Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

TÀU ĐIỆN – “ĐẶC SẢN” HÀ NỘI MỘT THỜI (Việt Dũng)

         Gọi tàu điện Hà Nội năm xưa là “đặc sản” cũng không sai, vì những năm chiến tranh chống Mỹ và suốt thời bao cấp, cả miền Bắc khi đó chỉ có Hà Nội là có tàu điện. Bởi vậy, một trong những kỷ niệm về Hà Nội không bao giờ phai mờ của lũ con trai chúng tôi, là kỷ niệm về những chuyến tàu điện với tiếng chuông “leng… keng…” vang vọng suốt tuổi thơ.
Tàu điện HN những năm 70s.




        Có thể nói, di sản vật chất hiện hữu của người Pháp còn lại trên đất Hà Thành sau năm 1954, ngoài những dãy phố Tây với những ngôi biệt thự đẹp như tranh, những công trình kiến trúc nổi tiếng như Phủ Chủ Tịch, Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn… còn có một loại hình vận tải công cộng rất đặc trưng là tàu điện chạy trên đường ray. Những năm 1969 – 1970, khi lứa học sinh chúng tôi bước vào đầu cấp III thì đã kết thúc thời kỳ sơ tán lần thứ nhất (1965 – 1968). Đây chính là thời gian lũ học trò chúng tôi “quan tâm” tới tàu điện nhiều nhất, chắc vì đã đủ lớn để nhảy tàu.  Hễ cứ có buổi học nào tan sớm, hay có tiết trốn học mà chúng tôi gọi là “bát tiết”, y như rằng lũ con trai lại rủ nhau ra Bờ Hồ chơi và rình lúc thuận lợi là nhảy tàu điện để đi du lịch miễn phí quanh thành phố. Lúc thì bám tàu tuyến Bờ Hồ - Thụy Khuê để lên chơi vườn Bách Thảo (trong Sài Gòn gọi là Thảo Cầm viên), lúc thì nhảy tàu điện Bờ Hồ - Chợ Mơ xuống phía Nam Hà Nội để vào chợ xem chó, mèo và cây cảnh. Giáp Tết âm lịch thì theo tàu điện vào tận Hà Đông rồi nhảy xe khách để vào làng pháo Bình Đà mua pháo về chơi Tết. Cái cảm giác đi chơi trốn vé của lũ học trò chúng tôi thật hồi hộp vì cũng có phần lo sợ. Các chú bán vé tàu điện mặc quần áo ka-ki màu xanh công nhân, đội cái mũ lưỡi trai vải lấm lem dầu mỡ, tay cầm cặp vé như cuốn sổ tay bằng vải bạt cứ nhìn thấy lũ học trò là lại chạy tới, đuổi từ toa này sang toa khác, chắc là cũng đuổi cho chúng tôi sợ thôi, chứ biết bọn tôi là lũ nhảy tàu thiện nghệ nên nhiều lúc cũng lơ đi. Bọn tôi cứ nhác thấy bóng chú bán vé là kêu nhau báo động: “Xơ vơ…Xơ vơ…!” (tức là xé vé), rồi lủi nhanh như chuột sang toa bên cạnh. Khi tàu gần đến điểm đỗ, thì những hành khách đi lậu vé như chúng tôi lại lần lượt nhảy xuống và “đậu” nhẹ nhàng trên mặt đất trong khi tàu vẫn đang chạy.


