Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

BUÔNG ! (Huỳnh Văn Úc)

 Ngày xửa ngày xưa ở nơi thâm sơn cùng cốc nọ có một ngôi thiền tự ở lưng chừng một ngọn đồi cao, từ chân đồi lên đến tam quan là con đường dốc với mấy trăm bậc. Vị thiền sư trong câu chuyện kể của tôi tu ở đây, tuổi đã năm mươi, cái tuổi ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Ngài xuất gia từ lúc còn là một thư sinh tuổi đôi mươi, sau khi lai kinh ứng thí mà không đỗ đạt, khi trở về làng thì người con gái mà ngài đem lòng yêu dấu đã đính ước với một quan tân khoa, vinh hiển về làng, võng lọng cờ quạt, người đưa kẻ đón. Đời là bể khổ, tình là dây oan, khi ngộ ra như thế ngài phát nguyện xuống tóc đi tu. Kỷ niệm của một thời yêu nhau say đắm mà ngài còn giữ được là một chiếc khăn thêu đôi uyên ương và chiếc trâm cài đầu, mỗi khi nhìn lại thì những phút mặn nồng như sống dậy trong tâm trí. Hai báu vật đó ngài để ở đáy chiếc rương bằng gỗ một màu nâu sẫm đựng vật dụng cần thiết và những chiếc áo cà sa.



Một ngày đẹp trời khi xếp lại các vật dụng trong chiếc rương gỗ ngài bất giác nhìn lại chiếc khăn thêu và chiếc trâm cài đầu. Cầm chúng trong tay nhưng tâm ngài không vọng động và quả quyết đứng lên đi đến bàn thờ Phật.
- Bạch Đức Thế Tôn…
Đức Phật đã nhìn thấu ý nghĩ của thiền sư nên chỉ nói đúng có một từ:
- Buông!
Thiền sư buông chiếc khăn thêu đang cầm trong bàn tay phải. Chiếc khăn biến thành một con chim bồ câu màu trắng chấp chới đôi cánh rồi bay vụt qua cửa sổ vào bầu trời xanh. Đức Phật dạy tiếp:
- Buông!
Thiền sư buông chiếc trâm cài đầu đang cầm trong bàn tay trái. Chiếc trâm cài đầu biến thành một con chim én nhỏ và cũng bay đi mất. Thiền sư thấy người nhẹ lâng lâng, trong lòng thanh thản, định vái lạy tạ ơn Đức Phật và quay gót lui bước. Đúng lúc đó Đức Phật dạy tiếp:
- Buông!
Thiền sư sửng sốt thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn! Hai tay con cầm hai kỷ vật con đã buông hết cả rồi, bây giờ con còn biết buông cái gì?
- Ta đâu có bảo ông buông các kỷ vật. Lần thứ nhất ta bảo ông buông là đừng chạy theo ngoại cảnh. Lần thứ hai ta bảo ông buông có nghĩa là đừng chấp sáu căn là ngã. Lần thứ ba ta bảo ông buông có nghĩa là không chấp sáu thức là ngã. Đã là người tu hành muốn đắc đạo thì ba cái thứ đó phải buông.
Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Ngoại cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần. Buông hết những thứ đó thiền sư trong câu chuyện của chúng ta chợt đại ngộ. Hay thay! Lành thay!

*Tài liệu tham khảo: Tu là chuyển nghiệp-Hòa thượng Thích Thanh Từ-Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.



1 nhận xét:

NA nói...


LÀNH THAY!