăng, khi ren đến rãnh cuối cùng, vừa rời vị trí sắp rơi xuống tới đất là có bàn tay của thằng đi sau cúi xuống, hứng gọn". Vậy ai mất đành phải xuống Chợ Giời lang thang tới các quầy phụ tùng bán lẻ mà mua lại chính nắp chuông của mình.
Như xiếc, cánh 2 ngón phải tập tành quyết liệt mới thành nghề... Mặt nào đó, nó cũng là nghệ thuật(!). Nay mới biết cánh 2 ngón làm ăn ra sao.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
20 nhận xét:
Có lần cháu cũng phải ra chợ Giời mua lại chiếc gương xe máy của cháu đấy chú KQ ạ. Bọn cửa hàng còn hỏi là "có phải cái gương mất ở khu (chỉ đúng chỗ mất) không ? Thế mới bực chứ. Chẳng biết có phải nghề gia truyền không mà bền lâu và phát triển thế không biết ?
Một lần chú mất cái gương soi hậu xe Honda 50, mà sau gương có vết quẹt. Ra chợ đi tăm tia và phát hiện ra gương của mình. Chú lại quen chú Thắng 'khổ', đàn em ở khu tập thể Dệt kim Đông Xuân, gần Chợ Giời. Vậy là chú Thắng nhờ ngay 1 CSKV thân, ra tận nơi sờ gáy. Và lấy lại được chiếc gương mà không mất xu nào.
Đọc xong bài viết định Comm về "Dương tiên sinh" của lãnh địa chợ trời Trần cao Vân-Nguyễn Công Trứ ThắngK thì đã thấy KQ nhắc đến thằng em ruột này rồi! Kỷ niệm một thời, cảm xúc cùng lúc... chắc chết cũng không quên!
Quá khứ ngọt ngào, một thời để nhớ. Hanội thật lạ lùng," hai ngón" cũng duyên, cũng đẹp đến khó quên. (TĐ)
Cháu nể quá câu "Hà Nội thật lạ lùng, "hai ngón" cũng duyên, cũng đẹp đến khó quên !" !!!
À, mà qua bài này cháu phát hiện thêm chú KQ có tài viết Sử quá hay. Cái tài đã làm cho một điều không đẹp được mô tả "trần trụi " lại đáng yêu đến thế ! Bài nào của chú về kỷ niệm cũng hay chú KQ ạ. Giá như chú viết về tham nhũng (hai ngón cao cấp) cũng đáng yêu như thế nhỉ ?!!!
Lịch sử là những cái gì đã xẩy ra, nó có thế nào thì cũng là sự thật trần truồng.
Tất cả mọi con người đều sẽ trở về cát bụi, đừng để người VN lúc nào cũng nói "từ khi tơi sinh ra nó đã như thế này"!.
Nên ai có thời gian nên viết hồi ký.
Không biết VT có biết trong đầu những năm 70s ở "phố tẩy" tối thứ 7 thường hay có trò "thanh niên cờ đỏ" đi cắt tóc thanh niên tóc dài, hay rạch quần ống loe của thanh niên không?
Còn 20 năm nữa nếu thấy con gái VN cởi truồng đi ngoài đường thì cũng đừng ngạc nhiên.
CB
Viết được nhưng ghét bọn nó lắm. Chú nhìn thấy sự bẩn thỉu của bọn quan tham thời nay cách đây hơn 20 năm và coi khinh bọn chúng.
Riêng cánh 2 ngón ngày xưa còn có bạn. Thế họ mới tâm sự về mặt trái với mình chứ. Còn bọn quan tham ngày nay thì về vườn chả có ai chơi. Quan hệ của chúng chỉ là TIỀN. Chúng nó về hưu là 'hưu hắt'. Có thằng còn làm 'hưu chó' (tham vợ trẻ, bỏ vợ già, về hưu thì trông nhà, trông con cho con vợ nó đi nhởi. Khác gì chó giữ nhà!).