        Nói về các “kỹ thuật bổ tàu” thời đó là cả một câu chuyện dài, được lưu truyền trong giới thanh, thiếu niên Hà Nội thời bao cấp như những chương, hồi của truyện chưởng không có hồi kết. Nào là “bổ xuôi”, “bổ ngược”, nào là “bám cửa”, rồi “đu boong”… Mà chắc chắn kỹ thuật nhảy tàu điện khi đó có hai “hạng” người được coi là “cao thủ tuyệt kỹ”, đó là giới móc túi chuyên nghiệp, thường được xã hội gọi là “dân hai ngón” và những người truy đuổi chúng, đó chẳng phải ai xa lạ, họ chính là những công an hình sự, mà thanh, thiếu niên Hà Nội thường gọi là “lính số 7 Thiền Quang”. Theo như trí nhớ của tôi, thì mỗi khi lên tàu điện, lũ nhóc chúng tôi phát hiện “dân hai ngón” không mấy khó khăn. Họ là những tay anh, chị mặt mày khá bặm trợn, đầu đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội “cả cây”, nhưng áo bỏ ngoài quần, chân đi dép đúc, trông rất “quân khu”, chuyên đi tàu “chui” không vé để hành nghề, họ có kiểu xuống tàu gọi là “bổ ngược”, hay “lá vàng rơi”, tức là không nhảy xuôi theo hướng đoàn tàu chạy, mà nhảy quay ngược lại 180 độ. Khi đã “ăn được hàng”, “dân hai ngón” có thể xuống tàu bất cứ đâu họ muốn, khi tàu đang lao rất nhanh, họ bám ở cửa lên xuống rồi đột ngột quăng người ra khỏi tàu mà mặt thì quay ngược lại với hướng tàu chạy và nhẹ nhàng dang hai tay đáp xuống đường trước con mắt khâm phục của lũ học trò chúng tôi. Ngay cả cách gọi mức án của dân anh chị Hà Nội thời đó cũng gắn với những từ ngữ rất… tàu điện là: “Thằng này tòa xử đi tàu nhanh” (tức án nhẹ), “Thằng kia đi tàu suốt” (tức án nặng). Còn trong “dân gian” có danh từ chỉ những kẻ gàn, đầu óc “có vấn đề” là “Thằng này bị leng…keng” hay “Đồ lái tàu điện”.
Dọc phố Hàng Đào.

Bám tầu điện.

       Lũ học trò chúng tôi chỉ dám nhảy tàu lúc tàu điện đi chậm, và thường chỉ dám “bổ xuôi”. Nghe nói học sinh trường Chu Văn An (trường sáng) và trường Ba Đình (trường chiều) có nhiều “lính Trỗi” vừa giỏi võ, vừa “bổ ngược” tàu cũng rất thiện nghệ. Đi tầu điện trốn vé kiểu “đu boong” là khi tàu vừa chuyển bánh, cả lũ trẻ con ba, bốn đứa chạy theo toa tàu cuối, nhảy lên ngồi vắt vẻo ở thanh sắt to sau tàu, nơi có đoạn khớp nối để nối toa khi cần. Những lúc đi chơi qua khu ga trung chuyển các chuyến tàu ở Bờ Hồ, tôi và bạn bè thường mải mê nhìn các chuyến tàu xuôi, ngược với tiếng chuông “leng…keng…” rất đặc trưng và thích thú nhìn các chú lái tàu cầm sợi thừng rất to kéo cần tiếp điện (gọi là cần vẹt) ra khỏi dây dẫn trên cao và xoay ngược lại để chuyển hướng con tàu.
       Theo sử sách, tàu điện Hà Nội do người Pháp xây dựng có từ những năm đầu thế kỷ XX. Ngày 13 tháng 9 năm 1900 tuyến đường tàu điện đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê đưa vào vận hành thử, vì có tuyến này, chợ Đồng Xuân đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. Sang năm 1901 có thêm tuyến Bờ Hồ - Thái Hà ấp, lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng). Hai năm sau mới bỏ đoạn Cửa Nam – Sinh Từ - Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới sau lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột. Năm 1906, người Pháp tiến hành làm tuyến đường Bờ Hồ - Chợ Mơ. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê lên tận Chợ Bưởi. Năm 1915 tuyến đường tàu điện Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào tới thị xã Hà Đông, nhưng các đoàn tàu phải dừng ở bên này Cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Trong năm 1929 có thêm tuyến Yên Phụ - ngã Tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn), để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai). Như vậy là tới năm 1929, từ ga tàu điện trung tâm Bờ Hồ (nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) toả ra 6 ngả: lên Yên Phụ, chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng, tức là hướng ra 6 cửa ô nối khu vực nội thành với vùng nông thôn ngoại thành.
       Cùng với những hồi ức xưa cũ về tàu điện, thế hệ chúng tôi vẫn còn có dịp được nghe những nghệ nhân khiếm thị đường phố, mắt đeo kính đen, với cây nhị và cái song loan (nhạc cụ dùng để điểm nhịp khi hát) nhỏ cầm tay đi lang thang hát “xẩm” kiếm sống ở Bờ Hồ và cả trên những chuyến xe điện ngược xuôi khắp thành phố. Theo tài liệu lịch sử văn hóa Hà Nội ghi chép, thì trong những bài xẩm rất thịnh hành thời trước, có cả một bài tên là “Xẩm xe điện”, có lời như sau:
         - "Xưa nay có thế bao giờ
           Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba
          
