Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Đinh Tiến Hậu: Tôi không đòi quyền tác giả


Thứ Hai, 25/06/2007 17:14

Trước hết tôi xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Lưu và nhạc sĩ Nguyễn Cường đã nêu vấn đề Ai là tác giả của bài hát Ngôi sao ban chiều của tôi. Cách đây 7 năm, trên báo Đầu Tư, nhà báo Nguyễn Lưu đã có bài Ngôi sao ban chiều - bài hát Nga hay sáng tác của một người Việt Nam. Trong bài báo này, ông nêu lên một số nét đặc trưng của bài hát và cho rằng đó là kết quả của sự giao thoa giữa các nền âm nhạc trên thế giới, ta thường gặp trong các sáng tác không cứ gì ở ca khúc mà trong khí nhạc cũng có. Vấn đề này là dễ hiểu, không có gì phải bàn thêm. Cuối bài báo, ông Nguyễn Lưu kết luận: Tác giả của nó không đặt vấn đề kiện bản quyền, không ồn ào về những gì đã qua.


Gần đây trên báo Sức khỏe & Đời sống có bài Nhân đọc bài “Một bài hát Việt bị nhầm là bài hát của Nga” của Hoài Nguyên. Bài báo này của một vị giáo sư, sau khi nêu những thông tin dựa trên nội dung của hai bài báo trước đó, vị giáo sư nọ đặt nhiều câu hỏi về quyền tác giả khiến tôi có nhiều suy nghĩ không vui. Sau đó vị này có căn dặn các nhạc sĩ đừng có xu hướng sáng tác bài hát Việt xa lạ với nhạc điệu và linh hồn Việt Nam, rồi sau cùng ông liên hệ luôn đến vấn đề đạo nhạc.
Trong một bài báo nêu hai hiện tượng mà ông không phân biệt được đúng sai trong âm nhạc, ông đã mượn tên tác phẩm và tên tác giả của tôi làm dẫn chứng, theo tôi đó là một sự liên tưởng thiếu tế nhị không đáng có.
Tôi còn nhớ trước khi viết bài Ngôi sao ban chiều - bài hát Nga hay sáng tác của một người Việt Nam, nhà báo Nguyễn Lưu đã mời tôi lên tòa soạn hỏi han kỹ lưỡng và sau đó ông còn đọc cho tôi nghe bài đó một lần.
Nhưng lần này vị giáo sư nọ mà tôi không quen biết không hề trao đổi với tôi mà vô tình hay cố ý xâm phạm đến danh dự của tôi trong một bài viết, điều đó không thể chấp nhận. Lẽ thường trước khi bàn luận về một tác phẩm nào đó người viết phải phân định rạch ròi 2 khái niệm đâu là sáng tác chịu ảnh hưởng của một nền nghệ thuật, đâu là đạo nhạc. Một cái được phép và một cái không được phép.
Tôi nêu một ví dụ: Có một đoàn nhạc sĩ Việt Nam được mời sang Campuchia chẳng hạn, và đương nhiên phần lớn trong số họ sẽ có một vài sáng tác để kỷ niệm cho một chuyến đi. Sẽ có 2 cách viết: một là dùng dân ca Việt Nam để thể hiện, hai là dùng dân ca của nước bạn trong sáng tác của mình để làm linh hồn cho tác phẩm, điều này không sai.
Nói thêm về xuất xứ bài hát Ngôi sao ban chiều của tôi. Ngày ấy, tôi có một người bạn gái đang theo học tại Liên Xô cũ, tôi đã đem lòng yêu mến người này và viết tặng cô bài hát Ngôi sao ban chiều. Trong số hồ sơ xin thi vào Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội (nay là Nhạc viện Hà Nội) tôi có gửi kèm theo bài hát này. Sau đó trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lần tôi được nghe sáng tác của mình trong các kỳ biểu diễn của các ca sĩ, qua những cuốn băng và những ấn phẩm trong những giáo trình âm nhạc. Và đặc biệt trong một bộ phim nhiều tập gần đây có sử dụng một đoạn ngắn bài hát của tôi. Qua những sự kiện trên, tôi chưa hề đề xuất bản quyền với bất cứ một người nào đã sử dụng sáng tác của tôi. Tôi lại càng không hề nhờ vả đến một vị giáo sư nào đó đòi bản quyền cho mình. Tôi xin gửi đến bạn đọc báo Sức khỏe & Đời sống cùng các nhạc sĩ quen biết hiểu rõ vấn đề này của tôi. Xin cảm ơn báo Sức khỏe & Đời sông đã cho tôi cơ hội này.

1 nhận xét:

Tualinh nói...

KQ : Tg bài viết tên là gì vậy anh KQ?