Chả ai là xấu cả, chả ai là tốt cả. Trong cái xấu người ta vẫn có mặt tốt.
Nhẩy tàu thì đúng là "chỉ cần ngả hết người ra sau, rồi thả tay, thì theo quán tính sẽ được kéo theo đoàn tầu và khi chân vừa tiếp đất thì người đã thẳng như đang đi bộ trên đường.". Nhưng thế chưa hay và chưa đẹp, mà phải "bổ" tàu mới hay. Với kỹ thuật này thì khi rời tàu bỏ chân trước theo hướng tàu chạy xuống trước nhẩy xuống quay nặt ngược hướng tàu chạy. Khi vừa chạm đất thì quay người thật điệu nghệ 1 nửa vòng về hướng tàu chạy trông như bổ con quay vậy. Hồi đó chúng nó còn thi nhau xem đứa nào "bổ" đẹp hơn.
Đúng là một thời khó quên!
HMK6
ND "06:21 Ngày 16 tháng 3 năm 2013": Bạn lại theo thuyết âm trong dương - dương trong âm rồi! Đúng là bọn "quan xấu" ngày nay cũng có cái tốt là kiếm nhiều tiền cho mình và cho vợ con mà ko cần trông đợi vào nhà nước theo thuyết "dân giàu thì nước mạnh", còn thằng nghèo thì ráng chịu. Hi hi!!!
HMK6
Nghe tả thế thì đẹp thật ! Không biết có trường hợp nào "bổ" vào bánh tàu chưa chú HMK6 ?
Mà lập luận "dân có giàu thì nước mới mạnh" của chú HMK6 hay đấy ạ. Nhìn cuộc sống lạc quan thế thì Hà Nội mới duyên, các "quan" mới thực hiện lời Bác Hồ dạy là "lấy dân làm gốc" chứ !
HM tả đúng nghề của dân 2 ngón đấy.
VT là "Đứa" nào mà nó chọn được câu Comm của Bác TĐ mà "NỂ" vậy? kể cũng là "Đứa" đọc tinh!
Được gọi là "Đứa" với "nó", bỗng thấy ND đáng yêu quá !
Ôi. Buồn cười quá ND ạ !
Mà gọi là 'đứa' cũng được, k9 mà. Cháu gái k9 này từng lên chiến trường xưa của các cô chú Trỗi ở An Mỹ, Đại Từ với các chú Quang Việt, Chu Kì Minh k2.
Gọi là "đứa" có nghĩa là "bác" ND đang có thiện cảm và yêu quý VT đấy chú KQ ạ. Cháu biết mà ! Không phải comtment nào cũng tạo được cảm giác cho đối tượng vậy đâu ạ.
VT: "bổ" vào bánh tàu thì chưa, nhưng ngã lỏng chỏng ra đường thì nhiều rồi. May mà hồi đó toàn xe đạp chứ chưa có xe gắn máy và oto nhiều như bây giờ!
Tôi nhớ hồi đó được Khánh Thái "truyền" cho cái món này. Hay ra phết!
HMK6
VT ơi! Về cái câu vừa hỏi, vừa gọi:
"Đứa nào!?" Bác kể cho cháu nghe một chuyện vui: Chú DMĐ cưới cô Yến. Tiếp tân là các học trò của thầy Đức. Khách mời đông lắm, có thầy TĐ, thầy KQ... của HVKTQS. Các cô tiếp tân ra sảnh chờ tươi cười mời các chú, các bác vào trong hôn trường xơi nước...
Thầy Đức thoáng nghe học trò mời khách vội đỡ lời quát toáng lên: "Chúng mày" "Náo!" Đây là các thầy của thầy, phải mời lại:" Mời các Cụ, các Ông vào trong xơi nước ạ! ...". Vui quá mọi người cùng cười vang.Đám cưới chú DMĐ là một kỷ niệm đẹp khó quên.
Đăng nhận xét