Đàn ông cho chí đàn bà
          
Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên.
          
Ba xu ghế gỗ rẻ tiền
          
Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng
          
Năm xu ngồi ghế đệm bông
          
Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình”.
 
Đường tàu trên đường Hàng Bài đã bị bóc.
         Cho đến những năm 1980 của thế kỷ trước, không hiểu vì ký do gì mà chính quyền thành phố Hà Nội lại quyết định xóa bỏ tàu điện ra khỏi danh mục các phương tiện giao thông công cộng. Vậy là “một đặc sản văn hóa – giao thông” vô cùng tiện lợi và rẻ tiền của Hà Nội vĩnh viễn mất đi. Nhiều bạn trẻ có dịp đi du học ở một số nước châu Âu, khi về nước vẫn khoe bạn bè mấy tấm ảnh tàu điện cổ kính hàng trăm năm tuổi được gìn giữ và tiếp tục vận hành để phục vụ đời sống dân sinh và làm du lịch. Xe điện Hà Nội “đặc sản” một thời đã đi vào dĩ vãng. Tiếc lắm thay.



7 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Hay. Từng đi 1 số nước, vẫn thấy tầu điện bánh sắt, thậm chí chạy tốc đô 50-60km/g. Thế mà ta lại dỡ đi.

BỜM nói...

Kỷ niệm thời ấu thơ bao giờ cũng làm ta xúc động. Dỡ TÀU ĐIỆN là thiếu tầm nhìn của lãnh đạo TP Hà Nội. Giờ Chính quyền Thủ đô lại đang cho khôi phục tàu điện trên cao tuyến Hà Nội - Hà Đông.

Nặc danh nói...

Tàu điện trên cao là hết "bổ tàu" nhỉ!

HMK6

Nặc danh nói...

Bổ đi đâu giờ???

TranKienQuoc nói...

Nói về Tầu điện không thể không kể đến đội quân vác phích (bán kem dạo) như có bài Việt Dũng đã viết và bán dầu cao con hổ nổi, bán thuốc sâu răng, thuốc hôi nách 3 con 3... Sẽ có những bài về chuyện này.

Nặc danh nói...

Thật buồn là khi phá hệ thống tàu điện họ lại chuyển sang lắp đặt hệ thống xe buýt điện bánh hơi, chi rất nhiều tiền của nhưng không "sống" được lại bỏ đi. Thật là ngu dốt.

NH nói...

Mình không được đi tàu điện từ bé như mọi người. Nhưng đến năm 1966 trở đi cũng được nhảy bám tàu điện các tuyến Bờ Hồ Hàng Bài Phố Huế, Bờ Hồ-Cầu giấy, Bờ Hồ - Yên Phụ ...trong vai người lính. Đến năm 1985 mình được nghe một chuyên gia Mỹ về GT nói chuyện, ông ta nói tôi rất tiếc là Hà Nội vừa dỡ bỏ các tuyến tàu điện. Cái mà ông ấy ước ao ở Mỹ có các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện bánh sắt, bánh hơi phát triển để giảm xe con ờ các thành phố Mỹ. Lúc đó mình mới vỡ lẽ là việc bỏ xe điện của ta là nước cờ đi ngược chứ không đơn thuần là tiếc không được nghe tiếng leng keng quen thuộc. Thế đấy! NH