Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Stephen Blank: Quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nga và Việt Nam

(Diên Vỹ chuyển ngữ)

Chính sách của Nga tại Đông nam Á thường được bỏ qua mà chẳng có một nhận định đáng kể nào. Nhưng nếu bỏ qua những thay đổi gần đây trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam sẽ khiến cho ta không nắm bắt được những yếu tố mấu chốt đối với việc hai nhân tố quan trọng ở châu Á này đang đối phó với Trung Quốc đi lên cũng như hiểu được những xu hướng về an ninh châu Á. 

Mặc dù quan hệ Nga-Trung cũng đang ngày càng thắt chặt, ít nhất là để đối phó với Hoa Kỳ, trên thực tế ở Đông nam Á Nga đang thầm lặng nhưng công khai phản đối việc bành trướng của Trung Quốc và thúc đẩy sâu hơn mối quan hệ chính trị - quân sự với Việt Nam.
Bắc Kinh đã liên tục yêu cầu Moscow phải huỷ bỏ việc thăm dò năng lượng trên biển Đông, rõ ràng là để đối phó với những quyền lợi ngày càng tăng cao rõ rệt của Nga trong khu vực. Trong năm 2012, Nga tuyên bố việc muốn quay lại căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh, một bước đi có lẽ có liên quan đến những dự án khai thác năng lượng Nga - Việt trên thềm bờ biển Việt Nam, và với mục đích kềm chế Trung Quốc. Tập đoàn dầu Gazprom cũng đã ký kết một hợp đồng nhằm thăm dò hai khu vực được giấy phép trên thềm lục địa Việt Nam ở biển Đông, chiếm 49% tổng số khác khối dầu ngoài biển, được dự đoán là có đến 1,9 nghìn tỷ feet khối khí đốt và hơn 25 triệu tấn dầu đặc. Những hoạt động này đã khiến Bắc Kinh đòi hỏi Moscow phải rời khỏi khu vực. Nhưng dù im lặng, có lẽ là để tránh khiêu khích Trung Quốc, Moscow vẫn không lùi bước. Từ ấy, Nga đã tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc thăm dò năng lượng trên biển Đông, và có lẽ càng làm cho Trung Quốc quan ngại hơn, là bán vũ khí và hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
Quan hệ giữa Nga và Việt Nam đang thăng hoa khi Hà Nội, rõ ràng là muốn ngăn cản mối đe doạ từ Trung Quốc, đã trở thành khách hàng vũ khí quan trọng của Nga, chủ yếu là mua tàu ngầm và máy bay. Nga và Việt Nam đã là “đối tác chiến lược” từ năm 2001, mối quan hệ này đã được nâng lên thành mức đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Thương mại song phương và trao đổi văn hoá - khoa học đang tăng lên, hiện Nga đang đứng thứ 18 trong 101 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chuyên về các lĩnh vực quặng mỏ, các ngành công nghiệp gia công và sản xuất (đặc biệt là năng lượng). Và Nga cũng đang giúp Việt Nam xây dựng một nhà máy điện hạt nhân.
Nhưng có lẽ mối hợp tác nổi bật và hiệu quả nhất là quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh vừa qua đã phát biểu, “hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự giữa hai quốc gia đã đóng góp phần lớn cho việc tăng cường mối hữu nghị truyền thống và giúp tạo điều kiện phát triển hơn nữa mối hợp tác chiến lược.”
Bên cạnh công khai bày tỏ việc muốn sử dụng Vịnh Cam Ranh, Nga còn giúp Việt Nam xây dựng một căn cứ tàu ngầm và bến tu sửa để hỗ trợ việc bảo trì các loại tàu hải quân khác. Căn cứ tàu ngầm này sẽ chứa các tàu nầm hạng Kilo mà Việt Nam vừa mua của Nga và chắc chắn sẽ được điều động để bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trên biển Đông. Gần đây nữa, cả hai bên đã bắt đầu thảo luận một văn bản nhằm cho phép các tàu chiến của Nga thường xuyên cập bến ở Việt Nam để bảo trì và nghỉ ngơi, mặc dù Vịnh Cam Ranh sẽ không là căn cứ của Nga.
Việt Nam và Nga cũng đã công bố đợt chi trả thứ ba để mua 12 chiến đấu cơ SU-30MK2 có khả năng tấn công tàu chiến và các mục tiêu trên không lẫn đất liền, trong khi đó Việt Nam cũng đặt mua sáu tàu ngầm hạng Varshavyanka, tăng cường thêm cho đội ngũ sáu tàu ngầm hạng Kilo đã có, giúp việc chống tàu ngầm, chống tàu chiến, thám thính và tuần tra trên khu vực tương đối cạn như biển Đông. Những thương vụ này là một ví dụ trong quá trình hiện đại hoá quốc phòng của Việt Nam nhằm chống lại những đe doạ đối với quyền lợi năng lượng ngoài khơi của mình, để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, và ngăn chặn sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khía cạnh này, Việt Nam đang làm những gì mà các quốc gia Đông nam Á khác đang thực hiện nhằm hiện đại hoá hệ thống quốc phòng lạc hậu và chống lại những đe doạ mới.
Nhưng có lẽ khía cạnh nổi bật nhất của những vụ mua bán vũ khí gần đây cũng như những đối thoại cấp bộ là trên thực tế Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông qua một hiệp ước hợp tác quân sự Nga - Việt, giúp chính thức hoá việc hợp tác quốc phòng giữa hai nhà nước. Sự chấp thuận của Medvedev cho phép Bộ Quốc phòng Nga thảo luận những hiệp ước đã hoạch định với chính phủ Việt Nam và cho phép bộ này đại diện cho chính quyền Nga ký kết thoả ước. Hiệp ước đã được hoạch định này sẽ đưa ra những trao đổi về các lựa chọn cũng như thông tin về những biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác để tăng cường an ninh quốc tế và bảo đảm một biện pháp chống khủng bố và kiểm soát vũ khí hiệu quả hơn.
Đương nhiên, mối quan hệ song phưong này không nhắm vào một quốc gia thứ ba nào, hay ít ra là theo lời hai bên. Nhưng rõ ràng là các điểm đỉnh của mối quan hệ này là một hiệp ước mới và những vụ mua bán vũ khí trên nhằm giới hạn mục đích và thái độ lấn lướt của Trung Quốc trên biển Đông. Điều đáng lưu ý là đa số những thông báo này đều do Việt Nam đưa ra, vốn rõ ràng là có toàn bộ lý do để công khai biểu lộ cho Trung Quốc thấy được khả năng lôi kéo hậu thuẫn để tăng cường quân sự và phản đối chính trị đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam không những nhận được hậu thuẫn ngoại giao mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ, nó còn mua thêm vũ khí từ Nga, Thụy Điển và Israel và các quốc gia khác. Thật thế, để tăng cường khả năng C4ISR (Command, Control, Communications, Computers, Intelligence, Surveillance and Reconnaissance - Chỉ huy, Điều khiển, Thông tin, Tính toán, Tình báo, Quan sát và Do thám) của mình, Việt Nam đã đầu tư vào những hệ thống C4ISR mạnh mẽ từ nước ngoài và Máy bay Không người lái (UAV) để bảo vệ các quyền lợi và căn cứ ngoài khơi của mình.
Trong khi Việt Nam đang kết nối một mạng lưới quân sự - chính trị mạnh mẽ bao gồm hậu thuẫn nước ngoài và những tiến bộ bên trong bằng cách sử dụng những khả năng trong và ngoài nước với mục đích phản kháng Trung Quốc, cũng nên lưu ý rằng Nga đang ngày càng tăng cường hậu thuẫn quân sự, kinh tế và chính trị cho Việt Nam, bất chấp những quyền lợi chống Mỹ tương tự cũng như mối hợp tác với Trung Quốc. Rõ ràng đây là một phần của chính sách “chuyển hướng” của Moscow đến châu Á, vốn đã đi trước sự “chuyển hướng” của Hoa Kỳ và với mục đích tiếp sức cho vị trí kinh tế, quân sự và chính trị của Moscow như một cường quốc châu Á độc lập chính đáng.
Bất chấp những quyền lợi được thừa nhận là tương tự với Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng là không hài lòng với những chính sách của Moscow. Trong năm 2012, truyền thông nước này gọi chúng là “không chính đáng” và phân tích rằng mối hợp tác quân sự và năng lượng Nga - Việt cho phép Việt Nam tăng cường việc thăm dò năng lượng trên những khu vực đang bị tranh chấp. Việt Nam nương tựa vào mối hợp tác này với Nga, vì thế ít nhiều Nga cũng có lỗi. Trung Quốc cũng tố cáo một cách chính xác về việc Nga tìm cách quay lại Vịnh Cam Ranh. Những diễn tiến này hỗ trợ cho quan điểm do Jeffery Mankoff đưa ra về những biểu hiện bên ngoài về tình hữu nghị Nga - Trung chỉ là giả tạo. Ông nhận xét:
Moscow quảng bá mối hợp tác với Bắc Kinh đa phần chỉ để chứng minh với thế giới rằng Nga vẫn mang tầm ảnh hưởng, trong khi Trung Quốc xem đó như là một phương pháp rẻ tiền để làm vừa lòng Nga. Vì thiếu vắng một lịch trình chung nên quan hệ hợp tác chỉ giới hạn trong những lĩnh vực mà quyền lợi của hai bên đã giao thoa, ví dụ như đẩy mạnh thương mại. Tại những khu vực trên thế giới mang tầm quan trọng đối với cả hai, Trung Quốc và Nga giống như đối thủ hơn là đồng minh… Mối hợp tác hời hợt giữa quân đội Nga và Trung Quốc cũng chẳng làm thay đổi thực tế rằng thái độ hung hăn của Trung Quốc đang khiến Nga quan tâm không kém gì Hoa Kỳ. Các tư lệnh quân đội Nga thừa nhận rằng họ xem Trung Quốc như là một đối thủ tiềm năng, mặc dù những công bố chính thức vẫn tiếp tục chú trọng vào Hoa Kỳ và khối NATO. Vào tháng Bảy 2010, Nga đã thực hiện một cuộc tập trận lớn nhất trước đây trong đó chú trọng vào việc bảo vệ những khu vực thưa dân ở miền Viễn Đông Nga trước một kẻ thù không nêu danh với những tính chất rất giống Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Nếu đúng thế, quan hệ Nga - Trung sẽ không nguy hiểm đối với Hoa Kỳ như một số người vẫn quan ngại. Đương nhiên, cũng không nên chủ quan vì hai chính phủ này rõ ràng là sẽ cấu kết với nhau để ngăn cản vô số những đề xướng của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở châu Á thì chúng ta có thể thấy có thêm những cạnh tranh và thủ đoạn để kiếm hậu thuẫn và ảnh hưởng bởi cả những cường quốc lớn như Nga và Trung Quốc cũng như bởi những quốc gia hạng trung ngày càng có khả năng như Việt Nam, tạo thêm phần phức tạp đối với những lịch trình an ninh vốn đã rắc rối của châu Á .

Không có nhận xét nào: